Quốc hội Cộng sản Việt Nam, cơ quan quyền lực cao nhất
nước đã hiện nguyên hình là một tổ chức vô cảm, vô tâm và vô trách nhiệm đối với
chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.
Thậm chí có cả một ông Trung tướng lưỡi gỗ còn không
dám nêu đích danh Trung Cộng trước diễn đàn Quốc hội.
Bằng chứng đã diễn ra tại kỳ họp 8 của Khóa Quốc hội
14, bắt đầu từ ngày 21/10 và dự trù kết thúc ngày 17/11/2019.
Trước hết, về tình hình bất ổn ở Biển Đông do Trung
Cộng chủ động quanh bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu khoảng 300 cây số hướng Đông
Nam, từ ngày 3/7 đến 24/10/2019, chỉ được lồng trong báo cáo “về công tác đối
ngoại của Nhà nước năm 2019” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình
Minh trình bày trước Quốc hội.
Nhưng Quốc hội lại không họp công khai để “nghe” ông
Phạm Bình Minh mà đã “họp riêng”, trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ 10:15
sáng tới trưa ngày 28/10 (2019). Cũng vì chỉ “nghe” mà không được thảo luận nên
không ai biết ông Phạm Bình Mình đã nói gì với Quốc hội về việc Trung Cộng xâm
phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính.
Giải thích về lý do “họp riêng”, Tổng thư ký, Chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cho biết vì: "Trong báo cáo này
của Chính phủ có một số thông tin nội bộ, cần báo cáo Quốc hội."
Vậy “thông tin nội bộ” là thông tin gì mà phải giấu
dân, những chủ nhân của đất nước? Chẳng lẽ vì phải nói đến cái tên Trung Quốc
nên “nhậy cảm”, hay sợ “phạm húy” nên phải che mặt khi mở miệng?
Chỉ biết sau cuộc họp kín này, Quốc hội không có
hành động nào khác ngoài thái độ im lặng chịu trận trước hành động của Trung Cộng
đã đè Việt Nam xuống đáy vực nhục nhã ở Tư Chính trong suốt 114 ngày, trước khi
Bắc Kinh nói Hải Dương 8 “đã hoàn tất công tác” để rút về nước ngày 24/10/2019.
So với vụ Hải Dương 981 năm 2014 thì lần này, tầu
HD-8 đã ít nhất 3 lần ngang ngược tự do ra vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam như tắm trong ao nhà mình trước mắt các tầu Hải quân và Cảnh sát biển Việt
Nam theo dõi từ xa.
Đại biểu muốn gì?
Do đó, trước thái độ nhút nhát của Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước Nguyễn Phú Trọng không dám chỉ trích Trung Cộng trong suốt thời gian
HD-8 hoành hành ở Tư Chính, nhiều Trí thức, Đảng viên cao cấp và một số Tướng
lãnh nghỉ hưu đã kêu gọi nhà nước kiện Trung Cộng ra Tòa án Quốc tế như Phi Luật
Tân đã làm năm 2016.
Nhưng lãnh đạo Việt Nam lại run lên cho rằng “lúc
này chưa thích hợp để kiện”, theo tiết lộ của Thiếu Tướng Lê Văn Cương, nguyên
Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ công An, tại cuộc Hội thảo ngày 06/10 (2019) tại
Hà Nội.
Tại sao lại “chưa thích hợp”, và khi nào, với điều
kiện nào, mới “thích hợp”? Hay đây chỉ là thái độ ươn hèn, thiếu cương quyết và
muốn câu giờ để cầu may của Lãnh đạo, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng ?
Về phần mình, một số Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ
quan ngại về hành động của Trung Cộng đối với Việt Nam. Tiếng nói nổi bật trong
số Đại biểu có ông Nguyễn Lân Hiếu, đoàn An Giang, đưa ra ngày 30/10 (2019).
Đại biểu Hiếu phê bình: "Các phương
pháp chúng ta sử dụng trong thời gian vừa qua với phương châm vừa hợp tác vừa đấu
tranh kiên quyết, kiên trì, xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện
pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc. Do đó, cần có thêm những
biện pháp mới." (theo báo Thanh Niên Online, 30/10/2019)
Ông Hiếu nói: "Thực tế là Trung Quốc đã
chuyển từ giai đoạn xây dựng, bồi đắp (các thực thể trên Biển Đông) sang giai
đoạn quân sự hóa và khai thác, sử dụng. Chúng ta cần công khai, cập nhật chi tiết
hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của họ, để dư luận tiến
bộ Việt Nam và trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc, được biết"
Nên biết, Ban Tuyên giáo của đảng CSVN đã cấm không
cho báo-đài đưa tin về xung đột ở Tư Chính nên người dân không nắm vững tình
hình. Tuy nhiên, theo lời Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thì: "Rất nhiều
ý kiến cử tri đã đề nghị đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta
không chỉ kiện Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, mà chúng ta sẽ đưa toàn bộ các
hoạt động Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; xây dựng
trái phép, quân sự hóa nhiều đảo, bãi đá trên Biển Đông trong suốt thời gian
qua. Khi có chính nghĩa của dư luận quốc tế, ngay cả nhân dân Trung Hoa sẽ hiểu
sự phi lý của chính quyền Trung Quốc, không thể phớt lờ lẽ phải hiển nhiên.”
Đại biểu Nguyễn An Trí (đơn vị Hà Nội) cho biết ông
và nhiều cử tri “có nguyện vọng Quốc hội sẽ ra nghị quyết về tình hình
biển Đông". (theo báo VNExpress,28/10/2019)
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Tỉnh Đồng Nai) ủng hộ
việc Quốc hội ra nghị quyết, và nói thêm rằng: "Ứng phó với những
hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là "bài toán rất
khó". Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận giữa Nhà nước
và người dân…Giữ gìn hoà bình, hữu nghị với Trung Quốc là quan trọng. Nhưng tôi
mong muốn Quốc hội thể hiện thái độ rõ ràng với những hành vi xâm phạm chủ quyền
trên biển Đông." (theo VNExpress, 28/10/2019)
Nhưng, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người
từng bị lên án đã qụy lụy trước Tập Cận Bình trong cuộc họp ngày 12/07 (2019) tại
Bắc Kinh, trong chuyến thăm Trung Cộng, đã không có phát biểu nào về tình hình
Biển Đông, từ khi xảy ra vụ Tư Chính.
Do đó, không ai hy vọng bà Ngân sẽ thúc đẩy việc Quốc
hội ra Nghị quyết về tình hình Biển Đông trong khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng vẫn bình chân như vại.
Bằng chứng khi gặp họ Tập, bà Ngân đã không nói gì đến
vụ HD-8, khi ấy, mới vào quấy phá ở Tư Chính được 9 ngày. Ngược lại, theo tường
thuật của báo VNNET thì bà đã ngỏ ý: "Việt Nam mong muốn cùng
Trung Quốc kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông để tạo cơ sở
cho sự phát triển ổn định, bền vững của quan hệ hai nước."
Về phần mình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc
Tập Cận Bình đã nói nước đôi rằng: "Hai nước là láng giềng, cùng
có ý thức hệ nên hai nước sẽ phối hợp trên tinh thần xây dựng; bày tỏ quan điểm,
nếu cùng hợp tác thì ra sức thúc đẩy, còn bất đồng thì hai bên cần ra sức kiềm
chế, kiểm soát. Nếu làm được như vậy sẽ giảm bớt va chạm vì đại cục lớn của hai
nước."
Chiếc lưỡi gỗ
Bên cạnh những tiếng nói tích cực của một số rất ít
Đại biểu Quốc hội trong số ngót 500 Đại biểu, phần lớn chỉ biết ngồi nhìn, trốn
họp hay xem Ipod, cũng xuất hiện phát biểu phản ảnh sự sợ hãi Trung Cộng của Đại
biểu Quốc hội Trần Việt Khoa (đoàn Hà Nội), mang quân hàm Trung tướng.
Lên tiếng trong phiên họp ngày 30/10 (2019), tướng
Khoa, 54 tuổi, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đã không dám nêu tên Trung Cộng
như thế này: "Từ tháng 5, khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển
và đặc biệt từ đầu tháng 7 đến những ngày tháng 10 vừa qua, chúng ta thấy nước
ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách hết sức phi lý. Đây là
những cái chúng ta không thể chấp nhận được… Ngoài ra, họ còn đưa tàu xuống khảo
sát thăm dò, có những thời điểm đưa tới 35-40 chiếc tàu để bảo vệ."
Tại sao tướng Khoa lại né tên Trung Quốc, và ai đã
chỉ thị cho ông làm như vậy? Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và ông Nguyễn
Phú Trọng có trách nhiệm gì về thái độ “sợ địch” của tướng Khoa ?
Tuy nhiên, chuyện “nước ngoài” trong trường hợp này
cũng không mới, nếu so với mấy chữ “tầu lạ”, hay “tầu nước ngoài” vẫn thường thấy
xuất hiện trên báo đài Việt Nam, khi họ đưa tin tầu đánh cá Việt Nam bị tầu
Trung Cộng tấn công ở Biển Đông.
Nhưng, trước diễn đàn Quốc hội, có truyền hình và
truyền thanh trực tiếp cho cả nước xem, thì hành động của ông Tướng Trần Việt
Khoa, người được thăng cấp nhanh như diều từ khi nhập ngũ năm 1983, không có
nghĩa nào khác là hành động nhu nhược của một ông Tướng trước khi lâm trận .
-/-
(10/019)
No comments:
Post a Comment