4-7-2017
Ngay cả những đảng viên nòng cốt và trung thành nhất,
tôi tin họ cũng đang run sợ từng ngày trước sự đổ nát toàn diện của đất nước.
Kinh tế, xã hội, chính trị… đều đang trong tình trạng hỗn độn chưa từng có.
Chưa bao giờ sự “quang vinh” của đảng lu mờ bằng lúc này và khả năng lãnh đạo đất
nước của đảng bị mất niềm tin tuyệt đối bằng lúc này.
Dân chúng không còn ngờ vực. Họ đã có thể khẳng định:
đảng là một tổ chức bất toàn và ngày càng bất lực. Hệ thống báo chí tuyên truyền
trở nên tuyệt vọng trong việc truyền tải những thông điệp mị dân. Sự tẩy não của
hệ thống tuyên truyền đang bị phá sản.
Người dân trở thành nạn nhân của đảng và đảng cũng
trở thành nạn nhân của chính họ. Cái xã hội mà những người cộng sản ban đầu nỗ
lực tạo ra, bằng cách gieo cấy lòng “căm thù giai cấp”, giờ đây đầy dẫy oán
thù. Luật nhân quả đang thể hiện rõ rệt.
Khi bạo lực được sử dụng và được dung dưỡng thì bạo
lực được đáp trả bằng bạo lực. Trấn áp chỉ dẫn đến phản kháng. Trấn áp hoặc bỏ
tù một người đang dẫn đến phản kháng lan rộng xã hội. Bài học này, cộng sản từng
áp dụng để đi lên quyền lực, đáng lý không nên được sử dụng khi cộng sản đã nắm
quyền lực trong tay.
Đảng đang cô độc. Họ tự cô lập với phần còn lại của
đất nước. Mâu thuẫn giữa “đảng lãnh đạo” và “nhân dân làm chủ” đã trở thành khoảng
cách không thể lấp được. Ranh giới được vạch ra giữa hai “chiến tuyến” là một sự
thù địch. Làm sao đảng có thể dẫn dắt đất nước khi mà con đường của đảng khác với
con đường của người dân? Đảng đang dò tìm một con đường để đi đến “xã hội chủ nghĩa”,
người dân đang khám phá con đường của tự do và biểu đạt tự do.
Trong số các bạn trẻ đấu tranh mà tôi từng tiếp xúc,
chẳng ai muốn “lật đổ chế độ” cả. Họ không “phản động” như cái mũ mà họ bị chụp
lên đầu. Nói chuyện với tôi, họ bày tỏ khao khát muốn xây dựng lại xã hội, muốn
mang lại ánh sáng tri thức, muốn chặn lại đà tụt dốc ghê rợn của suy thoái đạo
đức. Họ muốn xây chứ không phải đập. Thế nhưng, tiếng nói và nguyện vọng của họ
chưa bao giờ được lắng nghe một cách chân thành. Sự “đối thoại” dành cho họ là
những nắm đấm tóe máu.
Thật ra “đối thoại” với chính quyền là một điều bất
khả. Trong khi chính quyền muốn xây dựng một khuôn khổ dựa vào “lý thuyết”, “tư
tưởng” và “đạo đức” của “một người”, những người trẻ tuổi nhiệt tâm lại muốn
xây dựng một xã hội nhân bản mà nhân loại đang xem như những giá trị phổ quát.
Trong xã hội đó, pháp quyền không đồng nghĩa với cường quyền.
Nếu đảng cầm quyền vẫn tự tin rằng họ không bao giờ
có thể bị lật đổ thì đảng phải hiểu rằng, dân không hề cần đảng, mà là ngược lại.
Đó là một sự thật tối giản. Đảng vẫn ở vị trí độc tôn. Dù vậy, sự độc quyền của
đảng chỉ có thể duy trì nếu đảng không trao sức mạnh đối kháng cho người dân bằng
việc khước từ những phẩm giá mà người dân đáng phải có. Sự độc quyền của đảng
thời điểm hiện tại chỉ là bề mặt. Đảng đang “phân quyền” bởi các cuộc tranh
giành nội bộ gay gắt và công khai. Sẽ không quá lời nếu nói rằng đảng đang tự
làm họ phân rã. Nếu đảng vẫn cho rằng họ là tổ chức duy nhất có thể quyết định
số phận quốc gia, thì họ cũng nên hiểu rằng số phận chính họ đang rất mong manh
như thế nào.
Người dân đang tự hỏi, liệu đảng có còn đủ sức mạnh
để bảo vệ chủ quyền quốc gia không, trong khi họ đang khủng hoảng trong việc bảo
vệ chế độ và tính chính danh của đảng cai trị?
Người dân đang tự hỏi, liệu đảng cai trị có thể bảo
vệ được dân tộc không, khi mà nền chính trị và chính sách cai trị còn chưa
thoát khỏi cái bóng Trung Quốc?
Đảng đang ở một thời khắc sống còn. Số phận quốc gia
đang ở một giai đoạn sống còn. Đảng không thể sống trong một quốc gia đang chết,
trong một dân tộc đang chết, trong một xã hội đang chết.
Chẳng ai có thể lật đổ cộng sản, trừ chính họ. Cũng
chẳng ai cứu được cộng sản, trừ chính họ, bằng sự thay đổi, bằng sự tái nhận thức
lại con đường chính trị lẫn chính sách cai trị, và bằng sự dứt khoát đoạn tuyệt
cái ách “xã hội chủ nghĩa” mà họ tròng vào mình và tròng vào cổ nhân dân.
©
Copyright Tiếng Dân
No comments:
Post a Comment