Thursday, 6 September 2018

CHỈ CÓ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT CHO PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC: SỰ TỰ DO! (FB Mạnh Kim)





Mọi bàn cãi về cải cách giáo dục nước nhà đều ít nhiều vô nghĩa nếu giáo dục không được đặt trên nền tảng căn bản: sự tự do. Tư duy giáo dục phải được đặt trên yếu tố cốt lõi là xây dựng nguồn nhân lực vì tương lai quốc gia và chính sách giáo dục phải được thực hiện trên nguyên tắc đó. Giáo dục không thể bị biến thành công cụ phục vụ sự tồn tại của đảng cầm quyền. Điều đó chỉ có thể thực hiện khi mà nhà nước không thò tay vào sự vận hành của bộ máy giáo dục. Thử lấy mô hình Mỹ tham khảo.

Chính phủ liên bang chỉ phác họa chính sách tổng quát và phần hành động và kế hoạch chi tiết luôn thuộc thẩm quyền Bộ Giáo dục (với không đến 4.000 nhân viên-viên chức, là cơ quan ít nhân sự nhất trong 15 bộ của Mỹ, dù ngân sách đứng hàng thứ ba với gần 70 tỷ USD, chỉ sau Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế). Phần mình, các tiểu bang lại có đường hướng riêng mà Bộ Giáo dục gần như không can thiệp. Chức trách Bộ Giáo dục Hoa Kỳ là thực hiện sứ mạng mà họ cho rằng quan trọng nhất: làm thế nào để học sinh học tốt để có thể sẵn sàng giành chiến thắng trong sự cạnh tranh phát triển toàn cầu. Để thực hiện điều đó, tinh thần của chính sách giáo dục Mỹ, trong bất kỳ giai đoạn nào, cũng đặt yếu tố “tự do” làm trọng tâm.

Có lẽ không quốc gia nào có chính sách giáo dục, xét về tổng thể, tự do như Mỹ. Các tiểu bang có toàn quyền xây dựng hệ thống và đường lối giáo dục riêng. Các học khu (school district) trong từng bang lại có cách thức dạy và học riêng. Mỗi đại học hay trường phổ thông trong từng học khu lại có mô hình riêng. Thậm chí giáo viên của từng khối lớp trong cùng một trường cũng có quyền sử dụng cách thức giảng dạy riêng. Giáo viên lớp 5 này có thể dạy khác giáo viên lớp 5 khác trong một trường. Ban giám hiệu không được can thiệp vì chỉ giáo viên đứng lớp trực tiếp mới biết năng lực của từng học trò và biết học trò mình cần gì…

Chính sách tự do trong giáo dục Mỹ dựa vào triết lý căn bản: con người là những thực thể khác nhau, có khả năng khác nhau và tố chất khác nhau. Không có con đường nào là duy nhất để mang lại kiến thức và giáo dục con người. Không có phương pháp và mô hình nào duy nhất để xây dựng và phát triển con người. Thật ra cho đến thập niên 1960 chính phủ liên bang mới bắt đầu “can thiệp” bằng cách đưa ra chính sách chung cho giáo dục nhưng từ đó đến nay chính phủ vẫn không bao giờ kiểm soát tuyệt đối hệ thống vận hành của bộ máy giáo dục. Vai trò đáng chú ý nhất của chính phủ liên bang là tạo ra sự công bằng và bình đẳng trong hệ thống giáo dục; bảo vệ quyền hiến định của học sinh (safeguarding students' constitutional rights; chẳng hạn cấm phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo…); và bảo vệ quyền hiến định của giáo viên (giáo chức được bảo vệ khỏi sự ngược đãi nếu có...).

Với giáo dục Mỹ, không ai có quyền thao túng, áp đặt và “chỉ đạo” chính sách giáo dục. Kết quả của sự tự do trong giáo dục Mỹ là họ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, giữa các bang, giữa các trường, giữa các giáo viên, giữa những nhà giáo dục học, giữa những người viết sách giáo khoa mà giáo viên có toàn quyền chọn để dạy, thậm chí giữa những nhà lập pháp các tiểu bang. Sự phát triển và thành công của giáo dục Mỹ đặt trên yếu tố thực chứng. Nó được phép thể hiện sự tự do nhiều nhất có thể, miễn nó mang lại kết quả tối ưu trong thực tế. Các mô hình giáo dục được phép thể hiện tự do, miễn cho thấy và chứng minh được mục đích cuối cùng là xây dựng thành công con người.

Miền Nam trước 1975 từng có một nền giáo dục tự do như vậy. Giáo dục miền Nam không chỉ thụ hưởng tự do. Nó còn là nền giáo dục được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng. Trường ở Sài Gòn cũng không khác trường ở Vĩnh Long. Điều này tương phản với thực trạng gây ra bất công bởi cái gọi là “trường điểm” của hệ thống giáo dục ngày nay. Miền Nam trước 1975 không hề tồn tại hiện tượng gọi là “chạy trường” hoặc “học thêm”. Học sinh tiểu học chỉ học nửa buổi (nửa buổi còn lại tha hồ tắm sông hay nhảy dây!). Chỉ đến sau “giải phóng” thì dân miền Nam mới nghe đến những cụm từ quái dị chẳng hạn “bồi dưỡng giáo dục”, mở đầu cho vô số chuyện quái dị và khôi hài khác liên quan “sự nghiệp giáo dục XHCN” kéo dài bất tận đến giờ.

Chừng nào Việt Nam có những ngôi trường được dùng sách giáo khoa riêng, phương pháp giảng dạy riêng và trường học có những lớp mà học sinh thích đứng hay ngồi tùy ý? Điều quan trọng bây giờ đối với “hệ sinh thái giáo dục Việt Nam”, như cách dùng từ của Bộ trưởng Nhạ, là sự cần thiết trả lại quyền tự do cho giáo dục. Chỉ bằng tự do cạnh tranh mới có thể mang lại sự đào thải những mô hình giáo dục kém hoàn thiện. Chỉ bằng cạnh tranh trên tinh thần tự do thì mới dẹp được nạn tham nhũng thối nát, từ chạy bằng cấp đến tình trạng độc quyền sách giáo khoa. Chỉ bằng tự do cạnh tranh, phương pháp đánh vần nào tốt hơn sẽ được xã hội đón nhận, không cần tốn thời gian tranh cãi.

Trong bài “Giáo dục, xin cho tôi nói thẳng” viết năm 2009, giáo sư Hoàng Tụy đã chỉ ra ba vấn đề nghiêm trọng khiến giáo dục Việt Nam suy đồi: 1/ Giáo dục sa sút không phải vì thiếu tiền mà vì quản lý kém; 2/ Cần cải cách có hệ thống chứ không phải đổi mới vụn vặt; 3/ Giáo dục không phải là phòng thí nghiệm, càng không thể là nơi để học việc lãnh đạo. Trong bài báo, giáo sư Hoàng Tụy viết: “Căn nhà giáo dục đã cũ nát thảm hại nhưng cứ loay hoay nay cơi nới chỗ này, mai sửa chữa chỗ kia, rốt cuộc thành ra căn nhà dị dạng chẳng ai muốn ở…”.

Gần 10 năm sau bài viết này, bức tranh giáo dục nước nhà ngày càng bệ rạc và dị dạng gấp nhiều lần. Có lẽ cần bổ sung và “nói thẳng” hơn cả “xin cho tôi nói thẳng”: vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và là rào cản lớn nhất của phát triển giáo dục Việt Nam là đảng cầm quyền không ngừng tay bóp nghẹt tự do trong chính sách lẫn điều hành giáo dục. Tạp chí Tia Sáng đã bị đóng cửa vì bài viết nói trên của ông Hoàng Tụy. “Nói thẳng” đã không bao giờ có thể giúp nới ra được bàn tay “siết cổ” giáo dục. “Tự do nói thẳng” đã không có “giá trị” bằng những “nghị quyết đổi mới của Đảng về đổi mới giáo dục”. “Chức năng” giáo dục đã không được phép tách rời khỏi “nhiệm vụ chính trị” mà các nghị quyết Đảng đặt ra. Ở một góc độ nào đó có thể nói, Bộ Giáo dục không chỉ là công cụ. Nó còn là “con tin” của đảng cầm quyền. Muốn bàn về sự cởi trói những khó khăn của giáo dục, trước hết phải nhìn thấy được “mức độ cởi trói” của Đảng đối với giáo dục, để nó có thể tự do tìm kiếm con đường nào là tốt nhất nhằm thỏa mãn được các mục tiêu cốt lõi của bản chất giáo dục: “Giáo dục cho cái gì” và “Giáo dục cho ai”.

- Tự do tư duy là chìa khóa thành công của giáo dục Mỹ

- Một lớp tiểu học Mỹ với mô hình “ngồi tùy ý” (flexible seating)

- Chỉ với một chữ “trò” dùng để xưng hô giữa giáo viên với học sinh (hay ngược lại) và giữa học sinh với học sinh, đã cho thấy một sự nghiêm cẩn của một nền giáo dục (ảnh: Học sinh miền Nam - Henk Hilterman chụp năm 1967)


-------------------------------------------

XEM THÊM


Không còn nhớ ai là người đầu tiên dịch “Gone with the wind” thành “Cuốn theo chiều gió” nhưng vị nào dịch câu này hẳn nhiên là bậc thượng thừa về ngôn ngữ nói chung và rất giỏi tiếng Việt nói riêng. Ông Huỳnh Phan Anh cũng khắc tên mình vào bảng mạ vàng khi dịch “For whom the bell tolls” thành “Chuông nguyện hồn ai” (phải là “nguyện”, chứ không phải “gọi” – như các bản dịch sau 1975, nghe mới “đã” và mới đúng với ý như câu chuyện của tác phẩm Hemingway). Cụ Bùi Giáng cũng thuộc vào nhóm người “giáng thế” khi dịch “Terre des Hommes” (Vùng đất của người) thành “Cõi người ta”.

Cụ Phạm Duy là một bậc tài hoa xuất chúng nữa với các tác phẩm chuyển ngữ lời Việt. Ca khúc “The house of the rising sun” đã được cụ chuyển thành “Chiều vàng dưới mái nhà tranh”. So sánh từng câu từng từ trong các ca khúc chuyển ngữ của thiên tài Phạm Duy, không thể nói gì hơn ngoài sự kính phục tột bậc. Trong Love Story, ca khúc rất phổ biến Sài Gòn thập niên 1970 mà cụ Phạm chuyển ngữ, có những từ được diễn đạt mà chỉ những bậc thượng thừa tiếng Việt mới thể hiện nổi, chẳng hạn “this empty world” thành “cuộc đời vắng ngắt”; hoặc “wild imaginings” thành “mộng huyền mênh mang”...

Có một điểm chung giữa những bậc kỳ tài Phạm Duy, Bùi Giáng hoặc vô số văn sĩ, nhạc sĩ cùng thời với họ, là: “Tôi yêu tiếng nước tôi!”. Chỉ những người thật sự yêu quý tiếng nói của dân tộc mình mới biết cách làm đẹp ngôn ngữ. Họ nhảy múa với ngôn ngữ. Họ thăng hoa với ngôn ngữ. Họ bay bổng với ngôn ngữ. Sự cuồng nhiệt trong tình yêu ngôn ngữ của họ đã tạo ra một nền văn hóa trong đó tiếng Việt vượt qua cả khái niệm ngôn ngữ như là ký hiệu giao tiếp thuần túy mà vươn lên đến chóp đỉnh của một thứ trừu tượng hơn: linh hồn dân tộc. “Tôi yêu tiếng nước tôi”. Tình yêu của họ với tiếng Việt đã làm đẹp tiếng mẹ đẻ, làm sang trọng tiếng mẹ đẻ, và cuối cùng làm nên một nền văn hóa đẹp đẽ.

Chỉ những giai đoạn tiếng Việt bay bổng thì nền văn hóa mới thăng hoa, hay là ngược lại, thật khó có thể nói chính xác. Nhưng, có thể đoan chắc rằng một nền văn hóa xuống cấp luôn đi đôi với việc ngôn ngữ và cách dùng ngôn ngữ xuống cấp. Nó bị dùng sai là một chuyện. Nó bị xem thường mới là điều đáng nói. Khi tiếng Việt không còn được tôn trọng, văn hóa và xã hội sẽ không còn được tôn trọng. Con người cũng không còn được tôn trọng. “Tiếng Việt còn, nước ta còn”. Nhưng tiếng Việt bầy hầy, như đang thấy trên báo chí hàng ngày, trong các ca khúc được hàng triệu người nghe, thì “nước ta” còn gì?

Đừng trông chờ ở những khẩu hiệu “giữ gìn tiếng Việt” hay “làm trong sáng tiếng Việt” hô hào chiếu lệ trong nền giáo dục hiện tại. Tiếng Việt đang bị hỏng không chỉ bởi các MC tung hứng bừa bãi với những câu chữ làm màu “cho sang”, như “điểm trang” thay vì phải nói cho đúng là “trang điểm”; không chỉ bởi các phát thanh viên truyền hình học nhau cách nói rập khuôn, hay các nhà báo viết bài không bao giờ xem lại lỗi chính tả; không chỉ bởi những cách dùng sai như “cặp đôi” hay “fan hâm mộ”; không chỉ bởi các từ ghép Hán-Việt vô nguyên tắc như “phượt thủ”… Nguồn gốc khiến tiếng Việt hư chính là từ giáo dục. Không ngôn ngữ nào có thể bay bổng trong một mô hình giáo dục giáo điều. Chẳng ai có thể sửa lại tiếng Việt với đà tuột dốc của nền giáo dục hiện nay. Muốn “làm trong sáng tiếng Việt”, hệ thống giáo dục phải tự làm trong sáng mình. Điều này sẽ chẳng bao giờ có, không bao giờ thành hiện thực, khi mà giáo dục đang nằm dưới bàn chân của những “chủ trương” và “đường lối”. Đừng mong chờ những thay đổi trong giáo dục. Sẽ chẳng có thay đổi tích cực gì cả. Tiếng Việt sẽ tiếp tục bị hành hạ và văn hóa sẽ tiếp tục bị tra tấn.

Dường như không ai có thể cứu tiếng Việt nhưng tiếng Việt có thể được cứu nếu mỗi người trong chúng ta cùng quay lại với con đường “tôi yêu tiếng nước tôi”. Tìm kiếm và đọc lại những quyển sách của một thời làm nên sự kỳ vĩ một nền văn hóa, như một cách thức tự giải độc khỏi những luồng khí đen đang bủa quanh, có thể được xem là một cách thức. Nhiều giá trị hiện bị mất đi đang nằm trong những quyển sách đó. Văn hóa sẽ đi lạc vĩnh viễn nếu chẳng có ai tìm. Con đường đi tìm văn hóa đã mất có thể sẽ giúp tìm lại ánh hào quang của tiếng Việt, và cuối cùng, dẫn đến việc nhìn lại sự cần thiết phải tôn trọng tiếng Việt.

Không người dân nào có thể thay đổi được hệ thống giáo dục hiện tại. Họ không có quyền hạn để làm điều đó. Tuy nhiên không ai có thể ngăn chặn sự chọn lựa để dung nạp một nền văn hóa khác với “hệ văn hóa” nhồi sọ và tuyên truyền. Cũng không ai có thể ngăn chặn sự chọn lựa đọc gì bên ngoài phạm vi những bài văn mẫu hay nên đọc gì trên những trang mạng xã hội. Đó là sự chọn lựa cần thiết, và cấp bách, để “tôi yêu tiếng nước tôi” có thể còn tồn tại và còn có cơ may truyền lại cho hậu sinh.












No comments:

Post a Comment

View My Stats