Người Việt Online
October 26, 2019
HÀ
NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 26 Tháng Mười, một ngày sau khi blogger
Thịnh Nguyễn bị câu lưu và được thả vào cuối ngày, blogger, nhà báo tự do Phạm
Đoan Trang, tiết lộ ông Thịnh “bị công an lục lọi, lấy sạch đồ nghề, thiết bị
làm phim gồm hai máy tính MacBook, một iPhone 8 Plus, một điện thoại Nokia, một
điện thoại đen trắng, một Sony, hai máy quay, hai đèn LED và một bộ loa với tổng
trị giá hơn 100 triệu đồng ($4,298).” Ngoài ra, công an và an ninh cũng bị cho
là lấy đi hai cuốn sổ ghi chép và một cuốn sách “Phản Kháng Phi Bạo Lực” mà bà
Đoan Trang là tác giả, cùng nhiều đồ đạc cá nhân khác của ông Thịnh.
Blogger Thịnh Nguyễn là một nhiếp ảnh gia, nhà làm
phim độc lập chuyên đi chụp ảnh, quay phim về những thân phận yếu thế, chịu nhiều
bất công trong xã hội. Trang fanpage Chuyện Của Thịnh thường xuyên đăng tải phóng
sự ảnh, clip về dân oan Dương Nội, mẹ và vợ của các tù nhân lương tâm, tử tù
oan.
Tác giả cuốn “Chính Trị Bình Dân” viết thêm: “Khi Thịnh
Nguyễn phản đối, nói rằng không thể bắt bớ và tịch thu đồ mà không có lấy một
văn bản (lệnh bắt, lệnh khám nhà…), không có người làm chứng, công an vỗ ngực:
‘Vì an ninh quốc gia, bắt thì khỏi cần nhân chứng luôn, nhá!’ Vừa gom đồ của Thịnh
Nguyễn, công an vừa hả hê: ‘Nhiều đồ phết, nhở?’ Công an còn liên tục dọa ‘Tao
đánh mày,’ ‘Tao bắt mày’ trong quá trình thẩm vấn Thịnh. Sau khi biết trên mạng
xã hội tràn ngập tin ‘nghệ sĩ Thịnh Nguyễn bị bắt,’ công an lại (làm bộ) sừng sộ:
‘Đã thế thì bọn tao đánh mày ngay trong đồn này…’”
Cũng theo bà Đoan Trang, ông Thịnh Nguyễn được yêu cầu
“lên đồn làm việc tiếp vào hôm 29 Tháng Mười.”
Sau vụ bị công an và an ninh mặc thường phục câu
lưu, ông Thịnh Nguyễn nói với AFP: “Trong
buổi thẩm vấn, họ hỏi tôi nhiều câu liên quan đến công việc của tôi. Tôi nói với
họ rằng những gì họ làm hôm nay là không đúng luật và tôi cần có luật sư và tôi
từ chối trả lời thêm.”
Vụ ông Thịnh Nguyễn bị công an, an ninh câu lưu và tịch
thu toàn bộ thiết bị lẫn tư trang diễn ra tương tự như trường hợp của các nhà
hoạt động, blogger khác trong thời gian qua. Hầu hết trong số họ sau đó đều
không được trả lại đồ đạc và phải chấp nhận tình cảnh “của đi thay người.”
Đáng lưu ý, Facebooker Le Dung Vova ở Hà Nội tiết lộ
rằng chiếc xe có biển số 30 A -21185 mà công an dùng để bắt ông Thịnh
Nguyễn cũng là chiếc xe dùng để câu lưu một số phóng viên tự do đến dự buổi hội
thảo về bãi Tư Chính hôm 6 Tháng Mười.
Ông Le Dung Vova viết trên trang cá nhân: “Hôm đấy,
đồ nghề và cả tài sản trong xe cũng chưa biết là mất thứ gì, về mới nhớ ra là
có ba cái nhẫn bạc mặt đá để trong cái túi đeo ngang bụng, một nhẫn mặt đá đỏ,
máy ghi âm Sony, pin sạc, ba cái iPhone và đủ thứ đồ nghề cũng chưa nhớ hết. Cả
ba anh em tính toán sơ cũng hơn trăm triệu đồng, riêng cái Canon D500 và ba cục
pin cũng đã mất hơn hai chục củ (tiếng lóng chỉ ‘triệu đồng’ ($859) rồi. May mà
các ảnh và clip đã upload lên mạng từ trước không thì phí công cả buổi
sáng.” (T.K.)
------------------------------------------
Người Việt Online
October 25, 2019
HÀ
NỘI, Việt Nam (NV) – Chiều 25 Tháng Mười, nhóm xã hội dân sự
Green Trees loan tin rằng một thành viên của tổ chức này, blogger Thịnh Nguyễn,
“đã bị một nhóm an ninh mặc thường phục đi xe biển số 30A21185 bắt đi”.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/10/VN-Blogger-Thinh-Nguyen-Bi-Cau-Luu-696x692.jpg
Blogger Thịnh Nguyễn.
(Hình: Facebook Thinh Nguyen)
Tính đến chiều 25 Tháng Mười, chưa có cáo buộc nào
được nhà cầm quyền đưa ra nhắm vào ông Thịnh.
Blogger Thịnh Nguyễn được biết đến là một nhiếp ảnh
gia, nhà làm phim độc lập chuyên đi chụp ảnh, quay phim về những thân phận yếu
thế, chịu nhiều bất công trong xã hội. Trang fanpage Chuyện Của Thịnh thường
xuyên đăng tải phóng sự ảnh, clip về dân oan Dương Nội, mẹ và vợ của các tù
nhân lương tâm, tử tù oan.
Một clip post gần đây nhất trên trang này, hôm 23
Tháng Mười là tâm sự của bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù oan Hồ Duy Hải, người
được cho là bị biệt giam suốt 12 năm qua. Ông Thịnh viết về bà Loan: “Mỗi tháng, Hải có một lần duy nhất bấu vào
vạt áo mẹ để giữ hy vọng, để nghe kể về bên ngoài. Bà Loan lấy sức mạnh đó để cố
chạy khắp nơi bám víu vào một cánh tay giúp đỡ, nhưng chạy mãi cũng chỉ là màn
sương mờ dày đặc. Cũng có những cánh tay cố giúp đỡ bà, nhưng dưới hệ thống luật
pháp này dường như cũng bấp bênh như cánh lục bình. Ánh mắt và những câu nói của
bà Loan trong đoạn video sẽ dành riêng cho hệ thống toà án của chúng ta. Một bản
án oan sai, không chỉ gây hậu quả cho một người, mà nó còn đẩy người mẹ, người
cha vào đường cùng của sự ám ảnh, cô lập. Xa hơn nữa nó phá nát lương tâm,
lương tri của xã hội.”
Trong một post trên trang cá nhân hồi Tháng Bảy,
2019, ông Thịnh chia sẻ: “Tôi từng bị
đánh ở trại [nhà tù] 6 Nghệ An khi quay phim người dân Dương Nội đi đón tù nhân
Trịnh Bá Khiêm mãn hạn [hơn một năm tù], vào Tháng Sáu, 2015. Đoàn bị rơi và ổ
phục kích, bị đánh và bị đập nát toàn bộ thiết bị điện tử. Có một số trải nghiệm
buồn mà tôi đã không thể quên được. Trước khi đi, tôi nghe nhiều cảnh báo về
nguy hiểm sẽ bị ăn đòn khi vào trại 6. Biết vậy, nhưng mình đã không tin, không
tin điều đó có thể xảy ra. Tôi tin vào lương tâm và đạo đức giữa người với người.
Vì tôi bất ngờ quá, vì một đống câu hỏi, sao công an lại đánh người, sao lại cướp
đồ cá nhân của mình như thế. Luật pháp đâu rồi. Lúc đó một nhóm đến đạp vào bụng
và cướp đồ của tôi. Chỉ đến khi hai thanh niên bẻ tay tôi ra sau để giật máy ảnh,
đến khi thấy máu mũi của mình vọt thành tia dài, thấy ánh mắt của cậu cho tôi
cú đấm trời giáng đấy. Thấy máy ảnh của tôi bị đập tan ngay trước mắt, đập ba lần,
vừa đập vừa chửi. Thì tôi mới giật mình nhận ra! Chết cha đây là thật rồi. Đánh
trận rồi…”
Nhóm xã hội dân sự Green Trees bị cho là cái gai
trong mắt nhà cầm quyền CSVN vì lập trường của họ là ủng hộ việc xuống đường bảo
vệ cây xanh ở Hà Nội cũng như kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Thời gian qua, các thành viên của nhóm này liên tục
bị nhà cầm quyền CSVN làm khó dễ. Hồi cuối Tháng Ba, 2019, một thành viên chủ
chốt của Green Trees, bà Cao Vĩnh Thịnh, bị câu lưu và thẩm vấn tại trụ sở Cơ
Quan An Ninh Điều Tra Bộ Công An CSVN trong hơn 10 giờ. Việc bắt giữ bà Thịnh
được ghi nhận không có lệnh và cũng không theo theo trình tự pháp luật nào.
Bà Thịnh là gương mặt nổi bật trong phong trào bảo vệ
cây xanh ở Hà Nội hồi năm 2015. Bà tốt nghiệp ngành báo chí nhưng không làm báo
mà mở cửa hàng Zero Waste Hà Nội chuyên bán các sản phẩm không gây tác hại môi
trường. Trên trang cá nhân của bà có một số hình ảnh cho thấy bà cầm biểu ngữ
kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho tù nhân lương tâm. (T.K.)
No comments:
Post a Comment