Thursday, 13 September 2018

10 NĂM SAU LEHMAN BROTHERS, TÀI CHÍNH THẾ GIỚI VẪN KÉM AN TOÀN (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà  -  RFI
Phát Thứ Ba, ngày 11 tháng 9 năm 2018

Vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản ngày 15/09/2008 để lại nhiều vết hằn. Một phần công luận Mỹ vẫn bị khủng hoảng 2008 ám ảnh. Ngành ngân hàng đã hồi phục và thịnh vượng hơn xưa. Nhưng các hoạt động tài chính của thế giới vẫn là "một chiếc hộp đen". Nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng mới vẫn cận kề.

Cách nay 10 năm ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ, Lehman Brothers, nạn nhân của khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime tuyên bố phá sản, để lại một khoản nợ khổng lồ gần 700 tỷ đô la. Hệ thống tài chính thế giới sụp đổ, kéo theo cỗ xe kinh tế toàn cầu.

Hiện tượng "đổ giàn"

Jack Malvey, một trong những lãnh đạo của Lehman Brothers, 17 năm lăn lộn với nghề kể lại, ông được gọi đến văn phòng dọn dẹp các hồ sơ còn dang dở và bị cho nghỉ việc. Rất nhiều nhân viên dưới quyền Malvey trong tình trạng hoang mang vô độ. Lehman ngồi trên một núi nợ hàng trăm tỷ đô la vượt ngoài sức tưởng tượng của công luận Mỹ và thế giới.
Kevin trong ngành địa ốc giải thích: subprime tạo nên một thị trường giả tạo. Giá nhà đất mỗi năm tăng 20%. Chỉ cần đặt bút ký là được ngân hàng cho vay hàng triệu đô la. Đó là điều không bình thường chút nào.

Tổng thống Hoa Kỳ, George W. Bush và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi người dân bình tĩnh nhưng vô phương. Trước hết là chứng khoán Mỹ đổ dốc, bước kế tiếp các ngân hàng hoảng sợ khóa van tín dụng dẫn tới hiện tượng khan hiếm tiền mặt. Hàng loạt các nhà xây dựng và công ty môi giới địa ốc mất khả năng thanh toán, phải sa thải nhân viên. Nhà đất tuột giá. Các hộ gia đình trước kia đi vay với lãi rẻ để mua nhà, nay không thể trả nợ đáo hạn. Vết dầu loang do hệ thống tài chính thế giới bị "nhiễm độc vì nợ khó đòi".

Theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản, kéo theo 29 quốc gia vào cơn bão tiền tệ, từ Island đến Tây Ban Nha, từ Ailen đến Hy Lạp. Giới trong ngành nói tới một "trận đại hồng thủy". Chính quyền tại các quốc gia hai bên bờ Đại Tây Dương đưa ra những biện pháp cấp cứu hàng ngàn tỷ đô la.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố, Nhà Nước đứng ra bảo đảm để người dân "không bị mất một xu". Tây Ban Nha, một quốc gia phát triển nhờ địa ốc, bị điêu đứng. Nhiều công trình xây dựng bị bỏ dở. Tăng trưởng toàn cầu năm 2007 đạt 4,2% rơi xuống còn 1,8% năm 2008 trước khi bị giảm thêm vào năm 2009.

Riêng tại Hoa Kỳ, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy vụ Lehman Brothers vỡ nợ đẩy nền kinh tế số 1 thế giới vào suy thoái. Mười ngàn người mất nhà, tám triệu mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 lên tới 10%. Một sự kiện hãn hữu tại Hoa Kỳ : nhà nước phải can thiệp vào các hoạt động kinh tế, chẳng hạn như quốc hữu hóa một phần ngành công nghiệp xe hơi.

Ngành tài chính đã "phản bội" kinh tế
Thành phố Detroit, chiếc nôi của công nghiệp xe hơi Mỹ bị tàn phá. Mười năm sau, Detroit đã hồi sinh. Một công ty nhà đất tại thành phố Detroit, cho biết : nhiều thân chủ người Pháp đã đem tiền đầu tư vào Mỹ trong giai đoạn 2011-2012 và giờ đây họ trở thành triệu phú. Ở Detroit, giá nhà đất giờ đây cao gấp đôi so với thời điểm 2006, tức là trước khi Lehman Brothers sụp đổ.

Có điều, một phần công luận Mỹ vẫn chưa nguôi. Phong trào bất bạo động Occupy Wall Street phản đối giới tài chính Mỹ ở New York vẫn thường xuyên xuống đường .

Một thành viên tích cực của phong trào Occupy Wall Street nói với phóng viên đài RFI : "Tại Mỹ 1 đứa trẻ trên 7 không đủ ăn, trong lúc chính quyền chi ra hàng tỷ đô la để cứu giới tài chính Wall Street. Nước Mỹ cần thay đổi".

Năm 2008, Georges Ugeux là phó chủ tịch sàn chứng khoán New York. Một chục năm sau, ông phân tích: "Đây là một sự phản bội. Thay vì phục vụ cho các hoạt động kinh tế, phục vụ xã hội thì các ngân hàng đã tối mắt vì đồng tiền, gây hậu quả tai hại cho kinh tế và hàng triệu người trong xã hội. Đã đến lúc chúng ta cần đặt lại vấn đề".

Là tác giả cuốn "Sự phản bội của nền tài chính : 12 biện pháp cải tổ để tái tạo niềm tin", Georges Ugeux cho rằng, vụ Lehman Brothers sụp đổ do các ngân hàng đã không "nghiêm túc thẩm định mức độ rủi ro trước khi cấp tín dụng, chối bỏ trách nhiệm cơ bản để chỉ biết đầu tư kiếm lời. Mù quáng vì đồng tiền".

Thiệt hại 70.000 đô la đầu người
Theo một nghiên cứu được tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế bà Christine Lagarde trích dẫn, trung bình khủng hoảng 2008 gây thiệt hại 70.000 đô la cho một người dân Mỹ. Chính phủ Hoa Kỳ tới nay vẫn đang hứng chịu hậu quả từ vụ ngân hàng Lehman Brothers phá sản. Tại các nền kinh tế phát triển, tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, nợ công tăng thêm hơn 30 điểm.

Căn cứ vào các văn bản chính thức của các văn phòng luật sư, bộ tài chính Mỹ tuy đã làm ngơ không cứu Lehman Brothers, để tập đoàn này phải tuyên bố phá sản, nhưng Washington đã huy động 421 tỷ đô la để cứu hãng bảo hiểm AIG, cứu ngân hàng Citigroup, Bank of America hay Fannie Mae-Freddie Mac hai cơ quan bảo hiểm tín dụng địa ốc.

Ở bên này bờ Đại Tây Dương, châu Âu bơm 500 tỷ đô la cho hệ thống ngân hàng, bảo đảm 1.200 tỷ đô la cho các ngân hàng gặp khó khăn. Bản thân các ngân hàng của Mỹ và châu Âu cũng phải trả giá đắt cho những sơ sót cơ bản của mình. Nhưng một chục năm sau, các ngân hàng của Âu Mỹ đã hoàn toàn bình phục và lại cấp những khoản tiền thưởng đến chóng mặt cho những tay môi giới tài giỏi nhất như thời kỳ tiền 2008.

Bài học nào từ Lehman Brothers ?
Liệu chúng ta có rút được bài học nào từ 2008 ? Câu trả lời là không, theo quan điểm của những phong trào bài tư bản như Occupy Wall Street ở Mỹ, Les Indignés tại châu Âu. Trả lời RFI Pháp ngữ, một người trong cuộc như David Moonves, 15 năm làm việc cho Standard and Poor's, 10 năm với Lehman Brothers và nhiều năm với cơ quan thẩm định tài chính Moody's, xác định là điều nguy hiểm nhất là mọi người chóng quên chuyện gì đã xảy ra cách nay một chục năm : "Khủng hoảng thường xuyên xảy ra tại Mỹ theo một chu kỳ cứ 10 năm một lần. Điều đó có nghĩa là chẳng mấy ai rút tỉa được những bài học quá khứ. Có điều thị trường tài chính đã thay đổi. Hầu hết các khoản tín dụng địa ốc đều đáng tin cậy, không lo nổ ra một vụ khủng hoảng subprime khác".

Nhưng điều đó không ngăn cản tài chính Mỹ đang đứng trước một mối đe dọa khác. Đó là đe dọa sinh viên Mỹ vỡ nợ, bởi "có những nét tương đồng giữa nợ sinh viên Mỹ ngày nay với nợ địa ốc hơn một chục năm trước".

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, tổng giám đốc IMF đánh giá, quốc tế đã khắc phục được nhiều sai lầm trong quá khứ. Nâng cao mức an toàn của các ngân hàng, đặt ra nhiều hàng rào kiểm soát trong các hoạt động mua đi bán lại các sản phẩm tài chính …

Có điều chính Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cũng nhìn nhận rằng "các biện pháp đó vẫn là chưa đủ". Ấy là chưa kể những hàng rào an toàn được đề ra cách nay chục năm đang bị chính quyền Mỹ từng bước dỡ bỏ.

Nhiều ngân hàng đặc biệt là tại châu Âu vẫn yếu kém. Ý, Đức và Tây Ban Nha vẫn "đang trên đà bình phục".

Ngoài ra, IMF đặc biệt quan ngại trước hiện tượng các hoạt động tài chính không chính thức, hoàn toàn ngoài vòng kiểm soát của các giới chức tiền tệ ngày càng gia tăng. Chỉ riêng Trung Quốc, theo cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Moody's, cỗ máy tài chính ngoài vòng kiểm soát của ngân hàng trung ương và Bắc Kinh lên tới 7.900 tỷ đô la cuối tháng 6/2018.

10 năm sau Lehman Brothers, vẫn chưa có một cơ quan nào được lập ra để thẩm định về mức độ độc hại của các khoản "nợ thối", của những sản phẩm tài chính được mua đi bán lại trên các sàn chứng khoán. Mối liên hệ mật thiết giữa chính giới với quỹ đạo tài chính vẫn nguyên vẹn tựa như 10 năm về trước. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tai họa tài chính 2008 là các tay môi giới được khuyến khích làm liều, với những khoản tiền thưởng chóng mặt. Một chục năm sau, các tay trader ở Wall Street đã nhận được 31,4 tỷ đô la tiền thưởng, ngang ngửa với thời điểm 2008-2009.

Cuối cùng, một thập niên sau khi gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế nghiêm trọng nhất từ năm 1929, ngành ngân hàng Mỹ tiếp tục thống lĩnh các hoạt động tài chính toàn cầu. Trong bảng xếp hạng thế giới, ba ngân hàng Mỹ là JP Morgan, Wells Fargo và Bank of America đứng đầu.







No comments:

Post a Comment

View My Stats