Thùy
Dương – RFI
Đăng ngày 30-10-2019
Báo
Les Echos, trong mục Ý kiến và bình luận, có bài đáng chú ý của cây bút chính
luận quốc tế Jacques Hubert Rodier : « Nước Mỹ đã chạm đến giới hạn cường quốc thế giới ».
Hoa Kỳ rút quân khỏi Syria, mở đường cho Nga đưa
quân đến và mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurdistan. Điều trớ trêu là chính nhờ sự
giúp đỡ của lực lượng Kurdistan mà quân đội Mỹ tiêu diệt được thủ lĩnh tổ chức
Nhà Nước Hồi Giáo Daech Abou Bakr Al Baghdadi. Khi rút quân khỏi Syria,
cũng như muốn rút quân khỏi Aghanistan, tổng thống Donald Trump đang làm những
việc không khác mấy người tiền nhiệm Barack Obama. Ẩn chứa trong đó, theo cây
bút xã luận Jacques Hubert Rodier, là chính quyền Washington thừa nhận sức mạnh
quân sự của Mỹ đã "kịch trần", không thể hơn được nữa.
Thực ra, việc chính quyền Trump rút khỏi khu vực
đang có xung đột không phải là điều gây ngạc nhiên. Vài tháng trước khi triển
khai kế hoạch tái tranh cử tổng thống, ông Trump khẳng định lại : « Nước
Mỹ sẽ không tiếp tục đóng vai sen đầm quốc tế ». Dân biểu Douma Nga,
Viatcheslav Molotov, nhấn mạnh « Donald Trump làm đúng điều ông đã hứa.
Ông làm điều mà ông cho là tốt cho nước Mỹ ». Molotov cũng nhận định «
Donald Trump là triệu chứng, chứ không phải nguyên nhân » các vấn đề
trên thế giới.
Quả thực, Donald Trump không phải tổng thống Mỹ đầu
tiên tạo ra « khoảng trống địa chính trị ». Ngay từ thời người
tiền nhiệm Barack Obama, Washington đã không muốn để Mỹ can thiệp khắp nơi trên
thế giới, từ Irak, Bắc Triều Tiên, đến Iran, Afghanistan như các cố vấn quanh tổng
thống Georges W.Bush từng muốn. Georges W.Bush, cho dù có « cái nhìn
quá khích » về sức mạnh Hoa Kỳ, cũng đã từ bỏ ý định mở rộng NATO sang
tận Ukraina và Gruzia. Chính quyết định này đã tạo cơ hội cho Nga sau này xâm
chiếm lãnh thổ Gruzia và sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina.
Còn Barack Obama là người đã để Pháp và Anh lên tuyến
đầu tại Lybia để lật đổ Kadhafi. Cũng chính Obama hồi năm 2013 đã hủy lệnh
không kích nhắm vào các căn cứ quân sự của chế độ Bachar Al Assad do nghi ngờ tổng
thống Syria dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường.
Nhưng người đi xa nhất chính là tổng thống đương nhiệm
Donald Trump. Khẩu hiệu Nước Mỹ là trên hết được áp dụng vào mọi chính sách đối
ngoại của Mỹ. Yêu cầu châu Âu chia sẻ gánh nặng chi tiêu quân sự, Donald Trump
đã làm giảm vai trò của Washington ngay trong NATO.
Dân biểu Nga, Viatcheslav Molotov, hài lòng phát biểu,
sự rút lui của Mỹ phản ánh một thực tế là sức mạnh của phương Tây suy giảm. Năm
1989, khi bức tường Berlin sụp đổ, kinh tế Tây phương chiếm tỉ trọng 80% kinh tế
thế giới. Tỉ lệ này hiện chỉ còn 40%. Tuy nhiên, đó còn là do sự trỗi dậy của
hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ.
Donald Trump không phải là người đầu tiên rút Mỹ khỏi
các xung đột của thế giới, nhưng ông đã đẩy nhanh tiến trình này. Chỉ có điều
Donald Trump làm ngược lại lời khuyên của tổng thống Theodore Roosevelt : «
Ăn nói nhỏ nhẹ và cầm một cây gậy lớn » để tiến xa hơn. Les Echos kết
luận, thời nước Mỹ với « cây gậy lớn » không còn nữa. Cho dù Mỹ
vẫn là siêu cường quân sự hàng đầu thế giới, nhưng Hoa Kỳ đã để mất ưu thế địa
chính trị.
*
Dịch tả heo tại Trung Quốc : Cuộc khủng hoảng mới chỉ bắt
đầu
Báo Les Echos đặc biệt quan tâm và dành bài điều tra
nói về « Dịch tả heo tàn phá Trung Quốc ». Không gây bệnh cho
người, nhưng dịch lây lan rất nhanh và làm heo nhiễm bệnh chết chỉ sau vài
ngày. Xuất hiện từ tháng 08/2018 ở miền đông bắc Trung Quốc, dịch bệnh tả heo
đã lan ra khắp cả nước.
Theo một chuyên gia, trong vòng 6 tháng, dịch bệnh
lây lan tại Trung Quốc nhanh bằng 5 năm tại châu Âu. Bắc Kinh công bố có 160 ổ
bệnh và 1,2 triệu con heo bị tiêu hủy, nhưng các chuyên gia châu Âu tại Trung
Quốc cho biết con số trên thực tế lớn hơn rất nhiều. Rabobank, ngân hàng đầu tư
trong lĩnh vực chế biến thực phẩm dự báo đàn heo nuôi tại Trung Quốc giảm 55%
trong cả năm 2019 (200 triệu).
Ernan Cui, chuyên gia phân tích của Văn phòng nghiên
cứu Gavekal Dragonomics tại Bắc Kinh giải thích Trung Quốc có 26 triệu trang trại
nuôi heo, nên việc quản lý dịch bệnh sẽ rất phức tạp, nhất là vì ba phần tư số
heo được nuôi tại các trang trại nhỏ, quy mô gia đình, vốn không bảo đảm điều
kiện an toàn, vệ sinh chăn nuôi. Người Trung Quốc chỉ thích ăn thịt tươi nên
heo thường được vận chuyển xa đến tận nơi tiêu dùng mới đưa vào lò mổ, các xe
chở heo hầu như không bao giờ được cọ rửa, tẩy uế.
Chỉ cần một con heo trên xe nhiễm bệnh, virus sẽ
dính vào xe. Toàn bộ số heo được chở trên xe trong suốt nhiều tháng sau đó sẽ
nhiễm virus. Thêm vào đó, do số tiền bồi thường khi tiêu hủy heo nhiễm bệnh quá
ít nên người chăn nuôi thường « bán tống bán tháo » qua địa
phương khác, khiến dịch bệnh lây lan càng nhanh.
Trong khi đó, tại các địa phương, nếu chính quyền
công nhận tỉnh có dịch tức là thừa nhận thất bại và sẽ bị chính quyền trung
ương khiển trách, trừng phạt. Nhà chức trách địa phương vì thế thường che giấu
thông tin về dịch bệnh để « che mắt » trung ương. Điều này khiến
dịch tả heo vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh.
Để khắc phục tình trạng khan hiếm thịt lợn, nguồn đạm
động vật chính trong bữa ăn của người Trung Quốc, chính quyền tăng nhập khẩu
43% trong 9 tháng đầu năm nay, chủ yếu từ Tây Ban Nha, Đức và Canada. Tuy
nhiên, 55 triệu tấn thịt heo tiêu thụ tại Trung Quốc mỗi năm lớn gấp 5 lần tổng
số thịt tiêu thụ trên phần còn lại của toàn thế giới. Vì thế, kể cả nếu Trung
Quốc tăng gấp đôi số thịt heo nhập khẩu thì cũng không đủ đáp ứng nhu cầu người
dân.
Điều đáng lo ngại là kể cả khi chính quyền Bắc Kinh
thực sự dốc sức xử lý dịch tả heo châu Phi, thì cũng sẽ phải mất nhiều năm
Trung Quốc mới có thể xóa sổ dịch bệnh này. Các chuyên gia của văn phòng nghiên
cứu Gavekal Dragonomics tại Bắc Kinh cho biết trong số 50 quốc gia từng bị dịch
tả heo trong quá khứ, chỉ có 13 nước tiêu diệt được hoàn toàn dịch bệnh này và
sau ít nhất là 5 năm. Nhưng chưa có nước nào phải đối mặt với một thách thức lớn
và phức tạp như Trung Quốc.
Báo Les Echos kết luận cuộc khủng hoảng thịt heo tại
Trung Quốc mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Và điều này cũng có nghĩa là hệ quả
cho cả thế giới cũng chỉ mới bắt đầu !
*
Achentina : Thách thức chờ đón tân tổng thống Fernandez
Những ngày này, thời sự Nam Mỹ được nhắc tới nhiều :
kỳ bầu cử tổng thống ở Achentina và Bolivia, cuộc phản kháng xã hội tại Chilê.
Báo Le Monde số ra hôm nay đặc biệt quan tâm đến những thách thức đang chờ đón
tân tổng thống Achentina Alberto Fernandez : Giảm nhẹ gánh nặng nợ nần mà không
phải kéo dài chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt khiến dân chúng khổ sở.
Chính tân thổng thống phe trung tả, ngay sau khi
tuyên bố thắng cử từ vòng 1 bầu cử, cũng thừa nhận mọi chuyện tới đây sẽ không
dễ dàng, và điều duy nhất mà ông quan tâm là làm thế nào để người dân không phải
chịu đựng thêm nữa. Trên thực tế, tình trạng nghèo đói đã tăng đáng kể dưới thời
tổng thống Mauricio Macri thuộc phe trung hữu, lên nắm quyền từ năm 2015. Hiện
nay, hơn 35% dân Achentina sống dưới ngưỡng nghèo, ngày càng nhiều doanh nghiệp
phá sản, tỉ lệ thất nghiệp đạt mức cao nhất từ 13 năm trở lại đây.
Martin Karlos, kinh tế gia trưởng văn phòng tư vấn
Elypsis, đánh giá ưu tiên hàng đầu của chính phủ hiện nay là ổn định tiền tệ. Kể
từ đầu năm, đồng peso đã mất giá 50% so với đồng đô la. Lạm phát lên đến 55%
trong vòng 12 tháng qua. Vào năm 2018, do nợ công quá cao, chính quyền
Achentina đề nghị Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) trợ giúp tài chính. Khi đó, IMF cho
Achentina vay 57 tỉ đô la, con số cao chưa từng có trong lịch sử định chế tài
chính này. Hiện giờ, nợ công của Achentina đã tăng gấp đôi sau 10 năm, chiếm
80% tổng sản phẩm nội địa.
*
Năm 2050 : 300 triệu người sống trong ngập lụt ít nhất 1
lần
Trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, trong bài viết «
Số người bị đe dọa do mực nước biển dâng sẽ tăng gấp 3 lần », báo Le
Figaro trích dẫn kết quả nghiên cứu của tổ chức Climate Central tại Princeton,
Hoa Kỳ, đăng trên tạp chí Nature Communications hôm qua 29/10/2019.
Theo các tác giả bài báo, từ nay tới năm 2050, sẽ có
1 tỉ người sống ở các vùng đất thấp dưới mực nước biển 10m và con số trên sẽ
còn tăng mạnh cho đến cuối thế kỷ XXI. 300 triệu người sẽ chịu cảnh ngập lụt ít
nhất 1 lần/năm. Đến năm 2100, mực nước biển tăng khoảng 6 cm, sẽ có 400 triệu
người thường xuyên sống trong ngập lụt, trong đó 237 triệu người tập trung tại
6 nước châu Á, nhiều nhất là tại Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ.
Các chuyên gia dự báo đê điều sẽ không đủ để ngăn nước
lũ. Điều thiết yếu vẫn là giảm thải khí CO2 ra môi trường để hạn chế Trái đất
nóng dần lên, tránh để băng tan quá nhanh.
*
Khi bảo tàng có quá đông du khách tham quan
Trong lĩnh vực văn hóa, báo Le Monde quan tâm đến «
các bảo tàng trước thách thức có quá đông du khách ». Khách phải đặt
vé trước trên internet, chọn vé theo giờ, bị giới hạn khoảng thời gian đứng trước
một kiệt tác, bảo tàng mở thêm lối vào, lắp đặt băng chuyền trước các tác phẩm
để du khách không thể đứng tại chỗ quá lâu, mời khách chụp ảnh selfie trước
tranh chép để giảm lượng khách muốn tận mắt ngắm bức tranh thật … là những biện
pháp mới của nhiều bảo tàng. Thậm chí, có bảo tàng đã phải mời các chuyên gia ở
sân bay, nhà ga đến tư vấn cho ban quản lý về cách phân luồng khách.
Thu hút được đông du khách tới thăm bảo tàng là một
thành công của ban quản lý. Tuy nhiên, khi có quá đông du khách thì các bảo tàng
đang phải « vắt óc » nghĩ ra cách để bảo đảm khách không phải
chờ quá lâu khi mua vé, khách không đến quá đông vào cùng một thời điểm, không
phải đợi chờ quá lâu để đến lượt chiêm ngưỡng một kiệt tác, nhất là trong bối cảnh
du lịch đang trở thành một hiện tượng xã hội của thế kỷ XXI, khi mà chưa đi
thăm bảo tàng, chưa chụp ảnh selfie trước kiệt tác được trưng bày trong bảo
tàng đó thì chưa được coi là đi du lịch.
Tại Pháp, kỷ lục về số lượt khách thuộc về bảo tàng
Louvre : 10,2 triệu khách trong năm 2018, tăng 25% so với năm 2017. Tính trung
bình, mỗi ngày có 30.000 du khách đến chiêm ngưỡng dung nhan nàng Mona Lisa.
No comments:
Post a Comment