Friday, 21 September 2018

VỀ "NGHĨA TỬ LÀ NGHĨA TẬN" (Trịnh Hữu Long)





Muốn thiên hạ có “nghĩa” với mình khi mình chết thì tối thiểu khi còn sống cũng phải có “nghĩa” với thiên hạ.

Còn khi sống mà trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tội ác, hoặc im lặng về hùa với kẻ ác, thì đừng trách người ta vui mừng khi mình chết, bởi cái chết đồng nghĩa với việc không còn khả năng gây ra tội ác nữa.

Nhưng một xã hội mà phải chờ đến khi kẻ ác chết tự nhiên thì mới ngăn chặn được cái ác thì xã hội ấy là một xã hội rất tuyệt vọng. Một xã hội tốt sẽ ngăn chặn được tội ác mà không cần phải lấy mạng kẻ thủ ác (theo thủ tục xử tử hình) hoặc chờ đến khi kẻ ác chết tự nhiên.

Trần Đại Quang và các đồng chí của ông không cho nhân dân một cơ hội nào để đòi được công lý theo những thủ tục pháp lý văn minh. Trái lại, nhân dân chết trong đồn công an mà không trăn trối được với gia đình một lời nào, nhân dân mất nhà mất cửa mất ruộng mất vườn dưới dùi cui công an mà không thưa kiện được ai, nhân dân cắn lưỡi nhổ răng khâu mồm im lặng dưới đòn thù của công an mà không biết phải làm thế nào.

Hãy hỏi Trần Đại Quang cái “nghĩa” của ông ta ở đâu trước tang quyến của những người đã chết dưới dùi cui công an, ngay trong thời kỳ ông ta là Bộ trưởng.

Hãy hỏi Trần Đại Quang cái “nghĩa” của ông ta ở đâu trước hàng trăm nghìn người ngày ngày kéo nhau lên trụ sở công quyền đòi lại đất.

Hãy hỏi Trần Đại Quang cái “nghĩa” của ông ta ở đâu khi hạ bút ký ban hành Luật An ninh mạng, đứa con đẻ mà ông ta hằng đau đáu ngay cả khi lâm bệnh.

Dĩ nhiên, Trần Đại Quang chết rồi, làm sao mà hỏi được nữa. Những câu hỏi đó, tất cả những phản ứng vui mừng đó của người dân, là dành cho cái ác và những kẻ ác còn đang sống.

Nếu về cuối đời, Trần Đại Quang, với thẩm quyền duy nhất của mình với tư cách là Chủ tịch nước, tha được tội chết (oan) cho Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh và Đặng Văn Hiến thì nhân dân không vui mừng trước cái chết của ông ta đến như thế.

Nếu về cuối đời, Trần Đại Quang, cũng với thẩm quyền duy nhất của mình với tư cách là Chủ tịch nước, từ chối ký ban hành Luật An ninh mạng, thì người ta có khi còn tung hô ông lên trời.

Nhưng Trần Đại Quang đã không làm như thế. Ông ta đã chọn ghi tên mình vào những trang sử đen tối nhất của đất nước này.

Nói những điều này không có nghĩa là tôi không tôn trọng gia quyến và tôn trọng nỗi đau của những người thân yêu của Trần Đại Quang. Mỗi con người đều có nhiều khía cạnh khác nhau. Vừa là quan chức nhưng vừa là chồng, là cha, là ông, là hàng xóm, là bạn bè, v.v. Mỗi người tiếp xúc với ông Quang theo những khía cạnh khác nhau. Còn công chúng chỉ tiếp xúc với khía cạnh quan chức của ông ấy. Đừng kỳ vọng và đừng bắt công chúng phải phản ứng với ông ấy như gia đình hay bạn bè của ông ấy.

Phản ứng của người dân trước cái chết của một nguyên thủ là chiếc hàn thử biểu đo đạc lòng dân với chế độ. Muốn khi chết đi được người ta nhớ đến và tôn trọng thì ngay lúc này hãy bắt tay vào mà làm việc thiện, mà việc thiện cần kíp nhất là khởi động ngay một tiến trình dân chủ hoá đất nước. Làm được như thế, không có lý do gì mà mồ không yên, mả không đẹp.


-----------------------------------


Ông chủ tịch nước qua đời lúc 10:05 sáng nay 21.9.2018 (nhằm 12.8 ta), khi đương chức. Theo thói của người xưa có văn hóa và nhân văn, “nghĩa tử là nghĩa tận”, tôi cầu cho ông siêu thoát, rũ bỏ được mọi đau đớn của cả thể xác lẫn cõi nhân sinh u ám.

Định không nói bất cứ lời nào về ông trong lúc này, nhưng chợt nhớ cách nay 1 tuần, ông nhợt nhạt như một cái xác vô hồn khi buộc phải làm chủ lễ đón tổng thống Indonesia, thấy thật tội nghiệp. Làm người, dù kẻ ăn mày hay ngài chủ tịch nước, sao mà khổ thế.

Xưa, cụ Nguyễn Gia Thiều viết “Thảo nào khi mới chôn nhau/Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”. Không mấy ai thoát được.

Điều ác độc nhất là cả cái bộ máy mà ông ấy là thành viên, khi biết ông đã trọng bệnh thập tử nhất sinh nhưng nó vẫn bằng cách này cách khác quyết không buông tha, vắt kiệt sức ông ấy, nhất là kể từ cái hội nghị quốc tế APEC năm nay (2018) ở Đà Nẵng. Nó thà vứt bỏ tính mạng con người chứ không để ảnh hưởng đến “uy tín, quy trình, tổ chức” của nó. Vẫn biết sống chết có số, “trời kia đã bắt làm người có thân”, nhưng nếu ông Quang được nghỉ ngơi, ắt không phải phô ra hình ảnh tội nghiệp thiểu não đáng thương hại nói trên. Thế nên, trong hoàn cảnh tương tự, còn có những uẩn khúc, góc tối chưa xì ra, nhưng Đinh Thế Huynh vẫn được xem là may mắn. Lúc này, nếu Huynh ngồi ngẫm lại, sẽ thấy được nhiều hơn là mất. “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” (cái họa cái phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày), tuy nhiên có khi tưởng họa mà lại phúc, tưởng phúc mà chính là họa. Hiểu ra thì sẽ thoát được những sự trói buộc vô hình mà cực kỳ tàn nhẫn.

Bộ máy vắt chanh này đã giết chết ông Quang chứ không phải bệnh tật, dù ông Nguyễn Quốc Triệu nói đó là thứ bệnh nan y, cực hiếm, rất khó chữa, thậm chí không thể chữa. Biết người ta mắc “bệnh chờ chết” như thế mà không cho nghỉ thì quá ác. Thời này không phải thời “còn một giây còn một chút tàn hơi/là phải còn tranh đấu mãi không thôi”, “cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu/để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai”. Thứ suy nghĩ cực đoan ấy đã hết rồi, đã qua rồi. Mình không làm thì sẽ có người khác, thậm chí giỏi hơn mình, và tất nhiên là khỏe hơn mình, làm. Bi kịch ở chỗ, có lẽ ông Quang hiểu được điều ấy để níu kéo sự sống, nhưng đã trót nằm trong “chăn” nên không thoát ra được.

Và điều liên quan. Đất nước này lại càng thêm bi kịch khi cứ chiểu theo quy định của hiến pháp, nguyên thủ mới (dù chỉ hình thức) là một người đàn bà chẳng mấy tài, không “nhợt nhạt” như ông Quang nhưng rất nhạt nhòa, đứng ra lãnh đạo gần trăm triệu người, trong đó có hàng chục triệu người giỏi hơn bà. Làm long trọng viên thì được, nhưng thay mặt quốc gia quả thật đại bi kịch.

Trên thực tế, cũng chả ai cho bà ta vào dự nơi hổ trướng khu cơ bàn về quân cơ quốc kế khi chỉ nhõn là ủy viên trung ương quèn. Xứ này chạy trời cũng không thoát khỏi căn bệnh hình thức.

Trọng thu Mậu Tuất, biên mấy dòng.
Nguyễn Thông


-----------------------------------


Ánh Liên  -   VNTB
21 tháng 9, 2018

Người đứng đầu nhà nước, ông Trần Đại Quang vừa mất vào sáng ngày 21.09, kết thúc chuỗi bi cực vào cuối đời.

Ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang (Chủ tịch nước) mất, khi cuộc chiến đốt lò nhằm vào đơn vị cũ của ông vẫn đang diễn ra,… Và nhiều người tin rằng, sự ra đi lần này sẽ khiến cho nhiều kẻ vui mừng, bao gồm cả những nhóm lợi ích đang tồn tại.

Người từng một thời hét ra lửa ở cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, oai phong lẫm liệt ở lễ Tuyên thệ Chủ tịch nước,… đã sớm xuống dốc về mặt thần thái và sức khỏe, và chưa hết nửa nhiệm kỳ, người dân chỉ thấy một Chủ tịch nước héo khô về mọi mặt.

Suy cho cùng, ai cũng sẽ chết, nhưng tựu trung có cái chết vang danh, cảo thơm và có cái chết để làm nhiều tai tiếng và khinh bỉ của người đời. Có lẽ, hơn ai hết, vào những ngày cuối đời, ông Chủ tịch nước đã phải lắng nghe được lương tri và cái bi thảm nhất của con người quan chức XHCN, giờ khắc mà mạng sống như những ngọn nến thắp lên trong đêm bão.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời lúc 10h05 ngày 21.9.2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Hoàng Hà.

Là một người đứng đầu nhà nước, nhưng cái quyền được chăm sóc sức khỏe bản thân cũng không có. Đó phải là một quan điểm mang tính bịa đặt, xuyên tạc không? Không, vì tính trong nửa tháng trở lại đây, một người hom hem tiều tụy, gầy sọp, viền môi đã đổi sắc, khẩu hình có hiện tượng co dúm lại nhưng phải buộc phải gồng mình để làm ‘nhiệm vụ chính trị’, nói đúng hơn vào những ngày cuối đời, ông Chủ tịch nước buộc trở thành một xác chết biết đi.

‘Tao khỏe, có chi mô’, câu nói đầy bi đát của ông Nguyễn Bá Thanh ngày nào giờ vận đúng ông Trần Đại Quang. Nhưng so với ông Thanh, thì ông Quang còn bi đát hơn nhiều.

Ngày 18.09, ông Chủ tịch nước còn cùng với Bộ Chính trị họp cho ý kiến về các đề án chuẩn bị trình Hội nghị TW 8.

Ngày 19.09, ông Chủ tịch nước hom hem trong bộ complet rộng thùng thình tiếp Chánh án TAND tối cao Trung Quốc.

Ngày 20.09, một lá Thư chúc Tết Trung thu được ký bởi ông Chủ tịch nước.

Nghĩa là trước khi mất 3 ngày, ông Chủ tịch nước buộc phải dùng chút hơi tàn, lực kiệt để đảm nhiệm vai trò ‘Chủ tịch nước’.

Có điều nào phi nhân bản hơn đến thế?

Vấn đề, nếu ông Chủ tịch nước xin nghỉ thì ai sẽ chấp nhận, hoặc bản thân ông có chấp nhận không khi những di sản ông tạo ra trước đó đang bị ‘đốt’, có vẻ ông gắng gượng sống để chống đỡ? Đặc biệt là sự vụ liên quan đến Vũ ‘nhôm’ và những sai phạm bị phanh phui trong nội bộ Bộ Công an?. Hay đây chỉ là cách ‘hành hạ nhau’ bằng việc vắt kiệt sức hơi tàn của ‘địch thủ’ trong những ngày cuối đời? Hay đơn thuần, ông Chủ tịch nước muốn chứng minh bản thân mình là một đảng viên mẫu mực, người sẽ cống hiến đến hơi thở cuối cùng?

Có vô vàn lý do đặt ra, nhưng suy cho cùng, ông Chủ tịch nước phải trả một cái giá rất đắt trên thành cao quyền lực.

Tiếp theo là, ai sẽ thay thế ông Chủ tịch nước? Người đó sẽ như thế nào, có phải là một Bí thư thành ủy phía Nam để làm hài lòng về tính trung lập trong Bộ Chính trị? Hay là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện thời, người với những câu nói vô thưởng, vô phạt? Hay là Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, người có sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề áp dụng đặc khu ở Việt Nam? Có lẽ với nhiều người, trong hệ thể chế XHCN, thì bất kỳ ai lên thay, cũng sớm trở thành ‘cột mục ruỗng’. Do đó mà ngay cả chuyện tang lễ là chuyện buồn, Quốc tang là chuyện trọng đại, nhưng sự mất mát của người đứng đầu Nhà nước trong bối cảnh BOT vẫn còn nhiều, biệt phủ vẫn còn tồn tại, và thuế xăng dầu vừa mới tăng,… thì buồn nào đáng hơn?

Nỗi buồn và nghi vấn

Dân buồn về xã hội trì trệ, thuế phí tăng cao hơn việc một ông Chủ tịch nước không có quá nhiều thành tích nổi bật cho xã hội qua đời, nhưng cũng với sự ra đi lần này, hẳn để lại nỗi buồn rất lớn đối với những người nằm trong phe phái của ông, những người đang đối diện với cuộc chiến đốt lò. Bởi từ nay, lá chắn Chủ tịch nước đã không còn tồn tại, và câu chuyện dọn dẹp sạch sẽ củi lò trong Bộ Công an và những vụ việc có liên quan đến Bộ này trong thời gian tới sẽ được tăng tốc hơn.

Ông Chủ tịch nước ra đi lần này, cũng để lại một nghi vấn về nguyên trạng cái chết của ông, mắc phải virus hiếm gặp, hình thành 'bệnh chưa có thuốc để điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể chặn lại và đẩy lùi một thời gian', hay những cái chết kỳ cục của giới chức Cộng sản.

Và điều bi đát đọng lại là, ngay cả khi mất đi, cái năm sinh trên bia mộ của ông Chủ tịch nước cũng không được trở về chính xác, gian dối ám vận vào cả khi nằm xuống. Cuộc đời của ông Trần Đại Quang, xét cho cùng, ‘Ham hố tiền bạc (trọng ngân) nhưng không chịu tu nhân tích đức, khiến cho phúc mỏng (bạc phúc) thì của nả, tài sản cũng mất hết. [một câu nói vô danh]’

-------------------------------

September 20, 2018

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – ‘Ông Trần Đại Quang, chủ tịch nhà nước CSVN qua đời lúc 10 giờ 5 phút sáng nay, 21 Tháng Chín 2018 tại Hà Nội.’ Nhiều nguồn tin của nhật báo Người Việt cho hay như vậy, sau khi ông Quang qua đời ít phút.

Sắc diện ông Trần Đại Quang trên truyền hình VTV, bản tin lúc 17 giờ tối 19 Tháng Chín, 2018 khi ông Quang tiếp ông Chu Cường, chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc. (Hình: Chụp lại VTV)

Trên mạng xã hội facebook, nhiều facebooker đã ‘loan’ tin này bằng nhiều cách khác nhau, trước khi hệ thống truyền thông do đảng CSVN kiểm soát chưa chính thức được phép loan tin.

Trên trang ‘facebook Trương Huy San,’ nhà báo thạo tin Osin- Huy Đức chỉ viết vỏn vẹn một dòng ngắn: “10:05, 21-9-2018, Trần Đại Quang (1950 – 2018)”.

Theo đó, Huy Đức cho hay, ông Trần Đại Quang qua đời lúc 10 giờ 5 phút sáng 21 Tháng Chín, 2018. Nhà báo Huy Đức lấy năm sinh của ông Trần Đại Quang là 1950, không phải 1956 như tiểu sử của ông Quang được đảng CSVN công bố.

Gần 2 tiếng sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, các báo Việt Nam mới chính thức loan tin.
VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Quốc Triệu, “Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, Chủ tịch nước mất tại bệnh viện Trung ương quân đội 108.”

Như thông lệ, truyền thông Việt Nam trích thông báo của Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, viết: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang mắc bệnh hiểm nghèo, đã được các giáo sư bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện nhưng không qua khỏi.”

Ông Trần Đại Quang, 62 tuổi, được Quốc Hội CSVN bầu làm chủ tịch nước vào ngày 2 Tháng Tư, 2016, thay thế ông Trương Tấn Sang. Trước đó, ông Quang là đại tướng, bộ trưởng Bộ Công An.

Tiểu sử của ông Trần Đại Quang trên wikipeadia ghi ông sinh ngày 12 Tháng 10 năm 1956, quê ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Ông Trần Đại Quang tiếp Phó Chủ Tịch Cuba Salvador Antonio Valdes Mesa tại Hà Nội hôm 13 Tháng Chín, năm 2018. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/ Getty Images)

Hồi Tháng Mười, năm 2017, đã có hàng loạt các tin đồn đoán về việc ông Trần Đại Quang sang Nhật chữa bệnh và nhiều nguồn tin “lề trái” còn cho hay ông Quang “bị bệnh ung thư.”

Vào Tháng Tư và Tháng Năm, 2018, lại có nhiều đồn đoán về sức khỏe ông Trần Đại Quang trước khi đảng CSVN tổ chức Hội Nghị Trung Ương 7. Một số nhà quan sát còn nhận định, ông Quang sẽ bị thay thế bởi ông Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên điều đó không xảy ra, ông Quang vẫn tại vị, còn ông Nhân về làm bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn thay ông Đinh La Thăng bị xử tù.

Trong vài ngày qua, sắc diện của ông Trần Đại Quang suy giảm khá rõ, điều có thể thấy qua các bức ảnh mới nhất của hãng thông tấn AFP chụp tại Hà Nội hôm 11, 12 và 13 Tháng Chín, 2018, so với trước đó.

Sắc diện của ông Quang suy giảm rất nhanh kể từ Tháng Tư, 2016, khi ông này được Quốc Hội CSVN bầu làm chủ tịch nước.

Khuôn mặt ông Trần Đại Quang gầy đi rất nhiều, trên trán có một vết màu xanh, hai gò má cao, hai thái dương tóp lại, hốc mắt sụp sâu xuống, và thần sắc không mấy vui tươi…

Sắc diện của ông Quang suy giảm cũng có thể thấy trên các bản tin của truyền thông tại Việt Nam, đặc biệt trên truyền hình quốc gia và Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 19 Tháng Chín, khi ông Quang tiếp ông Chu Cường, chánh án Tòa án Nhân Dân Tối Cao Trung Quốc, hai ngày trước khi ông qua đời. (KN)










No comments:

Post a Comment

View My Stats