Friday, 14 July 2017

THÁNG 3 GẪY SÚNG, THÁNG 6 GÁC BÚT (Giao Chi, San Jose)




13/07/2017

(Súng đã gẫy rồi, bút đã gác rồi. Giọt nắng hoàng hôn chưa vội tắt, mà  lời tạm biệt đã lên môi. Bằng hữu chẳng còn bao nhiêu lại xa cách cả đại dương, mai này ai sẽ đưa nhau về chân trời tím...)

Văn Quang trước đây và hiện nay

Bài viết tháng 7 năm nay xin dành cho ông bạn văn Nguyễn Quang Tuyến bút hiệu Văn Quang. Trên diễn đàn Việt Ngữ hải ngoại nhiều năm qua độc giả đă từng đọc bản tin của tác giả Văn Quang viết từ Việt Nam.  Ông vừa thông báo gác bút sau thời gian rất dài theo nghiệp văn chương. Nhân dịp này chúng tôi cũng xin phiếm luận về chuyện viết lách của hai bạn văn mà tôi có dịp quen biết. Cũng trong tháng 7 này, dân Bắc Kỳ chúng tôi hy vọng còn nhớ câu chuyện di cư năm 1974 hơn 60 năm về trước. Cuộc di cư vĩ đại với cả triệu người từ miền Bắc đă đem vào Nam các cây bút để đóng góp việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam Cộng Hoà. Riêng phần cá nhân, chúng tôi là độc giả của rất nhiều các nhà văn nhà thơ quân đội Hà Thượng Nhân, Nguyễn Đạt Thịnh, Huy Phương, Hà Huyền Chi, Nhất Tuấn, Phạm Huấn, Lê tất Điều, Nhật Tiến, Phan Nhật Nam, Phan Lạc Phúc ....và Văn Quang. Không phải tất cả, nhưng đa số đều là dân Bắc và cũng đã trải qua nhiều năm trong trại tù cộng sản.Thời kỳ trước 75, họ là những cây bút thành danh với rất nhiều tác phẩm. Trong giai đoạn ngục tù cộng sản hầu như tất cả đều nín thở qua sông như hai câu thơ của bác Hà Thượng Nhân mà tôi thường nhắc đến. Những mái đầu cất cao, không một lời than thở....Năm 1975, trong số những nhà văn quân đội qua đất tự do,  người cầm bút trở lại sớm nhất mà tôi biết là Lê Tất Điều. Ông đã phát hành nguyệt san Bút Lửa năm 1976. Chúng tôi, vốn là cây bút rất tài tử thời trung học, cũng đáp lời Bút Lửa bắt đầu xây dựng lại nghiệp văn. Ông Lê Tất Điều vốn là nhà văn nay quay ra làm thơ di tản lưu vong với bút hiệu Cao Tần. Thơ của con người "Ta biết làm gì cho hết nửa đời sau..." đã được tán thưởng trong hàng độc giả gốc quân đội

Cho đến năm 1985 một nhà văn trẻ, chưa từng viết văn, anh Cao Xuân Huy, nguyên trung úy Thủy Quân Lục chiến ra khỏi trại tù vượt biên qua Mỹ đã xuất bản cuốn bút ký Tháng Ba Gãy Súng

Cao Xuân Huy  

Tác phẩm này đã thực sự gây sóng gió trong văn giới. Cuốn sách của anh được coi là thảm kịch chiến tranh, viết hết sức trung thực và hết sức đau thương cay đắng tả lại những chuyện tàn khốc của một đơn vị tổng trừ bị danh tiếng QLVNCH vào những ngày cuối của cuộc chiến. Cuốn sách đã được tái bản đến 10 lần và có cả độc giả trong và ngoài nước. Tác giả Cao Xuân Huy đã qua đời lúc 63 tuổi năm 2010 nhưng chuyện gẫy súng của anh đã để lại một vết hằn chiến tranh không thể quên được trong lòng người lính ở cả bên này và bên kia chiến tuyến. Nếu chuyện gẫy súng của Cao Xuân Huy tàn khốc bao nhiêu thì chuyện tạp ghi của những nhà văn quân đội VNCH mà tôi được đọc sau 75 ở hải ngoại lại hết sức nhân bản và xây dựng. Bác Hà thượng Nhân tại San Jose đã sáng tác những vần thơ vô cùng tình cảm và ông chỉ gác bút vào những ngày rất sau cùng của cuộc đời.
 
Phan Lạc Phúc (1928- 1916)

Từ miền dưới của địa cầu, xứ Úc Châu xa xôi bác Phan Lạc Phúc tiếp tục Tạp ghi qua tác phẩm Thư gửi bạn bè gần xa ở bốn phương trời. Ông viết chuyện đời thường, chuyện tù đầy , chuyện thể thao, chuyện văn thơ nhẹ nhàng như con gió thoảng. Phản ánh con người ông thanh thoát không hề bị ảnh hưởng của chiến tranh, tù đầy hay trầm luân trong kiếp sống.

Phan Lạc Phúc

Ông Phan Lạc Phúc đi khóa 2 Thủ Đức, năm 1955 đã làm tiểu đoàn trưởng TĐ 14 bộ binh chiến đấu trong các liên đoàn lưu động trên chiến trường Bắc Việt. Sau ông về phục vụ trong ngành chiến tranh chính trị và đã từng làm chủ bút nhật báo Tiền Tuyến, Năm 1975 trung tá Phúc đi tù cộng sản hơn 10 năm. Năm 1991 ông bà định cư tại Úc theo diện đoàn tụ với con gái và ông bắt đầu viết trở lại. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Ông ra đi năm 2016 để lại cho độc giả bốn phương rất nhiều luyến tiếc.
 
 
Trường hợp đặc biệt khác là ông Văn Quang. Ông động viên 1953 đã phục vụ nhiều đơn vị miền Bắc sau mới về làm việc trong ngành Chiến Tranh chính trị tại Sài Gòn. Trung tá Tuyến cũng bị tù cộng sản 10 năm. Dù có đủ điều kiện HO nhưng sau khi ra tù ông đã quyết định ở lại. Từ Việt Nam, ông tiếp tục sáng tác. Cây bút ngày xưa tung hoành với 70 tác phẩm 5 truyện phim, ngày nay vừa viết vừa lách. Bản tin Thiên hạ sự của Văn Quang phổ biến rộng rãi khắp các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Người ta phổ biến trên Net, đọc trên Radio, trên TV và in trên báo giấy. Dưới con mắt của người Sài Gòn ở lại Sài Gòn, ông chuyển đạt các tin tức đời thường cho độc giả thân hữu 5 châu. Đã có lúc thế giới di tản nói rằng cuộc sống trong nước thời bao cấp rất khó khăn, ngay cả những cột đèn mà đi được thì cũng ra đi. Những Văn Quang của chúng ta là cây cột đèn đi được mà vẫn còn ở lại. Tư duy cột đèn bạn ta rọi sáng từ Sài Gòn ra hải ngoại.
 
Để tìm hiểu về cuộc đời cầm bút của Văn Quang, tôi mở vào thế giới ảo trên Net.
Biết bao nhiêu là tin tức. Xin trích một câu hỏi của nhà văn Lê thị Huệ ở San Jose.
 
 Lê Thị Huệ hỏi?  Tại sao ông lại chọn lối viết "Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự"  .       

Văn Quang trả lời. Tôi viết “Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự” bởi mỗi đề tài, tôi chọn một lối viết khác để độc giả dễ dàng chia sẻ những cảm xúc, những ý tưởng của mình. Trước đây tôi cũng thường viết nhiều loại. Tiểu thuyết, tiểu thuyết phóng sự, phóng sự, truyện ngắn. Tiểu thuyết để diễn tả những đề tài về nội tâm, sâu sắc hơn, về tính thời đại chứ không phải thời sự. Tính thời đại có thể nói về những sự việc, những tâm trạng, những hình ảnh cách đó 5-10 năm. Nhưng thời sự thì chỉ diễn tả những sự kiện xảy ra gần nhất trong tuần hoặc trong tháng.  “Lẩm cẩm” là một lối viết có tính thời sự. Bởi tính cách “đặc thù” của thời hiện tại nơi tôi đang sống, nên buộc phải viết theo một cách nào đó để không bị gây phiền lụy. Tôi “xông” vào những đề tài xã hội “nóng” nhất, có tính điển hình nhất mà người dân đang chú ý. Một nhu cầu khác nữa là hướng đến độc giả hải ngoại đang quan tâm tới điều gì? Nói cho rõ hơn, người Việt   chúng ta đang muốn biết điều gì đang xảy ra tại quê hương mình. Chắc ai cũng muốn có những thông tin chính xác, không bị vo tròn bóp méo bởi bất cứ lý đó nào, đôi khi chỉ là sự “tam sao thất bản” nên thông tin thiếu độ trung thực. Tôi chọn lọc những sự kiện ấy, tìm kiếm thông tin chi tiết và làm thế nào càng chính xác được càng tốt. Nó không phải là một bản tin thuần túy mà đưa vào những nhận định, quan điểm của riêng mình như một lời bàn bạc, nói chuyện với độc giả một cách bình thường chứ không là lý luận. Từ đó bạn đọc có thể hiểu rõ vấn đề hơn và có thể suy luận, nhận định riêng. Do đó, người ở xa quê hương, vẫn có thể biết rõ những sự việc xảy ra tại quê nhà.  Tuy nhiên như chị đã thấy, “lẩm cẩm Sài Gòn” không chỉ là những chuyện lẩm cẩm. Nó có cả những mặt trái, mặt phải của xã hội, chuyện khôi hài và chuyện đau thương, những bản tường trình thẳng thắn vượt qua mọi áp lực. Miễn là chuyện xảy ra có thật. Cái nhìn xoáy về phía sau những sự việc đã và đang xảy ra chứ không phải chỉ có “bề mặt” sự việc, tôi nghĩ đó mới thực sự cần thiết cho bạn đọc ở nước ngoài vốn không có nhiều thì giờ theo dõi. 

Tóm lại, “Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự”, nếu tổng kết lại, nó sẽ là một bức tranh toàn cảnh của xã hội tôi đang sống. Nó phản ảnh được trung thực mọi vấn đề ở bề mặt đời sống của người dân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội. Từ một anh nông dân “lừa được cả nước” đến một đại gia lương thiện và bất luơng, từ lớp thanh niên đến các quan chức, từ cô gái tỉnh lẻ đến các cô gái chân dài thành thị. Từ nỗi đau thương cơ cực của “những người bị bỏ quên” như anh em thương phế binh VNCH đến những cảnh trác táng cùng cực, hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước… Cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, những điều phi lý bất công, những điều cần nói mà người dân không nói được…Tất nhiên, trong hoàn cảnh của tôi, có những hạn chế mà ai cũng hiểu được. Cho nên viết và “lách” vẫn là điều phải nghĩ tới.   Tôi làm với lương tâm của một người cầm bút. Dù ở đây chẳng ai công nhận, tôi vẫn là người cầm bút. Người làm báo có thẻ làm báo, nhưng tôi chẳng có gì ngoài những tìm tòi của mình, tự mình lựa chọn thông tin. Còn những “rủi ro” bao giờ tới và tới lúc nào, đành chấp nhận như một số phận an bài. Nếu cứ nghĩ tới những thứ đó thì chẳng làm được việc gì đáng làm. Tôi không tham gia bất kỳ tổ chức nào, tôi không thích “làm chính trị” như bản tính tôi từ xưa tới nay. Tôi chỉ biết cầm bút, độc lập và hành xử theo tiếng gọi của lương tri.  (Hết trích)                                       

Ngày nay, cây bút Văn Quang, dù không ai tước đoạt nhưng thời gian đã lạnh lùng theo sát sau lưng. Tuổi già như tóc bạc. Cắt ngắn lại dài ra. Quỹ thời gian ngắn lại. Đành gác bút đợi chờ...

Đôi lời thương cảm gửi bác Văn Quang.  Ở tuổi cao niên như chúng ta, bạn bè chẳng còn bao nhiêu. Còn cầm bút hay là gác bút, cũng chẳng biết ai đợi chờ ai. Chờ xem màn cuối của sân khấu trần ai hay màn cưối của chính mình. Chúng tôi là bằng hữu nơi xa.  Có cô Kim Vui và cô Kiều Chinh vẫn thường nhắc đến tên ông. Ông không phải là hải quân nhưng nghe nói đã có lúc làm thuyền trưởng lái hai tầu. Không biết rồi mai đây, ở bên bờ Thái bình Dương xa cách ai sẽ đưa Văn Quang về Chân trời Tím...

Giao Chỉ, San Jose.







No comments:

Post a Comment

View My Stats