Thursday 6 July 2017

SINH QUÁN GHẺ LẠNH (Nguyễn Đạt Thịnh)




Wednesday, 05/07/2017 - 07:40:16

Anh Adam Crapser than thở, “Ba-mươi tám năm trước, tôi không xin nhưng vẫn phải sang Mỹ, giờ này tôi muốn ở lại Mỹ với vợ con tôi, thì lại bị đuổi về Nam Hàn."

Crapser, 41 tuổi, 38 năm trước anh mới lên 3, và được một gia đình Mỹ xin làm con nuôi.
Anh không xin -như anh nói- nhưng vẫn “được” -hay vẫn “phải”- sang Mỹ- năm 1979; thời điểm đó là 26 năm sau trận chiến tranh Triều Tiên khốc liệt, giết 178,405 quân nhân đồng minh, 32,925 người mất tích và 566,434 người bị thương; và còn để lại trong tâm khảm người Mỹ nhiều suy tư phức tạp.

Crapser đi Mỹ bằng vé máy bay một chiều, gia đình Crapser làm thủ tục xin anh làm con nuôi; ngày đó, thủ tục xin con nuôi không giúp đứa bé tự động mang quốc tịch Mỹ; mãi đến năm 2000 quốc hội Mỹ mới điều chỉnh thiếu sót đó, để mỗi đứa bé được bồng vào Mỹ do cha, hay mẹ nuôi người Mỹ để làm con họ, đều tự động trở thành công dân Mỹ.

Bị trục xuất, anh Adam Crapser đang sống tại Seoul

Crapser không phải là công dân Mỹ, dù anh mang tên Mỹ, bố, mẹ nuôi anh là Mỹ, anh sinh sống, ăn mặc theo Mỹ và không còn biết một tiếng Nam Hàn nào nữa cả; trong tình cảnh đó anh bị trục xuất vì phạm pháp.

Cô viên chức Nam Hàn Hellen Ko, phục vụ tại Sở Con Nuôi, nhận xét, “Lệnh trục xuất hoặc án tử hình cũng giống nhau thôi; quen sinh hoạt trong xã hội Mỹ, những thanh niên Nam Hàn sống quá lâu tại Mỹ, không tự lực mưu sinh tại sinh quán của họ được, mà cũng không được chính phủ Nam Hàn giúp đỡ.”

Hellen là cán bộ xã hội phụ trách việc giúp anh Phillip Clay, một thanh niên Nam Hàn khác cũng bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Mỹ; anh sang Mỹ năm lên 8, bị trục xuất vì nghiện ma túy, phạm nhiều tội ác, trộm cắp, và cả cướp bóc nữa để có tiền mua ma túy.
Năm nay 42, anh tự tử tại Hán Thành, bằng cách nhảy từ lầu 14 xuống mặt đất.

Cô Hellen Ko đứng cạnh anh Clay, người đội mũ

Hình anh Clay trên bàn thờ ngày tang lễ

Phillip Clay được một gia đình tại Philadelphia đem về Mỹ nuôi; anh bị trục xuất năm 2012 -sau 29 năm sống trên đất Mỹ.

Trở về sinh quán mà anh có cảm tưởng như bị đầy biệt xứ: anh không quen biết ai cả, không nói được tiếng Triều Tiên, không có bác sĩ tâm thần thường xuyên theo dõi mọi biến chứng, rồi viết toa cấp thuốc men cho anh.

Con đường giải thoát là nhảy lầu tự tử; anh chọn lối thoát đó hôm 21 tháng 5, 2017, năm anh 42 tuổi, vừa đi được gần nửa con đường “ba vạn, sáu ngàn ngày” của cuộc sống.

Cô cán bộ xã hội Hellen Ko nhận xét, “Hai-mươi chín năm trước, đứa bé 8 tuổi -anh Clay- gặp khó khăn trong nhu cầu hội nhập vào xã hội Mỹ; những khó khăn đó nhỏ hơn khó khăn hôm nay, khi anh cần hội nhập trở vào cuộc sống Nam Hàn.”

Cơ quan hành chánh Nam Hàn nói họ không có lỗi trong việc không theo dõi được số phận của 110,000 đứa trẻ Nam Hàn được người Mỹ xin làm con nuôi, vì khi trục xuất một người Nam Hàn trở về sinh quán, sở Di Trú Mỹ không minh định được tình trạng “con nuôi” của đương sự.

Cơ quan Di Trú Mỹ xác nhận nhiều người Nam Hàn không hề biết việc họ không phải là công dân Mỹ, và chỉ bật ngửa, ngạc nhiên ngày họ bị trục xuất.

Số trẻ em Việt Nam sang Mỹ theo diện con nuôi không nhiều như trẻ em Nam Hàn, nhưng số phụ nữ Việt có con, rồi lấy chồng Mỹ, đem con sang Mỹ lại khá đông; những đứa trẻ này không những có quốc tịch Mỹ, mà còn rất thành công trong cuộc sống xã hội Hoa Kỳ.

Lời giải thích có thể là trẻ Việt chỉ mất cha, trong lúc trẻ Nam Hàn mất cả cha lẫn mẹ, và bị đột ngột cắt đứt mọi liên hệ văn hóa với sinh quán.

Giọng thương tâm, cô Hellen Ko, “Họ khỏe mạnh và đầy thiện chí muốn hội nhập vào cuộc sống; nhiều người thành công trong việc bỏ ma túy nhưng vẫn thất bại vì khác biệt văn hóa, họ thật thà hơn người địa phương trong cuộc mưu sinh. Một số lớn sống vô gia cư."

Cùng quẫn, thất nghiệp, nhiều người lại trộm cắp, tù tội; một nhân chứng điển hình khác: anh Monte Haines, sinh năm 1970 tại Nam Hàn mang tên Ho-Kyu Han, sang Mỹ năm 1978; trưởng thành anh xin tòng quân, rồi sau một thời gian phục vụ, anh xin giải ngũ. Năm 2009 anh bị trục xuất về Nam Hàn vì phạm tội ma túy.

Xuống sân bay Hán Thành, anh ngơ ngác nhìn quanh, rồi than thân, “Không ai quen thuộc, không biết nói một tiếng Đại Hàn, trong túi chỉ có 20 chục mỹ kim, tôi khiếp đảm, không biết phải làm gì.”

Cậu bé Ho-Kyu Han, sang Mỹ làm con nuôi năm lên 8

Monte Haines, bạc phước hơn những đứa bé con nuôi khác, cậu bé bị bố mẹ nuôi hành hạ, đánh đập, trừng phạt bằng cách bỏ đói; sở Bảo Vệ Thiếu Nhi đem cậu đi gửi thêm bốn lần nữa nhưng vẫn không yên thân.

Có thể chính phủ Mỹ cũng bất công với Haines, vì anh không được vào quốc tịch Mỹ mặc dù đã phục vụ trong quân ngũ; hiện anh sống tại Nam Hàn với nghề pha rượu.

Monte Haines làm nghề bartender, pha rượu cho khách.

Haines nói, gia đình, bè bạn anh đều đang sống tại Mỹ, họ và anh đều tin tưởng anh có quốc tịch Mỹ. Anh mong được ra trước Quốc Hội Hoa Kỳ để trình bày những oan khuất của anh, và của những đứa trẻ được người Mỹ ẵm hay dắt vào lãnh thổ Hoa Kỳ.”

Oan khiên và quyền khiếu nại là một trong những đóa hoa đẹp nhất trong vườn soft power của Hoa Kỳ, nhưng oan khiên trên địa hạt di dân lại đang trong tình trạng lạm phát, dù Haines có khiếu nại thì đơn của anh cũng nằm dưới tận cùng đáy tủ.

Anh nên treo ảnh anh Clay trong phòng ngủ, để mỗi sáng thức dạy tự thấy mình còn sống cũng đã là may lắm rồi, và bớt phiền trách sinh quán Nam Hàn ghẻ lạnh với anh. (ndt)




No comments:

Post a Comment

View My Stats