Phạm
Nguyên Trường dịch
26/10/2019
VNTB - Theo truyền thống, cường quốc đang trỗi dậy thách thức cường quốc
đang giữ vị trí bá quyền, nhưng suy yếu : có thể biết trước kết quả. Nhưng
kết quả của cuộc chiến hiện nay giữa Trung Quốc và Mĩ thì không thế, vì sức mạnh
của cả bên đang khao khát vị trí bá quyền lẫn bên đang giữ vị trí đó đều đang bị
xói mòn - mặc dù xói mòn theo những cách khác nhau.
Tất cả sức mạnh mềm
mà Trung Quốc tích lũy được đang bị bước ngoặt về chính trị và chiến lược dưới
thời Tập Cận Bình phá hoại một cách nghiêm trọng. Tệ sùng bái cá nhân, các chiến
dịch chống tham nhũng thường nhắm vào các đối thủ chính trị và hành động của
Trung Quốc ở Hồng Kông và Tân Cương sặc mùi đàn áp chính trị.
Gần một thập kỷ trước, Martin Jacques và tôi đã dự
đoán sự trỗi dậy của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa làm thiệt hại cho nước Mĩ đang
suy tàn. Hiện nay, với việc hai siêu cường này không ngừng tranh giành vị
trí bá quyền - cuộc chiến thương mại chỉ là một trong những tín hiệu mà thôi -
đã đến lúc đánh giá lại.
Thật thú vị khi coi cuộc cạnh tranh giữa Mĩ và Trung
Quốc chỉ như là sự chuyển dịch vị trí siêu cường nữa trong một loạt những vụ
chuyển dịch và có thể trở lại tới tận vụ chuyển dịch cổ điển từ Athens sang
Sparta. Nhưng đây là trường hợp khác.
Theo truyền thống, cường quốc đang trỗi dậy thách thức
cường quốc đang giữ vị trí bá quyền, nhưng suy yếu : có thể biết trước kết quả.
Câu hỏi chỉ còn là, quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra một cách hòa bình hay bạo lực.
Câu hỏi này cũng áp dụng cho cuộc đấu tranh giữa Mĩ
và Trung Quốc. Nhưng kết quả thì không thể dự đoán được, vì sức mạnh của cả bên
khao khát vị trí bá quyền lẫn bên đang giữ vị trí đó đều đang bị xói mòn - mặc
dù xói mòn theo những cách khác nhau.
Xin bắt đầu với trường hợp rõ ràng hơn, đấy là nước
Mĩ. Những dự đoán trước đây về sự suy giảm của Mĩ là dựa trên các xu hướng kinh
tế và xã hội bất lợi ở trong nước : năng suất lao động tăng chậm, năng động xã
hội giảm và bất bình đẳng về thu nhập ngày càng gia tăng.
Trong những năm gần đây, nước Mĩ đã còn gặp rắc rối
vì quyền lực mềm đang suy giảm nhanh chóng - Joseph Nye định nghĩa là khả năng
của một nước buộc những nước khác muốn những thứ mình muốn. Hiện nay, quyền lực mềm, một
trong những thành tố tạo ra bá quyền của Mĩ – còn giá trị hơn đồng dollar - đã
bị mất giá đến mức không thể nào nhận ra được nữa. Vai trò lãnh đạo
thế giới của Mĩ hiện đang bị người ta gắn với những cuộc chiến tranh thảm khốc,
thoái thác cam kết tập thể trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, phá
hoại hệ thống thương mại toàn cầu và phá hoại các thỏa thuận an ninh quốc tế.
Ngoài ra, Mỹ
đã phá hỏng các thiết chế chính trị của chính mình. Nước này hiện đang có vị Tổng thống thất thường và lập dị, Quốc hội
chia rẽ, Tòa án Tối cao bị chính trị hóa, và hệ thống ban hành luật pháp bị giới
ăn trên ngồi trốc lèo lái. Trong thế kỉ vừa qua, các thiết chế của Mĩ thường
truyền cho người dân tại nhiều khu vực trên thế giới cảm hứng kính sợ và mời gọi
người ta bắt chước. Giờ đây, những thiết chế này đã trở thành đối tượng nhạo
báng, trong khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng làm phai mờ
mô hình chủ nghĩa tư bản dựa trên tài chính (finance-driven), được ăn cả
ngã về không.
Hơn nữa, dù ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống
năm 2020 thì cũng khó khôi phục lại ánh hào quang của các thiết chế chính trị
và kinh tế Mĩ, đấy là do sự phân cực và cố chấp đã ăn sâu bén rễ ở Mĩ chứ không
phải là các xu hướng kinh tế bất lợi đã giảm. Nó làm gia tăng mối nghi ngờ đang
ngày càng tăng về khả năng của Mĩ trong việc phóng chiếu sức mạnh của mình ra
bên ngoài.
Còn Trung Quốc ? Nếu kinh tế Trung Quốc vẫn đi đúng
hướng, trong trung hạn, nước này sẽ thách thức ưu thế kinh tế của Mĩ. Tuy
nhiên, khả năng nền kinh tế Trung Quốc trật bánh đã và đang gia tăng, vì các
khoản nợ trong nước đã gia tăng lên mức làm người ta chóng mặt và không bền vững,
trong khi cơ hội xuất khẩu đã bị giảm.
Có lẽ đáng lo ngại nhất là, Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình đã quay lưng với mô hình tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn dắt – đây
là con ngỗng đẻ trứng vàng mang tính chuyển hóa của đất nước này trong hơn bốn
thập kỉ vừa qua. Kết quả là triển vọng kinh tế của Trung Quốc dường như kém
sáng sủa hơn hẳn so với vài năm trước đây.
Vì Trung Quốc là xã hội phi dân chủ và khép kín, sự
trỗi dậy mang tính bá quyền của nước này luôn luôn bị cản trở vì không có sức mạnh
mềm. Nhằm khắc phục khiếm khuyết đó, Trung Quốc tung ra Sáng kiến Một Vành đai,
Một Con đường (BRI) để thúc đẩy việc chuyển giao, trên bình diện quốc tế, trình
độ chuyên môn đầy ấn tượng của mình trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả
và nhanh chóng.
Đồng thời, Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ
sở hạ tầng Châu Á (AIIB) nhằm thách thức các tổ chức tài chính quốc tế mà nước
này (và nhiều cường quốc mới nổi khác) coi là ngày càng mất uy tín vì các cơ chế
quản trị lỗi thời. Dường như để củng cố quan điểm đó, Mĩ và Châu Âu một lần nữa
khẳng định sự độc quyền của họ trong việc kiểm soát Ngân hàng Thế giới và Quỹ
Tiền tệ Quốc tế bằng tiến trình phi dân chủ được hình thành từ 75 năm trước. Mặc
dù không có sự phản đối chính thức nào đối với những thay đổi gần đây trong ban
lãnh đạo của cả hai tổ chức này, nhưng phần còn lại của thế giới không phải là
không biết chuyện đó.
Tuy nhiên, bi kịch là tất cả sức mạnh mềm mà Trung
Quốc tích lũy được đang bị bước ngoặt về chính trị và chiến lược dưới thời Tập
[Cận Bình] phá hoại một cách nghiêm trọng. Tệ sùng bái cá nhân, các chiến dịch
chống tham nhũng thường nhắm vào các đối thủ chính trị, và hành động của Trung
Quốc ở Hồng Kông và Tân Cương sặc mùi đàn áp chính trị.
Ngay cả Sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường cũng
có nguy cơ trở thành bất lợi, khi các chính phủ tham gia sáng kiến này còng lưng
vì các khoản vay khổng lồ từ Trung Quốc. Trong tiểu thuyết hiện thực huyền ảo của
Gabriel Garcia Marquez, Mùa thu của trưởng lão, nhà độc tài ở vùng Caribbe phải
trả chủ nợ bằng cách gán cho họ vùng biển của mình. Trong thế giới thực, việc
mua đất đai, tài nguyên thiên nhiên và các tuyến đường biển có thể hủy hoại
thanh danh của Trung Quốc – trong vai trò người đòi nợ.
Tóm lại, trong cuộc đấu tranh giành vị trí siêu cường
toàn cầu hiện nay, Trung Quốc đang vắt kiệt quyền lực mềm mà họ tích lũy được,
Mĩ cũng thế - và trong khi chiến đấu với nhau, họ cũng làm mất luôn sức mạnh
kinh tế của mình.
Vì thế, cuộc cạnh tranh giành vị trí bá quyền này
khác hẳn so với những giai đoạn lịch sử trước đây. Khác với việc chuyển vị trí
bá quyền từ Athens sang Sparta, khác với việc Vương quốc Anh bàn giao vị trí
cho Mĩ trong thế kỷ XX – trong những trường hợp vừa nói, phẩm chất của bên
thách thức là không thể phủ nhận. Tương tự như một võ sĩ trẻ, mạnh mẽ đang
thách thức và đánh bại đối thủ trung niên yếu đuối.
Hiện nay, ngược lại, Trung Quốc và Mĩ giống như hai
võ sĩ đã mệt mỏi tấn công nhau suốt 15 vòng đấu, không phải để xác định ai sẽ
thắng, mà là để tìm ra ai không phải là người ngã trước. Với những bá quyền và
kẻ thách thứ bá quyền như thế, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi thế giới rơi vào
tình trạng không có người cầm đầu và trôi dạt mà không có người chèo lái ?
--------------------------
Arvind
Subramanian, cựu cố vấn kinh tế của chính phủ Ấn Độ, hiện là cộng
tác viên cao cấp không thường trú tại Peterson Institute for International
Economic và là giảng viên thỉnh giảng tại Harvard's John F. Kennedy School of
Government. Ông là tác giả của cuốn Eclipse : Living in the Shadow of China’s
Economic Dominance.
Nguyên
tác :
Project
Syndicate 21/10/2019
No comments:
Post a Comment