Posted on 04/09/2018
Sách giáo khoa luôn luôn gắn bó chặt chẽ với chính
trị và do đó cần sự tham gia có tính chính trị của tất cả mọi người.
Là những quyển sách có khả năng định hình niềm tin,
thế giới quan và kỹ năng, kiến thức của trẻ em, sách giáo khoa (SGK) từ lâu đã
là đối tượng của các cuộc chiến tư tưởng.
Điều này càng quan trọng hơn khi người ta nhận ra rằng
SGK sẽ là những quyển sách đầu tiên mà nhiều người dân thật sự đọc, nếu không
muốn nói là những quyển sách duy nhất mà họ sẽ đọc, trong nhiều bối cảnh tôn
giáo – chính trị – xã hội.
Một nghiên cứu tại Nam Phi cho thấy, dù sở hữu nền
kinh tế rất mạnh mẽ, chỉ phân nửa số học sinh của quốc gia này có hơn mười quyển
sách để đọc và tham khảo tại nhà. Một nghiên cứu khác của chính phủ Ai Cập vào
năm 2010 cũng phát hiện rằng, 88% gia đình tại Ai Cập không hề đọc bất kỳ loại
sách vở nào khác, ngoại trừ SGK cho con cái và Kinh thánh Hồi giáo.
SGK, vì vậy, vừa là điều gì đó thân thuộc gần gũi với
các gia đình, trẻ nhỏ; vừa là thứ công cụ lớn lao phục vụ lợi ích của nhà nước,
của những người nắm thẩm quyền xã hội trong tay.
SGK: Lịch
sử của tuyên truyền
Từ bảng đất sét, giấy cuộn, sách thẻ tre, sách giấy
cói papyrus hay giấy da thuộc được làm thủ công… SGK đã được sử dụng để đào tạo cho thiểu số các thế hệ trẻ, thuộc
giai cấp cầm quyền trong suốt chiều dài lịch sử của Hy Lạp, Rome, Trung Quốc, Ấn
Độ, Sumer hay Ai Cập. Một mặt, chúng được sử dụng để truyền đạt tri thức về tự
nhiên, kinh nghiệm sản xuất – đời sống hay thuốc chữa bệnh. Song cũng ngay từ
thời điểm này, SGK đã có vai trò truyền thụ, áp đặt và duy trì niềm tin của
giai cấp cầm quyền lên trẻ nhỏ, thế hệ thừa kế trách nhiệm thống trị xã hội.
Sự xuất hiện của máy in chữ cải tiến với bản kẽm có
thể dịch chuyển từng từ, đã tạo ra năng lực in sách số lượng lớn cho xã hội
Châu Âu vào cuối thế kỷ 15. Nhu cầu và khả năng cung cấp của xã hội dành cho
SGK tăng mạnh, dẫn đến sự hình thành của hệ thống giáo dục đại chúng. Độc quyền
đối với sách vở dần dần tuột khỏi bàn tay giai cấp thống trị cùng với sự tham
gia tích cực của những nhà tư bản. Đa nguyên kiến thức dẫn đến tiến trình hiện
đại hóa, đi kèm với phong trào Phục Hưng và kỷ Khai Sáng tại Châu Âu.
Đáng tiếc thay, những thành tựu này không thể để lại
dấu ấn của mình trong các lớp học thuộc địa. Theo chân người Châu Âu đi khắp thế
giới, SGK trở thành một trong những công cụ chính yếu để dạy chữ của “mẫu quốc”,
góp phần “khai hóa” dân chúng địa phương và tạo cảm tình của thế hệ trẻ đối với
hệ thống thuộc địa. Vậy nên cũng không gì để bất ngờ khi các thế lực chủ nghĩa
quốc gia hay chủ nghĩa xã hội trỗi dậy tiếm quyền, SGK tiếp tục bị vướng vào
vòng xoáy của đấu tranh chính trị.
Lịch sử đã cho thấy rằng những quyển sách cho con trẻ
chưa bao giờ chỉ dành cho trẻ con.
Ngay sau khi Hoa Kỳ giành được độc lập từ tay Vương
Quốc Anh, hệ thống SGK do người dân địa phương tự viết bắt đầu được đầu tư để thay
thế sách vở nhập khẩu từ Anh. Trong đó nổi tiếng nhất mà phải kể đến bộ
sách do Noah Webster biên soạn về phát âm, ngữ pháp và văn học theo phong cách
Hoa Kỳ, nơi mà ông tập trung giới thiệu về các tác phẩm, lịch sử và địa lý Hoa
Kỳ.
Một phiên bản của quyển Chính tả Hoa Kỳ của Webster. Ảnh: Pastispresent.
Các quốc gia Châu Mỹ La-tinh cũng làm điều tương tự
để thay thế SGK của Châu Âu, sau khi họ có được độc lập từ tay Tây Ban Nha hay
Bồ Đào Nha.
Tại thời điểm chủ quyền quốc gia của Canada được xác
lập vào năm 1867, họ cũng không giấu giếm tham vọng kiểm soát và nội địa hóa
SGK, đặc biệt trong lĩnh vực lịch sử. Ví dụ, theo SGK của quốc gia này, bên thắng
cuộc trong cuộc chiến 1812 giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc lại là… Canada, vốn khi đó
chỉ bị kéo vào cuộc chiến vì đang còn là thuộc địa của Anh Quốc.
Hay sau khi Liên Xô sụp đổ, làn sóng thay đổi SGK để
phản chiếu thực tế và kỳ vọng quốc gia mới cũng được tìm thấy ở nhiều quốc gia
vệ tinh của khối Cộng sản tại Đông Âu. Không chỉ sách lịch sử, địa lý, chính trị,
kinh tế là đối tượng của các hoạt động chỉnh sửa SGK, các quyển sách tập đọc
dành cho học sinh tiểu học vốn trước đó có nội dung ca ngợi “Bác Lenin” tốt bụng
và kính yêu hoặc “Đội Thiếu niên Tiền phong” anh hùng cũng được xem là cần phải
được thay đổi.
Tình huống bài tập trong sách toán phổ thông cũng
xóa bỏ những hình ảnh gợi nhớ ký ức đau buồn của người dân Đông Âu về người
nông dân hợp tác xã và các công nhân làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước.
Chúng phản ánh nỗ lực của các chính phủ Đông Âu nhằm dọn sạch hình ảnh Xô viết
trong sách vở giáo khoa, và cũng cho thấy nỗ lực để lại dấu chân rết của chính
quyền Liên Xô trước đó, trong mọi loại tài liệu giáo khoa, dù ở bậc tiểu học
hay đại học, dù là sử học hay toán học.
Điều quan trọng nhất chúng ta có thể rút ra từ lược
sử này là gì:
Là rằng giáo dục không bao giờ thoát khỏi chính trị.
Sách, theo ý nghĩa tự do nhất của nó, lấy cội nguồn từ tri thức. Nhưng SGK,
theo ý nghĩa bản chất lịch sử, lấy cội nguồn từ chính trị.
SGK chưa bao giờ chỉ là công cụ sư phạm đơn thuần
dành cho trẻ em, chúng được thiết kế có chủ đích để trở thành những tài liệu
tuyên truyền chính trị từ hàng ngàn năm nay. Nội dung của SGK dùng để phản ánh
tầm nhìn nhất định của một nhóm người đối với lịch sử, vị trí của quốc gia trên
thế giới; các chân giá trị mà họ tin tưởng cũng như tham vọng xây dựng xã hội
mà họ hướng tới.
Như vậy, một điều chắc chắn là SGK sẽ luôn là đề tài
gây tranh cãi gay gắt, và rất khó khăn để điều chỉnh ở nhiều quốc gia.
Nhiều nhà quan sát cho rằng mức độ kiểm soát của
chính quyền đối với SGK, là chỉ số rất tốt để đánh giá cam kết và tham vọng kiểm
soát ý thức hệ của chính quyền đó. Nếu tham vọng kiểm soát mạnh mẽ, các cơ quan
nhà nước sẽ tự tay mình soạn thảo hoặc xác định những nội dung bắt buộc phải
ghi nhận đồng nhất trong SGK. Nhưng ngay cả khi chính phủ buông tay không kiểm
soát, các rào cản xã hội, vấn đề tài chính, quan hệ thân hữu cũng sẽ tạo ra những
nhóm lợi ích nắm trong tay quyền soạn thảo, in ấn, phân phối và sử dụng SGK
theo đúng ý muốn của mình.
Vì vậy, điều kiện cần để can thiệp vào quá trình
khép kín này là những phụ huynh có đủ can đảm để đặt câu hỏi với chính quyền và
các nhóm lợi ích. Giáo dục – đào tạo là quá trình từ hai phía, bao gồm
gia đình và xã hội.
Điều trên dẫn chúng ta đến điều kiện đủ, là sự tồn tại
của một xã hội đa nguyên và dân chủ. Chỉ trong một xã hội mở, khuyến khích sự
tham gia của người dân trong hầu hết các hoạt động chính trị thì giáo dục mới
là một đề tài có thể được động đến. Đây là nền tảng để xã hội thách thức thẩm
quyền tri thức và thẩm quyền chính trị của chính quyền trong giáo dục.
Xuất bản
nhà nước và xuất bản tư nhân
Nhiều người cho rằng SGK do nhà nước xuất bản và SGK
do tư nhân xuất bản là đặc điểm tạo ra khác biệt cho những bộ sách giáo khoa chất
lượng, đáng tin cậy. SGK do nhà nước sản xuất sẽ mang tính chất tuyên truyền và
quan liêu, trong khi cho phép SGK thuộc tư nhân sẽ thông thoáng, có chất lượng
và ít định kiến chính trị hơn. Điều này không thật sự chuẩn xác nếu so sánh với
thực tế trên thế giới.
Tại hầu hết các quốc gia, chính phủ luôn có vai trò
then chốt và khả năng can thiệp mạnh mẽ vào quá trình phát triển và chỉnh sửa
SGK. Chính phủ Nhật Bản can thiệp vào SGK lịch sử để tẩy rửa những tội ác mà họ
thực hiện trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Cục Giáo dục Quốc gia Phần Lan đóng vai trò đầu não của
trong phân bổ chương trình giáo dục nước này. Có thể nói rằng, những quốc gia
có nền giáo dục được đánh giá là tốt nhất thế giới vẫn có thể có bộ SGK mà nhà
nước trực tiếp can thiệp vào.
Nhật bản có một trong những nền giáo dục phát triển nhất thế giới, và SGK
cũng bị can thiệp mạnh từ phía Chính phủ. Ảnh: DPA.
Sự can thiệp của chính quyền phổ biến đến mức Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ có một bộ phận nhân sự riêng chuyên tổng hợp, quan sát và
đánh giá các bộ SGK của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong nỗ lực phân tích và
nắm bắt được người dân quốc gia đó nghĩ gì, chính phủ quốc gia đó muốn người
dân họ nghĩ như thế nào.
Ở Đức, một viện nghiên cứu SGK có tên Georg Eckert
Institute chuyên thu thập mẫu tư liệu giáo khoa để tìm hiểu về sự thay đổi và
những xung đột quan điểm dạy học trên thế giới. Theo đó, Simone Lassig, Giám đốc
Viện nghiên cứu ghi nhận rằng với mẫu từ 160 quốc gia trên thế giới, những môn
học có SGK bị chính phủ can thiệp nhiều nhất có thể kể đến là lịch sử, địa lý
(đặc biệt nếu có liên quan đến bản đồ biên giới, ranh giới quốc gia). Sách về
tôn giáo cũng đang bắt đầu có dấu hiệu bị kiểm soát và gây tranh cãi.
Ngoại trừ nền giáo dục mang tính định hướng thị trường cao nhất thế giới của Hoa Kỳ, nơi mà các
nhà xuất bản tư nhân nắm gần như độc quyền các khâu soạn thảo, in ấn và phân phối
SGK; hầu hết các chính phủ trên thế giới, kể cả vùng Tây Âu, đều nhúng tay vào
một trong ba, hay cả ba quy trình nói trên bằng những hội đồng hay công ty nhà
nước.
Vì giáo dục luôn là quốc sách của quốc gia, và thường
cần sự hỗ trợ tài chính từ nhà nước để loại trừ bớt tính thương mại của nó,
chúng ta không thể kỳ vọng tại Việt Nam, thế lực tư nhân tham gia vào giáo dục
sẽ đạt đến tầm vóc ở Hoa Kỳ. Đối thoại giáo dục, đến cuối cùng, lại vẫn là đối
thoại chính trị ở nhiều quốc gia. Tại Bắc Âu, dù chính phủ có thể kiểm soát mọi
ngóc ngách giáo dục, nhưng vị thế của dân – do dân và vì dân của những chính phủ
này giúp cho dân chúng có tiếng nói quyết định trong việc đánh giá và phê chuẩn
chương trình giáo dục.
Còn khi người dân chưa bao giờ thực hành quyền đối
thoại chính trị, thì họ chắc chắn sẽ bất lực trong việc diễn giải quan điểm và
tìm kiếm kênh quảng bá cho quan điểm của mình. Bế tắc sẽ dẫn đến thái độ thù địch,
điều mà chúng ta đang thấy giữa các phụ huynh Việt Nam và một số nhà học giả,
các cơ quan giáo dục – đào tạo Việt Nam hiện nay.
Phản biện chương trình giáo dục – nội dung SGK, tập
hợp nguồn lực để xây dựng các xã hội dân sự liên quan đến giáo dục đều cần đến
đến những quyền chính trị cơ bản như quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền
biểu tình, v.v…
Khi mà cha mẹ của những đứa trẻ từ chối tham gia
đóng góp vào các hoạt động quản lý quốc gia vì nó quá “chính trị”, vô hình
trung, họ đã ủy quyền cho nhà nước hoàn thiện mô hình giáo dục áp đặt, chuyên
chế, không đối thoại dành cho con em của mình. Không ai vô can trong một xã hội
như thế cả.
No comments:
Post a Comment