Monday, 6 June 2022

LIÊN HIỆP QUỐC LÊN ÁN LỐI SỐNG TIÊU THỤ LÀM SUY KIỆT CÁC HỆ SINH THÁI (Trọng Thành / RFI)

 



Liên Hiệp Quốc lên án lối sống tiêu thụ làm suy kiệt các hệ sinh thái

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 05/06/2022 - 14:37

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220605-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-l%C3%AAn-%C3%A1n-l%E1%BB%91i-s%E1%BB%91ng-ti%C3%AAu-th%E1%BB%A5-l%C3%A0m-suy-ki%E1%BB%87t-c%C3%A1c-h%E1%BB%87-sinh-th%C3%A1i

 

Hôm nay là Ngày Môi trường Thế giới, 05/06/2022. Nhân dịp này, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phát đi thông điệp lên án lối sống tiêu thụ hiện nay, ‘‘lấy quá nhiều từ Thiên nhiên’’. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến các hệ sinh thái cạn kiệt.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/82fc08a0-e4d7-11ec-b412-005056a9a7b9/w:1024/p:16x9/Vietnam_Ecologie.webp

Hòa hợp với thiên nhiên là con đường thoát khỏi đại khủng hoảng môi trường. Trong ảnh, một nông dân Việt Nam sử dụng "than sinh học" để bón ruộng. © Ảnh chụp màn hình : Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc - PNUE/Lisa Murray

 

Trong thông điệp được đăng tải hôm qua, 04/06, tổng thư ký Antonio Guterres nhận định : ‘‘Chúng ta đang đòi hỏi quá nhiều từ hành tinh của chúng ta, nhằm duy trì các lối sống không bền vững hiện nay. Các hệ sinh thái của Trái đất không thể cung cấp cho chúng ta tất cả những gì chúng ta trông đợi’’. Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh là nhân loại chúng ta chỉ có một ‘‘hành tinh duy nhất’’, nơi tương tựa ‘‘duy nhất’’. Nếu hành tinh này lâm nguy thì sự sống của con người cũng bị đe dọa.  

 

Nhân dịp này, giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (PNUE), Inger Andersen, nhắc lại Ngày Môi trường Thế giới ra đời năm 1972 tại Stockholm, Thụy Điển, có mục tiêu thúc đẩy cộng đồng quốc tế nỗ lực ‘‘bảo vệ không khí, đất đai, nước, điều kiện cho cuộc sống của nhân loại’’.  50 năm sau Ngày Môi trường Thế giới ra đời, báo động về môi trường ngày một khẩn thiết.

 

Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh là ‘‘hơn 3 tỉ cư dân trên hành tinh (tương đương với một nửa dân số thế giới) đang là nạn nhân của sự suy kiệt của các hệ sinh thái’’. Ô nhiễm không khí khiến gần 9 triệu người chết sớm hàng năm. Hơn một triệu giống loài động, thực vật có nguy cơ biến mất, đa số ngay trong những thập niên tới.  

 

Biến đổi khí hậu là đe dọa hàng đầu. Gần một nửa nhân loại đang sống tại các khu vực mà khí hậu đang là mối đe dọa sống còn. Cư dân tại các khu vực này có nguy cơ tử vong nhiều hơn 15 lần so với các nơi khác, do các hệ quả của biến đổi khí hậu, như nóng cực độ, khô hạn hay bão lũ.... Trong vòng 5 năm tới, xác suất lên đến 50% là sẽ có một năm nhiệt độ Trái đất vượt quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp. Cố gắng để giữ nhiệt độ tăng không quá 1,5°C là nội dung của Hiệp định Khí hậu Paris (2015), bởi vượt quá mức này, các thảm họa thiên nhiên do khí hậu bị hâm nóng sẽ vượt quá khả năng đối phó của nhân loại.

 

Giải pháp sống còn duy nhất : Sống hòa hợp với thiên nhiên 

 

Tổng thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh cùng lúc đến trách nhiệm của giới lãnh đạo chính trị, giới doanh nghiệp và mỗi người. Nỗ lực để tránh ba cuộc đại khủng hoảng đe dọa sự sống còn của nhân loại, đại khủng hoảng về khí hậu, đại khủng hoảng về ô nhiễm và đại khủng hoảng do đa dạng sinh học bị hủy diệt. ‘‘Giải pháp sống còn duy nhất là sống hòa hợp với thiên nhiên, chứ không phải khuất phục thiên nhiên’’.  

 

‘‘Điều quan trọng là phải quản lý thiên nhiên một cách đúng đắn, và cần bảo đảm việc sử dụng các dịch vụ, mà thiên nhiên mang lại, diễn ra một cách công bằng, đặc biệt đối với những người và những cộng đồng dễ tổn thương nhất’’, theo tổng thư ký Antonio Guterres.  

 

Thời gian còn lại là rất ít ỏi. Nhân loại đang trong ‘‘cuộc đua nước rút’’ là thông điệp mà Liên Hiệp Quốc muốn nhắn gửi đến cộng đồng quốc tế. 

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

PHÁP - KHÍ HẬU - SINH THÁI

Năm 2022: Dân Pháp bắt đầu ''ăn lạm'' vào Thiên nhiên từ ngày 5/5

QUỐC TẾ - MÔI TRƯỜNG

GIEC : Đối phó hâm nóng khí hậu, cần hành động « ngay bây giờ », nếu không quá muộn

TẠP CHÍ XÃ HỘI

9 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm môi trường, nhiều hơn bệnh tật, khủng bố và chiến tranh





No comments:

Post a Comment

View My Stats