Friday, 4 May 2018

VỀ MỘT TU VIỆN 178 NĂM ĐANG HẤP HỐI (FB Đỗ Duy Ngọc)





Mấy tuần nay, nhiều người dân Sài Gòn bàn nhiều về việc thành phố chuẩn bị đập Dinh Thượng Thơ ở số 59-61 Lý Tự Trọng để xây tòa nhà hành chính mới. Theo lịch sử của thành phố, toà nhà này được xây dựng năm 1864, đến nay được 154 năm. Nó cũng là một trong những kiến trúc đầu tiên của thành phố này, có cả trước nhà thờ Đức Bà. Do vậy, việc phá bỏ toà nhà gây nhiều phản ứng trong dư luận và người Sài Gòn lo sợ rồi đây, những di tích của Sài Gòn sẽ bị biến mất, ký ức Sài Gòn sẽ bị xoá nhoà.

Tuy nhiên, ở Sài Gòn hiện nay đang có một di tích cũng đang bị chuẩn bị đập bỏ và mất tên. Di tích này còn có tuổi cao hơn Dinh Thượng Thơ và có thể xem đó như là một trong những di tích lâu năm của đất Sài Gòn. Đó là Tu viện Thủ Thiêm, một tu viện của Dòng Mến Thánh Giá hiện tọa lạc tại phường Thủ Thiêm, Quận 2, Thành phố Sài Gòn.

Được thành lập năm 1840, đây là tu viện đầu tiên của nhà dòng này tại Sài Gòn, và là thứ hai tại Miền Nam Việt Nam, sau Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum (thành lập năm 1800). Tính đến nay nó đã tồn tại trên đất này 178 năm.

Tài liệu lịch sử cho biết rằng: 

Sau cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi vào năm 1833, triều đình vua Minh Mạng ra chỉ dụ bắt đạo Công giáo. Các nhà thờ, tu viện bị tàn phá, linh mục, tu sĩ, giáo dân ly tán khắp nơi, trong số đó có các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá. Trong hoàn cảnh chạy loạn, một số nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đã đến dừng chân ở Thủ Thiêm và họ bắt đầu lập tu viện ở đây vào năm 1840. Ban đầu, tu viện chỉ là ngôi chòi lá dựng gần gốc cây. Thủ Thiêm ngày ấy là một khu rừng hoang vắng, dân cư sống rải rác, chỉ có vài ngôi chùa, miễu của người Miên và người Thổ. Lo ngại thú rừng, các nữ tu tạm rời ngôi chòi cạnh gốc cây để men theo kinh Lắp đến tá túc tại chợ Vải, Bến Thành. Trong giai đoạn này, nhà thờ Giáo xứ Thủ Thiêm được thành lập vào năm 1859 nên đến năm 1863, sau khi tạm trú tại Bến Thành, các nữ tu quay về Thủ Thiêm và dựng lại tu viện bên cạnh nhà thờ này để tiện đi tham dự thánh lễ. Nhờ sự hỗ trợ của các chủng sinh tại Xóm Chiếu, họ xây dựng được một nhà nguyện mái tranh vách ván và một dãy nhà được ngăn ra nhiều gian để ở. Họ bắt đầu có phương tiện sinh sống như nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải, dệt chiếu, làm ruộng, vườn...

Đến thập niên 1960, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã xây dựng lên ba trường học gồm trường Nữ Thủ Thiêm, trường Nam Thủ Thiêm và trường Nữ thánh Anna với tổng diện tích 4000m². Sau năm 1975, Giáo phận Sài Gòn cam kết "sẵn sàng để Nhà nước sử dụng các cơ sở tư thục Công giáo trong Giáo phận Sài Gòn vào công tác giáo dục", theo nội dung một văn bản của Tổng giám mục Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình ký. Nhưng kể từ cuối 2011, với dự án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm của Quận 2, ba ngôi trường này đã ngưng hoạt động, không còn được sử dụng cho mục đích giáo dục nữa, và do đó Dòng Mến Thánh Giá viết đơn yêu cầu chính quyền trả lại.(wikipedia)

Soeur Đặng Thị Mỹ Hạnh, thư ký Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, ngày 17/1/2017 cho biết Tu viện đã đề nghị chính quyền bồi thường ngôi trường trong diện bị phá dỡ để làm đường vào năm 2015. Tuy nhiên chính quyền địa phương chỉ chịu bồi thường nếu cả cơ sở nhà dòng chịu dời đi, và đã làm áp lực nhiều lần, nhưng phía tu viện không chấp nhận.

Theo kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Quận 2, chính quyền TP Hồ Chí Minh có dự định phá dỡ Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm để nhường chỗ cho khu đô thị mới.

Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và một trường học của nhà dòng nằm trong số 9 lô “đất vàng” sắp được mang ra bán đấu giá lần đầu tiên tại TP.HCM.

Thông tin này được chính quyền nhắc lại và khẳng định trong một cuộc họp báo ngày 2/5.
Trong khi đó, Linh mục Lê Ngọc Thanh, người phụ trách về lĩnh vực truyền thông của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nói rằng quyết định quy hoạch, giải tỏa nhà thờ và tu viện ở Thủ Thiêm có quá nhiều vấn đề khuất tất và cần phải được bàn thảo.

“Thứ nhất, trong quy hoạch ban đầu mà Thủ tướng duyệt, không có quy hoạch nhà thờ và đất của tu viện. Nhà thờ và tu viện hoàn toàn nằm ngoài quy hoạch”, LM. Thanh nói.

Tại buổi họp báo ngày 2/5, khi báo chí truy vấn về tung tích của tấm bản đồ năm 1996 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM, Nguyễn Thanh Nhã, nói “đã ‘truy tìm’ bản đồ này từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra”.

Lý do ông Nhã đưa ra là do cơ quan di chuyển nên không lưu trữ bản đồ.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan lại nói “không phải là không có [bản đồ gốc] mà chưa tìm ra, cơ quan chức năng vẫn đang tìm”.

Và như vậy, tung tích tấm bản đồ quy hoạch gốc vẫn còn là một ẩn số.

Điều “không thỏa đáng” tiếp theo, theo LM. Thanh, là việc giải tỏa không hội đủ cơ sở để giải thích cho lý do buộc các cơ sở tôn giáo phải di dời, vì dự án xây dựng khu đô thị mới chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích kinh tế, không liên quan gì đến an ninh, quốc phòng.
Ngoài ra, “Khi khu dân cư được xây dựng xong, thì người dân cũng có nhu cầu phải có một nơi thờ tự. Vậy tại sao trên quy hoạch lại không ưu tiên cho đời sống tâm linh của người dân?”, LM. Thanh đặt thêm câu hỏi.

Dịp Tết Nguyên Đán năm ngoái, Tổng lãnh sự quán Canada tại TPHCM đặt câu hỏi trên Facebook rằng: “Bạn nghĩ có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada?:

“Theo kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Quận 2, chính quyền TP Hồ Chí Minh có dự định phá dỡ Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm để nhường chỗ cho khu đô thị mới. Tu viện được thành lập tại Thủ Thiêm vào năm 1840, nghĩa là đã ở đó được 177 năm (trong khi Canada vừa bước sang tuổi 150 năm nay). Bạn nghĩ thế nào nếu chúng ta hòa nhập những công trình mang tính lịch sử như thế này vào các khu đô thị mới thay vì phá dỡ chúng?”

(Pensez-vous que c'est une bonne idée de démolir quelque chose qui est encore plus vieux que le Canada ?

Selon ses plans de développement de la zone urbaine de Thu Thiem dans le district 2, les autorités de Hô Chi Minh Ville ont montré leur intention de démolir le couvent Amoureux de la Sainte Croix de Thu Thiem et l'église paroissiale pour faire place à la zone urbaine moderne. Le couvent a été établi à Thu Thiem en 1840, c'est-à-dire qu’il est là depuis 177 ans (alors que le Canada a 150 ans cette année).
Que pensez-vous de l'intégration des édifices historiques tels que ceux-ci dans de nouveaux aménagements urbains plutôt que de les supprimer?
Faites-nous part de votre opinion !)

Quyết định giải tỏa các cơ sở tôn giáo ở khu vực “đất vàng” Thủ Thiêm đã bị chỉ trích ở cả trong nước lẫn quốc tế. Nhiều trí thức Việt Nam cho rằng chính quyền “quá tham lam” và “thiếu tầm nhìn” khi đánh đổi những di sản văn hóa, tôn giáo để đạt được lợi ích kinh tế bằng mọi giá.

Khu vực Nhà thờ và nhà dòng Thủ Thiêm được xem là một di sản văn hóa giữa lòng đô thị phồn thịnh nhất Việt Nam. Các nữ tu của nhà dòng đã có mặt tại vùng đất này từ khi nơi đây vẫn còn là một khu rừng hoang.

Năm 1975, vì nhu cầu của đất nước và theo yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình yêu cầu nhà dòng giao trường cho nhà nước để họ dạy học. Lúc đó, nhà dòng đồng ý giao trường với mục đích giáo dục. Đến năm 2011 là hết học trò, họ lại đưa UBND, trụ sở Công an và các văn phòng của họ vào ở, nên các soeur viết văn thư yêu cầu họ trả trường lại, vì chúng tôi hiến cho mục đích giáo dục, nếu không giáo dục nữa thì phải trả cho chúng tôi. Nhưng từ năm 2011 đến nay, họ không giải quyết cho mình. Họ nói rằng cái đó đã giao cho nhà nước rồi thì thuộc về nhà nước”, Soeur Mỹ Hạnh cho biết.

Tại cuộc họp báo ngày 2/5, lãnh đạo TPHCM yêu cầu các cơ quan chức năng phải có phương án di dời các cơ sở tôn giáo trong khu vực và thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công.

9 lô đất, với tổng diện tích 78.000 m2, sẽ được quy hoạch thành khu trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng của đô thị mới Thủ Thiêm. Dự tính tổng mức đầu tư khởi điểm lên đến 27.000 tỷ đồng.

Số tiền quá lớn, mối lợi quá khủng, nên người ta bất chấp tất cả để thu lợi. Khi quyền lực bắt tay với doanh nghiệp vì lợi nhuận thì không rào cản có thể ngăn chận được lòng tham. Ở trên thế giới, người ta lo sợ nhất là Mafia bắt tay được với kẻ cầm quyền, bởi lúc đó, sức tàn phá để phá vỡ xã hội sẽ vô cùng khủng khiếp.

Rât nhiều người dân Sài Gòn đang phản ứng trước những chủ trương xóa mất hết di tích Sài Gòn từ xưởng tàu Ba Son, hàng cây cổ thụ trăm năm trên đường Tôn Đức Thắng, đập bỏ Dinh Thượng Thơ, và chuẩn bị xóa không còn vết tích Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm.

Biết đâu ngày mai đây sẽ đến lượt Bưu điện TP, Toà Án, Nhà thờ Đức Bà, rồi có thể cả tòa nhà Uỷ Ban, Dinh Độc Lập, Sở thú, nhà chú Hoả, nhà hát Thành phố, những ngôi chùa ở Chợ Lớn, thư viện TP, Dinh Gia Long cũ, những nhà thờ rải rác đó đây sẽ cùng chung số phận.

Những dấu tích cũ một thời của Sài Gòn sẽ không còn nữa. Bạn đã đến đây, đã ở đây, đã gắn bó với Sài Gòn, bạn đã là dân Sài Gòn thứ thiệt. Bạn nghĩ sao khi những ký ức Sài Gòn trong bạn càng ngày càng mất dần đi. Bạn đang bị cướp mất những kỷ niệm của một thời, bạn đang bị xoá ký ức. Sao vẫn im lặng, sao bạn vẫn lặng câm?

Ngày mai đây, bạn sẽ nói với con bạn, cháu bạn những gì của Sài Gòn? Bạn sẽ giới thiệu những khối bê tông đồ sộ, những cao ốc lộng lẫy, những con đường rộng lớn không bóng cây? Những thứ đó Hongkong, Singapore, Malaysia hơn hẳn Sài Gòn. Và bạn sẽ chẳng còn chi để tự hào về Sài Gòn. Và chúng ta sẽ là những người đã đánh mất quá khứ. Nếu bạn bắn súng ngắn vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn súng đại bác vào bạn" ("If you fire at the past from a pistol, The future will shoot back from a cannon) Rasul Gamzatovich Gamzatov nhà thơ Nga đã nói như thế và chắc chắn là như thế.

3.5.2018
DODUYNGOC

Tu viện Thủ Thiêm. Ảnh: internet











No comments:

Post a Comment

View My Stats