BTV Tiếng Dân
09/09/2018
Quan hệ Việt Nam – Nga
Reuters dẫn tin từ hãng thông
tấn TASS của Nga, cho biết, Việt Nam đã đặt hàng vũ khí và dịch vụ quân sự của
Nga trị giá hơn 1 tỷ USD, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ.
“Chúng tôi có một danh mục các đơn đặt hàng trị giá
hơn 1 tỷ USD”, TASS dẫn lời của Dmitry Shugayev, người đứng đầu
Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga, cho biết hôm thứ Năm. Tuy nhiên TASS
không cho biết thêm thông tin cụ thể hơn về những đơn đặt hàng này.
Sau cuộc họp giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống
Nga Vladamir Putin, ông Trọng cho biết trong một
tuyên bố hôm thứ Sáu: “Hai bên đã khẳng định cam kết tiếp tục
phát triển quan hệ hợp tác quân sự”.
Truyền thông trong nước tiếp tục có những bài viết
ca ngợi mối quan hệ Việt – Nga, điển hình như đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), qua
bài báo có tựa đề “Quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga mở ra giai đoạn phát triển
mới“, trong đó bài báo bình luận, “chuyến thăm của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và
Liên bang Nga”, “hàng loạt các văn kiện được ký kết về hợp tác toàn diện và sâu
rộng cả ở cấp chính phủ, cấp Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong các
lĩnh vực kinh tế thương mại, năng lượng, an ninh thông tin, văn hóa, khoa học,
giáo dục, y tế”. Tuy nhiên, không thấy VOV, cũng như báo Quân đội Nhân
dân đưa tin về các đơn đặt hàng quân sự trị giá trên 1 tỷ đô mà truyền thông
Nga đề cập.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Nga, ông Trọng đã
có buổi tiếp lãnh đạo các tập đoàn dầu khí Nga là Gazprom và Zarubezneft. Đây
là những tập đoàn đã có “quan hệ hợp tác truyền thống” với Việt Nam và được coi
là có “hiệu quả”, theo báo Chính phủ Việt Nam. Cũng theo báo này, ông
Trọng nhấn mạnh hợp tác dầu khí, năng lượng có vị trí quan trọng, mang tính chiến
lược lâu dài trong quan hệ hai nước, và khẳng định Việt Nam sẽ tạo điều kiện
thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Nga.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết, sau khi kết
thúc chuyến thăm chính thức Nga, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại
biểu cấp cao Việt Nam đã rời Moscow đi thăm chính thức Hungary theo lời mời của
Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Đọc thêm: Chuyên gia Việt Nam trả lời phỏng vấn báo Sputnik của Nga về
quan hệ Việt – Nga: Đại tá Nguyễn Minh Tâm cho rằng Washington và
một số thế lực khác muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng đe dọa quân sự hay sử
dụng vũ lực. Zing: Trung Quốc thử nghiệm thủy phi cơ lớn nhất thế giới.
Quan hệ Việt – Trung
Báo VnEconomy cho biết, dự kiến ngày 10/9 tới đây,
Việt Nam và Trung Quốc sẽ phối hợp mở cặp cửa khẩu Chi Ma – Ái Điểm. Theo thông
tin từ Tổng cục Hải quan, mục đích mở cửa khẩu này là “để thúc đẩy phát triển
kinh tế – xã hội khu vực biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình,
hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển“.
Lễ công bố mở cặp cửa khẩu song phương này sẽ được tổ
chức vào ngày 10/9, tại khu vực cửa khẩu Chi Ma do UBND tỉnh Lạng Sơn và Chính
quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, đồng tổ chức.
Đọc thêm: Việc
cho phép dùng Nhân dân tệ ở Việt Nam: Hiểm họa khôn lường
— Ý nghĩa kinh tế của việc dùng Nhân dân tệ trong thương mại Việt
Nam – Trung Quốc — Đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh làm quan hệ nồng ấm?
Quan hệ Campuchia – Trung Quốc
Trong khi đó, theo báo The Guardian của Anh, Thủ tướng Campuchia
Hun Sen coi đầu tư từ Trung Quốc là nguồn vốn thiết yếu có tính sống còn để
phát triển đất nước. Ông Hun Sen sẵn sàng đón nhận sự hỗ trợ của Trung Quốc cả
về chính trị lẫn tài chính, trong bối cảnh quan hệ với Liên minh châu Âu và Mỹ
ngày càng xấu đi sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mà phương Tây
chỉ trích là không dân chủ.
Bài báo cho biết, Trung Quốc đã đầu tư 1,7 tỉ đô la
vào Campuchia hồi năm 2017. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tài trợ tài
chính cho quân đội của Hun Sen cũng như khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc
đầu tư vào đất nước này. Nhiều nhà phê bình cảnh báo việc các doanh nghiệp
Trung Quốc chuyển sang Campuchia đã đẩy nhiều doanh nghiệp địa phương ra ngoài
lề và tàn phá văn hóa địa phương ở các khu vực như Sihanoukville, gần Koh Kong.
Các nhà nghiên cứu từ trung tâm Nghiên cứu Quốc
phòng cao cấp, một tổ chức tư vấn chính sách của Mỹ, cảnh báo Bắc Kinh có một
“động cơ thầm kín” đằng sau việc đầu tư của Campuchia chứ không đơn thuần chỉ dừng
ở lợi ích kinh tế mà họ tuyên bố. Trong một báo cáo được công bố vào tháng Tư, các tác
giả cho rằng, bằng việc giành được tiếp cận nhiều hơn từ các cảng ở Campuchia,
Bắc Kinh có thể tiếp cận tốt hơn các tuyến thương mại hàng hải và hỗ trợ cho
các yêu sách lãnh thổ trong các khu vực tranh chấp.
No comments:
Post a Comment