Saturday, 19 October 2019

HỘI THẢO VỀ VNCH, NỀN DÂN CHỦ SINH RA TRONG CHIẾN TRANH (Nguyễn Hòa / Người Việt)




Nguyễn Hòa/Người Việt (tường trình từ Oregon)
October 15, 2019

EUGENE, Oregon (NV) – Trong hai ngày 14 và 15 Tháng Mười, 2019, tại Đại Học Oregon, thành phố Eugene, tiểu bang Oregon, diễn ra một cuộc hội thảo về Việt Nam Cộng Hòa mang tên: Việt Nam Cộng Hòa, những vấn đề, những thách thức và tầm nhìn (Studying Republican Vietnam: Issues, Challenges, And Prospects).

Cuộc hội thảo do Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á và Thái Bình Dương tổ chức.

Quang cảnh buổi khai mạc cuộc hội thảo tại tại Đại Học Oregon, thành phố Eugene, hôm 14 Tháng Mười, 2019. (Hình: Nguyễn Hòa/Người Việt)
Tham dự hội thảo có khoảng 150 người trong đó có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về Việt Nam tham dự. Có một số viên chức cao cấp của chính thể Việt Nam Cộng Hòa tham dự là hai cựu tổng trưởng: ông Hoàng Đức Nhã, Bộ Thông Tin-Chiêu Hồi và ông Nguyễn Đức Cường, Bộ Thương Mại-Kỹ Nghệ.

Trong ngày đầu tiên, các diễn giả trình bày và và tranh luận về những ngày đầu nhà nước Việt Nam Cộng Hòa được thành lập, sau khi cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất kết thúc vào năm 1954, với rất nhiều khó khăn.

Khó khăn chính trị

Diễn giả đến từ Đại Học Connecticut là bà Nu-Anh Tran cho rằng, những chính trị gia của nền Cộng Hòa đầu tiên tại miền Nam Việt Nam đã do dự khi chọn mô hình chính trị nào cho Việt Nam Cộng Hòa. Cuối cùng nhóm thắng thế là nhóm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, với một mô hình không hoàn toàn là dân chủ, với sự hạn chế một số quyền tự do.

Cựu Tổng Trưởng Kinh Tế VNCH Nguyễn Đức Cường thuyết trình. (Hình: Nguyễn Hòa/Người Việt)

Bên cạnh đó, diễn giả Yen Vu, từ Đại Học Cornell, đã phân tích các trước tác của một tác giả là ông Trần Văn Tùng, một người Việt sống tại Pháp.

Ông Trần Văn Tùng đã tìm kiếm một ý tưởng để xây dựng một nhà nước Việt Nam không cộng sản, ngay từ khi người Pháp ký thỏa hiệp Elysee tại Paris, trao độc lập cho Quốc Gia Việt Nam. Ông đã thành lập Đảng Dân Chủ Việt Nam vào năm 1955, với những tư tưởng cộng hòa, nhân bản, phát triển thế hệ trẻ của nước Việt Nam.

Diễn giả cho rằng khi Việt Nam Cộng Hòa được thành lập, tại miền Nam không chỉ có hai lựa chọn, hoặc Ngô Đình Diệm, hoặc cộng sản, mà còn có một mô hình khác, nhưng đã không được chọn lựa.

Khi phân tích những tác phẩm của ông Trần Văn Tùng, tác giả thấy rằng sự va chạm của xã hội Việt Nam và phương Tây, đã đưa ra một nhu cầu về quyền tự do cá nhân, một cách nhanh chóng.

Sự nhanh chóng này cũng được bà Martina Nguyen, từ trường Baruch College, đưa ra khi nghiên cứu về nhóm Tự Lực Văn Đoàn, cuối thời Pháp thuộc.

Các học giả người Mỹ gốc Việt chuyên ngành “Việt Nam học” tại cuộc hội thảo. (Hình: Nguyễn Hòa/Người Việt)

Theo bà Martina Nguyen, nhóm văn chương độc lập này đã cổ võ cho một mô hình để thay đổi xã hội Việt Nam theo hướng quan tâm tới bất công xã hội, cổ vũ dân chủ và tự do. Mặc dù sau đó Tự Lực Văn Đoàn đã chấm dứt tồn tại, nhưng những hoạt động của họ thực sự là một dự án chính trị cho nền Cộng Hòa của Việt Nam.

Sự ảnh hưởng về quyền tự do cá nhân lên các cư dân thành thị tại miền Nam Việt Nam đã tạo nên xung đột với mô hình chính trị mà nhóm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm chọn lựa để cai trị miền Nam.

Khó khăn của cuộc di cư trốn chế độ Cộng Sản miền Bắc

Sau khi Hiệp Định Geneva được ký kết vào năm 1954, miền Bắc Việt Nam trở thành một quốc gia Cộng Sản, chỉ do một đảng Cộng Sản cai trị.

Có hơn 800 ngàn người dân miền Bắc di cư vào Nam để tránh chế độ toàn trị của miền Bắc.
Cuộc di cư này, theo diễn giả Jason Picard, một nhà nghiên cứu độc lập, đã đặt xã hội miền Nam vào trong một tình trạng khó khăn. Một mặt phải lo nơi ăn chốn ở cho một số lượng lớn dân cư, mặt khác phải giải quyết những bất hòa xảy ra giữa cư dân địa phương và những người mới đến.

Cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày 14 và 15 Tháng Mười, 2019. (Hình: Nguyễn Hòa/Người Việt)

Một số thành quả kinh tế

Mặc dù Việt Nam Cộng Hòa đã gặp rất nhiều khó khăn về chính trị như vậy, nhưng theo diễn giả Nguyễn Đức Cường, cựu tổng trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ, Việt Nam Cộng Hòa đã đạt được một số thành quả đáng kể về kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Cường nêu ra một số đánh giá cho rằng đã có lúc nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa đạt tốc độ tăng trưởng đến 4%, và theo nhận định của một số nhà quan sát thì đã đạt đến ngưỡng cửa tăng tốc trở thành một quốc gia phát triển.

Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện thành công việc cải cách điền địa bằng chương trình người cày có ruộng, với hai mục đích: làm cho những tá điền được làm chủ ruộng đất, và biến nông dân thành những nhà hoạt động thương mại trên những sản phẩm nông nghiệp của mình.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa được đặt nền tảng trên thị trường tự do và những công ty tư nhân. Các ngân hàng đã tiến tới việc cấp tín dụng nhỏ cho nông dân.

Nhưng theo ông Cường, chiến tranh đã làm sự phát triển này bị ngừng lại, và cuối cùng thất bại với sự sa sút của nền kinh tế bị lạm phát cao trong những năm cuối cùng trước khi Sài Gòn bị sụp đổ. (Nguyễn Hòa)

(*) Phóng viên Nguyễn Hòa sẽ tiếp tục tường trình về cuộc hội thảo này trong số báo sắp tới.







No comments:

Post a Comment

View My Stats