Saturday, 19 October 2019

HỘI THẢO VỀ VNCH TẠI ĐẠI HỌC OREGON : 'MIỀN NAM KHÔNG THỂ DẠY VỀ SỰ CĂM THÙ NHƯ MIỀN BẮC' (Nguyễn Hòa / Người Việt)




Nguyễn Hòa/Người Việt (thực hiện)
October 18, 2019

EUGENE, Oregon (NV) – Giáo Sư Olga Dror là một nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Đại Học Texas A&M, tiểu bang Texas. Các công trình nghiên cứu của bà  bao gồm “Việc thờ cúng Mẫu Liễu Hạnh ở miền Bắc Việt Nam”; “Việc giáo dục thanh thiếu niên Bắc và Nam Việt Nam khác nhau ra sao trong chiến tranh (Raising Vietnamese: Youth Identities in North and South Vietnam during the war (1965-1975).” Ngoài ra, bà còn dịch sang tiếng Anh cho cuốn sách “Giải Khăn Sô Cho Huế,” của nhà văn Nhã Ca.

Đến dự hội thảo về Việt Nam Cộng Hòa tại Đại Học Oregon trong hai ngày 14 và 15 Tháng Mười, 2019, bà Olga Dror dành cho Báo Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây.

***
Người Việt: Khi nghiên cứu về giáo dục thanh thiếu niên hai miền Nam-Bắc Việt Nam trong thời chiến tranh, bà đã tìm thấy điều gì?
Bà Olga Dror: Cuốn sách mới nhất của tôi so sánh những người trẻ tuổi ở miền Bắc và miền Nam trong lứa tuổi 17 trong thời gian chiến tranh. Điều tôi phát hiện ra là miền Bắc có một kế hoạch chính trị rất rõ ràng, như là giáo dục về lòng căm thù, và họ có cả một bộ máy để thực hiện điều đó, họ bao cấp hết cho những chương trình như vậy ở các trường học. Họ dạy cho trẻ em nào là “thương yêu Bác Hồ,” nào là “căm thù giặc Mỹ,” nào là “chính quyền miền Nam là Ngụy,”… Với việc giáo dục yêu thương và căm thù như thế, họ tiến tới bắt thanh thiếu niên phải tuân lệnh.

Ở miền Nam thì ngược lại. Việt Nam Cộng Hòa không có một lực lượng hoàn chỉnh để đối ứng. Chuyện này có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là tại miền Bắc, họ có một chính quyền liên tục, miền Nam không có. Tệ hơn nữa là khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị đảo chính và giết chết, vì trước đó trẻ em được dạy ông Ngô Đình Diệm là người đáng kính như thế nào, thế rồi không phải như vậy nữa.

Miền Bắc là độc đảng, còn miền Nam lại mong muốn là trình bày một bộ mặt không phải như miền Bắc, không thể đưa ra những thông điệp như miền Bắc làm. Miền Bắc rất rõ ràng là họ muốn xây dựng một xã hội cộng sản. Miền Nam không muốn điều đó, nhưng câu hỏi đặt ra là miền Nam xây dựng xã hội như thế nào?

Một trang sách giáo khoa của miền Bắc giáo dục về lòng căm thù, được bà Olga Dror đưa ra trong hội thảo. (Hình: Nguyễn Hòa/Người Việt)

Ở miền Nam có nhiều những ý kiến khác nhau, và hay tranh cãi nhau. Điều đó cũng ảnh hưởng đến những điều kiện cho sự tồn tại của họ.

Với tất cả những lý do đó, miền Nam không thể có một chương trình chính trị đối với trẻ em như miền Bắc, không phải là họ quyết định như thế mà là họ không thể làm như thế, không thể dạy chính trị cho trẻ em miền Nam như miền Bắc, họ không thế đổ hết mọi tội lỗi cho Cộng Sản.

Tôi có hỏi nhiều người miền Nam, mà thời ấy còn trẻ. Họ không biết Hồ Chí Minh là ai, không biết về chiến tranh.

Miền Nam mong muốn giáo dục trẻ em về một xã hội đa dạng, trong khi miền Bắc dạy trẻ em về chiến tranh.

Đối với miền Bắc, điều đó có vẻ tốt cho việc tiến hành chiến tranh, nhưng sau đó, những con người đó, không biết cách sống thế nào trong một xã hội không có chiến tranh.

*
Người Việt: Bà cũng có nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh.
Bà Olga Dror: Vâng nghiên cứu đó lâu rồi. Tôi đến các đền thờ và hỏi những người đi thờ cúng Mẫu Liễu Hạnh thì người ta cũng chẳng biết bà ấy là ai, không quan tâm đến triết lý gì hết, mà chỉ là một nhu cầu cần sự giúp đỡ từ bà ấy.

*
Người Việt: Bà sinh ra tại Liên Xô cũ, con đường nào dẫn bà tới việc nghiên cứu về Việt Nam?
Bà Olga Dror: Trong hệ thống đại học Liên Xô, người ta chỉ định bạn học cái gì. Tôi muốn nghiên cứu về Nhật Bản, nhưng mà ông giáo nói tôi nghiên cứu về Việt Nam, và cho tôi xem một bộ bộ phim hoạt họa về Lê Lợi và thần Kim Qui, rồi thế là bắt đầu.

*
Người Việt: Khi bà đã viết quyển sách về thanh thiếu niên miền Bắc và miền Nam như vậy thì bà có gặp khó khăn gì khi đi vào Việt Nam không?
Bà Olga Dror: Trước khi viết quyển sách đó tôi đã dịch quyển sách của Nhã Ca (Giải Khăn Sô Cho Huế) sang tiếng Anh, đó là một chủ đề rất là nhạy cảm. Tôi không gặp vấn đề gì khi ra vào Việt Nam, nhưng để thu thập tài liệu thì khó. Làm việc với các tàng thư ở Việt Nam rất khó. Sau khi nghiên cứu về thanh thiếu niên miền Bắc và Nam Việt Nam, tôi lại nghiên cứu về sự sùng bái thờ cúng Hồ Chí Minh [trong xã hội Việt Nam hiện nay], một chủ đề còn nhạy cảm hơn nữa.
Tuy nhiên, vấn đề không phải là vào được Việt Nam hay không mà là làm được cái gì ở đó.

*
Người Việt: Xin cám ơn bà. (Nguyễn Hòa)
(*) Loạt bài của phóng viên Nguyễn Hòa ghi nhận về cuộc hội thảo này sẽ tiếp tục trong các số báo sắp tới.





No comments:

Post a Comment

View My Stats