10/09/2018
Hai nhà lãnh đạo về nhân quyền tới Việt Nam dự Diễn
đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Hà Nội, đã bị Việt Nam cấm nhập cảnh, theo hai
hãng thông tấn quốc tế AFP và Reuters. Thông cáo báo chí của Hội Ân xá Quốc tế
cho biết, Giám đốc cấp cao Điều phối Toàn cầu của tổ chức này, ông Minar Pimple, đã bị từ
chối nhập cảnh hôm 10/9 và ngày hôm trước, 9/9, Tổng thư ký Liên đoàn Nhân quyền
Quốc tế Debbie Stothard
cũng bị chặn, không cho nhập cảnh khi bà tới phi trường Nội Bài để dự WEF, sự
kiện ngoại giao lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2018. Trong câu chuyện với
VOA-Việt ngữ tiếp xúc, một đại diện của Tổ chức Human Rights Watch cho biết phản
ứng của tổ chức nhân quyền quốc tế về diễn biến này.
Phó Giám Đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức theo dõi
nhân quyền Human Rights Watch Phil Robertson nói quyết định của Việt Nam, cấm cửa hai nhà lãnh
đạo nhân quyền quốc tế hàng đầu là điều “vô cùng đáng hổ thẹn”, phơi bày bản chất
đàn áp của chính quyền tại Hà nội. Ông cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy nhà cầm
quyền Hà nội đang tiến vào một giai đoạn quyết đoán hơn và sẽ trong thời gian tới,
sẽ tăng cường đàn áp nhân quyền.
“Hành động đó cho thấy Việt Nam đang đi qua một giai đoạn quyết đoán hơn
nhiều và sẽ tăng cường đàn áp trong cách ứng xử với cộng đồng quốc tế. Việt Nam
đang tìm cách bưng bít, không cho người dân trong nước tiếp cận với bất cứ ý kiến
nào về nhân quyền hoặc xã hội dân sự đến từ bên ngoài Việt Nam.”
Ông Robertson nói rằng HRW coi động thái mới nhất của
Hà nội là một phần của xu hướng tiêu cực đã bắt đầu từ khi ông Donald Trump lên
làm Tổng thống tại Hoa Kỳ. Ông Robertson giải thích:
“Chúng tôi coi đây là một phần của xu hướng đã bắt đầu khi Việt Nam nhận
ra rằng với sự ra đi của Tổng Thống Obama, Hà nội sẽ không còn phải đối phó với
sức ép từ Washington nữa, nhất là từ khi ông Donald Trump xé bỏ Hiệp định Hợp
tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định mà Việt Nam ước ao và do đó sẵn
sàng nhượng bộ về mặt nhân quyền để được tham gia.”
Theo ông Robertson, Việt Nam nhận thức sự lơ là của
tân chính phủ Mỹ đối với vấn đề nhân quyền khi Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân
Phúc được mời tới Toà Bạch Ốc và Tổng thống Trump không nêu lên vấn đề nhân quyền.
Ông nói tiếp:
“Vì ông Trump không đề cập gì tới nhân quyền nên nhà cầm quyền Việt Nam
và đặc biệt là Bộ Công an, nhận ra một cách rõ rệt rằng họ có thể làm bất cứ điều
gì mà không sợ bị trừng phạt. Đó là điều mà họ đang làm, họ đang tìm cách cản
đường những người chỉ trích đang tìm hiểu những vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt,
họ đang tìm cách ngăn chận thông tin, bịt miệng giới chỉ trích. Năm tới họ sẽ
đưa ra luật an ninh mạng và rốt cuộc sẽ chặn luôn cả việc truy cập internet.”
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam cấm cửa các
nhà hoạt động nhân quyền quốc tế. Trong quá khứ một số người nước ngoài đã bị
Hà nội cấm nhập cảnh. Tuy vậy ông Robertson nói lần này Hà nội không có lý do
chính đáng để chặn bà Stothardt, không cho bà phát biểu tại diễn đàn WEF.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Châu Á, HRW.
Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Human
Rights Watch nói rằng các tổ chức quốc tế nên xét lại việc tổ chức các sự kiện
quốc tế tại Hà nội bởi vì dường như chính quyền Việt Nam lợi dụng những cơ hội
này để kiểm duyệt những người muốn lên tiếng và cấm cửa những người mà nhà cầm
quyền Việt Nam cho là có thể đưa ra những bình luận mà nhà nước không thích.
Ông Robertson tiên đoán rằng Việt Nam sẽ siết chặt
hơn chính sách đàn áp trong thời gian sắp tới.
“Chúng tôi
không thấy có bất cứ gì ngăn cản Việt Nam tiếp tục đàn áp như thế này, chúng
tôi thấy trong thời gian tới Việt Nam sẽ ra những luật lệ gắt gao hơn tại quốc
hội, như đạo luật an ninh mạng rất khắt khe sẽ tìm cách buộc các tập đoàn
internet như Google và Facebook và các công ty khác hoạt động ở Việt Nam phải
tiết lộ thông tin của người sử dụng.”
Ông nói điều đó cho thấy là Việt Nam tin rằng họ có
thể bắt chước theo Trung Quốc để uy hiếp các công ty internet, các nước khác và
các tổ chức quốc tế, kể cả Liên Hiệp Quốc, để họ có thể tiếp tục vi phạm nhân
quyền mà không phải chịu hậu quả.
Trong khi đó, Hội Ân xá Quốc tế ra thông cáo báo chí
ngày 10/9 nói rằng hành động của Việt Nam, cấm đại diện của hội là “minh chứng
cho chiến dịch đàn áp tự do biểu đạt tại Việt Nam”.
Tổng thư ký của Hội Ân xá Quốc tế Kumi Naidoo cho hay ông
Minar Pimple dự định phát biểu về tính đa dạng và đa nguyên tại diễn đàn.
Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Human
Rights Watch nói trước tình hình này, cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền
quốc tế phải tiếp tục hậu thuẫn những nhà tranh đấu cho nhân quyền và các tổ chức
xã hội dân sự ở trong nước, những người mà ông cho là đã can đảm đứng lên để
đòi các quyền căn bản của họ. Ông nói nhà nước càng đàn áp bao nhiêu thì những
thành phần đối lập càng phản đối mạnh mẽ bấy nhiêu.
“Đó là những người sẵn sàng hy sinh rất nhiều để nói lên quan điểm của họ.
Chúng ta phải ủng hộ họ, nhưng chúng ta cũng phải tăng sức ép tối đa với chính
phủ các nước trên thế giới, và đặc biệt các tập đoàn internet để họ phải xác
minh lập trường một cách rõ ràng, liệu họ hậu thuẫn cho các hoạt động xã hội
dân sự, bảo vệ quyền tự do biểu đạt, hay chạy theo đô la, về phe có tiền của và
không lý gì đến những gì mà nhà cầm quyền làm với chính sách đàn áp giới bất đồng.”
Trên trang Facebook của bà, Tổng thư ký Liên đoàn
Nhân quyền Quốc tế Debbie Stothard cho biết bà đã bị đưa vào 'danh sách đen',
nhưng bà nói thêm rằng những gì mà bà trải nghiệm “chẳng thấm vào đâu so với những
cuộc tấn công nhắm vào các nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền và truyền thông ở Việt
Nam.”
Bà nói bà hy vọng là chính phủ Việt Nam rốt cuộc sẽ
nhận thức được rằng nhân quyền và tự do là điều cần có để phát triển kinh tế.
-------------------------
XEM
THÊM
VOA Tiếng Việt
11/09/2018
Chuyên gia về quyền riêng tư kỹ thuật số của Liên Hiệp
Quốc hôm 10/9 nói rằng nhiều chính phủ hiện đang bỏ bê hoặc phớt lờ nhiệm vụ bảo
vệ các thông tin mã hóa trực tuyến, vốn giúp đảm bảo quyền tự do ngôn luận và
quyền riêng tư, theo tin Reuters.
Các quốc gia này bao gồm Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ
Nhĩ Kỳ, Pakistan và Anh. Theo một báo cáo do báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Joseph
Cannataci chuẩn bị cho Hội đồng Nhân quyền của LHQ, người dân không thể tin tưởng
vào việc các hội thoại trực tuyến của họ sẽ được giữ kín.
Theo báo cáo mà chuyên gia Cannataci viết để trình
lên phiên họp kéo dài ba tuần của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bắt đầu
vào thứ Hai, thì đã có sự gia tăng mạnh trong hạn chế của các nước đối với việc
mã hóa trong 3 năm qua.
“Từ năm 2015, các nước đã tăng cường nỗ lực làm suy
yếu các mã hóa được sử dụng trong sản phẩm và dịch vụ truyền thông sẵn có”, báo
cáo nói.
Theo báo cáo, các công ty đang chịu áp lực ngày càng
tăng buộc phải cài đặt “cửa hậu” trong phần mềm để các quan chức thực thi pháp
luật truy cập vào những tin nhắn đã được mã hóa hoặc các thiết bị được bảo mật,
dẫn đến tạo điều kiện cho hacker khai thác, mặc dù các chính phủ đã có nhiều
công cụ khác mà họ có thể sử dụng để điều tra.
“Nghĩa vụ của nhà nước là tôn trọng và đảm bảo quyền
tự do ý kiến và biểu đạt, quyền riêng tư, trong đó có trách nhiệm bảo vệ mã
hóa”, Reuters dẫn báo cáo nói.
Báo cáo nói thêm rằng các biện pháp khác làm suy yếu
hệ thống mã hóa và bảo mật kỹ thuật số, chẳng hạn như yêu cầu khóa bảo mật cho
bên thứ ba và đòi hỏi nội địa hóa dữ liệu, cũng ảnh hưởng đến quyền của người sử
dụng.
Báo cáo cho rằng những giới hạn đối với mã hóa là điều
cần thiết, hợp pháp và hợp lý, nhưng việc cấm hoàn toàn rõ ràng không đáp ứng
những tiêu chuẩn này.
Vẫn theo báo cáo, nhiều quốc gia đã tội phạm hóa việc
sử dụng mã hóa, và đưa ra các dẫn chứng như lệnh cấm của Iran năm 2010, “những
cấm đoán hình sự mơ hồ” của Pakistan, vốn được xem như để trấn áp các công cụ
mã hóa, và việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hàng ngàn công dân vì sử dụng một ứng dụng
nhắn tin được mã hóa.
Báo cáo nói các quốc gia khác, bao gồm Nga, Việt Nam
và Malawi, thì đòi hỏi phải có sự phê duyệt của chính phủ cho các công cụ mã
hóa. Cả Nga lẫn Iran đều đã cấm ứng dụng nhắn tin Telegram, sau khi công ty này
từ chối bỏ các khóa mã hóa.
Luật an ninh mạng năm 2016 của Trung Quốc yêu cầu
các nhà khai thác mạng phải “cung cấp hỗ trợ kỹ thuật” cho nhà nước và lực lượng
công an phụ trách về an ninh quốc gia và thực thi pháp luật, trong khi Uganda
và Mexico sử dụng mã độc để theo dõi những người chỉ trích chính phủ.
Luật Quyền lực điều tra năm 2016 của Anh, vốn bị các
nhà phê bình gọi là “Luật rình mò”, cũng trao cho chính phủ các quyền mơ hồ có
thể ép các nhà khai thác mạng tạo “cửa hậu”, gỡ bỏ mã hóa và hợp tác trên diện
rộng trong các biện pháp thâm nhập của chính phủ, vẫn theo báo cáo.
Báo cáo khuyến cáo các quốc gia nên thông qua luật hạn
chế cho phép tiếp cận đối với vấn đề mã hóa và ẩn danh.
No comments:
Post a Comment