Monday, 10 July 2017

VIỆT NAM TIẾP TỤC ĐÀN ÁP GIỚI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN (Helen Clark, Asia Times)




Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ  -  Viet Nam Thoi Bao
9/07/2017

Việc Việt Nam gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến cho thấy phương Tây đã mất ảnh hưởng lên chế độ cộng sản.

Khi hàng tấn cá chết bắt đầu xuất hiện vào năm ngoái trên bờ biển miền Trung của Việt Nam, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn được gọi là Mẹ Nấm, là một trong những blogger bất đồng chính kiến ​​đầu tiên kêu gọi giải trình trách nhiệm của công ty Formosa và của Chính phủ về một trong những sự cố môi trường tồi tệ nhất của quốc gia.

Sau khi bị giam giữ trong 8 tháng, Quỳnh bị kết án 10 năm tù vì "tuyên truyền" chống lại nhà nước, một tội danh hình sự trong hệ thống chính trị một đảng của Việt Nam.

Một bản án mà bị dư luận quốc tế lên án, đã đặt hồ sơ nhân quyền của Việt Nam dưới sự giám sát mới khi Việt Nam đang muốn có thỏa thuận thương mại mới với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc. Cho dù Việt Nam gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến, những hiệp định này dường như sẽ được phê chuẩn.

Trong những tuần gần đây, chính quyền Việt Nam đã tước quốc tịch của một nhà bất đồng chính kiến và trục xuất ông ta sang Pháp, đồng thời thông qua luật mới đòi hỏi các Luật sư phải tố cáo về các vấn đề của các thân chủ mà các quan chức coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), trong khi đó, đã công bố một báo cáo hồi tháng trước về bạo lực lan rộng và có tính hệ thống nhằm vào các nhà hoạt động được thực hiện bởi lực lượng an ninh dưới vỏ bọc dân sự.

HRW ghi nhận rằng số lượng tù nhân chính trị trong những năm gần đây đã giảm đáng kể, một thước đo quan trọng cho Hoa Kỳ và EU khi đo lường tiến bộ về nhân quyền. Tuy nhiên, báo cáo nói rằng số lượng các vụ tấn công nhằm vào các nhà hoạt động, thường được thực hiện bởi những kẻ tấn công nặc danh, được gia tăng mạnh vào thời điểm một thế hệ mới của các nhà bất đồng chính kiến ​​coi phương tiện truyền thông xã hội để chỉ trích chính quyền.

Hoa Kỳ và EU trước đây đã tưởng thưởng Việt Nam do quốc gia này có những tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền. Chẳng hạn, chính quyền George W. Bush đã đồng ý cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới trong năm 2007 để đổi lấy việc Việt Nam cải thiện tự do tôn giáo hơn, bao gồm cho cả cộng đồng thiểu số Công giáo từng bị bức hại lâu dài.

Nhưng những cải thiện này chỉ được trong thời gian ngắn và cuối cùng bị xóa bỏ. Nhiều người hy vọng rằng Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây do Mỹ dẫn đầu sẽ thúc đẩy Việt Nam tiến tới sự cởi mở chính trị hơn, bao gồm cả quyền của người lao động và sự minh bạch của Chính phủ.

Tuy nhiên, quyết định rút khỏi Hiệp định thương mại đa phương vào tháng Giêng của Tổng thống Donald Trump đã làm cho việc cải thiện nhân quyền và sự minh bạch mà cộng đồng quốc tế hy vọng sẽ không xảy ra.

Do đó, Hoa Kỳ và EU có thể có ít đòn bẩy để thúc ép Việt Nam cải thiện nhân quyền. Điều đó đã được thể hiện rõ với bản án nặng nề dành cho Mẹ Nấm, người đầu năm nay đã được trao Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã kêu gọi trả tự do cho Quỳnh cũng như yêu cầu Việt Nam cho phép tự do ngôn luận trong ngày cô bị kết án, và nói Hoa Kỳ "rất quan tâm."

Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một người theo chủ nghĩa hội nhập quốc tế quan tâm đến việc cải thiện vị trí của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, đã đồng ý với những nhượng bộ một số điểm nhất định về nhân quyền nếu cần.

Những lời kêu gọi này đã không được hồi âm bởi Ban lãnh đạo của Việt Nam, bao gồm cả Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người từng là Bộ trưởng Bộ Công an, cơ quan lãnh đạo đàn áp những người chống đối.

Tổng thống theo truyền thống ít có quyền lực nhất và chỉ mang nghi thức ngoại giao so với Thủ tướng và Tổng bí thư của đảng. Nhưng Quang chính là người đã ký tên vào quyết định tước quốc tịch của giáo sư toán Phạm Minh Hoàng, cho dù ông này muốn được ở lại trong nước để chăm sóc cho mẹ vợ.

Ông Hoàng, người đã bị cầm tù trước vì những phê phán Chính phủ và bị theo dõi bởi mật vụ trước khi trục xuất, đã bị buộc phải lên máy bay sang Pháp, nơi ông cũng có quốc tịch.
Ông đã bị xử lý thông qua các kênh pháp luật chính thức nhưng theo HRW và các nguồn tin khác thì việc hành hung nhằm vào các nhà hoạt động được thực hiện bởi những kẻ đeo mặt nạ đang gia tăng, gây nhiều thương tích nghiêm trọng cho nạn nhân.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, người đã bị bắt giam nhiều lần trong thập niên vừa qua vì hoạt động chính trị của ông, và một số cộng sự đã bị đánh đập dã man bằng gậy, theo ghi nhận của HRW.

HRW và một số tổ chức nhân quyền khác đã ghi lại chi tiết bạo lực của cảnh sát, được minh hoạ bằng rất nhiều hình ảnh khuôn mặt sưng tấy với những vết bầm màu đỏ và tím và vết rách. Tuy nhiên, báo cáo không nói rằng đây là những hình thức tấn công mới.

Tuy nhiên, nó có thể cung cấp thông tin cho các Chính phủ phương Tây: "Bằng cách sử dụng những cuộc tấn công không chính thức hơn là các phiên tòa chính thức để trấn áp những người bất đồng quan điểm, Việt Nam giảm số lượng các tù nhân chính trị, và đây cũng là một thước đo quan trọng để đánh giá sự thay đổi trong hồ sơ nhân quyền của một quốc gia".

Những thay đổi pháp luật trong thời gian gần đây sẽ làm cho các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng trấn áp các nhà bất đồng chính kiến bằng các điều khoản chống nhà nước, bao gồm các điều khoản mới và các hình thức xử phạt nặng nề hơn trong Bộ luật Hình sự.

Một điều luật mới khác sẽ yêu cầu các Luật sư tố cáo khách hàng của họ cho các cơ quan chức năng, một động thái mà Hiệp hội Luật sư thành phố Hồ Chí Minh đã lên án là "bước lùi" của Bộ luật Hình sự.

Mỹ thường có phản ứng gì đó về những thay đổi luật pháp theo chiều hướng xấu, nhưng điều này dường như ít có khả năng hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump, người không nêu vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp của mình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng trong tháng 5.

Các vấn đề thương mại và an ninh là chủ đề chính trong cuộc viếng thăm của Phúc, nhà lãnh đạo đầu tiên ở Đông Nam Á đã được tiếp đón tại Nhà Trắng dưới thời Trump cho dù không có thỏa thuận song phương mới nào.

Quốc hội Hoa Kỳ, cơ quan phê chuẩn từng thương vụ bán vũ khí cho Việt Nam cho dù việc cấm vận vũ khí đối với quốc gia này đã được dỡ bỏ từ năm ngoái, có thể đưa vấn đề nhân quyền khi Việt Nam muốn mua vũ khí trong tương lai. Nhiều nghị sỹ có cử tri là người gốc Việt đã làm tốt những điều này trong quá khứ.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu đã gây ép lên Hà Nội về vấn đề nhân quyền trong một cuộc thăm viếng của một phái đoàn thuộc Quốc hội châu Âu vào tháng Hai, cho thấy một thỏa thuận thương mại với EU có thể sẽ không được phê chuẩn nếu không có những cải thiện đáng kể.

Bản án của Mẹ Nấm, việc trục xuất giáo sư Hoàng và báo cáo của HRW sẽ là những công cụ mới cho các nhóm nhân quyền ủng hộ các biện pháp trừng phạt và giảm bớt quan hệ ngoại giao với Hà Nội. Việc Mỹ và EU thực hiện các biện pháp trừng phạt mới dường như khó xảy ra trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng về ảnh hưởng trong khu vực.








No comments:

Post a Comment

View My Stats