Thursday, 16 June 2022

NGA "LỌT" QUA "KẼ HỞ" ĐỂ VẪN KIẾM TIỀN TỪ XUẤT KHẨU DẦU THÔ NHƯ THẾ NÀO? (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Nga “lọt” qua “kẽ hở” để vẫn kiếm tiền từ xuất khẩu dầu thô như thế nào?

Lê Tây Sơn
14 tháng 6, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/nga-lot-qua-ke-ho-de-van-kiem-tien-tu-xuat-khau-dau-tho-nhu-the-nao/

 

.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/Phan-doi-Nga-GettyImages-1-1024x683.jpg

Người dân ở Minnesota tập hợp kêu gọi không mua dầu của Nga, ủng hộ Ukraine, chủ quyền của Ukraine và ngăn chặn cuộc chiến do Nga gây ra ở Ukraine. (ảnh: Getty Images)

 

Sau những nỗ lực hạn chế nhập khẩu từ Nga, khoản tiền Nga thu được từ dầu khí dư sức cho chi phí hàng ngày trong cuộc chiến Ukraine.

 

Nga đã kiếm được $97 tỉ từ xuất khẩu dầu thô và khí đốt kể từ khi xâm lược Ukraine, trong đó có một số lượng đáng kể dầu tinh lọc (không bị cấm vận) được bán cho thị trường Mỹ và châu Âu. Khoản tiền Nga thu được từ dầu khí dư sức cho chi phí hàng ngày trong cuộc chiến Ukraine.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/Phan-doi-Nga-GettyImages-2-1024x683.jpg

Công nhân sửa chữa một giếng dầu thuộc sở hữu của công ty ở Nefteyugansk, Siberia. Yukos là công ty dầu khí tổng hợp có trụ sở chính tại Moscow, Nga và là một trong những công ty dầu khí ngoài quốc doanh lớn nhất thế giới tính theo trữ lượng và giá trị vốn hóa thị trường. (Minh họa: Oleg Nikishin / Getty Images)  

 

Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho biết doanh thu xuất khẩu dầu thô của Nga giảm từ Tháng Ba, do nhiều quốc gia tránh xa nguồn cung Nga, nhưng thực tế cho thấy trong 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine (từ ngày 24 Tháng Hai đến ngày 3 Tháng Sáu) Nga vẫn kiếm được khoản tiền “khủng” từ xuất khẩu năng lượng nhờ lấy giá cao bù giảm nhu cầu.

 

CREA cũng cảnh báo về “những kẽ hở tiềm ẩn trong nỗ lực hạn chế nhập khẩu từ Nga khiến hiệu quả không cao”. EU, Mỹ và Anh là một trong số quốc gia cam kết cắt giảm nhập khẩu của Nga. Tuy nhiên nhiều quốc gia vẫn làm cách này hay cách khác để có được dầu thô Nga. Liên minh châu Âu (EU) chiếm đến 61% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga, khoảng $59 tỉ.

 

Dù xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga tiếp tục giảm và doanh thu từ bán năng lượng của Moscow cũng giảm so với đỉnh cao hơn $1 tỉ mỗi ngày trong Tháng Ba, nhưng khoản doanh thu này vẫn dư sức “bù chi” trong cuộc chiến Ukraine mà theo ước tính của CREA, Nga chi khoảng $876 triệu mỗi ngày, trong 100 ngày đầu tiên.

 

EU có kế hoạch (vẫn chỉ là kế hoạch) cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển vào cuối năm 2022, để cắt giảm 2/3 lượng nhập khẩu. Tháng Ba qua, khối cũng cam kết giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể thống nhất về một lệnh cấm hoàn toàn, và sự thống nhất vẫn sẽ không có trong tương lai.

 

Trong khi đó, Mỹ đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá của Nga. Vương Quốc Anh chỉ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. Dù CREA nhận định “Kế hoạch cấm vận dầu mỏ của EU dù chưa hoàn hảo vẫn sẽ có tác động đáng kể,” Trung tâm cũng lên tiếng báo động một lượng lớn dầu thô của Nga hiện đang được chuyển đến Ấn Độ.

 

“Nga tăng lượng xuất khẩu dầu thô đến Ấn Độ từ khoảng 1% trước khi xâm lược Ukraine lên 18% vào Tháng Năm qua. Một phần đáng kể lượng dầu thô này được “phù phép” và bán lại cho khách hàng, đa số ở Mỹ và châu Âu. Đây là là lỗ hổng quan trọng cần bít lại”.

 

Nói rõ hơn, ngày càng có nhiều dầu của Nga được xuất khẩu sang Ấn Độ để lọc và sau đó một lượng đáng kể thành phẩm tìm đường quay trở lại thị trường châu Âu. Lý do, các sản phẩm tinh chế như xăng không nằm trong lệnh cấm của EU (chỉ cấm dầu thô). Đây lại là kẽ hở khác. Theo ý kiến của CREA, các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với các tàu vận chuyển dầu thô của Nga sẽ hạn chế đáng kể phương cách lách cấm vận này.

 

Khi Nga tìm kiếm thị trường mới cho dầu thô, phần lớn dầu được vận chuyển bằng tàu biển, và phần lớn tàu được sử dụng thuộc sở hữu của các công ty châu Âu và Mỹ. Với việc dầu của Nga được chuyển hướng từ các đường ống để lên tàu đến các thị trường mới, nhu cầu về các tàu chở dầu ngày càng tăng. Vì vậy cần có đối sách với những con tàu này. “Không chỉ Ấn Độ, các quốc gia khác cũng đang tăng cường nhập khẩu nhiên liệu của Nga gồm Pháp, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả-rập Saudi để tận dụng giá dầu Nga rẻ hơn.” Bản báo cáo viết.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/06/Phan-doi-Nga-GettyImages-3-1024x683.jpg

Dân Đức biểu tình hôm 19 Tháng Ba, 2022 chống chiến tranh giữa Nga và Ukraine và yêu cầu chính phủ Đức hành động nhiều hơn để ngừng hành động quân sự của Nga tại Ukraine (ảnh: Getty Images)

 

Rõ ràng, những phát hiện của CREA là tin rất xấu cho Ukrane và cho cả phương Tây trong cuộc đối đầu với Nga. Nga đang sử dụng rất tốt “lá bài” năng lượng để chi cho cuộc chiến ở Ukraine nhờ mức giá cao bù đắp cho mức cầu giảm. Điều mà phương Tây đã dự báo từ trước nhưng lại lúng túng và chưa tìm ra giải pháp đồng thuận.

 

Hệ quả là cú đánh vào nguồn tài chính tài trợ cho cuộc xâm lược của Nga vẫn chưa phát huy hiệu quả, ít nhất là vào lúc này. Trong khi đó, những gì phương Tây cấm vận thì Nga đang tìm mọi cách tìm kiếm trên thị trường chợ đen. Nhưng nói thế không có nghĩa là cuối cùng áp lực đối với Moscow sẽ không thể diễn tiến như mong muốn.

 

Các tác giả của báo cáo kỳ vọng trong vài tháng nữa, lệnh cấm vận một phần của EU đối với dầu mỏ Nga sẽ làm giảm doanh thu dầu khí của Nga khoảng $36 tỉ một năm (dĩ nhiên là nếu Nga không còn đòn phép nào khác). Dù xuất khẩu khí đốt của Nga đã giảm đáng kể trong khi EU tiếp tục tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga thì việc kềm chân Nga chỉ có kết quả khi các lệnh cấm vận có hiệu lực thực sự, chứ không chỉ trên giấy.

 

(theo BBC)

 

------------------

Đọc thêm:

-Lỗ đen trong dòng chảy vũ khí Mỹ đến Ukraine





No comments:

Post a Comment

View My Stats