Minh Anh – RFI
Đăng ngày 17-09-2018
Trang
nhất báo Le Monde (17/09/2018) có hàng tít đáng chú ý. « Cuộc khủng hoảng
2008 đã nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy châu Âu ». Các chính sách thắt
lưng buộc bụng sau cú sốc tài chính, tình trạng không bị trừng phạt và thói
tham lam của giới tài chính đã làm dấy lên mối oán giận nhắm vào tầng lớp lãnh
đạo, những người hưởng lợi nhiều nhất từ hiện tượng toàn cầu hóa, đủ để nuôi dưỡng
làn sóng chống hệ thống tại châu Âu cũng như tại Mỹ.
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán (T) và bộ trưởng Nội Vụ Ý, Matteo Salvini,
những lãnh đạo có tư tưởng chủ nghĩa dân túy mạnh nhất trong Liên Hiệp Châu Âu
hiện nay. Ảnh chụp ngày 28/08/2018 tại Milano, Ý.REUTERS/Massimo Pinca
Trên phụ san kinh tế, Le Monde khẳng định chủ nghĩa
dân túy chính là sự « kế thừa từ cú sốc tài chính 2008 ». Mười
năm sau sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brother và khởi đầu cuộc khủng hoảng
tài chính thế giới, các đảng chính trị chống hệ thống, những làn sóng dân túy
chủ nghĩa đã tràn ngập châu Âu và lên như diều gặp gió.
Nhật báo điểm lại một số sự kiện : Thắng lợi của phe
Brexit tại Anh Quốc, tỷ phú địa ốc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, rồi bộ
đôi Matteo Salvini – Luigi Di Maio lên cầm quyền tại Ý, cũng như là sự trỗi dậy
mạnh mẽ của các phong trào cực hữu tại Đức và Pháp…
Trong khuôn khổ cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu hiện
nay, sự đối đầu giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Hungary
Viktor Orban chẳng khác gì như là một cuộc chiến giữa hai thế giới đang tồn tại
song song trong lòng Liên Hiệp, giữa một bên là châu Âu theo xu hướng tự do và
bên kia là một châu Âu dân tộc chủ nghĩa, bài di dân. Do vậy, với nhà nghiên cứu
chính trị người Bulgari, Ivan Krastev, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần này
chính là « một phép thử cho Châu Lục Già ».
Trong
lúc chờ một cuộc khủng hoảng sắp tới
Xã luận của Le Monde không chút nhẹ nhàng, thẳng thắn
chỉ trích thói tham lam của một nhóm ít nhà tài chính, thái độ thờ ơ của một
nhóm chính trị gia đã đẩy hàng triệu con người rơi vào cảnh bần hàn. Mười năm
đã trôi qua, cuộc khủng hoảng đã chấm dứt, tăng trưởng đã hồi sinh, nhưng giới
ngân hàng không những không bị trừng phạt, mà giờ còn mạnh hơn bao giờ hết. Người
giàu thì càng giàu hơn.
Thế nhưng, theo Le Monde đó chưa phải là điều chính yếu.
Sau một thập niên bị thắt lưng buộc bụng, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ
cuộc khủng hoảng đã xoay lưng lại với giới lãnh đạo và lao vào vòng tay của những
ai hứa hẹn làm đảo lộn trật tự được thiết lập.
Năm 2008 đã gieo rắc mối nghi ngờ về khả năng siêu
việt của các nền dân chủ theo xu hướng tự do, hiệu quả của việc mở cửa biên giới
và thực tâm giảm bất bình đẳng. Chính sự hụt hẫng đã nuôi dưỡng những đòi hỏi về
bản sắc, xu hướng phản đối chủ nghĩa tự do đang dần chiếm lĩnh địa bàn, đẩy lùi
sự toàn cầu hóa. Niềm tin vào hệ thống vì thế đã tan vỡ.
Câu hỏi đặt ra : Liệu các quy định mới nghiêm ngặt
hơn được đưa ra có sẽ cho phép giảm nhẹ được cú sốc của một cuộc khủng hoảng mới
hay không ? Câu trả lời dường như là « Không ». Bởi vì hơn bao giờ hết, khối nợ
hiện nay còn cao hơn cách đây 10 năm, thị trường tài chính ngầm không thể kiểm
soát được và đang dần len lỏi vào các định chế tài chính chính thống, hiện tượng
bong bóng đầu cơ vẫn đang hình thành.
Đáng lo ngại nhất là các giải pháp đề ra năm 2008 có
nguy cơ không thể vận hành được cho cuộc khủng hoảng sắp tới. Công cụ tiền tệ
không đủ thời gian để tái khởi động. Lãi suất quá thấp để mà các ngân hàng
trung ương có thể dùng cho việc điều chỉnh tín dụng để tái thúc đẩy kinh tế.
Công cụ chính trị cũng có những điểm bất cập. Cách
đây 10 năm, sự điều phối quốc tế đã cho phép tránh được những sai lầm của năm
1929, bắt đầu bằng chính sách bảo hộ mậu dịch. Còn hiện nay thì cuộc chiến
thương mại đe dọa, chủ nghĩa đa phương bị tan rã.
Cuối cùng bài viết kết luận : Thiếu sự can đảm tái
thiết hệ thống, nền kinh tế thế giới có nguy cơ lại rơi vào tình trạng cạn kiệt,
vào lúc mà sắp có thêm một vụ « Lehman Brothers » mới.
*
Mỹ -
Trung tiếp tục leo thang chiến tranh thương mại ?
Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có
nguy cơ tiếp tục leo thang. Bởi vì theo Les Echos, « Donald Trump đang
hoàn tất một chuỗi thuế quan mới nhắm vào Trung Quốc».
Nhật báo kinh tế Pháp trích dẫn nguồn tin từ tờ báo
Mỹ Wall Street Journal, cho hay chính quyền Washington dự kiến đánh thuế thêm
200 tỷ đô la nhắm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Tuy nhiên, mức thuế mới chỉ
tăng có 10 %, thay vì là 25% như dự kiến.
Nếu thông tin này được xác nhận, quyết định này có
thể gây trở ngại cho các cuộc đàm phán, vào lúc mà Bắc Kinh dự tính gởi phó thủ
tướng Lưu Hạc (Liu He) đến thương lượng với bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin tại
Washington. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ bị tác động. Một số mặt
hàng nhập khẩu như đồ điện tử, hải sản hay xe đạp sẽ bị tăng giá.
Vẫn theo Les Echos, dường như tổng thống Mỹ chưa có
ý định dừng ở đây. Ngoài mức thuế vừa nêu trên, ông Donald Trump còn dự tính
đánh thuế vào 275 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu còn lại. Điều này tương đương với
toàn bộ số hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hàng năm.
*
Trung
Quốc : Tự do tín ngưỡng bị siết chặt
Nhìn sang Trung Quốc, báo Le Figaro quan tâm đến vấn
đề tự do tín ngưỡng tại nước này với câu hỏi lớn « Lệnh cấm tự do tôn
giáo tại Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu ? »
Theo nội dung lệnh cấm sắp được áp dụng, các tín đồ
không được phép phát tán các hình ảnh hay video lễ rửa tội, lễ cầu nguyện, hay
các buổi lễ Phật giáo trên các mạng xã hội. Đảng Cộng Sản Trung Quốc không ngừng
siết chặt gọng kềm nhắm vào các tôn giáo kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền
hồi cuối năm 2012.
Lãnh đạo Trung Quốc, vị lãnh đạo quyền lực nhất kể từ
thời Mao Trạch Đông, nghi kị tất cả các tổ chức có thể phản đối uy quyền chế độ,
nhất là những tổ chức nào có liên hệ với nước ngoài. Áp lực không ngừng gia
tăng nhắm vào Giáo Hội Công Giáo, không được đảng công nhận, khiến nhiều giáo hội
và nhà thờ phải bị giải thể hay phá hủy.
Còn tại Tân Cương, rất đông người Hồi giáo bị gởi đến
các trại cải tạo « khủng khiếp », theo như cáo buộc của nhiều báo cáo.
*
Tây Ban
Nha : Cuộc chiến bằng cấp giả làm chao đảo chính trường
Trở lại với thời sự châu Âu, Le Figaro có bài viết
khá kỳ lạ cho biết « tại Madrid, nóng bỏng cuộc chiến bằng cấp giả ».
Chính trường Tây Ban Nha trở nên sôi bỏng vì những cáo buộc sao chép hay gian lận
trong việc viết luận án tiến sĩ.
Đầu tiên hết, Le Figaro nhắc lại thứ Ba 11/9, bà bộ
trưởng Y Tế phải từ chức vì bị nghi ngờ có bằng thạc sĩ, nhưng không hoàn tất
chương trình học cần thiết. Cuối tuần, lãnh đạo chính phủ Tây Ban Nha, ông
Pedro Sanchez, phải công bố trên mạng Internet bài luận án tiến sĩ kinh tế nhằm
dập tắt các cáo buộc sao chép.
Trước đó, lãnh đạo đảng đối lập, đảng Nhân Dân (thuộc
cánh hữu), ông Pablo Casado, bị tố cáo có bằng thạc sĩ trong những điều kiện
quá thuận lợi. Bằng cấp của ông do Viện Luật công, trường đại học Rey Juan
Carlos đóng dấu. Đây cũng chính là cơ sở đã cấp bằng thạc sĩ cho bà bộ trưởng đảng
Xã Hội vừa từ chức, và trước đó là chủ tịch đảng PP vùng Madrid.
Trở lại với luận văn tiến sĩ của ông Pedro Sanchez,
truyền thông Tây Ban Nha sau khi đã lọc qua luận án bằng một phần mềm khẳng định
13% nội dung luận án đã được đăng trong nhiều bài viết trước đó. Các kênh truyền
thông theo phe hữu phê phán luận án của lãnh đạo chính phủ là « trung bình »,
được bảo vệ trước một hội đồng « tầm thường » tại một trường đại học tư « xoàng
xĩnh ».
Cáo buộc khác đang ngầm lan truyền tại Tây Ban Nha
là ông Sanchez viết luận án tiến sĩ trong vòng có một năm, rằng ông không phải
là tác giả thật sự. Trên mạng xã hội Twitter, nhiều người đặt câu hỏi : « Ai
là người đã viết cho ông luận án này ? »
Câu hỏi đặt ra : Vì sao người dân Tây Ban Nha bỗng
nhiên chĩa mũi dùi vào một mình ông Sanchez ? Ông Pablo Simon, chuyên gia chính
trị học giải thích : « ông Sanchez lên cầm quyền nhờ vào cuộc bỏ phiếu
bất tín nhiệm chống lại ông Rajoy, bị cáo buộc tham nhũng. Do đó, mức độ đòi hỏi
của người dân đối với ông Sanchez là cao hơn. Hơn nữa, họ yêu cầu các lãnh đạo
Tây Ban Nha vừa phải xuất chúng và vừa phải gần gũi với dân. Do vậy, các vị
lãnh đạo đó đáp ứng những đòi hỏi này bằng việc hợp thức hóa kỹ nghệ cầm quyền
: Họ có bằng cấp để bảo vệ quyền giữ vị trí của mình. ».
*
Trang
nhất các báo Pháp
Tình hình chính trị, kinh tế và xã hội nước Pháp là
chủ đề chính trên trang nhất nhiều nhật báo lớn Paris số ra ngày 17/09/2018.
Les Echos thông báo « Một lãnh đạo mới để cứu vãn Air France – KLM ».
Ông Benjamin Smith, người Canada, hôm nay chính thức trở thành lãnh đạo hãng
hàng không lớn nhất của Pháp. Nhật báo kinh tế hy vọng sự xuất hiện của ông chấm
dứt giai đoạn bất định tại Air France, kéo dài từ nhiều tháng qua bằng các cuộc
đình công. Ông Benjamin Smith không chỉ là lãnh đạo trẻ nhất của hãng hàng
không này, mà còn là người được cho là có nhiều kinh nghiệm. Ông là người duy
nhất có một sự nghiệp liên tục trong ngành hàng không.
Trong lĩnh vực xã hội, Le Figaro ghi nhận « Bị
sụt giảm tín nhiệm trong công luận, Macron tìm kiếm một chiến lược ».
60% số người dân Pháp được hỏi cho biết không hài lòng về kết quả điều hành đất
nước của tổng thống Pháp trong vòng 16 tháng qua. Đây là kết quả một cuộc thăm
dò do viện thống kê Kantar Sofre-Onepoint thực hiện cho đài phát thanh RTL, báo
Le Figaro và kênh truyền hình LCI.
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu là mối ưu tư của
Libération. Trên nền ảnh tổng thống Macron nét mặt đăm chiêu, nhật báo thiên tả
đặt câu hỏi lớn « Tại sao cánh hữu vẫn kháng cự được ». Ông
Macron đã làm nổ tung đảng Xã Hội trong kỳ bầu cử tổng thống, nhưng tổng thống
Pháp buộc phải liên kết với cánh hữu trong kỳ bầu cử châu Âu vào mùa xuân tới
đây. Chỉ có điều, theo ghi nhận của Libération, nguyên thủ Pháp đang gặp khó
khăn trong việc thành lập danh sách ứng cử viên.
Về thời sự quốc tế, La Croix lưu ý « Bán vũ
khí, thế lưỡng nan ». Đối mặt với thảm kịch từ cuộc chiến ở Yemen, việc
bán vũ khí cho các nước có tham gia vào cuộc xung đột ngày càng làm dấy lên nhiều
cuộc tranh luận tại châu Âu.
No comments:
Post a Comment