9-9-2018
(VNTB) - Văn bản
ký kết có tính giá trị duy nhất, tuy có thể chỉ mang tính tượng trưng chứ không
hề thực chất, trong chuyến công du Cộng hòa liên bang Nga của Nguyễn Phú Trọng
vào đầu tháng Chín năm 2018 là “Việt Nam đã đặt mua các vũ khí và dịch vụ quân
sự của Nga trị giá hơn 1 tỉ đôla” - theo hãng tin TASS của Nga, trong bối cảnh
Việt Nam đang tăng cường năng lực phòng thủ của mình.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
hội đàm cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin trong dinh Bocharov Ruchei tại thành
phố Sochi ven Biển Đen, Nga, ngày 6 tháng 9, 2018. Ảnh: VOA.
Con số 1 tỷ USD đặt mua vũ khí trên gấp đến 10 lần
so với hợp đồng đầu tiên của Bộ Quốc phòng Việt Nam mua vũ khí của Mỹ giá trị gần
100 triệu USD, được tiết lộ bởi cơ quan quốc phòng Mỹ ngay sau chuyến công du đến
Mỹ vào đầu tháng Tám năm 2018 của Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam Đỗ Bá Tỵ.
Cho tới nay, Nga vẫn là đối tác cung cấp đến 90% vũ
khí chủ lực cho Việt Nam. Nhưng từ khoảng năm 2013 đến nay và đặc biệt gần đây,
đã xuất hiện quan điểm trong giới chuyên gia quốc phòng rằng sẽ rất rủi ro nếu
Việt Nam chỉ phụ thuộc vào một hay một số ít các đối tác, vì vậy Việt Nam nhất
thiết phải đi tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và bổ sung thêm vào biên chế những
khí tài có xuất xứ “ngoài Nga”.
Quan điểm trên cũng đánh giá rằng vũ khí Nga tuy rất
tốt - không thua kém, thậm chí có nhiều điểm còn mạnh hơn cả của NATO - tuy nhiên
vẫn tồn tại những điểm yếu như: năng lực sản xuất giới hạn, tiến độ giao hàng
chậm, và các khí tài của Nga cũng ít khi được thiết kế theo kiểu mô-đun như
phương Tây nên rất khó bảo trì và nâng cấp (ngược lại, vũ khí do các thành viên
NATO chế tạo rất dễ dàng tùy biến, nâng cấp, nhờ vào nguồn cung đa dạng). Ngoài
ra, một yếu tố nữa mà Việt Nam cần tính đến là giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện
nay đang có những bất đồng về chủ quyền biển đảo, mà Trung Quốc cũng là một nước
nhập khẩu lớn và sử dụng vũ khí theo “hệ Nga”. Với tiềm lực tài chính eo hẹp
hơn nhiều, chắc chắn Việt Nam không thể chạy đua với Trung Quốc về số lượng khi
những gì Nga bán cho Việt Nam thì cũng có thể bán cho Trung Quốc nhưng với số
lượng lớn hơn rất nhiều, vì vậy không có gì để đảm bảo bí mật và lợi thế của Việt
Nam nếu xảy ra xung đột (tức chiến tranh giữa hai nước)…
Ngân sách quốc phòng của Việt Nam đã tăng từ 1,3 tỷ
đôla lên đến 4,6 tỷ đôla (tăng 258%) trong vòng 10 năm, từ năm 2006 - 2015, và
hiện thời chiếm khoảng 9% tổng chi ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều thông tin cho biết ngân
sách quốc phòng phải “giật gấu vá vai” trong những năm qua, đặc biệt trong bối
cảnh ngân sách quốc gia có xu hướng cạn kiệt nhanh chóng và Việt Nam đặc biệt
thiếu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa và trả nợ nước ngoài.
Nói cách khác, Việt Nam đang rơi vào hố trũng hết tiền.
Hết tiền cho nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển và cho cả quốc
phòng.
Hẳn đó là nguồn cơn sâu xa vì sao những bản hợp đồng
đầu tiên của Việt Nam mua vũ khí Mỹ chưa đầy 100 triệu USD - chỉ bằng chưa đầy
1/% so với giá trị các hợp đồng thương mại trên danh nghĩa mà chưa có cơ sở nào
để coi là thực chất - mà Thủ tướng Phúc đã mang nụ cười cầu tài mang đến
Washington tháng Năm năm 2017 để ve vuốt Tổng thống Trump.
Giá trị mang tính tượng trưng duy nhất về 1 tỷ USD
Việt Nam đặt hàng mua vũ khí Nga cũng cho thấy về thực chất, chuyến đi Nga của
Nguyễn Phú Trọng đã có thể chẳng thúc đẩy được hoạt động trao đổi thương mại
hai chiều hay mở rộng thị trường xuất khẩu cho Việt Nam, trong bối cảnh kim ngạch
hai chiều Nga - Việt vẫn chỉ lẹt đẹt ở con số 3,5 tỷ USD/năm.
Cho dù giá trị đơn đặt hàng mua vũ khí từ Nga của Bộ
Quốc phòng Việt Nam chỉ có 1 tỷ USD, nhưng trong bối cảnh ngân sách Việt Nam
đang quá eo hẹp và đặc biệt đang thiếu ngoại tệ trầm trọng (một phần lớn ngoại
tệ hiện thời phải dùng để trả nợ nước ngoài từ 8 - 10 tỷ USD mỗi năm), dấu hỏi
rất lớn là Việt Nam sẽ tìm đâu ra 1 tỷ USD để mua vũ khí Nga?
Vào năm 2016, để mua vũ khí của Ấn Độ, Việt Nam còn
không có ngoại tệ mà phải nhờ vả vào nửa tỷ USD tín dụng quân sự của nước này.
No comments:
Post a Comment