Posted
on 08/05/2018
Bộ
phim Avengers: Cuộc chiến Vô cực đang “hô phong hoán
vũ” trên các bảng xếp hạng doanh thu phim ảnh trên toàn thế giới nói về một
liên minh gồm nhiều siêu anh hùng có sức mạnh siêu nhiên và những năng lực đặc
biệt, cùng nhau đoàn kết bảo vệ loài người khỏi các hiểm họa đe dọa hòa bình và
sinh tồn.
Bộ
phim này không hề đơn giản chỉ là một bộ phim giải trí. Thật sự, loạt phim
Avengers từ trước tới nay vẫn luôn là một trường thiên tác phẩm “thần thoại” hiện
đại, nơi mà các ý niệm về công lý, về lằn ranh thiện-ác, và ý nghĩa của sự tồn
tại của con người v.v. ẩn hiện sau những pha hành động đẹp mắt và những hình ảnh
kỹ xảo làm mê hoặc người xem.
Một
trong những ý niệm ẩn chứa trong loạt phim Avengers chính là một ý niệm về công
lý tự xử, hay theo cách Pop Law thích gọi hơn, đó là công lý dân phòng
(vigilante justice hay vigilantism).
Công lý
dân phòng (vigilantism) là gì?
Các
siêu anh hùng chính yếu trong nhóm Avengers đều không hề là những cảnh sát,
quân nhân, hay viên chức nhà nước. Có vài người như Captain America hay War
Machine đã từng trong quân ngũ, nhưng hiện nay thì không còn.
Về
tư cách pháp lý, trừ một người
máy, một người ngoài hành tinh, và nguyên
thủ nước khác ra, các thành viên liên minh Avengers đều là những công
dân Mỹ (hay công dân được phép định cư ở Mỹ).
Vì
lẽ đó, qua lăng kính pháp lý, khi dùng sức mạnh và bạo lực để chống lại các thế
lực độc ác nhằm bảo vệ loài người, các siêu anh hùng Avengers là những công dân
“bình thường” đang dùng năng lực của chính họ để ngăn chặn tội ác, bảo vệ bình
yên cho xã hội, cho con người.
Tức
là, bất kể nhà nước họ có cho phép hay không, các siêu anh hùng vẫn đang phần
nào đó làm những công việc thường dành cho những lực lượng hành pháp quốc gia:
cảnh sát, các lực lượng vũ trang, an ninh, hay quân đội.
Dĩ
nhiên, cái ý tưởng nền tảng của các thể loại văn hóa phẩm dòng “siêu anh hùng”
chính là cần phải có các siêu anh hùng! Bởi vì họ là những cá nhân
duy nhất có thể chống lại những thế lực độc ác siêu nhiên đang tiến đến đe dọa
con người, vốn thường là kịch bản hay cốt truyện chính của dòng văn hóa phẩm
này.
Các
lực lượng cảnh sát, an ninh, quân đội trong Vũ trụ Marvel của loạt phim
Avengers vẫn có. Họ chính là những lực lượng được nhà nước bổ nhiệm làm công
tác an ninh trật tự, và được “nuôi” bằng tiền ngân sách nhà nước, vốn đến từ tiền
thuế của người dân. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ nghiễm nhiên cũng có những
khả năng đặc biệt, ví dụ như nhảy từ hành tinh này sang vũ trụ khác để truy bắt
kịp thời một lão quái nhân đầu trọc khổng lồ mê nữ trang, à nhầm, đá quý.
Bên
trong Vũ trụ Marvel có những thế lực hiểm độc có năng lực siêu nhiên vượt xa khả
năng ngăn chặn và chống chọi của các lực lượng hành pháp truyền thống. Đó chính
là lý do tại sao người dân trong vũ trụ đó cần các siêu anh hùng.
Các vigilante hợp đồng
tác chiến với quân đội Wakanda trong Avengers: Cuộc chiến Vô cực – Ảnh:
entertainment.inquirer.net.
Chính
ở khía cạnh này, chúng ta nhìn ra được yếu tố cốt lõi của khái niệm vigilantism
hay công lý dân phòng: khi công lý (hay sự an toàn) không thể được truy cầu hay
bảo vệ bởi nhà nước, thì sẽ phải có công lý (hay an toàn) đến từ nỗ lực của những
người dân nào dám tự đứng ra làm nhiệm vụ phòng vệ, bảo vệ xã hội và cộng đồng
mình.
Nhà
nghiên cứu tội phạm học Nicole Haas từ trường Đại học Leiden (Hà Lan) trong một nghiên
cứu chuyên sâu về vigilantism, đưa ra một định nghĩa như sau:
“Vigilantism
là hành vi hình sự có tính toán được thực hiện bởi một hay nhiều công dân nhằm
đáp lại (mối đe dọa từ) một tội ác được thực hiện bởi một hay nhiều công dân
khác. Hành vi hình sự có tính toán đó nhắm vào (những) công dân đang (hay bị
cáo buộc là đang) gây ra tội ác kia.”
Có
thể tranh cãi là định nghĩa này đã không tính đến những kẻ thủ ác từ các hành
tinh khác. Cũng có thể tranh luận rằng trong Vũ trụ Marvel (ít ra ở phiên bản
trên phim) thì liên minh Avengers phần nào đó đã được phía các nhà nước quốc tế
thông qua Hiệp định Sokovia công nhận và cho phép “thế thiên
hành đạo” trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Tuy
nhiên, có thể xem những hành vi dùng bạo lực chống lại cái ác của họ về bản chất
vẫn là “hành vi hình sự có tính toán của công dân”.
Vậy
định nghĩa vigilantism nói trên có một sự xác đáng nhất định, dù không cân xứng,
trong cả hai vũ trụ: Vũ trụ Marvel và vũ trụ chúng ta.
Trong
khi vigilantism là danh từ chỉ khái niệm thì vigilante là từ tiếng Anh dùng để
chỉ những người thực hiện công lý dân phòng. Mỗi một siêu anh hùng nào không
thuộc “biên chế nhà nước” mà đang “thế thiên hành đạo” thì đều là một
vigilante.
Vũ
trụ Marvel có Iron Man thì Vũ trụ DC có Batman. Họ đều là những gã nhà giàu
“vác tù và hàng tổng”, ngày đêm lao tâm khổ tứ với nhiệm vụ tự giao phó của
mình: làm vigilante bảo vệ loài người.
Trong
vũ trụ của chúng ta, các vigilante chính là những ai chỉ là công dân bình thường
nhưng tham gia làm những công tác hành pháp như săn bắt cướp và điều tra tội phạm.
Một
ví dụ điển hình chính là các “hiệp sĩ đường phố” nổi tiếng cưỡi xe máy săn đuổi tội phạm,
thường hay được thấy ở các tỉnh thành miền Nam như Sài Gòn hay Bình Dương.
Một cảnh được cho là
“hiệp sĩ đường phố” bắt cướp. Ảnh: Youtube
Tranh
cãi về vigilantism
Thoạt
nhìn, có thể nhiều người sẽ nghĩ: sao phải tranh cãi gì về vigilantism? Các
siêu anh hùng Avengers cứu rỗi nhân loại. Không có họ thì chết cả lũ luôn chứ ở
đó mà sai với đúng gì?
Các
“hiệp sĩ đường phố” Việt Nam tự nguyện bỏ thời gian công sức với tiền xăng xe của
mình vào công tác truy bắt tội phạm. Chẳng phải là họ xứng đáng được tuyên
dương, thay vì soi mói phải trái đúng sai hay sao?
Nếu
muốn nói chuyện luật pháp đúng sai, nhiều người có thể chỉ ra ngay rằng luật
hình sự Việt Nam, giống với nhiều nước khác, cũng có khái niệm “citizen’s
arrest”: tức là người dân được luật pháp cho phép được bắt tội phạm trong
các trường hợp bắt quả tang hay bắt tội phạm bị truy nã, miễn là bắt rồi thì
chuyển ngay người bị bắt cho cơ quan hành pháp (Điều 111 và 112 – Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam).
Tuy
nhiên, bản thân hiện tượng công lý dân phòng cho dù có hợp pháp cũng không đơn
thuần là một hiện tượng bình thường, phải có, và khi đã có thì không phải lúc
nào cũng đáng tuyên dương khích lệ.
Sự
tồn tại của hiện tượng này, cùng mức độ ủng hộ dành cho nó từ công chúng, có những
hàm ý quan trọng về luật pháp, chính sách, và về ý nghĩa của công lý. Tất cả đều
đáng để chúng ta tìm hiểu.
Phải
chăng hiện tượng công lý dân phòng là dấu hiệu cho thấy lực lượng hành pháp
không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của họ?
Các
siêu anh hùng Avengers có vai trò vô giá vì chỉ họ mới có đủ năng lực làm một
việc mà các lực lượng hành pháp trong Vũ trụ Marvel đã bất lực: ngăn chặn cái
ác siêu nhiên.
Vậy,
phải chăng công lý dân phòng chỉ có lý và có giá trị trong những hoàn cảnh mà sự
bất lực của lực lượng hành pháp là đương nhiên?
Nếu
đúng thế thì việc có các “hiệp sĩ đường phố” và có mức độ ủng hộ rộng rãi các
“hiệp sĩ đường phố” này nói lên điều gì về lực lượng hành pháp nước ta?
Trong
một nghiên cứu năm 2017, nhà phân tích chính trị người Úc
Carl Thayer cho rằng các lực lượng an ninh cảnh sát Việt Nam có số lượng khoảng
1,2 triệu người trên tổng số lao động cả nước là 53 triệu người.
Việc
có một lực lượng người dân tự nguyện săn bắt cướp trông có vẻ là thừa thãi khi
mà Việt Nam đã có một lực lượng an ninh cảnh sát với số lượng như trên, tất cả
vốn đang được nuôi hàng ngày bằng ngân sách nhà nước.
Việc
đo lường mức độ hiệu quả của lực lượng khoảng 1,2 triệu này khá khó vì các số
liệu về các lực lượng an ninh cảnh sát cũng như ngân sách của lực lượng này tại
Việt Nam không được công khai rộng rãi.
Nhưng
có thể đặt một giả định khả dĩ: nếu người dân Việt Nam tin tưởng vào lực lượng
an ninh cảnh sát, cho rằng lực lượng này đủ khả năng bảo vệ an ninh trật tự xã
hội, thì họ sẽ không ủng hộ hiện tượng công lý dân phòng theo một cách sâu rộng
như họ thể hiện (nếu quan sát qua các phản ứng trên báo đài
và mạng xã hội Việt Nam).
Thật
sự, trong giới nghiên cứu tội phạm học quốc tế từ lâu đã có một lý thuyết được
chia sẻ rộng rãi rằng người dân chỉ ủng hộ và tham gia vào các hoạt động công
lý dân phòng khi các thiết chế bảo vệ công lý trong nước quá yếu ớt hay
không hiệu quả.
Việc
một số người dân phải cầm vũ khí bảo vệ chính mình và cộng đồng mình không phải
là một môn “thể thao” được công chúng tán thưởng và ngưỡng mộ, mà thường là một
việc làm bất đắc dĩ được công chúng chào đón trong những hoàn cảnh mà họ không
còn lựa chọn nào tốt hơn.
Các vigilante người
Mexico ở thị trấn Ayutla tuần tra phố phường chống lại các thế lực băng đảng tội
phạm – Ảnh: washingtonpost.com
Một nghiên cứu gần đây nhất của nhà xã hội học Amy Nivette
của trường Đại học Utrecht (Hà Lan) cho chúng ta những kiến giải được cập nhật
nhất.
Dùng
số liệu khảo sát từ 18 nước Châu Mỹ La-tinh, Nivette xác định được rằng yếu tố
giúp xác định mức độ ủng hộ công lý dân phòng chính xác nhất là mức độ người
dân ủng hộ tính chính danh của các thiết chế quốc gia (institutional
legitimacy).
Người
dân càng ủng hộ các thiết chế chính trị và thiết chế công lý hình sự của nước họ
bao nhiêu thì họ càng ít ủng hộ công lý dân phòng bấy nhiêu. Trái lại, người
dân nước nào càng tin rằng lực lượng cảnh sát nước họ hay tham nhũng và phạm
pháp, thì họ lại càng ủng hộ công lý dân phòng hơn.
Những
người dân nào càng tin rằng chính quyền nên quản lý đất nước bằng “bàn tay
thép” (tức là những người dân đã sẵn có tâm lý ủng hộ chuyên chế độc tài) thì họ càng ủng hộ các
hình thức trừng phạt tội phạm nặng nề, bao gồm những hình thức công lý dân
phòng bạo lực.
Các
yếu tố góp phần dung dưỡng mức độ ủng hộ cao của quần chúng cho công lý dân
phòng còn bao gồm cả cảm giác bất an về kinh tế và sự thiếu vắng niềm tin tưởng
lẫn nhau trong xã hội.
Ai giám
sát những người bảo vệ? Và ai bảo vệ những người bảo vệ? Giới hạn trách nhiệm
và quyền lợi của những người thực thi công lý dân phòng là gì?
Hiện
tượng công lý dân phòng không chỉ cho chúng ta một số phóng chiếu về tình hình
đất nước.
Bản
thân hiện tượng này là một vấn đề cần có sự quản lý hợp lý từ chính sách và luật
pháp nhà nước.
Hơn
nữa, cách chúng ta nhìn nhận và đối xử với những người thực thi công lý dân
phòng cũng nói lên khá nhiều điều về chính chúng ta.
Ở
nhiều nước phương Tây như Anh hoặc Mỹ, việc thực thi công lý dân phòng cho dù
có không phạm pháp thì cũng hay bị các lực lượng hành pháp khuyên nhủ can ngăn.
Thường các lực lượng này sẽ nói là người dân không nên can thiệp, vì sẽ làm ảnh
hưởng đến công tác của họ.
Mối
lo ngại ở đây không chỉ là hiệu quả công tác của các lực lượng hành pháp, mà
còn là lo lắng cho an toàn của chính những người dân đang hăng hái trợ giúp luật
pháp kia.
Tuy
nhiên, ở Việt Nam, thái độ của cơ quan công quyền với những người thực thi công
lý dân phòng lại có vẻ rất khác.
Một
quan chức ngành công an Việt Nam năm 2016 từng phân tích với báo giới rằng: “Ở Việt Nam khác với các
nước là việc phòng chống tội phạm không phải là của riêng công an mà là của
toàn dân và cả hệ thống chính trị.”
Nếu
điều này là đúng (không nhất thiết!) và nên làm thì, như vị quan chức này cũng
có nói, “Lực lượng công an sẽ phải hướng dẫn nghiệp vụ, pháp luật cho các thành
viên tham gia [săn bắt cướp] về cách thức hoạt động, quyền hạn như khi nào thì
được truy bắt, bắt giữ để tránh chồng chéo, cản trở…”.
Việc
xây dựng luật pháp cho các lực lượng thực thi công lý dân phòng trên cả nước có
vẻ vẫn chưa được hoàn thành.
Tại
Bình Dương, chính quyền vào năm 2013 đã ban hành quy chế cụ thể về tổ chức và hoạt động của các câu lạc
bộ phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Theo
quy chế này, vị quan chức phụ trách lực lượng “săn bắt cướp” chính là vị trưởng
công an cấp xã. Kinh phí dành cho hoạt động của lực lượng này sẽ bao gồm nhiều
nguồn, bao gồm cả ngân sách nhà nước trong trường hợp không đủ chi.
Tuy
khá chi tiết nhưng quy chế này không nói gì việc hỗ trợ các “hiệp sĩ” khi họ phải
đối mặt với các rủi ro pháp lý đến từ những trường hợp bắt nhầm người vô tội
hay trong những trường hợp mà việc truy bắt tội phạm gây ra thiệt hại về người
và của cho những công dân không tham gia bắt cướp.
Chuyện
bắt nhầm không phải là không có. Năm ngoái, báo Pháp Luật đã đưa tin về một trường hợp nghi án oan, xuất phát từ một vụ bắt giữ được thực
hiện bởi một số “hiệp sĩ” ở Sài Gòn.
Nếu
một người “hiệp sĩ” chẳng may vừa bắt nhầm người, vừa vì quá hăng hái mà làm
người bị bắt chấn thương nặng, dẫn đến việc người bị bắt oan đó đòi bồi thường
thiệt hại, thì câu lạc bộ phòng chống tội phạm của người “hiệp sĩ” đó có cơ chế
để hỗ trợ bồi thường và trợ giúp bảo vệ pháp lý không?
Và
nếu những trường hợp phải bồi thường thiệt hại vì sơ xuất của các “hiệp sĩ” diễn
ra quá nhiều, làm cách nào để cơ quan nhà nước giám sát và kiểm soát được tình
trạng đó?
Đây
là những câu hỏi cần các nhà làm luật Việt Nam nghiên cứu càng sớm càng tốt.
Các
chàng “hiệp sĩ đường phố” của Việt Nam không giàu sụ như tỷ phú Tony
Stark hay Quốc vương T’Challa của Vũ trụ Marvel.
Trong
chừng mực mà công lý dân phòng vẫn cần phải được duy trì ở Việt Nam bất kể vì
lý do gì, thì những người dân tự nguyện tham gia thực thi thứ công lý đó không
phải, và không nên bao giờ được xem, đơn thuần chỉ những công cụ phục vụ công
lý.
-----------------------
Tài
liệu tham khảo:
No comments:
Post a Comment