Thursday, 6 September 2018

THÔNG TƯ 19 : "KHÔNG KIỂM SOÁT ĐƯỢC, CÓ THỂ TÁC HẠI KHÓ LƯƠNG' (TS. Hà Hoàng Hợp & BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
6/9/2018

Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới ban hành hôm 28/8/2018 khi 'áp dụng nghiêm ngặt và toàn diện' có thể 'đem lại lợi ích' cho tất cả các bên thương mại, cả Việt Nam và Trung Quốc và cả bên thứ ba, một nhà quan sát kinh tế, chính trị Việt Nam nói với BBC Tiếng Việt.
Tuy nhiên chưa rõ liệu dự thảo Thông tư này có được 'thông báo công khai' để lấy ý kiến rộng rãi hay không, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas của Singapore) nêu quan điểm.

Đồng nhân dân tệ (CNY) được phép lưu hành song song với VNĐ ở 7 tỉnh biên giới Việt - Trung theo Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. GETTY IMAGES

Nếu kiểm tra, giám sát không nghiêm ngặt, phiến diện, không tuân thủ pháp luật như luật biên giới, luật xuất nhập cảnh, luật thương mại v.v... thì sẽ 'có tác hại không lường trước được' về kinh tế - tiền tệ, tài chính, xã hội, và an ninh quốc gia, nhà quan sát này cảnh báo.





Trước hết, trả lời câu hỏi của BBC hôm 06/9/2018, ngay trước Bàn tròn thứ Năm từ London tuần này, về việc vì sao dư luận quan tâm (hay quan ngại) về Thông tư 19 được NHNN Việt Nam ban hành mới đây, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm:

"Thời gian này, mỗi khi nhà nước Việt Nam đưa ra dự kiến hay văn bản quy phạm pháp luật nào có liên quan đến Trung Quốc, thì người dân và các giới đều chú ý quan tâm. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 19 'hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc', thì dư luận quan tâm khá nhiều, vì Thông tư đó quy định về việc sử dụng Nhân dân tệ (CNY) trong thương mại biên giới hai nước ở 7 tỉnh có biên giới với Trung Quốc.
"Có người lo đến các tác động tiền tệ của đồng tiền Trung Quốc đối với chủ quyền, đến chính trị - kinh tế, thương mại của Việt Nam. Quan tâm của dân lúc này là biểu hiện tích cực, cho thấy nhận thức về lợi ích quốc gia của người dân được nâng cao.
"Từ 1991, sau khi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc được bình thường hóa, thương mại song phương có đà phát triển mạnh ở các tỉnh có biên giới với Trung Quốc. Năm 2013, kim ngạch thương mại biên giới, chỉ tính sơ, đã đạt hơn 15 tỷ USD, với các giao dịch VND-CHY không theo chính ngạch, nên cả hai bên (Việt Nam và Trung Quốc) trong thực tế không quản lý được đến mức cần thiết. Năm 2017, kim ngạch tăng, cũng tính thô, đạt trên 17 tỷ USD. "

Thông tư 19 nhằm tăng cường quản lý chính ngạch các giao dịch ngoại hối đối với CNY, tạo điều kiện tốt hơn cho các quá trình giao dịch ngoại hối VND-CNY ở vùng biên giới, theo TS. Hà Hoàng Hợp. BBC NEWS TIẾNG VIỆT

Tính khả thi thế nào?

BBC Tiếng Việt: Ông bình luận thế nào về Thông tư này? Áp dụng sẽ khả thi hay không? Có vấn đề gì chưa hợp lý hay chưa thỏa đáng không?
TS. Hà Hoàng Hợp: Thông tư 19 nhằm tăng cường quản lý chính ngạch các giao dịch ngoại hối đối với CNY, tạo điều kiện tốt hơn cho các quá trình giao dịch ngoại hối VND-CNY ở vùng biên giới. Thông tư 19 chỉ áp dụng ở 7 tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc, và cũng chỉ áp dụng cho số thương nhân, cá thể thương mại ở biên giới.
Nếu triển khai có kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt và toàn diện thì sẽ có kết quả tốt, giúp quản lý được mọi giao dịch chính ngạch với sự tham gia của các ngân hàng, thực hiện được các quy định về ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành theo luật.
Nếu kiểm tra, giám sát không nghiêm ngặt, phiến diện, không tuân thủ pháp luật (luật biên giới, luật xuất nhập cảnh, luật thương mại…) thì sẽ có tác hại không lường trước được về kinh tế - tiền tệ, tài chính, xã hội, và an ninh quốc gia.
Thông tư 19 gồm 22 điều quy định các mặt hoạt động quản lý giao dịch ngoại hối VND-CNY.
Tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước (Vụ Pháp chế, Vụ Quản lý Ngoại hối…) đã thực, hiện đúng Luật về các Văn bản Quy phạm Pháp quy, đã tham khảo ý kiến các bên lên quan như Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật), Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính…
Tôi chưa rõ dự thảo Thông tư này có được thông báo công khai để lấy ý kiến rộng rãi hay không.

Cơ sở pháp lý, khoa học của văn bản?

Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/10/2018. OTHER

BBC Tiếng Việt: Cơ sở pháp lý, khoa học, cách thức xây dựng và ban hành có ổn không hay có gì cần bàn lại?
TS. Hà Hoàng Hợp: Về cơ sở pháp lý, Thông tư 19 dựa trên Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật về Các tổ chức Tín dụng. Thông tư này thuộc thẩm quyền ban hành của Ngân hàng Nhà nước, phạm vi áp dụng hẹp, không quy định áp dụng trong cả nước.
Việc cho phép thực hiện các giao dịch ngoại hối với CNY ở một vùng lãnh thổ đặc thù, ở đây là 7 tỉnh biên giới, hạn chế trong một số đối tượng tham gia thương mại, là hợp pháp, đúng thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.
Về kỹ thuật (nghiệp vụ ngoại hối), mọi giao dịch chính ngạch đều phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng tại các ngân hàng được cấp phép đặc biệt, là đúng đắn, phù hợp và có khả năng kiểm tra, giám sát đối với mọi bước giao dịch ngoại hối.
Do Thông tư này là một văn bản quy phạm cần tuân thủ các luật liên quan, nên các định nghĩa trong thông tư không được nhắc lại một cách cụ thể.
Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại rằng chúng ta chưa rõ Ngân hàng Nhà nước có tiến hành các thủ tục nghiêm ngặt cho quá trình xây dựng và ban hành chính sách hay không, trước khi ban hành Thông tư này (trong đó có thủ tục đánh giá tính khả thi chính sách, đánh giá các rủi ro có thể xảy ra, các bước quản trị nhằm giảm rủi ro, đánh giá mọi tác động giả định và tiềm năng về mặt chính sách của thông tư này…)
Thông tư này không quy định về hoạt động xuất, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của nước có chung biên giới. Vì vậy, không có lý do xác đáng để lo ngại về việc xuất nhập khẩu đồng Nhân dân tệ dưới dạng tiền mặt. Nói cách khác, mọi giao dịch ngoại hối tiền mặt trong thông tư này không có đồng Nhân dân tệ (Điều 1, khoản 1).

Lợi hại và tính thời điểm?

BBC Tiếng Việt: Lợi, hại đem lại cho phía VN và phía TQ thế nào, khi Thông tư được áp dụng? Ai lợi hơn hay lợi thế cân bằng?
TS. Hà Hoàng Hợp: Như thế, Thông tư 19 khi áp dụng nghiêm ngặt và toàn diện, đem lại lợi ích cho tất cả các bên thương mại, cả VN và TQ, cả bên thứ ba (có giao dịch ngoại tệ không phải CNY).

BBC Tiếng Việt: Tính thời điểm của Thông tư và bối cảnh đang xảy ra Thương chiến Mỹ - Trung có gì đáng bàn không? Kinh tế, tài chính, sản xuất, ngoại thương và đồng tiền VN có bị ảnh hưởng gì không trong toàn bộ diễn biến và bối cảnh này?
TS. Hà Hoàng Hợp: Cuộc "chiến" thuế quan Mỹ - Trung lúc này đang gây ra các hệ lụy trực tiếp cho cả Mỹ và Trung Quốc. Khi TQ hạ thấp tỷ giá CNY/USD, thì có thể hàng hóa TQ dễ xuất khẩu sang VN hơn, nhưng để khẳng định có dễ thật không, thì phải thu thập số liệu ở tất cả các cửa khẩu biên giới có hoạt động thương mại giữa hai nước (bất kể là cửa khẩu to hay nhỏ, các điểm thương mại thường xuyên hay tạm thời…).
Xa hơn, cần kiểm tra chặt chẽ, xem hàng Mỹ có xuất qua VN vào TQ, hay hàng TQ có xuất vào Mỹ qua VN, hưởng mức thuế quan Mỹ (và TQ) áp dụng cho VN hay không, nếu có thì kim ngạch bao nhiêu, các bên nhập có biết đó là xuất qua VN hay không, biện pháp của mỗi bên thế nào.
Nhìn bề ngoài, người ta dễ muốn tin rằng nếu TQ không bán được hàng sang Mỹ, thì TQ bán nhiều hơn sang VN. Nhìn kỹ hơn, thì không hẳn là như thế, khi mà loại hàng và nhu cầu thị trường VN đã bão hòa, thì hàng sẽ khó có thể xuất sang VN với bất cứ giá nào và chất lượng nào (với điều kiện hệ thống quản lý thị trường VN mạnh, liêm chính, công tâm).
Chúng ta khó đoán điều gì sẽ xảy ra trong cuộc "chiến" thuế quan thương mại Mỹ - Trung trong tháng 10, tháng 11 và cuối năm nay.
Nhưng Thông tư 19 mở ra khả năng cho phép quản lý tốt hơn hoạt động ngoại hối VND-CNY, bất kể tỷ giá CNY/USD, tỷ giá VND/USD sẽ như thế nào!
Đấy là kỳ vọng dựa trên nội dung của Thông tư 19. Điều kiện cần và đủ để kỳ vọng đó thành hiện thực, là cần áp dụng Thông tư 19 một cách nghiêm ngặt, chặt chẽ, toàn diện, có kiểm tra, giám sát ở từng khâu, từng đối tượng thương mại, từng bên quản lý.

Chủ quyền tiền tệ và công nghệ?

BBC Tiếng Việt: Vấn đề chủ quyền, an ninh kinh tế, tài chính và tiền tệ của VN liệu có được đảm bảo qua Thông tư này?
TS. Hà Hoàng Hợp: Nếu cứ cho tiêu xài tự do và vô độ một (hay vài) ngoại tệ ở bên trong một quốc gia có độc lập tiền tệ, thì tùy mức độ, sẽ có tác động tiêu cực đến an ninh tiền tệ, an ninh kinh tế và an ninh chính trị của quốc gia đó.
Thông tư 19 không cho phép như thế! Nó hạn chế hoạt động ngoại hối về địa lý, đối tượng, phương thức giao dịch, nghiệp vụ, loại tiền tệ… nên khó có thể nói Thông tư này có thể chứa rủi ro an ninh tiền tệ và an ninh quốc gia!

BBC Tiếng Việt: Cuối cùng, có vấn đề kinh tế - chính trị hay kinh tế - tài chính - công nghệ - thị trường nào đáng lưu ý khi quy định mới đi vào đời sống?
TS. Hà Hoàng Hợp: Hoạt động thương mại điện tử của Trung Quốc đang phát triển rất nhanh, rất mạnh. Thị phần thương mại điện tử Trung Quốc ở Việt Nam tăng nhanh có thể nói hàng ngày, hàng tuần, có lúc hàng giờ. Alibaba, với việc mua thâu tóm LAZADA ở Việt Nam, đang có những bước nhảy xa trong thị trường thương mại điện tử và logistics ở VN. Kèm theo đó, là các phương thức thanh toán phi tiền mặt, phi ngân hàng trên nền Fintech như Aliexpress, Alipay… đang phát triển mạnh ở VN.
Thực tế này làm cho người VN, từ người tiêu dùng, cho đến Ngân hàng Nhà nước (cơ quan quản lý các dịch vụ tài chính phi ngân hàng, thanh toán trung gian - Fintech) cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về mọi tác động của hoạt động này từ Trung Quốc.
Khi chúng ta chấm dứt nói về hệ sinh thái 4.0, bắt tay vào làm những việc thật cụ thể, mọi việc sẽ tốt hơn.
Nhân đây, tôi muốn nói rằng VN cần cải cách sao cho Ngân hàng Nhà nước VN trở thành một ngân hàng trung ương thực thụ, có đầy đủ thẩm quyền độc lập, kiến thức tiền tệ, để mọi người có thể đảm chắc rằng an ninh tiền tệ, an ninh quốc gia VN được giữ vững!

-------------
Trên đây là quan điểm riêng của nhà nghiên cứu, phân tích bình luận với BBC Tiếng Việt từ Hà Nội. Mời quý vị bấm vào đường link này để theo dõi Bàn tròn thứ Năm trong đó có giới thiệu ý kiến các khách mời từ Việt Nam và hải ngoại bình luận về cùng chủ đề.

---------------

Tin liên quan
·        








No comments:

Post a Comment

View My Stats