18/05/2018
Các
nhà lập pháp Việt Nam dự kiến bỏ phiếu về một luật mới về an ninh mạng vào cuối
tháng này. Nó nhằm mục đích áp đặt các yêu cầu pháp lý mới đối với các công ty
internet, và gia tăng mức độ kiểm soát đối với việc bày tỏ ý kiến bất đồng trên
mạng.
Nhà hoạt động Lê Văn
Dũng (phải) truyền trực tiếp qua Facebook tại một quán cà phê ở Hà Nội
Các
công ty công nghệ của Mỹ như Facebook, Google và các công ty toàn cầu khác đang
nỗ lực chống lại các điều khoản yêu cầu họ lưu trữ dữ liệu về người dùng Việt
Nam tại địa phương và mở văn phòng ở trong nước. Nhưng họ đã không đưa ra quan
điểm mạnh mẽ tương tự về các điều trong dự luật nhắm đến tăng cường việc chính
phủ đàn áp hoạt động chính trị trực tuyến.
Các
nhà hoạt động chính trị ở Việt Nam dựa vào các phương tiện truyền thông xã hội
để vận động sự ủng hộ, và dự luật mới được đưa ra sát với thời điểm hơn 50 nhóm
đấu tranh cho các quyền và các nhà hoạt động hồi tháng 4 gửi một bức thư đến Tổng
Giám đốc Điều hành Facebook Mark Zuckerberg cáo buộc công ty ông làm việc quá
chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để bóp nghẹt sự bất đồng.
Facebook
và Google nói họ phải tuân thủ luật pháp địa phương ở các quốc gia nơi họ hoạt
động.
"Báo
cáo minh bạch" mới nhất của Facebook công bố hôm 15/5 cho thấy trong nửa
cuối năm ngoái, công ty lần đầu tiên bắt đầu chặn những nội dung ở Việt Nam vi
phạm luật trong nước. Công ty cho hay có 22 trường hợp như vậy - mặc dù họ nói
rằng những trường hợp này bị "các cá nhân báo cáo vi phạm về phỉ
báng" chứ không phải do chính phủ yêu cầu trực tiếp.
Năm
ngoái, Google cũng đã chặn lần đầu tiên các video trên YouTube theo yêu cầu của
chính phủ. Số liệu cập nhật công bố hôm 18/5 cho thấy công ty đã được yêu cầu
xóa hơn 6.500 video trong năm 2017, chủ yếu là vì có lời chỉ trích chính phủ,
và công ty đã tuân thủ phần lớn các yêu cầu.
Các
báo cáo minh bạch cho thấy rằng hai công ty này không tự động thực hiện theo
yêu cầu của chính phủ. Facebook cho biết họ đã nhận được 12 yêu cầu của chính
phủ về dữ liệu tài khoản người dùng Facebook trong năm 2017 và chỉ tuân thủ 4
trong số đó, tất cả đều là yêu cầu “khẩn cấp”. Công ty định nghĩa “khẩn cấp” là
có liên quan đến “nguy cơ thương tích nặng hoặc tử vong sắp xảy ra”.
Trong
trường hợp nội dung bị cáo buộc là vi phạm luật địa phương, cả hai công ty đều
cho biết lời yêu cầu gỡ xuống sẽ phải qua xem xét về tính pháp lý, và khi họ
tuân thủ, nội dung đó chỉ bị chặn cục bộ ở nước đó.
Khoảng 55 triệu người
Việt Nam thường xuyên dùng mạng xã hội
Việt
Nam đã có các quy định chặt về internet từ năm 2013. Họ cấm mọi thông tin chống
chính phủ, xâm hại an ninh quốc gia, gây “hận thù và xung đột” hoặc “làm mất uy
tín của các tổ chức và cá nhân”.
Các
quy định cũng cấm người dùng truyền thông xã hội “lan truyền thông tin giả hoặc
không đúng sự thật”.
Các
quy định mới được triển khai trong năm 2017 còn thắt chặt hơn nữa. Thêm vào đó,
một nghị định khác có hiệu lực hồi tháng trước buộc các mạng xã hội phải gỡ các
nội dung vi phạm trong vòng 3 giờ sau khi có thông báo của chính phủ, song Jeff
Paine, giám đốc điều hành của Liên minh Internet Châu Á (AIC), cho rằng quy định
này chỉ áp dụng với các công ty trong nước.
Mặc
dù vậy, Facebook và Google dường như không gặp bất kỳ đe dọa rõ rệt nào nếu xét
về mức độ thâm nhập sâu của họ vào xã hội Việt Nam.
Cả
Facebook và Google đều cung cấp dịch vụ cho Việt Nam từ trụ sở cấp khu vực của
họ ở Singapore.
Theo
nghiên cứu của Simon Kemp, một nhà tư vấn truyền thông kỹ thuật số có văn phòng
ở Singapore, khoảng 55 triệu trong số 96 triệu người Việt Nam thường xuyên sử dụng
mạng xã hội.
Chính
phủ muốn kiểm soát nhiều hơn, bao gồm buộc các hãng lưu trữ dữ liệu tại địa
phương và mở văn phòng công ty ở trong nước - một điều khoản mà những lãnh đạo
các công ty lo sợ là nó được soạn thảo nhằm giúp chính phủ đe dọa các công ty bằng
cách đặt các cá nhân trước nguy cơ bị bắt giữ.
Luật
mới cũng trao thêm nhiều quyền lực cho Bộ Công an Việt Nam, bộ có nhiệm vụ đập
tan giới bất đồng ở đất nước do cộng sản cai trị.
Facebook
cho biết họ dự kiến là các quy định mới sẽ yêu cầu họ hạn chế nhiều nội dung
hơn. Google từ chối bình luận.
(theo Reuters)
No comments:
Post a Comment