Monday 30 December 2013

TRẺ EM, NGƯỜI GIÀ & NGƯỜI TÀN TẬT Ở VIỆT NAM (Song Chi)




Song Chi/Người Việt
Saturday, December 28, 2013 2:55:05 PM

Trong xã hội loài người, có ba đối tượng “mỏng manh”, yếu đuối nhất, cần được chăm sóc, bảo vệ nhất, đó là trẻ em, người già và người khiếm khuyết về sức khỏe hay tâm thần. Một quốc gia được đánh giá là phát triển, văn minh, tiến bộ, nhân bản khi con người nói chung hay ít nhất, ba thành phần này phải được chăm sóc chu đáo và ngược lại.

Na Uy hay các nước Bắc Âu chẳng hạn, có thể chưa phải là thiên đường cho tất cả mọi người. Các quốc gia này vẫn còn một số “hạn chế” chủ quan hay khách quan như khí hậu quá lạnh, Mùa Ðông quá dài, thuế cao, giá cả sinh hoạt đắt đỏ, các loại dịch vụ thì vừa đắt vừa không được phong phú, tiện lợi như một số quốc gia đông dân khác và cũng vì dân số ít nên đời sống hơi trầm lắng, v.v... Nhưng các nước này thật sự là thiên đường của trẻ em, người già và người bệnh.

Trẻ em từ khi mới sinh ra được nhà nước hỗ trợ cha mẹ nuôi cho đến năm 18 tuổi, đi học hoàn toàn miễn phí, lên đại học có thể mượn nợ nhà nước để chi tiêu, mua sắm sách vở, đồ dùng... sau này ra đi làm trả dần. Nhà trẻ, trường học và bệnh viện được ưu tiên xây dựng trước tiên, khắp cả nước chỗ nào cũng có đủ trường học, bệnh viện cho người dân, và có đến 95% là thuộc về nhà nước.

Trẻ em được bảo vệ tối đa. Không có ai từ cha mẹ, thầy cô, cho đến người ngoài dám đối xử tệ hay bạo hành trẻ, sẽ bị pháp luật xử lý ngay lập tức.

Người già có tiền hưu hoặc tiền già đủ sống, không phải “sống bám” vào con cháu. Người già ở các quốc gia này thường thích sống một mình cho thoải mái, con cháu chỉ cần thỉnh thoảng đến thăm, đau ốm thì vào bệnh viện nhà nước không mất tiền. Khi nào già quá không thể tự chăm sóc mình thì vào viện dưỡng lão hay nhà dành riêng cho người già, có các cụ cùng lứa tuổi sống với nhau tha hồ vui mà điều kiện chăm sóc lại rất tốt, chẳng có gì phải lo.

Với người tàn tật, tâm thần, thiểu năng... nhà nước sẽ nuôi cả đời, cấp nhà cho ở, cấp tiền đủ sống, có người chăm sóc y tế, và vẫn có thể sống đàng hoàng, bình thường giữa xã hội, còn nếu trường hợp nặng thì vào viện.

Có những chi tiết tuy nhỏ nhưng chứng tỏ sự chu đáo của chính quyền dành cho trẻ em, người già hay người bệnh. Ví dụ, trong mọi văn phòng làm việc của sở cảnh sát hoặc những cơ quan lo về khâu giấy tờ, nơi người dân thường phải ngồi chờ khá lâu mới đến lượt mình, người ta thường dành một góc riêng với một số đồ chơi hoặc TV chiếu phim hoạt hình liên tục cho trẻ em đi theo bố mẹ có cái mà chơi, mà xem, khỏi quấy rầy người lớn.

Mọi phương tiện giao thông công cộng, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, siêu thị... đều có lối đi riêng cho người tàn tật, có toilet riêng cho trẻ em và người tàn tật.

Nhìn lại Việt Nam, điều đáng buồn là trẻ em, người già hay người tàn tật đều chưa hề được quan tâm, chăm sóc đúng đắn. Có thể nhiều người sẽ biện hộ rằng Việt Nam còn nghèo, đất nước còn nhiều khó khăn làm sao lo cho dân bằng nước người ta được, v.v...

Ðồng ý là Việt Nam còn nghèo, nhưng khi chưa thể lo được cho tất cả các thành phần khác nhau trong xã hội thì cũng phải ưu tiên lo cho trẻ em, người già và người khuyết tật về thể chất hay tinh thần trước đã.

Ðối với trẻ em, hiện nay, khi liên tiếp xảy ra những vụ bảo mẫu bạo hành trẻ hoặc trẻ bị tử vong tại các nhà trẻ tư nhân, báo chí mới xới lại một vấn đề đã tồn tại từ lâu, đó là không có đủ trường mầm non, nhà giữ trẻ trên phạm vi cả nước.

Từ sau đổi mới, nhà nước chủ trương chuyển hệ thống nhà trẻ ra khỏi hệ thống giáo dục công lập, tiếp theo bán công hóa các trường nhà trẻ, mẫu giáo... nên việc xây dựng nhà trẻ, trường mầm non bị thả nổi. Trường mầm non công lập vẫn có nhưng không đủ và không dễ xin vào, trường dân lập thì chi phí hàng tháng quá cao, không phải cha mẹ nào cũng có đủ tiền đóng, nhất là công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị. Cũng theo báo chí, có nhiều khu công nghiệp mọc lên với hàng ngàn hàng vạn công nhân làm việc nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến việc làm nhà trẻ.

Chính vì vậy, nhiều bậc cha mẹ dù biết gửi con tại các nhà trẻ chui, nhóm trẻ gia đình... do những người không được học qua trường lớp chuyên môn, không có đủ tiêu chuẩn vệ sinh là rất nhiều hiểm nguy chực chờ con mình nhưng vẫn phải cắn răng gửi.

Khi xảy ra chuyện thì dư luận ầm ầm lên án các “ác mẫu”, nhưng còn trách nhiệm của các cơ quan quản lý từng địa phương cho tới ban, ngành cấp nhà nước ở đâu?

Không chỉ riêng chuyện nhà trẻ, trường mầm non, nơi vui chơi cho trẻ cũng rất thiếu. Trẻ em ở tỉnh nhỏ, nông thôn, vùng sâu vùng xa bị thiệt thòi đã quá rõ, ngay trẻ em ở các thành phố lớn, cũng vậy. Cứ vào Mùa Hè, trẻ lại không biết đi đâu chơi, bố mẹ lại tiếp tục đưa con đi học thêm cho tiện, sợ để ở nhà vừa không có ai trông vừa “nhàn cư vi bất thiện”! Còn sách, truyện, phim... dành cho thiếu nhi thì luôn luôn có tỷ lệ rất khiêm tốn so với người lớn.

Với người già, ở Việt Nam chỉ có chế độ tiền hưu, không có tiền già. Một số địa phương cũng cấp tiền già nhưng phải là 80 tuổi và mỗi tháng chỉ được khoảng 100,000-150,000 VNÐ/tháng (tương đương 5-7.5 USD/tháng). Ngay tiền hưu trí, chỉ trừ cán bộ quan chức thì tiền hưu mới cao, còn lại công nhân viên chức, giáo viên, nhà báo... dù đi làm nhiều năm, lương hưu vẫn không thể đủ sống.

Dó đó, hình ảnh những cụ già đã 70, 80 tuổi nhưng vẫn phải còng lưng đi bán hàng rong, bán vé số, làm thêm việc này việc kia để nuôi thân mình, lắm khi phải nuôi thêm con bệnh, cháu tật nguyền... là chuyện rất bình thường.

Ở Việt Nam cũng có viện dưỡng lão nhưng nếu nơi nào sạch sẽ, chăm sóc tương đối tốt thì chi phí lại cao, còn những nơi giá rẻ thì quá tệ, thường dành cho những người già nghèo khổ và neo đơn, con cái chẳng ai đành lòng để cha mẹ phải sống trong những điều kiện như vậy.

Người tàn tật, thiểu năng, tâm thần nhẹ ở Việt Nam càng khốn khổ. Xã hội hình như đã hoàn toàn quên mất sự tồn tại của họ. Chỉ có những viện tâm thần cho người bị tâm thần nặng vào điều trị, phải trả tiền. Tại mọi công sở, nơi công cộng, cầu thang của các tòa nhà... không bao giờ nhìn thấy lối đi riêng, toilet dành riêng cho người tàn tật. Nhà nước không có chế độ hỗ trợ cho họ.

Cái nhìn của xã hội đối với những người bị khuyết tật về thể chất hay tinh thần cũng chưa thật sự nhân bản. Gia đình nào không may sinh ra đứa con không lành lặn, bình thường thì lấy làm xấu hổ vì hàng xóm nhòm ngó, cho rằng nhà đó ăn ở không có đức nên con cái mới bị như vậy!

Người khuyết tật ở Việt Nam rất khó mà sống bình thường, vươn lên thành người có ích cho xã hội và nếu có, nỗ lực ở họ phải gấp ba gấp năm người cùng cảnh ngộ ở những quốc gia phát triển, có chế độ an sinh xã hội tốt. Như trường hợp chàng trai kỳ diệu Nick Vujicic, sẽ rất khó để thành công và sống lạc quan như vậy, nếu anh là người Việt Nam.

Chúng ta cứ hay nghe các quan đổ thừa Việt Nam còn nghèo nên chưa thể lo cho dân tốt hơn. Thật ra theo số liệu IMF, ngoài “thuế lạm phát” hàng năm ở mức hai con số, tỷ lệ thuế phí trên GDP của Việt Nam hiện cao gấp từ 1.2-1.8 lần so với các nước khác trong khu vực. Thu thuế phí nhiều nhưng nhưng việc chi tiêu công hoang phí cộng với nạn tham nhũng nặng nề khiến ngân sách lúc nào cũng thâm hụt.

Chưa nói đến hai vấn nạn trên, chỉ cần giảm bớt bộ máy quan chức, công an cồng kềnh, số lượng công chức thừa thãi tại các cơ quan nhà nước sáng cắp ô đi tối cắp về... cũng đủ để xây thêm bao nhiêu nhà trẻ, trường học, bệnh viện, có chính sách hỗ trợ cho người già, người tàn tật. Nếu một chế độ thật sự biết đặt con người lên trên hết, trong đó ưu tiên trẻ em, người già, người khuyết tật.

Nhưng tất nhiên là chữ “nếu” ấy không xảy ra, trong một chế độ như chế độ do đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam.




1 comment:

View My Stats