BTV Tiếng Dân
07/09/2018
Tự do hải hành và trật tự quốc tế dựa
trên luật lệ
Như tin đã đưa, tàu chiến HMS Albion của Hải quân
Hoàng gia Anh vừa ghé thăm cảng Sài Gòn ngày 3 tháng 9 vừa rồi.
Trước đó, trên đường tới Việt Nam, tàu HMS Albion đã
đi qua quần đảo Hoàng Sa nhằm khẳng định các quyền “tự do hải hành” và thách thức
“yêu sách biển quá mức” của Bắc Kinh, Reuters đưa tin, dựa vào hai nguồn tin ẩn danh được cho
là biết rõ về chuyện này.
Một trong hai nguồn tin trên cho biết, Bắc Kinh đã
phái một tàu khu trục và hai trực thăng tới thách thức tàu Anh, nhưng cả hai
bên đều giữ bình tĩnh khi đối mặt với nhau.
Nguồn tin còn lại thì nói rằng, tàu Albion đã không
đi vào lãnh hải xung quanh bất kỳ thực thể nào nhưng đã chứng minh Anh không
công nhận các yêu sách quá mức xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Trong một tuyên bố fax tới Reuters, Bộ Ngoại giao
Trung Quốc thừa nhận tàu HMS Albion đã đi qua quần đảo Hoàng Sa vào ngày 31
tháng 8 vừa qua. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tàu của Hải quân Hoàng gia Anh đã
đi vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Hoàng Sa mà không được phép, và hải
quân Trung Quốc đã cảnh cáo, yêu cầu tàu rời khỏi đó.
Như vậy có thể hiểu Anh muốn thách thức đường cơ sở
thẳng mà TQ vạch cho quần đảo Hoàng Sa mà đã bị phản đối là không phù hợp với
luật quốc tế.
“Những hành động liên quan của tàu Anh đã vi phạm
luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế có liên quan, và xâm phạm chủ quyền của
Trung Quốc. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ hoạt động này và đã đưa ra những tuyên
bố nghiêm khắc với phía Anh để bày tỏ sự không hài lòng”, Bộ Ngoại giao
Trung Quốc cho biết thêm.
“Trung Quốc mạnh mẽ kêu gọi phía Anh ngay lập tức
ngừng các hành động khiêu khích như vậy, để tránh làm tổn hại đến bức tranh rộng
lớn hơn về quan hệ song phương và hòa bình, ổn định khu vực“, Bộ Ngoại giao
Trung Quốc nói.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần
thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia“.
Còn phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia tuyên bố,
“tàu HMS Albion đã thực thi quyền tự do hải hành tuân theo các tiêu chuẩn và
luật quốc tế“.
Cuộc chạm trán xảy ra ở một thời điểm nhạy cảm trong
mối quan hệ giữa London và Bắc Kinh. Nước Anh đang tìm cách đạt được một thoả
thuận thương mại tự do với Trung Quốc thời hậu Brexit, và cả hai nước đều muốn
chứng tỏ họ đang ở “kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ.
Trước đó, ngày 17 tháng 8, báo Philstar của Philippines cho biết, Bộ trưởng Ngoại
giao Anh Mark Field tuyên bố, London ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ ở châu Á,
thông qua các hợp tác an ninh, hỗ trợ nhân đạo và ngoại giao.
Ông Field cũng cho biết, Anh đã lần đầu tiên triển
khai các máy bay chiến đấu cuồng phong huấn luyện với Nhật Bản, Hàn Quốc và
Malaysia.
“Chúng tôi cũng đã triển khai hai tàu Hải quân
Hoàng gia đến khu vực – HMS Sutherland và Argyll, và sắp tới sẽ là HMS Albion –
có nghĩa là trong năm nay chúng tôi sẽ hầu như hiện diện hải quân liên tục ở
khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược này“, ông Field
nói.
Bộ trưởng Anh cũng nhắc lại, London kêu gọi tất cả
các bên ở Biển Đông tôn trọng tự do hải hành và luật pháp quốc tế, trong đó có
Phán quyết tháng 7 năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực.
“Điều quan trọng đối với ổn định khu vực và toàn
vẹn hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ là các tranh chấp trong khu vực được giải
quyết, không phải bằng vũ lực, quân sự hoá hay ép buộc, mà thông qua đối thoại
và phù hợp với luật pháp quốc tế“, ông nói.
Bộ trưởng Anh cũng bày tỏ ý định của Anh muốn tăng
cường quan hệ với Hiệp hội các nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines, sau
khi rời Liên minh châu Âu.
“Chúng tôi muốn hợp tác để duy trì và tăng cường
hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ ở châu Á, như các nơi khác“, Field nói.
Tàu HMS Albion sau khi rời TP Hồ Chí Minh sẽ được
triển khai tới Nhật Bản.
Ngoài thực địa
7h sáng ngày 5/9, toàn bộ cán bộ, quân nhân, đại diện
các lực lượng và các cấp, ngành ở thị trấn Trường Sa cùng với các giáo viên, phụ
huynh và học sinh đã cử hành lễ chào cờ tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, tại
lễ khai giảng được tổ chức cho hai cấp mầm non và tiểu học tại 3 đảo Trường Sa,
Sinh Tồn và Song Tử Tây, theo báo Pháp luật Việt Nam.
Những đảo này ở quần đảo Trường Sa hiện đang nằm
trong quyền quản lý hành chính của huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.
Trên báo Giao thông có một bài viết với tựa đề “Những chuyến tàu “hồi sinh” sự sống”, trong đó có
đoạn viết về hoạt động của tàu cứu nạn SAR 412 ở khu vực biển Hoàng Sa theo lời
kể của thuyền trưởng tàu SAR 412.
“Còn nhớ lần ra Hoàng Sa cứu 2 tàu cá Bình Định gặp
sự cố. Sau khi cứu xong một tàu phía Tây Hoàng Sa, tàu SAR 412 lại tiếp tục nhận
lệnh cứu đồng thời tàu cá khác bị mắc cạn trên bãi san hô thuộc đảo Chim Én.
Hòn đảo này nằm giữa Hoàng Sa, tình hình an ninh phức tạp. Khi vừa thấy tàu cứu
nạn di chuyển vào, lập tức một tàu hải quân Trung Quốc áp sát, cánh còn lại là
một tàu hải cảnh và lơ lửng trên đầu là một máy bay xuất phát từ đảo Phú Lâm
theo dõi ‘nhất cử, nhất động’ của đội cứu nạn. Tuy vậy, công tác ứng cứu ngư
dân vẫn được tiến hành bình thường và rất may chưa từng có va chạm nào xảy ra
giữa tàu cứu nạn và tàu nước bạn”, thuyền trưởng Sơn nói.
Tuy nhiên không thấy bài viết nhắc đến những lần tàu
cá và ngư dân Việt Nam bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc tấn công ở quần đảo
Hoàng Sa, cô đơn đối mặt với “tàu nước bạn”, khi đó tàu chức năng Việt Nam ở
đâu, có phản ứng gì hay không?
No comments:
Post a Comment