Văn Lang
September 3, 2018
Sài Gòn bây giờ trong mắt nhiều người, tất cả mọi thứ
cảm xúc đều đã bão hòa, nên chẳng còn thiết tha chuyện “ý kiến, ý cò” gì nữa.
Nhưng cuộc sống như dòng sông, vẫn xô bồ những con
sóng va đập vào đời người. Như cây kia muốn lặng, nhưng gió chẳng chịu dừng.
Nhà cầm quyền càng tăng ngân sách chống ngập thì nhiều
con đường ở Sài Gòn càng ngập nặng hơn. (Hình: Văn Lang)
Truyền thông lâu lâu lại đưa tin, nào là tăng thuế
môi trường đánh vào xăng, rồi dự trù đưa ra thuế… chống ngập lụt, tăng thêm thuế
giá trị gia tăng (VAT)…
Thuế! Thuế! Thuế! Cái “điệp khúc” không hẹn cũng
lên, là bài ca “móc túi” tiền của dân. Làm cho từ anh trí thức tới anh lao động
bần cùng, cũng đều giật mình thon thót, trong những giấc ngủ chập chờn đầy mộng
mị, chán chường…
Tính từ năm 2001, thời điểm Sài Gòn bắt đầu “bung”
ra xây dựng ồ ạt, cho tới 2015. Ngân sách đã chi ra gần 30 ngàn tỷ đồng cho việc
chống ngập, nhưng Sài Gòn chẳng những không hết ngập mà ngày càng… ngập nặng
hơn.
Thời Đinh La Thăng còn tại vị ghế bí thư Sài Gòn,
riêng công trình chống ngập cho trung tâm Sài Gòn đã được dự toán là… 10 ngàn tỷ
đồng. Nhà đầu tư rất “hồ hởi, phấn khởi” hứa miệng là sẽ hoàn thành trong 22
tháng (Tháng Tư, 2018) và bảo đảm thành phố sẽ hết ngập. Nhưng cho tới nay (cuối
Tháng Tám, 2018) tiến độ công trình vẫn còn… “mút tí tè.” Vì thế lại hứa sẽ
hoàn thành vào cuối 2019, trễ hẹn sơ sơ có…1 năm, 7 tháng. Dân chúng trong
“vùng thi công” cứ mà dài cổ, mỏi mòn mà chờ “con ma nhà họ hứa!”
Lại thêm cái vụ trung tâm chống ngập Sài Gòn, thuê
máy bơm “siêu khủng” của công ty Q.T để bơm nước chống ngập cho khu vực đường
Nguyễn Hữu Cảnh (thuộc phường 22, quận Bình Thạnh). Đã tốn hết 88 tỷ đồng,
nhưng mưa lớn con đường này ngập vẫn… hoàn ngập, chủ máy bơm đổ thừa, tại người
dân “vô ý thức” vứt rác xuống cống. Trong khi báo chí, và các luật sư cho rằng
hợp đồng giữa công ty Q.T với Trung tâm chống ngập Sài Gòn là hết sức “mập mờ”
đánh lận con đen. Thì trong một diễn biến khác, người ta bắt được một bà quét
rác xuống cống và xử phạt bà này 1 triệu rưỡi đồng, đồng thời công ty Q.T xin
ngân sách thành phố ứng tiếp 30 tỷ đồng, để hoàn thành “điệp vụ“bơm nước của
mình.
Một đứa con nít học lớp Ba, làm một bài “tính nhẩm”
cũng thấy là công ty Q.T bơm nước ra sông. Mà khi triều cường lên thì nước sông
tràn ngược trở lại qua các miệng cống, vậy công ty Q.T có bơm hết cái tháng cô
hồn (Tháng Bảy âm lịch này) thì ngập vẫn sẽ… hoàn ngập.
Một vị đại biểu của Hội Đồng Nhân Dân Sài Gòn tuyên
bố nên giải tán cái trung tâm chống ngập Sài Gòn đi. Vì chính trung tâm này đã
làm “ngập lụt” hết ngân sách vốn đã rất èo uột của thành phố.
Một dự toán chống ngập cho Sài Gòn mới được công bố,
giai đoạn (2016-2020) sẽ là 72 ngàn tỷ đồng. Tiền lấy từ đâu, thì đang… tính.
Dân nghe mà… nín thở!
Hết ông chống ngập xin tiền (mỗi năm mỗi tăng), dù
chẳng thấy hiệu quả đâu. Lại tới Sở Giao Thông Vận Tải xin tăng thêm tiền trợ
giá cho xe buýt của thành phố.
Công trình Metro Sài Gòn trước cổng chợ Bến Thành,
chưa biết bao giờ mới xong. (Hình: Văn Lang)
Từ năm 2002, bắt đầu chương trình trợ giá xe buýt với
số tiền ngân sách là 39 tỷ đồng. Tới 2012 (10 năm tình cũ), số tiền lên tới gần
1 ngàn 300 tỷ đồng (một năm), trong khi lượng hành khách mỗi năm mỗi giảm. Nay
Sở Giao Thông Vận Tải lại xin thêm 330 tỷ đồng nữa. Đúng là, ngân sách là “chùm
khế ngọt” cho các Sở-Ban-Ngành thi nhau “trèo hái mỗi ngày.”
Trong khi các chủ xe buýt cho biết, tiền trợ giá có
khi chờ tới…nửa năm mới được lãnh. Còn tài xế và nhân viên xe buýt (được trợ
giá) làm quần quật, một năm 365 ngày (chỉ nghỉ có sáng mùng 1 Tết), mà ai nấy
nghèo vẫn hoàn nghèo. Trong khi, mấy quan bên Giao Thông Vận Tải kiếm được một
ông nghèo, thì dân mới… sợ.
Nếu như ở miền quê, người dân được thấy cái cảnh
“sông sâu bên lở bên bồi” thì người dân Sài Gòn lại được chứng kiến cái cảnh
“con đường bên lở, bên bồi.”
Là vì, năm nay nhà cầm quyền cho đắp con đường phía
bên đây cao lên, nước tràn hết qua phía bên kia, dân la oai oái. Sang năm chính
quyền lại nâng đường phía bên kia lên, nước tràn hết vô nhà dân. Cuộc chiến giữa
nhà nước và dân được ví như cuộc chiến giữa “Sơn Tinh và Thủy Tinh” ngay giữa
lòng đô thành. Nhiều nhà dân phải nâng nền lên để chống ngập, “đua” với nhà nước,
tới mức cái cửa ra vô chỉ còn thấp tè như… hang chuột.
Dân bực bội, chánh quyền lại hứa hẹn sẽ xem xét… giải
quyết và… rút kinh nghiệm. Đau nhất là tiền thuế của dân đã không đem lại lợi
ích cho dân, mà còn quay lại “chống” người dân.
Trong khi nhà cầm quyền lo dọn dẹp lòng lề đường,
xua đuổi những người bán hàng rong nhập cư, những người vì miếng cơm, manh áo
trên bước đường cùng vì dưới quê bị mất ruộng, mất đất, thì những “lô-cốt” vẫn
hiên ngang lù lù trên khắp các đường phố, làm cho việc đi lại, sinh hoạt của
người dân chật vật như… chuột.
Chẳng cần phải đi đâu mới thấy, cứ ra trước cổng chợ
Bến Thành, nhìn suốt xuống Nhà Hát Lớn (tòa nhà quốc hội VNCH cũ) bề bộn công
trình Metro tuyến Sài Gòn-Suối Tiên, chiếm cứ hết đại lộ Lê Lợi. Bao giờ công
trình này hoàn thành, trả lại “con đường xưa” cho dân, có lẽ chỉ có “trời…mới
biết.”
Bởi là vì, Sài Gòn không có tiền trả cho nhà thầu Nhật
Bản, nên phía Nhật tuyên bố rút máy móc và nhân công qua những công trình ở các
nước khác.
Chuyện tiền bạc đầu tư “lèng èng” ở Sài Gòn là chuyện
dài không có hồi kết, chứ đừng nói là nhiều tập. Như công trình Metro ở Sài
Gòn, tư vấn thiết kế dự án phía Việt Nam tính toán là hết 17 ngàn tỷ đồng. Phía
Nhật cho công trình này vay vốn ODA là 23 ngàn tỷ đồng, và công ty Nhật thắng
thầu. Nhưng khi thi công, vốn thực tế lên tới trên 40 ngàn tỷ đồng. Với số tiền
“chênh lệch” lớn như vậy, Sài Gòn phải trình đề án lên quốc hội, chờ… xem xét.
Trong khi thủ tướng thì nói tiền có sẵn, không thiếu
tiền, nhưng quốc hội lại nói là chưa thấy Sài Gòn trình đề án. Còn Sài Gòn thì
nói đã trình, nhưng vấn đề này còn liên quan Bộ Kế Hoạch Đầu Tư và Bộ Tài
Chánh… Nói tóm lại, công trình bị “ách” ở khâu nào không rõ, chắc còn thiếu thủ
tục “bôi trơn?” Trong khi dân chật vật trên những con đường chật hẹp thì chỉ
còn biết… chửi thề!
Không chỉ riêng công trình Metro, mà nhiều công
trình trên các tuyến đường khác đều trong tình trạng thi công… cầm chừng. Dân
người ta “tố cáo” là chúng nó làm ngày chừng hai tiếng, có khi nghỉ mấy ngày,
công nhân thì lèo tèo và ba mạng. Làm vậy, biết bao giờ mới xong? Trong khi dân
chúng khổ sở với những công trình án ngữ trước cửa nhà, không làm ăn buôn bán
gì được, bụi, khói, nước thải công trình ngập lênh láng… Có khi con nít còn lọt
dưới hố công trình mà thiệt mạng.
Trước nỗi bực bội vô cùng chính đáng của người dân,
mấy nhà thầu cũng chỉ biết than thở, giải thích: “Chúng tôi cũng muốn làm cho lẹ,
nhưng tiền bạc ‘rót xuống’ rất… cầm chừng, có tiền tới đâu chúng tôi làm… tới
đó, vì chúng tôi cũng không có tiền trả cho công nhân.”
Một kỹ sư làm trong nhà nước, có lần nói với chúng
tôi: “Tham nhũng ở cái đất nước này vô cùng khủng khiếp, nhưng sự khủng khiếp ấy
không thấm vào đâu so với sự lãng phí tiền đầu tư công một cách vô tội vạ, đó mới
chính là điều đáng sợ nhất trên cái đất nước này.” (Văn Lang)
No comments:
Post a Comment