Sunday, 16 July 2017

BẢN TIN NGÀY 16/7/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Hoàng Sa – Trường Sa – Biển Đông
Tưởng niệm các tử sĩ bỏ mạng hơn 29 năm trước tại trận Gạc Mạ: Khánh thành tượng đài tưởng nhớ 64 chiến sĩ Gạc Ma. Sáng hôm qua, chính quyền tỉnh Khánh Hòa tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Hơn 29 năm trước, ngày 14/3/1988, 64 người lính Hải quân Việt Nam đã bị quân xâm lược TQ thảm sát tại đá Gạc Ma để đánh chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung sĩ Phạm Ngọc Đa, là người đã nằm lại trên biển trong trận Hoàng Sa năm 1974. Ảnh: internet

Nhà báo Huy Đức đưa tin, cụ Phan Thị Thê, mẹ của tử sĩ Hoàng Sa cuối cùng, qua đờilúc 14:40 ngày 15-07-2017 ở Long Xuyên, An Giang. Ông Huy Đức cho biết: “Cụ Phan Thị Thê, thân mẫu trung sỹ Phạm Ngọc Đa là bà mẹ tử sỹ Hoàng Sa duy nhất còn sống cho tới ngày hôm nay mà chúng tôi được biết kể từ khi chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa bắt đầu. Trung sĩ Phạm Ngọc Đa bị thương ngày 19-1-1974, trong trận Hải chiến Hoàng Sa lịch sử. Ông được đưa xuống bè cứu sinh. Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, ông trút hơi thở cuối cùng chỉ không lâu trước khi bè này gặp được tàu Hà Lan“.

‘Viết Về Ngư Dân Việt Nam,’ bài hát bị CSVN kết tội. “Đêm nay gió lên rồi/ Mà đường về xa lắm em ơi/ Biển xanh nay nghe tù tội/ Phận người theo con sóng trôi”… Đó là những câu mở đầu của bài hát “Viết Về Ngư Dân Việt Nam”, của nhạc sĩ Tuấn Khanh bị cho là “phản động”, là “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.

Trả lời báo Người Việt, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết: “Khi tôi viết về biển Việt Nam nhuốm máu, và không còn bình yên nữa đối với những người Việt Nam đã ngàn đời sống với biển, thì tôi lại nhận được một câu là ‘phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.’ Tôi không hiểu người Việt Nam và Trung Quốc có khối đại đoàn kết từ lúc nào“. Kính mời độc giả nghe lại bài hát bị cho là “phản động”: https://www.youtube.com/watch?v=HKtAmSSBpVk

Cũng chuyện “phá hoại”, Bắc Kinh chỉ trích một số nước “phá hoại” quan hệ ASEAN-Trung Quốc. RFI đưa tin, phát biểu tại Jakarta, hôm 14/07/2017, ông Từ Bồ, đại sứ Trung Quốc tại Indonesia, nói rằng, căng thẳng ở Biển Đông trong những năm gần đây bị ‘một số nước thao túng để đầu độc bầu không khí hợp tác trong vùng và phá hoại quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN’. TTXVN cũng có đưa tin này, nhưng không nói về chuyện đại sứ Trung Quốc chỉ trích một số nước phá hoại: Trung Quốc chủ trương tăng cường hợp tác sâu rộng với ASEAN.

Về quan hệ ASEAN với TQ, báo Asia Times có bài: ASEAN và Trung Quốc phải hợp tác để bảo vệ Biển Đông. Tác giả kêu gọi Asean và Trung Quốc hợp tác để bảo vệ môi trường vì lo ngại rằng môi trường biển ở đây bị tàn phá. Đã có 16.200 hecta san hô bị phá hủy, chiếm gần 10% tổng số rạn san hô trên Biển Đông.

Người Trung Quốc mua đất ven biển Quảng Nam?
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Kiểm tra thông tin người Trung Quốc mua đất ven biển Quảng Nam. Tình trạng người Trung Quốc mua đất ở những khu trọng yếu, để người Việt Nam đứng tên, rồi chuyển nhượng cho người Trung Quốc, đã và đang diễn ra công khai trên cả nước, nhưng các cơ quan chức năng thường “không biết”, chỉ đến khi “người dân phản ảnh” thì mới bắt đầu “xác minh”, “rà soát thông tin”.

Hiện có thông tin người TQ mua đất ở xã Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông Huỳnh Khánh Toàn, phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, nói: “Các cơ quan liên quan của Tam Kỳ, các hội, đoàn thể theo dõi, nắm bắt tình hình để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Tổ chức tuyên truyền, vận động để bà con nhân dân hiểu rõ, tránh bị kẻ xấu lợi dụng“.

Nào chỉ vận động để người dân hiểu rõ, mà ông phó chủ tịch tỉnh cũng phải làm việc với các cán bộ địa chính của mình, bởi chính họ là những người giúp chuyển quyền sử dụng đất, giúp thủ tục giấy tờ để các vụ mua bán này xảy ra.

Ông Văn Anh Tuấn, chủ tịch TP Tam Kỳ “khẳng định chính quyền thành phố đã kiểm tra, đến giờ này không có tình trạng người Việt mua đất rồi chuyển nhượng cho người Trung Quốc“. Chờ tới lúc có người đưa ảnh lên mạng, cho thấy cả vùng biển Tam Thanh đều có mặt người TQ, lúc đó, mấy ông có mang xe tới cẩu họ về Tàu cũng không kịp đâu.

Thỉnh nguyện thư đòi quyền tự quyết của công dân
Một thỉnh nguyện thư yêu cầu trưng cầu dân ý và trao cho người dân quyền quyết định thể chế, của nhóm Thức Followers, thể hiện tâm huyết của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, vừa được đưa lên mạng.

Ảnh đăng trong thỉnh nguyện thư

Thỉnh nguyện thư nêu rõ: “Việt Nam đang đi ngược lại xu thế phát triển của thế giới. Tự do bị thắt chặt, tư duy khai phóng bị ngăn chặn và nhân quyền bị chà đạp. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là việc toàn dân không có quyền bầu cử tự do những nhà lãnh đạo quốc gia mà mình lựa chọn để gửi gắm tâm tư nguyện vọng. Do vậy, việc trao cho người dân quyền tự do bầu cử và quyền tự quyết sẽ mở ra khung trời mới cho dân tộc chúng ta“. Kính mời quý độc giả bấm vào đây ký tên.

Mặt trận Tổ quốc bù nhìn
Bài trên VietNamNet: Mặt trận đang ‘né’ các vấn đề nóng?Đúng là phí tiền thuế của dân quá, khi phải nuôi mấy cái tổ chức vô tích sự như Mặt trận Tổ quốc này.

Đương kim Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN, Trần Thanh Mẫn, nói: “Có những sự kiện nổi cộm được dư luận cả nước quan tâm như Sơn Trà, Đồng Tâm, Tân Sơn Nhất nhưng Mặt trận chưa lên tiếng”. Nói như ông Mẫn, chẳng khác nào tự ông thừa nhận rằng, tổ chức mà ông làm lãnh đạo là một tổ chức bù nhìn, làm tay chân để đảng sử dụng trong những lần bầu cử quốc hội, phê chuẩn danh sách ứng cử viên đại biểu quốc hội, giúp đảng diễn trò bầu cử tự do, tốn tiền thuế của dân.

Ông Trần Thanh Mẫn, đang tự chửi mình khi nói rằng: “Nhiều vụ việc nóng chưa thấy Mặt trận lên tiếng”. Nguồn ảnh: VNN

Chiến dịch đi bộ Ôm Biển và Cứu Biển
Sáng hôm qua, một số nhà hoạt động trẻ ở Sài Gòn đã bắt đầu khởi động chiến dịch đi bộ Ôm Biển và Cứu Biển, cùng đi ra biển Bình Thuận, mang theo các khẩu hiệu: “Chúng tôi đi Bình Thuận ôm biển” và “Không thể đổ chất thải xuống biển”… Facebooker Lê Văn Sơn cho biết, tất cả những người này đã bị công an bắt giữ và đưa vào đồn công an Quận 9.

Ảnh: FB Ngô Thu

Đêm qua, Facebooker Ngô Thu viết: “Tôi rời đồn công an lúc 22h30 sau khi bị giữ thẩm vấn và tịch thu điện thoại. Mệt và đau đầu. Tôi không biết các bạn khác ra sao nữa. Nghe chị Ngô Thị Hồng Lâm nói họ đã về. Rất mừng. MÌnh nói giam luôn đi chớ thả ra là tôi đi tiếp“.

Xảo thuật ngôn từ
Là cách mà báo Một Thế Giới gọi các phát ngôn của quan chức Bộ TN-MT, khi bộ này cố tình bảo vệ việc họ cho phép đổ chất thải xuống biển Hòn Cau, Bình Thuận: Xảo thuật ngôn từ: ‘Vật chất’ là vật chất nào? Theo bài báo, “dường như theo ý họ, đây là việc hết sức bình thường, đúng luật, không gây nguy hại gì. Họ ngầm tuyên bố đã làm chỉ có đúng, đừng thắc mắc, ý kiến ý cò. Vẫn cái lối ngụy biện xưa nay của khá nhiều quan chức“.

Bài báo viết: “Bài học Formosa còn nóng hổi, đừng cố tình, nhắm mắt quên. Suốt bao năm buông lỏng tình trạng phá rừng đã khiến rừng xứ ta cạn kiệt, gây bao tai họa trước mắt và lâu dài vẫn chưa đủ hay sao mà giờ đây tiếp tục nhào ra biển, tàn phá hủy hoại biển. Rồi dân tộc sẽ về đâu, sẽ sống làm sao trên cái nền tảng độc địa ấy?”

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc lừa dân?
Cũng vẫn là Bộ TN-MT. Báo Dân Việt nhắc lại câu nói của Thứ trưởng bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc khi ông này bảo rằng “nếu đáy biển ở đó có san hô, có cỏ biển, có hệ sinh thái… thì dứt khoát Bộ TNMT không bao giờ cấp phép. Hoạt động nhận chìm đã có ĐTM, được Hội đồng thẩm định thông qua, nếu có sự cố sẽ dừng ngay“.

Nhưng phóng sự ngày 13/7/ của đài truyền hình VTC14, cho thấy những dãy san hô và thảm thực vật vẫn tươi tốt ở dưới đáy biển, nơi Bộ TN-MT cấp phép xả thải. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Nguyễn Linh Ngọc vẫn im như hến: https://www.facebook.com/kenhvtc14/videos/1298324893629833/

Hay là họ đã “Gian dối với Chính phủ, với nhân dân hay có sự thỏa hiệp ngầm giữa người làm báo cáo với chủ dự án?” là câu hỏi mà bài báo nêu ra.

Trang Facebook “Phản đối xả bùn nạo vét xuống biển Bình Thuận“, có bài: “Vì sao lãnh đạo Bình Thuận buông xuôi và thậm chí bảo vệ cho việc xả thải một triệu mét khối bùn nạo vét Vĩnh Tân 1?” Bài viết cho biết, lãnh đạo Bình Thuận chính là những người mở đường cho việc đổ chất thải này. “Năm 2014, lãnh đạo Bình Thuận quy hoạch một vùng 300 ha cho việc đổi thải bùn nạo vét xuống biển, giấy phép của Bộ TNMT vừa rồi chỉ là chọn 30 ha đổ thải trong 300 ha đó“.

Còn đây là buổi tọa đàm trực tuyến do Diễn đàn Góc nhìn Báo chí Công dân tổ chức, với các diễn giả là các chuyên gia môi trường và các lãnh đạo của Tổng cục Biển và Hải đảo, thuộc Bộ TNMT, với chủ đề “Hòn Cau, biển và lời nguyền”: https://www.facebook.com/thongtinGTV/videos/1613620918650122/

Bộ trưởng Trần Hồng Hà là học trò TTK Nguyễn Hạnh Phúc?
Còn đây là Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà: “Không chủ trương ngăn báo chí dự sơ kết“, mà chỉ “giới hạn số lượng“, cho mình báo nhà TN&MT dự thôi. Hề hề… ông Hà là quả là “học trò xuất sắc” của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội!

Không biết ý Bộ TN-MT cao siêu đến đâu mà “việc Vụ Thi đua Khen thưởng nói với báo chí họp nội bộ nên báo chí không dự là không đúng, là hiểu sai ý của lãnh đạo bộ“. Có mỗi việc mời hay không mà cũng không rõ ý thì cái bộ này làm nên trò trống gì hả ông bộ trưởng?

Dự án vĩ cuồng
Nhìn hai dự án Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Ga Hà Nội đều chậm tiến độ, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng và đội vốn lên cao khủng khiếp, hiện vẫn chưa giải quyết được và không biết tính khả thi đến đâu, không biết TP Hà Nội giải trình thế nào về dự án vĩ cuồng hơn 40 tỷ USD? Hãy xem lại 2 dự án trên để hình dung tính khả thi của dự án 40 tỷ USD của Hà Nội sắp tới.

Dự án Cát Linh – Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu (năm 2008) là 552,86 triệu USD, khởi công 10/10/2011 dự kiến hoàn thành vào ngày 30/9/2017, đưa vào vận hành thương mại trong Quý I/2018. Bây giờ đội vốn, tăng thêm hơn 250 triệu USD và khả năng còn tăng thêm nữa.

Dự án Nhổn – Ga Hà Nội được khởi công vào ngày 10/10/2010, với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 18.408 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Giờ đây đội vốn lên thêm 36.000 tỷ đồng. Sau hơn 7 năm, khối lượng thi công chưa đạt 40%, trong khi mặt bằng còn ngổn ngang và có thể sẽ bị phạt hợp đồng.

Nhìn vào các con số đội vốn từ 50% đến 100% trên có thể thấy, nếu TP Hà Nội dự tính làm dự án hơn 40 tỷ USD thì ít nhất, Hà Nội phải chuẩn bị 60-80 tỷ USD. Đó là chưa nói đến công tác giải phóng mặt bằng vô cùng khó khăn, phức tạp và là nút thắt của hầu hết các dự án xây dựng khác.
Mời độc giả xem clip do VTC14 thực hiện, để thấy những lo ngại trên là có cơ sở. Từ chuyên gia trong và ngoài nước đến người dân nơi 2 dự án này đi qua, đều rất bức xúc, theo họ các dự án này chưa chắc đã mấy người sử dụng: https://www.facebook.com/kenhvtc14/videos/1299583213504001/

“Mất mùa là tại thiên tai”
Hà Tĩnh: Mất mùa lịch sử: Truy vấn gay gắt của Bí thư Hà Tĩnh. Người dân Hà Tĩnh đang gồng mình gánh chịu tai nạn do Formosa gây ra chưa xong, bây giờ lại phải gánh thêm nạn mất mùa lớn, trong khi các quan ngành Nông nghiệp thì đổ lỗi cho thời tiết và nông dân.

Các quan còn đổ lỗi cho giống lúa Thiên ưu 8, loại giống được gieo trồng trên 40% diện tích của tỉnh trong vụ Xuân 2017. Nhưng mà: Nơi khác được mùa, sao giống lúa Thiên ưu 8 lại mất mùa tại Hà Tĩnh? (Infonet). – Giống lúa Thiên ưu 8 đạt năng suất cao tại Thanh Hóa (Vinaseed). – Hà Tĩnh: ‘Mất mùa không phải do giống lúa Thiên Ưu’ (VNN).

Người dân Hà Tĩnh đang gánh chịu thảm họa do Formosa gây ra, thêm vụ mất mùa nặng, vẫn chưa hết, lại còn phải gánh thêm 19 loại phí ở địa phương: https://www.facebook.com/vtcnewsvn/videos/654037054786272/

Đồng bằng sông Cửu Long: cát đã cạn rồi!
Làm sao mà có “Giải pháp cơ bản, toàn diện xử lý vấn đề sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long“, khi mà bao nhiêu năm qua, bất chấp những lời cảnh báo của các chuyên gia trong và ngoài nước, chính quyền từ trung ương đến địa phương đều bỏ ngoài tai. Để rồi bây giờ, “thực trạng sạt lở ở ÐBSCL đang rất nghiêm trọng, gia tăng về phạm vi và cường độ từng ngày“.

Vụ sạt lỡ ở Đồng bằng SCL không chỉ do thiếu hụt lượng phù sa bồi đắp hay do mực nước biển gia tăng, mà còn do lòng tham của các quan, khi để chuyện khai thác cát ồ ạt, bán ra nước ngoài diễn ra liên tục trong một thời gian dài.


Thiếu nguồn cung, giá cát tăng cao đột biến, nhưng dù có tiền cũng không thể mua đủ cát, nên nhiều công trình giao thông trọng điểm và hạ tầng bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện miền Tây đang triển khai một loạt dự án như Trung Lương – Mỹ Thuận; Lộ Tẻ – Rạch Sỏi; Dự án Quốc lộ 60 và dự án nối Quốc lộ 60 từ cầu Rạch Miễu (Bến Tre) đến cầu Cổ Chiên (Vĩnh Long)… đều bị tình trạng chậm tiến độ, do khan hiếm cát và giá cát tăng từng ngày.

Bài trên VnEconomy: Cạn kiệt cát xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long, dường như Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật bị dí tới cùng, rối trí, nên đề nghị Chính phủ chỉ đạo “bố trí mỏ cát mới hoặc cấp phép tăng sản lượng khai thác cát để đáp ứng nhu cầu dự án Đồng bằng sông Cửu Long“.

Lần đầu tiên trong lịch sử Đồng bằng SCL, chưa từng xảy ra hiện tượng khan hiếm cát cũng như bị sạt lở nghiêm trọng như hiện nay. Kỹ sư Tôn Thất Vĩnh đề nghị, “Thậm chí phải tính đến phương án chuyển cát từ miền Trung vào để củng cố cho khu vực ven biển Tây Nam Bộ“. Nhưng rồi miền Trung thiếu cát nữa thì sao, lấy cát ở đâu chuyển tới đây? Hay là qua Singapore, hoặc tới mấy cái đảo nhân tạo của TQ ngoài Trường Sa mà mua cát?

Cao thủ Flores tặng võ sư Đoàn Bảo Châu con hổ giấy?
Báo trong nước đưa tin: Cao thủ Flores tặng tranh ‘Mãnh Hổ’ cho võ sư Đoàn Bảo Châu, nhưng xem bức ảnh này cư dân mạng cho rằng, như cao thủ Vịnh Xuân có ý tặng con hổ giấy cho võ sư Việt Nam, bởi sau khi hạ đo ván đối phương, trên gương mặt còn đầy thương tích, lại khen ông ta khỏe như mãnh hổ, thì khó mà tin được.

Bức tranh cao thủ Flores tặng võ sư Đoàn Bảo Châu. Ảnh: internet


Tin quốc tế

Cựu viên chức phản gián Nga dự cuộc họp với con trai của TT Trump
Ngày càng có nhiều thông tin được tiết lộ về sự nhúng tay của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Rinat Akhmetshin, cựu viên chức phản gián của Liên Xô và là người có liên hệ với cơ quan tình báo Nga, đã cùng với nữ luật sư người Nga (Natalia Veselnitskaya) tham dự cuộc họp với con trai (Trump Jr.) và con rể (Jared Kushner) của ông Trump, và trợ lý cấp cao vận động tranh cử cho Trump.

Ngay sau khi báo NYT đưa tin hôm 10/7, rằng báo này có trong tay các email trao đổi giữa Trump Jr. với đối tác Nga để buộc tội bà Clinton, thì hôm sau 11/7, con trai trưởng của Trump đã tung ra một loại email trên Twitter, xác nhận thông tin rằng ông, em rể ông (hiện là cố vấn cao cấp cho TT Trump) và Paul Manafort, người đứng đầu chiến dịch vận động tranh cử cho Trump, đã gặp luật sư Nga Natalia Veselnitskaya hôm 9/6/2016.

Trong loạt email này, Trump Jr. không tiết lộ sự hiện diện của Rinat Akhmetshin, cựu viên chức phản gián Nga. Nhưng mới đây, ông Rinat Akhmetshin tiết lộ với hãng thông tấn AP, rằng ông có mặt tại cuộc họp kín này ở tòa tháp Trump.

Cho đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 8 nhân vật được tiết lộ đã có mặt trong cuộc họp này: Trump Jr. (con trai trưởng của Trump), Jared Kushner (con rể Trump), Paul J. Manafort (người đứng đầu chiến dịch tranh cử), Rob Goldstone (môi giới người Anh), Anatoli Samochornov (phiên dịch người Mỹ gốc Nga), Natalia Veselnitskaya (luật sư làm việc cho Nga), Rinat Akhmetshin (cựu nhân viên phản gián Nga) và một người Nga chưa lộ danh tính.


Ông Lưu Hiểu Ba được hỏa táng, rải tro xuống biển
Tang lễ của ông Lưu Hiểu Ba được tổ chức trong vòng riêng tư, dưới sự giám sát chặt chẽ của mật vụ Trung Quốc, Telegraph đưa tin. Xác của ông cũng đã được hỏa táng và tro cốt đã được rải xuống biển, nhằm xóa mọi ký ức của người dân nhớ đến ông. Ông  Zhang Qingyang, viên chức của chính quyền thành phố Thẩm Dương, nói rằng việc hỏa táng “phù hợp với các phong tục địa phương và nguyện vọng của gia đình“.

Bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba (phải) và các thành viên trong gia đình đứng bên quan tài ông trước khi hỏa táng. Ảnh: Telegraph

Bài trên VOA: Tro của Lưu Hiểu Ba được rải xuống biển, cho biết, chính phủ đã tổ chức họp báo và anh trai của ông là Lưu Hiểu Quang đã nhiều lần cảm ơn Đảng Cộng sản TQ vì đã chăm sóc chu đáo người em của mình. Ông Quang nói cô em dâu là bà Lưu Hà không có mặt vì “sức khỏe rất yếu”. Mời đọc thêm bài của BBC: TQ: Ông Lưu Hiểu Ba được hỏa táng trong tang lễ riêng tư.

Bà Lưu Hà rải tro cốt chồng ở biển. Nguồn: EPA/ văn phòng TP Thẩm Dương.

Tập Cận Bình bổ nhiệm người thân tín làm bí thư Trùng Khánh
RFI đưa tin, hôm qua Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bổ nhiệm ông Trần Mẫn Nhĩ, 57 tuổi, giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Giới phân tích chính trị ở Bắc Kinh cho rằng, việc bổ nhiệm này là một nước cờ để ông Tập Cận Bình chuẩn bị cho Đại Hội Đảng vào mùa thu 2017.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình nhận chức chủ tịch nước hồi năm 2012, ông Trần Mẫn Nhĩ được bổ nhiệm làm chủ tịch tỉnh Quý Châu, rồi 3 năm sau ông nắm chức Bí thư Tỉnh ủy  Quý Châu. Trước đó, từ năm 2007 đến 2012, ông đã từng giữ chức phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang, làm việc dưới quyền của ông Tập Cận Bình, giữ bí thư tỉnh ủy Chiết Giang thời điểm đó.

Nghị sĩ Đài Loan ‘loạn đả’ nghị trường
Clip của đài VOA cho biết, trong cuộc họp quốc hội hôm 14/7, các nghị sĩ Đài Loan lao vào ẩu đả nhau, sau khi thành viên Quốc Dân Đảng phong tỏa nghị trường, phản đối một dự án chính phủ đề nghị. “Ghế và bóng nước được mang ra làm vũ khí. Các thành viên Quốc Dân Đảng làm gián đoạn cuộc họp bàn về ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng mà họ nói là chỉ ưu tiên cho những thành phố trung thành với đảng Dân Tiến đang cầm quyền“.





No comments:

Post a Comment

View My Stats