Những ai từng liên quan đến NXB Giáo dục, đều biết
nơi đây ngốn tiền của của xã hội khủng khiếp như thế nào. Tôi từng tham gia đấu
thầu 1 hạng mục nhỏ trong 1 chi nhánh của Nxb khổng lồ này, quen như những nơi
khác, tôi chủ trương tính toán chặt chẽ để bỏ giá thấp nhất có thể. Kết quả
thua vì… giá thấp.
Sự ngược đời ấy bởi những người quản lý ở cái chốn độc
quyền dã man bẩn thỉu kia có trong tay cái quyền, cũng là mối lợi khổng lồ, tưởng
chừng từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất chui lên… Song tất cả đều từ trong
túi phụ huynh học sinh cả nước mà ra cả. Ấy là quyền gì? là tiêu tốn càng nhiều
tiền càng tốt, để mà kiếm chác được nhiều, để mà nứt đố đổ vách, để mà phè phỡn
ăn chơi, để mà “nuôi” các quan trên…
Móc túi hợp pháp là móc túi bằng vô vàn mưu ma chước
quỷ, có sự “chống lưng” của cả 1 hệ thống khổng lồ. Nếu bọn thằng Thể với những
BOT kia chỉ móc túi người đi đường, thì bọn thằng ngọng và cái Nxb GD này móc
túi cả những người ở nhà, người trong công sở, người trong nhà máy, người dưới
ruộng đồng… Tất tần tật, không sót 1 ai, hết năm này sang năm khác… Nxb GD thực
sự là 1 “vương quốc” riêng của bộ GD, là con đỉa khổng lồ hút máu hút mủ cha mẹ
học sinh, hết năm này sang năm khác, hết đời này sang đời khác…
Một trong những mưu ma chước quỷ của họ là gì? Là sách
giáo khoa chỉ dùng 1 lần, là vở bài tập, là “cải cách giáo dục”… hết “dự án”
này, đến “dự án” khác, mục đích để năm nào cũng in, để năm nào phụ huynh cũng
phải móc túi ra…
Tôi không phải là người ủng hộ dự án SGK theo công
nghệ GD của ông Hồ Ngọc Đại và cụ Phạm Toàn, các cụ vẫn có chỗ “lẩn thẩn” và bảo
thủ cần phải xem lại. Nhưng tôi biết rõ rằng dự án của các cụ có nguy cơ xâm phạm
đến miếng ăn béo bở khổng lồ do độc quyền xuất bản mang lại của Nxb GD. Chúng
đã giật mình chống đối ngay từ đầu. Nhưng hồi đó còn có bộ trưởng GD là bà Nguyễn
Thị Bình, bố vợ của ông Hồ Ngọc Đại là ngài TBT quyền thế ủng hộ. Nhưng nay thì
họ không còn nữa rồi. Thời cơ tổng phản công để tiêu diệt hoàn toàn cái dự án ấy,
để giành lại sự độc quyền bất khả xâm phạm của Nxb GD đã đến. Chúng sẵn sàng
dùng đến trò ngậm máu phun người.
Ngậm máu phun người như thế nào? Là chúng vu cho cụ
Phạm Toàn và ông Hồ Ngọc Đại có “âm mưu” độc quyền xuất bản SGK. Thật là nực cười.
Chúng độc quyền bao nhiêu năm nay, miệng răng nhờn béo bao nhiêu năm nay… giờ lại
“vu” cho người ta “độc quyền”, mà mới chỉ SGK… lớp 1 thôi đấy. Nực cười hơn nữa,
chúng thấy xã hội kinh tởm cái tư cách và “công trình” dở người của Bùi Hiền,
chúng ghép cả Bùi Hiền vào với HNĐ và cụ Phạm Toàn để cho cái mồm đầy máu của
chúng phun ra có hiệu quả hơn.
Chính cụ Phạm Toàn và ông Hồ Ngọc Đại cũng cần phải
lên tiếng về sự độc hại, dở người và lưu manh của Bùi Hiền, để tránh xa Bùi Hiền
ra, như tránh… hủi.
Cần nói thêm rằng tại sao bộ GD im lặng, thậm chí ngầm
ủng hộ cái “công trình” quái đản của lão Bùi Hiền? Bởi vì nếu “công trình” đó
được áp dụng, thì cái Nxb khổng lồ kia sẽ vớ hàng “núi” công việc, bằng tất cả
lịch sử cộng lại, bằng tất cả tương lai dồn lại… thử tưởng tượng sức tàn phá của
cải của xã hội khi cái “thảm họa” ấy diễn ra, nó khủng khiếp như thế nào.
Nhiều người băn khoăn không hiểu tại sao lại xuất hiện
dư luận “ném đá” vào SGK lớp 1, vào lối phát âm “lạ” do cụ Phạm Toàn và ông HNĐ
đề xuất… Tôi chỉ thẳng ra rằng đó là âm mưu của Nxb GD. Là “chiến dịch” bảo vệ
sự độc quyền xuất bản của Nxb GD. Nó từ Nxb GD (nếu không muốn nói rằng từ bộ
GD) mà ra.
Vì lương tâm và phúc đức để lại cho muôn đời sau,
tôi kêu gọi những người có lương tri ở trong chính Nxb GD, ở bên ngoài nhưng hiểu
rõ nội tình thối nát của ngành GD, dù đang làm việc hay đã về hưu, bằng cách
này hay cách khác, hãy vạch mặt cái “vương quốc” hút máu khổng lồ này.
*
VỀ
CHƯƠNG TRÌNH CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC
Tôi đã rất cố gắng để đọc đi đọc lại hai lần ba bài
viết của thầy Phạm Toàn về cách dạy học Công nghệ Giáo dục, theo đường lối ngữ
âm học, cho trẻ lớp 1. Mình vốn quý, tôn trọng thầy Phạm Toàn và các anh chị
trong nhóm Cánh Buồm nên mình không đưa ra lời bình nào trước khi đọc xong ba
bài viết của thầy Phạm Toàn.
Tác giả của phương pháp dạy học Công nghệ Giáo dục
là ông Hồ Ngọc Đại. Nhưng thầy Phạm Toàn có viết trong phần 1 trong loạt bài giải
thích và làm rõ là thầy "tự thấy mình là người trong cuộc." Sau đó
không thấy thầy giải thích thêm "người trong cuộc" nghĩa là đồng biên
soạn, cùng nghiên cứu, cùng xuất bản sách, cùng thực nghiệm...hay chỉ là làm việc
cho ông Đại hay chỉ là người hỗ trợ, ủng hộ?
Trong ba bài viết, phần 1, thầy Phạm Toàn giới thiệu
lại về cách học tiếng Việt qua các thời kỳ và theo nhận định của thầy thì cách
nào cũng có những khiếm khuyết. Và thầy cho rằng cách dạy tiếng Việt cho con em
lớp 1 theo đường lối ngữ âm học của sách Công nghệ Giáo dục là có tính khoa học.
Trong phần 2, thầy Phạm Toàn đi sâu vào phân tích và
giải thích về cách dạy và học theo sách Công nghệ Giáo dục theo đường lối ngữ
âm học. Có rất nhiều người thắc mắc về cách phát âm. Cụ thể là ba chữ C, K, Q đều
được đưa vào một nhóm, phát âm là "Cờ" khi đánh vần. Các chữ D, R, GH
bị xếp vào một nhóm (ZA), chả biết phát âm kiểu gì khi đánh vần. Còn nhiều ví dụ
khác. Tôi xin tạm ngưng chỉ ở hai ví dụ cụ thể mà nhiều người bàn nhất này.
Rất nhiều ý kiến thắc mắc, nhưng tôi chưa thấy ông Hồ
Ngọc Đại cũng như thầy Toàn giải thích TẠI SAO lại bỏ âm cũ K=ka, Q trong tiếng
Việt KHÔNG BAO GIỜ đứng một mình mà phải luôn luôn đi kèm với U để thành chữ
QU=quờ, mà gộp chung lại một nhóm cùng âm cờ? Làm như vậy có nghĩa gì? Không ai
giải thích mạch lạc và khoa học. Đối với trường hợp của D, R, GI cũng vậy,
không ai giải thích được.
Tôi có thời gian ở HN gần chục năm, tiếp xúc với người
HN gốc, nghe họ nói chuyện, tôi biết câu nói "giọng HN là giọng chuẩn"
là một điều cần xem lại và nghiên cứu thêm. Thử nghe lại các chương trình phát
thanh ngày xưa, nghe những giọng đọc mà nhiều người khen chuẩn giọng Hà Nội và
đúng chính tả tiếng Việt, chuẩn giọng tiếng Việt, ta thấy: họ phát âm qu thành
k. Tổ quốc thành Tổ kuốc, Quang thành Kuan, các vùng miền khác phát âm Tổ quốc
thành Tổ wuốc, Quang thành Wang. Tất cả những chứ D, R, GI đều được người Hà Nội
phát âm thành Z. Họ không phân biệt rõ ràng từng âm D phát âm nhẹ thành dờ, R
phải cong lưỡi lên vòm trên đánh xuống và rung thành rờ, GI phải xì hơi âm phát
ra từ khe răng thành zờ. Nếu các bạn có xem tivi, có chương trình Ơn Giời Cậu
Đây Rồi được Xuân Bắc đọc thành Ơn Zời cậu đây zồi.
Đến đây, tôi nghĩ, có lẽ bởi cái tư duy "giọng
Hà Nội là giọng chuẩn" nên những người biên soạn đã lấy giọng HN để gộp C,
K Q vào một âm. D, R, Gi vào một âm. Và để cho thuận tiện cho việc phát âm Q
thành cờ, người ta tách u thường đi chung với q ra để ghép với âm phía sau. Từ
cái ép buộc theo "giọng HN chuẩn" mà dẫn đến cái tiếp theo trong việc
ghép các âm sau đó cũng theo lối này.
Đến đây, ta lại phải tiếp tục tìm hiểu xem ngày xưa,
khi bắt đầu có chữ quốc ngữ thì Q được phát âm như thế nào? D, R, Gi phát âm thế
nào? Tất cả C, K, Q là cờ hay Q là W? D, R, Gi có phải đều phải phát âm là Z
không hay khác nhau? Khi xác định rõ được điều này, ta sẽ biết chính xác nguyên
nhân tại sao và cách dạy, học phát âm theo Công nghệ Giáo dục là đúng hay sai,
có mang tính khoa học không hay mang tính cảm tính vùng miền và chủ quan duy ý
chí.
Trong phần 3, thầy Phạm Toàn bàn nhiều tới phương
pháp tư duy trong việc tổ chức học của trẻ. Như các bạn đã biết, tôi rất nặng
lòng trong việc người Việt chịu nhiều thiệt thòi bởi không được học phương pháp
tư duy ngay từ bé. Và tôi cũng nhiều lần nhận định rằng hiện tại triết lý giáo
dục của ngành giáo dục là không có triết lý gì. Nên khi đọc phần ba khi thầy Phạm
Toàn bàn về tư duy, khái niệm, tổ chức học, tự tư duy, tự tạo khái niệm...tôi rất
hứng thú và phấn khích. Nhưng càng đọc tôi càng thấy mình ngu vì cho dù đọc đến
lần thứ ba tôi vẫn chưa nắm được rõ ý của thầy Phạm Toàn muốn nói điều gì.
Một nhận định chủ quan của tôi, có vẻ như thầy và
ông Đại đang muốn gắn công trình giáo dục của mình vào một triết lý giáo dục.
Nhưng họ đã không thể làm rõ triết lý giáo dục ở đây là gì nên nó loằng ngoằng,
loanh quanh và rối rắm, phức tạp, gán ghép. Ví dụ, trong bài, thầy cho rằng để
học khái niệm thế nào là nguyên âm, thế nào là phụ âm thì học sinh sẽ không học
thuộc lòng mà "Giáo viên làm mẫu phát nguyên âm [a]. Phải há miệng thì mới
phát được nguyên âm [a]. Học sinh làm theo mẫu phát âm [a]. Cả lớp cùng đặt tên
cho loại âm đó. Đó là nguyên âm." Và như vậy thầy đã cho rằng trẻ
"làm ra khái niệm" ?!
Cách đây ít lâu, trong một lần viết bài, tôi tìm hiểu
về Hiến pháp Mỹ, tôi nhắn tin hỏi thêm về Hiến pháp Mỹ từ một ông anh ở Mỹ đã
nhiều năm và có kiến thức khá sâu về luật pháp cũng như đời sống Mỹ. Anh đưa
tôi tài liệu để nghiên cứu, nhưng đồng thời anh cũng nói, "Em sẽ khó lòng
(hay nói thẳng ra là không thể) hiểu được trọn vẹn về văn bản này cũng như các
khái niệm trong đó. Bởi em không sống ở Mỹ, em không có va chạm thực tiễn cuộc
sống Mỹ nên những gì em đọc chỉ là cái vỏ bề ngoài, em không thể hiểu sâu được
cho dù có nghiên cứu bao năm, đọc bao nhiêu chăng nữa." Anh nói đúng. Quay
lại câu chuyện về triết lý giáo dục và tổ chức cho học sinh "tự làm ra
khái niệm" kể trên, tôi thấy có điểm tương tự. Hiểu nửa vời, làm nửa vời.
Tôi rất trân trọng các công trình nghiên cứu, tôi
thích cái mới, tôi thích một nền giáo dục có tính triết lý bền vững, vượt tầm
thời đại và quốc gia, nhưng nó phải chuẩn và được làm việc với tinh thần khoa học
thực sự, nghiêm cẩn, chu đáo, tinh tế, KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CÓ LỖI do chủ quan hoặc
định kiến bởi vấn đề giáo dục là vấn đề hết sức hệ trọng. Và theo nhận định của
tôi, công trình của các thầy chưa đủ thuyết phục về mặt phương pháp cũng như
triết lý.
HIện tại, nền giáo dục nước mình đã xuống cấp trầm
trọng, ai có con đang độ tuổi đến trường đều lo canh cánh và mong chờ sự đổi
thay trong giáo dục, một điều không thể xảy ra nếu chế độ này còn hiện hữu,
nhưng chúng ta có muốn thay đổi một phương pháp giáo dục què quặt này bằng một
phương pháp giáo dục khác chưa đủ thuyết phục? Người Việt mình hay bảo
"trong những cái xấu ta chọn cái đỡ xấu nhất." Đây là một tư duy cam
chịu. Tư duy đúng đắn phải là, "trong những cái xấu, ta nỗ lực để tạo ra
cái tốt nhất cho mình và xã hội" chứ không phải chọn đại cái đỡ xấu cho
nhàn thân.
Giáo dục ở đâu và thời nào cũng vậy, nó phải có tính
thời đại nhưng cũng luôn luôn có tính kế thừa, bền vững. Hiện tại, nền giáo dục
Việt đã xóa bỏ tính kế thừa (thằng anh không thể dạy con em học nữa.) Và chương
trình Công nghệ Giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại là một chương trình vừa không có
tính kế thừa vừa cố làm cho có vẻ có tính thời đại nhưng làm chưa tới!
No comments:
Post a Comment