Thursday, 24 October 2019

CỰU TỔNG TRƯỞNG HOÀNG ĐỨC NHÃ : VNCH KHÔNG BẢO BÁO CHÍ VIẾT TỐT CHO CHÍNH QUYỀN (VOA Tiếng Việt)




23/10/2019

Những người cầm quyền thời Đệ nhị Cộng Hòa “không đề nghị báo chí viết có lợi cho chính quyền”, cựu Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi Hoàng Đức Nhã nói tại một hội thảo vừa diễn ra ở trường Đại học bang Oregon.

Cựu quan chức cấp cao của Việt Nam Cộng Hòa cũng nhấn mạnh rằng Hiến pháp 1967 “cấm chỉ” mọi hình thức kiểm duyệt báo chí, còn Hiến pháp 1956 trước đó không có quy định về kiểm duyệt.

Cựu Tổng trưởng Hoàng Đức Nhã tại hội thảo của trường Đại học Oregon, 15/10/2019

Về tổng thể, tham luận của vị cựu tổng trưởng tại cuộc hội thảo trong hai ngày 14-15/10 về chủ nghĩa cộng hòa ở Việt Nam cung cấp một bức tranh toàn cảnh gồm nhiều gam màu sáng tối tương phản nhau về thực tế hoạt động của báo chí ở Nam Việt Nam trong thời kỳ 1955-1975.

Ông Nhã, thành viên nội các dưới quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong hai năm 1973-1974, nói rằng báo chí Nam Việt Nam phát triển qua 3 giai đoạn.

Thời Đệ nhất Cộng hòa 1955-1963 dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm, là giai đoạn thứ nhất, khi đó, báo chí “chỉ là cơ quan ngôn luận của chính quyền”, ông Nhã tóm tắt trong tham luận.

Trong 4 năm quân quản, 1963-1967, báo chí bùng nổ về số lượng và “khá hỗn loạn”, vẫn theo ông Nhã.

Giai đoạn cuối, thời Đệ nhị Cộng hòa 1967-1975, báo chí được xem là “có hình hài” hơn cả, phản ánh các cảm xúc của người dân, ông Nhã nhận định.

Trong mọi giai đoạn, các chính thể đều thực thi quyền tự do báo chí, ngoại trừ 3 hạn chế gồm không được sử dụng báo chí “gây hại an ninh quốc gia, làm tổn hao tinh thần công chúng, và vu khống người khác”, theo tham luận của ông Nhã, người từng là Bí thư riêng và Bí thư Báo chí của Tổng thống Thiệu từ cuối năm 1967 đến đầu năm 1973.

Cựu Tổng trưởng Hoàng Đức Nhã trình bày tham luận tại hội thảo của Đại học Oregon, 15/10/2019

Đi vào chi tiết, cựu Tổng trưởng Hoàng Đức Nhã nói 3 năm đầu của Đệ nhất Cộng hòa chứng kiến báo chí nói chung ủng hộ chủ thuyết chính trị nhân vị của Ngô Tổng thống. “Báo chí rất dè dặt về việc chỉ trích”, ông Nhã nói.

Vào khoảng năm 1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính quyền bắt đầu có lập trường cứng rắn với báo chí, với việc đóng cửa một số tờ báo đầu tiên vì họ chỉ trích chính quyền.

Những động thái của chính quyền mạnh tay đến mức làm cho báo chí không dám đưa tin hay bình luận về các sự kiện quan trọng như cuộc nổi dậy ở Bến Tre năm 1960, các cuộc đảo chính và ném bom Dinh Độc lập năm 1962, và tuyên ngôn đòi thay đổi chế độ của Nhóm Tự do Tiến bộ, hay còn gọi là Nhóm Caravelle.

Báo chí phải chờ đến khi thông tấn xã nhà nước hay Cố vấn Tổng thống, ông Ngô Đình Nhu, đưa ra thông tin rồi mới tường thuật bằng các dữ kiện, không kèm theo bất cứ bình luận nào.

“Họ thực sự không muốn bị bên an ninh ‘hỏi thăm’ và cuối cùng là phải vào trại giam”, ông Nhã nói.

Chỉ khi phong trào đối lập của Phật giáo và sinh viên mạnh lên, báo chí mới trở nên xông xáo hơn, theo tham luận của cựu Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi.

Cuộc đảo chính cuối năm 1963, với cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, đặt dấu chấm hết cho Đệ nhất Cộng hòa, mở ra một giai đoạn chuyển tiếp “hỗn loạn” cho báo giới.

Một phiên thảo luận tại hội thảo về chủ nghĩa cộng hòa ở Việt Nam; ĐH Oregon, 14/10/2019

Trong giai đoạn quân quản này, các viên tướng muốn lấy lòng báo giới nên đã để cho họ phát triển “thoải mái” và số lượng các tờ báo đã “bùng nổ”, theo lời ông Nhã.

Có thể phân chia ra thành ba loại báo, ông nói. Một loại là nơi trình bày cương lĩnh của một số cá nhân, một số vị tướng. Hai là cơ quan ngôn luận của các nhóm chính trị, các nhóm tôn giáo; và cuối cùng là báo chí thương mại thuần túy, khai thác các chuyện giật gân, tình dục, v.v… để bán báo.

Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ trong giai đoạn này cố đưa báo chí vào khuôn khổ bằng 2 quy định hành chính, bao gồm cả việc phạt tiền, và 1 hội đồng báo chí độc lập, phi chính phủ. Nhưng các biện pháp này hầu như không có tác dụng, ông Nhã cho biết.

Ông cũng lưu ý rằng có một điều đáng chú ý nữa ở thời kỳ này là sự đổ bộ ồ ạt của báo chí nước ngoài, song song với tiến trình “Mỹ hóa chiến tranh” ở Nam Việt Nam kể từ năm 1965.

“Từ khoảng 25 người năm 1964, số thông tín viên nước ngoài tăng lên gần 600 người. Họ đến từ Mỹ và 5 nước khác”, thông tin trong bài tham luận của ông Nhã ghi nhận.

Hoạt động của các phóng viên ngoại quốc này có tác động đáng kể đến cuộc chiến Việt Nam, ông nói, đặc biệt là các tin bài của họ chứa đựng quá nhiều “cảm xúc”, và điều đó thật là “nguy hiểm”.

Hai năm sau khi Đệ nhị Cộng hòa bắt đầu, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cố gắng chấn chỉnh báo chí để có nhiều tờ báo “nghiêm túc” hơn số lượng báo “thương mại”.

“Vào tháng 12/1969, Quốc hội VNCH thông qua Luật Báo chí đầu tiên, số 019/69. Luật đó về sau được sửa đổi, thay thế bằng luật 07/72”, cựu Tổng trưởng Hoàng Đức Nhã nói tại hội thảo.

Luật 07/72 ra đời trong bối cảnh các lực lượng cộng sản Bắc Việt tấn công ở cả 3 vùng chiến thuật vào năm 1972, cũng là năm xuất hiện nhiều nhóm chính trị chống chính quyền, đứng sau nhiều cuộc biểu tình, trong khi báo chí mỗi lúc một mạnh miệng hơn.

Tình hình đó khiến Tổng thống Thiệu đề nghị quốc hội trao đặc quyền về tình trạng khẩn cấp.

Để cử tọa có thể hình dung về bình diện rộng hơn, vị cựu tổng trưởng so sánh rằng tổng thống độc tài của Nam Hàn, Park Chung Hee, tuyên bố thiết quân luật năm 1972 ở một đất nước không có chiến tranh, trong khi với hoàn cảnh nguy ngập hơn nhiều, Tổng thống Thiệu mới “xin đặc quyền” và được quốc hội chấp thuận.

Trả lời phỏng vấn riêng với VOA, ông Nhã gọi đó là “một điểm son của VNCH vì đã làm theo Hiến pháp, theo luật lệ”.

Một phần tham luận của ông Hoàng Đức Nhã tại hội thảo của Đại học Oregon, 15/10/2019

Tham luận của ông Nhã tại hội thảo cho hay phiên bản thứ hai của luật báo chí gây ra nhiều tranh cãi và bị báo chí phản ứng mạnh vì họ coi đó là “kiểm duyệt trá hình”.

Luật 07/72 có các quy định về nộp bài trước nhiều giờ để chính quyền xem có vi phạm 3 điều hạn chế nêu trong Hiến pháp hay không, và nộp tiền đặt cọc lên đến 46.000 đô la đề phòng trường hợp báo bị phạt, ông Nhã cho biết thêm.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu “không hề đề nghị báo chí viết có lợi cho chính quyền”, cựu Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi Hoàng Đức Nhã khẳng định, với tư cách vừa là người trong cuộc, vừa là nhân chứng lịch sử.

Sau năm 1972, các diễn biến chính trị đưa đến Hiệp định Hòa bình đầu năm 1973 cũng làm cục diện báo chí ở Nam Việt Nam thay đổi lớn, với việc các báo bắt đầu trở nên “cực kỳ chống chính phủ”, ông Nhã nói.

“Điều đáng buồn là sau khi toàn bộ đất nước Việt Nam có cái gọi là hòa bình, chẳng có tờ nhật báo nào của thời VNCH còn sống sót được”, cựu Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi Hoàng Đức Nhã nói với hội thảo trong phần kết của bài tham luận.

Sách của các diễn giả tại hội thảo về chủ nghĩa cộng hòa ở Việt Nam; Đại học Oregon, 14-15/10/2019

Nói với VOA bên lề hội thảo, ông Nhã bày tỏ rằng qua tham luận của mình ông muốn nói ra “những sự thật về chính trị, về chiến tranh” ở Nam Việt Nam với các nhà nghiên cứu, trong đó có nhiều học giả trẻ người Mỹ gốc Việt.

Hội thảo về “quan điểm, khuynh hướng cộng hòa” ở Việt Nam trong giai đoạn 1955-1975 có sự tham gia của hàng chục học giả, nghiên cứu sinh đến từ Mỹ, Việt Nam, Anh, Úc và Đức.
Nhìn chung, các tham luận cho rằng các cơ chế, tập quán chính trị, giáo dục, kinh tế, văn nghệ, tôn giáo ở VNCH đều tự do, nhân bản hơn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền bắc trong giai đoạn 1955-1975.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các cơ chế, tập quán đó dù có giá trị tuyệt vời về dài hạn song không phù hợp trong hoàn cảnh VNCH đang có một cuộc chiến dữ dội với các lực lượng cộng sản, thậm chí phần nào còn làm suy yếu sự tập trung, đoàn kết và tinh thần của VNCH, đưa đến kết cục tháng 4/1975.

------------------------------------------

HỘI THẢO VỀ VNCH TẠI ĐẠI HỌC OREGON

21/10/2019
.
.
.

****
VOA Tiếng Việt     23/10/2019
.
.
Quốc Phương  (BBC News Tiếng Việt)
  -  YOU TUBE
SBTN 






No comments:

Post a Comment

View My Stats