28/10/2019
The personal is political – Vấn đề cá nhân
là (phạm trù) chính trị
*
Sự kiện 39 thi thể được tìm thấy trên thùng của chiếc
xe vận tải tại gần thủ đô London của Anh, trong đó có thể có nhiều người Việt,
làm cho chúng ta lắm suy ngẫm.
Nó cũng gây sốc cho toàn thế giới. Hầu hết các cơ
quan truyền thông, chính mạch cũng như các cộng đồng sắc tộc, đều loan tải tin
tức này.
Cuộc điều tra này sẽ mất nhiều thời gian để tìm ra
danh tính cũng như về nguyên do đưa đến cái chết của 39 người, và ngọn ngành của
đường dây buôn người phức tạp này.
Tuy nhiên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nạn
buôn người của thế kỷ 21 ngày càng tinh vi hơn, chặt chẽ hơn, và cũng thô bạo/dã
man hơn.
Nó là vấn đề nô lệ mới của thời đại này.
Theo bản báo cáo năm 2009 của Văn phòng về Ma túy và
Tội phạm thuộc Liên Hiệp Quốc (UNODC) dựa trên dữ liệu thu thập từ 155 quốc
gia, nó cho ra một bức tranh tổng thể về vấn đề buôn lậu người, tuy không hoàn
chỉnh vì thiếu dữ kiện chính xác.
Antonia Maria Costa, Tổng Giám đốc văn phòng này cho
biết vài
điểm đáng quan ngại trong buổi ra mắt bản báo cáo này tại New York
[1]. Một, rất nhiều chính quyền vẫn trong tâm trạng phủ nhận vấn đề này, vẫn lơ
là trong trách nhiệm báo cáo và truy tố các trường hợp buôn người này. Tuy số
tiền án buôn người ngày càng gia tăng, hai trong năm quốc gia trong bản báo cáo
không ghi vào biên bản bất cứ một tiền án nào. Hai, hình thức buôn người phổ biến
nhất là khai thác tình dục, chiếm 79 phần trăm, mà chủ yếu là phụ nữ và thiếu nữ;
sau đó là cưỡng bách lao động, chiếm 19 phần trăm (nhưng theo Costa thì con số
này có thể không chính xác vì ít bị phát hiện và báo cáo); trên toàn thế giới,
có đến 20 phần trăm nạn nhân là trẻ em. Ba, ông lo ngại rằng vấn đề buôn người
là thật sự lớn hơn rất nhiều, nhưng không thể chứng minh vì thiếu dữ liệu,
trong khi nhiều chính quyền thì cản trở nó. Ông Costa cảnh báo rằng nếu không
có đầy đủ kiến thức, dữ liệu thì chúng ta sẽ chiến đấu với vấn đề này như đang
bị bịt mắt.
Bản báo cáo này cho
biết về nạn nhân người Việt như sau: có 3 nạn nhân tại Thái Lan (năm
2005-2007), 6 tại Tiệp Khắc (năm 2005-2006). Nhưng bản báo cáo không cho biết nạn
nhân người Việt tổng cộng trên thế giới là bao nhiêu. Tuy nhiên số người bị bắt
liên quan đến buôn lậu người đối với phụ nữ và trẻ em là: 289 thủ phạm năm
2005; 454 năm 2006; 606 năm 2007. Số người bị điều tra thì nhiều hơn số trên, bị
truy tố thì ít hơn, và bị kết án thì ít hơn nữa. Nếu số thủ phạm nhiều như thế
thì số nạn nhân có thể ít nhất gấp 100, nếu không phải gấp 1000 lần.
Điều đáng nói là vào năm 2008, chỉ có 30 nhân viên của
Bộ Công an làm việc toàn thời để chống lại nạn buôn người. Trong khi đó, lực lượng
công an chính thức bao nhiêu người thì là “bí mật quốc gia”, nhưng rất nhiều
người Việt tin rằng nó có thể lên đến hàng triệu công an. Để làm gì mà nhiều thế?
Cũng là “bí mật quốc gia”, mà ai cũng biết là “bảo vệ chế độ”.
Bản báo cáo này cách đây 10 năm. Tình trạng ngày hôm
nay có lẽ còn bi đát hơn.
Theo bản tin của UNODC vào đầu năm nay 2019 thì các
trường hợp buôn người đã vượt đến con số kỷ lục trong vòng 13 năm qua, một phần
vì những nước tham gia báo cáo các trường hợp buôn người gia tăng từ 26 lên 65
quốc gia [2]. 30 phần trăm trong số này là trẻ em, mà phần lớn là bé gái [3].
Gia tăng xung đột, tranh chấp giữa các giáo phái, thiếu nền pháp luật vững mạnh
để bảo vệ người dân v.v… đã góp phần tạo nên bức tranh này. Bản báo cáo mới nhất
cho biết nạn nhân từ Đông Á (bao gồm Việt Nam) và Thái Bình Dương chiếm 10 phần
trăm tổng số, và tại địa bàn Tây và Nam Âu châu, số nạn nhân từ vùng này chiếm
tỷ lệ 9 phần trăm tại đây [4].
Ở đây cũng cần nhấn mạnh hai
định nghĩa khác nhau, theo Liên Hiệp Quốc [5]. Buôn lậu người, tức people
trafficking, mang tính cách cưỡng bách, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền hành
v.v… để trục lợi ngoài ý muốn của nạn nhân. Nhập lậu người, tức people
smuggling, diễn tả sự di chuyển người bất hợp pháp mà nạn nhân trả tiền cho dịch
vụ đó. Tất nhiên có rất nhiều trường hợp ban đầu nhập lậu nhưng trở thành buôn
lậu về sau.
Theo Tổ chức Lao Động Quốc tế thì ước đoán có 40,3
triệu nạn nhân nhập lậu người trên thế giới, và chỉ nội tuyến
đường từ Phi sang Âu và Phi sang Nam Mỹ đã tạo ra 7 tỷ đô la Mỹ hàng
năm [6]. Con số nạn nhân buôn người chính thức tại Anh là 7 ngàn, nhưng con số
thật sự cao hơn nhiều, ước đoán 20 đến 40 ngàn một năm. Được biết năm 2000, mỗi
người Trung Quốc phải trả 20 ngàn bảng Anh (pound) để được vào đây.
Theo tổ chức từ thiện ECPAT, viết tắt cho Every Child Protected Against
Trafficking, thì trường hợp trẻ em Việt Nam bị buôn người vào Anh được giới thiệu
đến cơ quan này gia tăng đáng kể, từ 135 năm 2012 lên 704 năm 2018 [7]. Cũng
theo bài
báo của Amelia Gentlemen trong tờ The Guardian này thì cô Phạm Thị Trà
Mi đã trả đến 30 ngàn bảng Anh để được nhập lậu vào Anh, nhưng số tiền này đã
được hoàn trả cho gia đình cô khi hay tin cô qua đời. ECPAT cho
biết từ năm 2009 đến 2018 có 3.187 người lớn và trẻ em Việt Nam bị
buôn lậu, và trong những năm qua công dân Việt Nam, người lớn lẫn trẻ em, đứng
hàng thứ ba nạn nhân bị buôn lậu vào Anh [8].
Tại sao là Anh? Theo tiến sĩ Tamsin Barber thì Anh
có lẽ là địa điểm phổ biến
nhất tại Âu châu vì người ta đến đây có thể tìm được việc làm và gửi
tiền về cho gia đình, và tại đây có mạng lưới giúp đỡ những người mới đến, chỗ ở
và công việc, và tại đây có nhu cầu cao cho các tay nghề thấp làm việc tại nhà
hàng, tiệm móng tay, và kỹ nghệ trồng cần sa lậu [9]. Các cuộc nghiên
cứu cho biết họ thường bay sang Nga (50 ngàn visas cung cấp bởi Nga
cho người Việt mỗi năm), từ đó đi bằng đất liền sang các nước Belarus, Ukraine,
Ba Lan, Tiệp, Đức, Hòa Lan, và Pháp [10]. Có trường hợp để tránh phát hiện, trẻ
em phải đi bộ qua các khu rừng, hoặc có khi bởi xe hơi, xe tải và thuyền bè.
Sự kiện 39 thi thể nạn nhân được phát hiện vừa qua
phần nào là giọt nước tràn ly. Những báo
cáo trước đây tuy đáng quan ngại nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức
[11]. Nó phần nào cho thấy bức tranh tổng thể có lẽ bi thảm, tàn bạo và nguy
bách thế nào. Những cái chết đau thương và đầy oan ức này hy vọng đánh thức
lương tâm nhân loại, để các quốc gia trên thế giới có những chủ trương, chính
sách, pháp luật và nỗ lực phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa để bảo vệ nạn
nhân, và để điều tra và truy tố thủ phạm. Các nước văn minh tiến bộ cần phải nỗ
lực hơn nữa, bởi vì họ biết rõ nguyên tắc buôn người cũng dựa trên yếu tố căn bản:
cung và cầu. Cầu xuất phát nhiều nhất từ các nước nghèo, các nhà nước thất bại.
Cung từ các nước giàu có, các nhà nước dân chủ cấp tiến. Người dân của những nước
nghèo muốn có cơ hội tìm công ăn việc làm, để làm ra tiền, và vì túng quẫn cùng
cực nên họ chấp nhận mọi thử thách, mọi khó khăn, vì họ xem đó là cơ hội gần
như duy nhất và hiệu quả nhất để thay đổi cuộc đời họ. Khi có cầu thì sẽ có
cung. Thành phần trục lợi không một chút lương tâm thì ở đâu cũng có.
Sau cùng, điều đáng nói ở đây là phản ứng của các quốc
gia mà nạn nhân đến từ đó. Trung Quốc sau khi nghe tin này thì phản
ứng đầu tiên của họ là đổ lỗi cho nước Anh [12]. Tờ Global Times nói rằng
Anh quốc phải chịu trách nhiệm phần nào về những cái chết này, yêu cầu Anh phải
điều tra nguyên do. Những yêu cầu này vừa dư thừa vừa trịch thượng/lố lăng. Dư
thừa vì bất cứ một cái chết nào, của công dân hay không công dân mình, tại Anh
Úc Mỹ Canada Tân Tây Lan hay các quốc gia dân chủ pháp trị, đều được điều tra kỹ
lưỡng và được công bố minh bạch. Lố lăng vì họ không hề bày tỏ một chút quan
tâm gì đến nạn nhân. Không một biểu hiện nào cho thấy mạng sống con người có
giá trị nào đó, và không hề có những quan tâm đến các tổn thương, mất mát, đau
khổ… của cha mẹ, thân nhân, những người còn đang sống.
Tại nhiều nước dân chủ cấp tiến, như Úc chẳng
hạn, khi một công dân, hoặc không phải công dân của mình, bị chết, nhất là bị
chết oan và bi thảm, nó làm rúng động cả quốc gia. Thủ tướng, thủ hiến, dân biểu,
thượng nghị sĩ trong vùng v.v… không chỉ gọi gia đình chia buồn mà còn sắp xếp
để dự tang lễ.
Mạng sống con người, dù bất cứ ai, đều quan trọng.
Buôn người là một phạm trù chính trị mà vai trò đầu tiên là thuộc mọi chính quyền.
Mọi chính quyền phải có trách nhiệm bảo vệ công dân của mình một cách tốt nhất
có thể.
---------------------
Tài liệu tham khảo:
1. “UNODC
report on human trafficking exposes modern form of slavery”, United Nations
Office on Drugs and Crime, Accessed on 27 October 2019.
2. “Human trafficking cases hit
a 13-year record high, new UN report shows”, UN News, 29 January 2019.
3. “Rising human trafficking
takes on ‘horrific dimensions’: almost a third of victims are children”,
United Nations News, 7 January 2019.
4. “Global
Report of Human Trafficking in Persons 2018”, United Nations Office on
Drugs and Crime, Accessed on 27 October 2019.
5. Janet Phillips, “People
trafficking: an update on Australia's response”, Parliament of Australia,
22 August 2008.
6. Linton Besser, “Bodies
found in Essex container just 'tip of the iceberg' for multi-billion-dollar
business”, ABC News, Saturday 26 October 2019.
7. Amelia Gentleman, “Trafficked
Vietnamese and the lure of UK nail bars and cannabis farms”, The Guardian,
26 October 2019.
8. “Precarious
Journeys: Mapping vulnerabilities of victims of trafficking from Vietnam to
Europe”, ECPAT, Accessed on 27 October 2019.
9. Quynh Le, “Why do Vietnamese people make
hazardous journeys to the UK?”, BBC News, 27 October 2019.
10. Kate Hodal, “'Police
didn't help me': Europe ignoring abuse of trafficked Vietnamese children”,
The Guardian, 7 March 2019.
11. Lucy Williamson, “Essex lorry deaths: The
Vietnamese risking it all to get to the UK”, BBC News, 26 October 2019.
12. Reuters, “39
thi thể phát hiện trong thùng xe tải ở Anh có thể có người Việt”, VOA Tiếng
Việt, 26 October 2019.
No comments:
Post a Comment