Saturday 28 December 2013

NHẠC SĨ VIỆT DZŨNG, BIỂU TƯỢNG TỰ DO, NHÂN QUYỀN & CÔNG LÝ (Người Việt, Cali Today News)




Đỗ Dzũng/Người Việt
Friday, December 27, 2013 10:48:53 PM

GARDEN GROVE, California (NV) - “Ngày hôm nay, chúng ta mất đi một biểu tượng tự do, nhân quyền, và công lý,” nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài truyền hình SBTN kiêm giám đốc nghệ thuật Trung Tâm Asia, phát biểu trong lời mở đầu lễ Tưởng Niệm và Vinh Danh cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng, được tổ chức tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove, lúc 8 giờ tối Thứ Sáu, 27 Tháng Mười Hai.

Quang cảnh lễ Tưởng Niệm và Vinh Danh ca nhạc sĩ Việt Dzũng, phía trước đài SBTN. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Chúng ta chỉ mong tinh thần này, của biểu tượng đó, còn mãi, để đem lại hoà bình, tự do, như lời anh nói 'mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình,” nhạc sĩ Trúc Hồ nói tiếp, trong tiếng vỗ tay của hàng trăm đồng hương đứng ngồi đầy bên trong hội trường và bãi đậu xe trước đài SBTN, trong thời tiết giá lạnh.

Nhạc sĩ Trúc Hồ nói tiếp: “Chắc chắn, thế hệ đi sau sẽ tiếp tục công cuộc đấu tranh của Việt Dzũng. Và hy vọng một ngày nào đó, Little Saigon sẽ có một con đường mang tên anh.”

Đông đảo đồng hương đến thắp nến cầu nguyện cho người quá cố. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Đông đảo đồng hương tập trung trước một bàn thờ lớn, nhưng đơn giản. Chỉ có tấm hình cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng thời còn trẻ, với mái tóc dài, mặt thư sinh. Trước tấm hình là 18 ngọn nến hai màu vàng đỏ, được xếp thành màu cờ VNCH. Hai bên là hai vòng hoa đơn giản. Bên trái có năm lá cờ Mỹ, bên phải năm lá quốc kỳ VNCH. Phía trước là ba cái bàn đầy những ngọn nến.

Không nói một lời, từng người bước lên cầm mỗi người một ngọn nến và mắt ngước nhìn lên hai màn hình TV khổng lồ chiếu cảnh sân khấu bên trong. Cứ vài phút, màn hình lại hiện lên hình ca nhạc sĩ Việt Dzũng với hàng chữ “Tưởng Niệm & Vinh Danh nhạc sĩ Việt Dzũng (1958 - 2013).”

Trong khi đó, đồng hương vẫn tiếp tục đậu xe ở ngân hàng Farmers and Merchants đối diện, đi bộ băng qua đại lộ Garden Grove để đến đài SBTN tham dự lễ.

Giây phút xúc động của MC Thuỳ Dương trên sân khấu bên trong hội trường SBTN. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Bên trong sân khấu của đài, gia đình và người thân ca nhạc sĩ Việt Dzũng cùng nhiều vị chức sắc tôn giáo, chính quyền và bạn bè thân thuộc, tất cả trong trang phục màu đen, ngồi ngậm ngùi về sự ra đi đột ngột của một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

Bên ngoài hành lang, nhạc sĩ Nam Lộc, MC chính của buổi lễ, cùng hàng chục ca sĩ đang chuẩn bị chương trình ca nhạc qua một danh sách với 66 tiết mục.

Nhạc sĩ Nam Lộc nói: “Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ một người chồng, người anh, người con của cộng đồng, một nhà đấu tranh gần 40 năm cho nhân quyền và tự do tại Việt Nam.”

Kế đến, xướng ngôn viên Đỗ Tân Khoa đọc tiểu sử của cố ca nhạc sĩ, kèm với những hình ảnh về hoạt động đấu tranh, nghệ thuật, và truyền thông của ca nhạc sĩ Việt Dzũng, từ những năm còn ở Sài Gòn cho đến lúc vượt biên sang Hoa Kỳ và sau này.

Chương trình được nối tiếp bằng lời cầu nguyện của từng thành viên Hội Đồng Liên Tôn. Tất cả đều ca ngợi con người ca nhạc sĩ Việt Dzũng, qua việc đấu tranh của ông, và cầu mong ông sớm siêu thoát.

Sau đó là tiếng hát của ca sĩ Mai Thanh Sơn với bài “Lời Kinh Đêm,” một trong những sáng tác đầu tay của Việt Dzũng.

Nhạc sĩ Nam Lộc (trái) cùng một số ca sĩ chuẩn bị chương trình hát tưởng niệm Việt Dzũng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Trong lúc tiếng hát được cất lên thì cũng là lúc những người đứng xung quanh sân khấu và bên ngoài sụt sùi cảm động, nhớ về con người tài hoa đã đột ngột ra đi.

“Khi nghe Việt Dzũng mất, tôi rất buồn,” bà Lan Hàn, từ San Garbriel xuống Little Saigon tham dự lễ, chia sẻ một cách cảm động. “Việt Dzũng là người luôn đấu tranh cho người tị nạn, chuyện gì cộng đồng cần, anh luôn có mặt. Đây là lần đầu tiên tôi theo bạn bè đến SBTN để tưởng niệm anh. Tôi cầu mong những gì anh đang làm dở dang có người tiếp bước.”

Bà Lan cũng kể về một hình ảnh của Việt Dzũng mà bà không thể nào quên. 

“Tôi nhớ có lần xem Asia 73. Mỗi lần ra nói, người ta phải dọn chỗ đứng cho anh. Tôi thấy anh luôn phấn đấu, mặc dù anh không được khoẻ như người thường,” bà nói tiếp.

Ông Kim Đặng, nhà ở Westminster, chia sẻ: “Bà xã tôi rất buồn khi hay tin Việt Dzũng mất. Ngày mai tôi phải đi làm, nhưng tối nay phải chở bà đến đây. Tôi và bà xã mê nhất bài 'Một Chút Quà Cho Quê Hương' của Việt Dzũng, và chúng tôi thường hát chung với nhau. Còn về đấu tranh, phải nói Việt Dzũng là số một ở hải ngoại.”

Trong khi đó, các ca sĩ của Asia và xướng ngôn viên của SBTN cũng dành cảm tình đặc biệt đối với người nghệ sĩ quá cố.

“Phải nói anh là một người rất hiền lành, và tôi đã từng chứng kiến điều đó,” ca sĩ Mỹ Huyền chia sẻ. “Tôi nhớ, có một lần đi diễn show chung với anh. Sau khi lên máy bay, tôi chờ lâu quá vẫn chưa thấy tiếp viên hàng không đến giúp anh. Tôi định 'nẹc' cho họ một trận, vì anh Dzũng bị bỏ đứng trên lối đi. Nhưng rồi anh nói: 'Thôi kệ, chắc họ bận cho người khác. Em cứ bình tĩnh.'” 

MC Giáng Ngọc kể: “Tôi nhớ khi mới vào nghề làm MC, anh Dzũng chỉ cho chúng tôi nói những câu nói làm cho khán giả vui. Anh nói, nếu khán giả không vui thì chương trình không sống động.”

Xướng ngôn viên Đỗ Tân Khoa kể lại kỷ niệm được Việt Dzũng huấn luyện phát thanh.

“Tôi nhớ ngày đầu tiên anh bảo: 'Trong nghề này, dù Trời có sập, em cũng phải ngồi để tường trình cho thính giả. Không được bỏ đi đâu hết.'”

Sau bài hát “Lời Kinh Đêm” là đến một đoạn video khi Việt Dzũng bắt đầu làm MC cho Trung Tâm Asia. Có lúc ngồi với Minh Phượng, người chị kết nghĩa và là đồng sáng lập đài phát thanh Radio Bolsa với ông hồi năm 1997.

Trong một đoạn khác, Việt Dzũng phỏng vấn và giới thiệu ca sĩ Ninh Cát Loan Châu.

Cứ thế, từng cá nhân, hội đoàn, đủ các binh chủng QLVNCH, các đảng phái, dân cử, lên phát biểu và chia sẻ về con người Việt Dzũng, đi kèm là những video clip nói về cuộc đời của ông, và phần trình bày của các ca sĩ mà tất cả đều coi ông như người anh của họ.

Tất nhiên, không ca sĩ nào, không MC nào, cầm nổi nước mắt. Trước khi hát, mỗi người đều quay về di ảnh của Việt Dzũng như nói với ông rằng họ “rất nhớ ông.”

VIDEO :
Lễ Tưởng Niệm và Vinh Danh Nhạc Sĩ Việt Dzũng

Ban tổ chức cũng cho biết, ban đầu, chương trình được dự trù tổ chức ở The Rose Center, Westminster, nhưng vì lý do kỹ thuật vào phút chót, nên chương trình được dời về đài SBTN.

Ca nhạc sĩ Việt Dzũng sinh ngày 8 Tháng Chín, 1958, tại Sài Gòn, Việt Nam, và từ trần ngày 20 Tháng Mười Hai, tại Orange County, California, hưởng dương 55 tuổi.

Ngoài Radio Bolsa, ông cũng cộng tác với đài truyền hình SBTN và Trung Tâm Asia, cùng nhiều cơ quan truyền thông khác ở Little Saigon, cũng như một số tiểu bang của Hoa Kỳ, trong nhiều năm.

Hiền thê của ông là nhiếp ảnh gia Bébé Vũ Hoàng Anh.

Ông là con thứ ba của cố Thiếu Tá Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, cựu dân biểu VNCH. Mẹ ông từng là giáo viên trung học Gia Long, Sài Gòn.

Chương trình thăm viếng và tang lễ cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng như sau:

1-Thăm Viếng

Thời gian:

-8AM-8PM, Thứ Bảy, 28 Tháng Mười Hai.

-8AM-5PM, Chủ Nhật, 29 Tháng Mười Hai.

Ðịa điểm: Peek Family Funeral Home, phòng số 1, 7801 Bolsa Ave., Westminster, CA 92683, điện thoại: (714) 893-3525.

2-Lễ An Táng

Thời gian: Thứ Hai, 30 Tháng Mười Hai.

-7:30AM-8:30AM: Ðiếu văn.

-9:30AM: Ðộng quan.

-10:30AM-11:30AM: Thánh lễ tại nhà thờ Thánh Linh (Holy Spirit Church), 17270 Ward St., Fountain Valley, CA 92708, điện thoại: (714) 963-1811.

-12:30PM: Lễ hạ huyệt tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành (Good Shepherd Cemetery), 8301 Talbert Ave., Huntington Beach, CA 92646 (góc Beach và Talbert), điện thoại: (714) 847-8546.

-----

 Hoàng Thu Dũng   -   Cali Today News
Cập nhật: 28/12/2013 12:36

Việt Dzũng, qủa đã là một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ hiền lành, nhỏ nhẹ, chân thật, tận tuỵ với mọi người. Ăn nói thì người đẹp nào. nữ ca sĩ nào, kể cả Diệu Quyên (xin lỗi bạn trẻ Trúc Hồ) cũng phải công nhận, lời nói, cách nói, giọng nói của Việt Dzũng khi anh cất lên, thì đến “con kiến trong hang cũng phải bò ra”.

»
»
»
»
»
»
»
»
»
»

Cali Today News - Suốt bảy tiếng đồng hồ, từ miền Đông Bắc lạnh giá, theo dõi Đêm Tưởng Niệm và Vinh Danh Việt Dzũng ở miền Tây Nam ấm áp (đối với thời tiết nơi đây) của nước Mỹ, đài truyền hình SBTN do Trúc Hồ và Nguyễn Khoa Diệu Quyên phụ trách, MC Nam Lộc huớng dẫn chương trình, gần như đã cô đọng được toàn bộ cuộc đời hoạt động cho tha nhân của Việt Dzũng. Điều đáng nói hơn, là qua Đêm Tưởng Niện này, Trung Tâm ASIA và đài SBTN đã giúp khán thính gỉa thương yêu và quý trọng Việt Dzũng, hệ thống được mạch lạc hơn; về một Việt Dzũng từng dàn trải tâm hồn, lý tưởng, việc làm của anh trên khắp các lãnh vực, từ văn hóa đến văn nghệ, từ báo chí đến truyền thông, từ đời thường đến sân khấu. Để từ đó, cuộc đời chợt nhận ra: Việt Dzũng, khi sống đuợc yêu qúy như một Nghệ Sĩ, khi chết, được tiếc thương như một anh hùng.

Sống, Như Một Nghệ Sĩ.

Điều này khỏi phải dài dòng, vì Việt Dzũng, qủa đã là một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ hiền lành, nhỏ nhẹ, chân thật, tận tuỵ với mọi người. Ăn nói thì người đẹp nào. nữ ca sĩ nào, kể cả Diệu Quyên (xin lỗi bạn trẻ Trúc Hồ) cũng phải công nhận, lời nói, cách nói, giọng nói của Việt Dzũng khi anh cất lên, thì đến “con kiến trong hang cũng phải bò ra”. Cái chất nghệ sĩ đó, nơi Việt Dzũng, tuôn chảy thành những ca khúc trữ tình thật đẹp, được thể hiện trọn vẹn nơi Nguyên Khang và Y Phương qua tác phẩm “Anh Sẽ Mời Em Về”, tràn đầy xúc cảm, với nghẹn ngào trong nước mắt, với rũ liệt trong tiếc thương. Nhưng tất cả đều vừa phải, đều là chân thật, đủ để khít khao bày tỏ lòng tiếc thương tác giả của nó mà tuyệt không thấy chút kịch tính nào. Còn về cái bay bướm, liều lĩnh, cái bạt mạng của nghệ sĩ nơi chốn tình trường, của Việt Dzũng thì khỏi nói, Qủa đáng bực thầy. 

Bên trong hội trường buổi Lễ Tưởng Niệm Ca nhạc sĩ Việt Dzũng, mọi người đang cùng tưởng nhớ về một MC Việt Dzũng thật dễ thương, dí dỏm qua những clip dẫn chương trình của anh từ những ngày đầu trên các cuốn băng Asia. Vậy là từ nay chúng ta sẽ không còn được gặp Anh trên Asia nữa rồi các bạn ơi...

Trước khi hát bài Tưởng Niệm của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Lệ Thu kể Việt Dzũng mỗi lần nói gì, đều gọi cô là “người yêu ơi!”. Nay Việt Dzũng mất rồi, chẳng có ai gọi cô là “người yêu ơi” nữa. Thằng em này qúa rồi (xin lỗi, lúc sinh thời Việt Dzũng coi tôi như anh vì lớn tuổi hơn Việt Dzũng cả con giáp). 

Theo tôi, phải là một nghệ sĩ tài hoa, phóng khoáng, tự tin lắm thì mới liều một cách ngang tàng mà gọi bà chị Lệ Thu là “người yêu ơi” dễ thương như vậy. Qua các clips xem trong Đêm Tưởng Niệm Việt Dzũng, cái lãng mạn, cái hóm hỉnh, cái tài hoa của anh bên các nữ ca sĩ, MC khác đã đủ chứng minh điều đó, rằng : Khi sống, Việt Dzũng đúng là một Nghệ sĩ tài hoa. (Nói riêng với hương hồn Dzũng, về tuổi đời, em kém anh xa, nhưng về lối lẳng lơ, tán đào liều mạng của Dzũng thì em đáng bậc đàn anh của anh – xin mượn ý của anh Nguyễn Bá Chổi. “Em” xin kính cẩn nghiêng mình chào thua “anh” Việt Dzũng.)

Chết, Được Tiếc Thương Như Một Anh Hùng.

Không phải là vô cớ, cũng không phải vì tình cảm, càng không phải vì bồng bột, bị mua chuộc nhất thời mà hầu hết các nhân vật cầm đầu hành chánh, dân cử cấp liên bang, tiểu bang cũng như của một thành phố quan trọng vào bậc nhất tiểu bang California, phù trú và đông đúc lại đến tham dự Đêm Tưởng Niệm Và Vinh Danh Việt Dzũng. Với những phát biểu bày tỏ lòng ngưỡng vọng và thương yêu Việt Dzũng, kèm theo nào là lá Quốc Kỳ từng tung bay ở một thủ đô mà người Mỹ đã đổ máu xuơng ra để làm chủ nó, nào là chìa khóa của Thành phố, nào là lời hứa của những giới chức này, là sẽ tìm một địa điểm, một con đường nào đó trong thành phố để đặt tên Việt Dzũng,  nào là Bảng Tuyên Dương, Tưởng Niệm, Vinh Danh của họ trao cho thân mẫu và hiền thê của anh. Tiếp theo, bao nhiêu Hội Đoàn, Tổ Chức, Đoàn Thể của Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn ở khắp nơi, trong và ngoài nước Mỹ, thay nhau phát biểu về Việt Dũng. Nghẹn ngào có, nước mắt có, cảm phục có, yêu thương có. Nói chung, Việt Dzũng được cuộc đời, gồm cả Mỹ lẫn Việt, suy niệm anh là một người có nhiều tâm huyết, nhiều công lao phục vụ cộng đồng, đất nước, dân tộc, không chỉ là Việt Nam, mà còn cả trên quê hương thứ hai của anh là xứ sở Hoa Kỳ. 

Vì hội trường bên trong không còn chỗ ngồi nên đông đảo đồng hương đang đứng bên ngoài Đài SBTN cùng tham dự Lễ Tưởng Niệm Ca nhạc sĩ Việt Dzũng

Chứng kiến những sự kiện trên, Việt Dzũng vụt sáng lên như một nhân vật tầm cỡ, kích thước khít khao với kích thước của một anh hùng. Một anh hùng đầy kiên trì, một anh hùng đầy vuơng đạo, xả thân cho đời, cho người, nhưng chẳng mong một đền đáp. Mà làm sao đền đáp khi ta nghe Mai Thanh Sơn hát Lời Kinh Đêm, lột tả tuyệt vời nhất trong số các nam, nữ ca sĩ từng chuyển tải cái thông điệp đầy bi thương ai oán, đầy thống khổ trùng trùng  này - của những kiếp người nhỏ bé, trên những con thuyền mong manh, chồng chềnh trong bão tố, tương lai mịt mờ. Những người Miền Nam đi đặt cược cả sinh mạng mình cho canh bạc “Tự Do”, với một thế cờ triệt buộc. Thông Điệp đó, Việt Dzũng không chỉ nói lên cho những người vuợt biển tìm tự do còn sống ngày hôm nay, mà anh còn nói hộ cho cả những người đã chết, những người không còn cơ hội nào để thông báo những khổ đau, như oan khuất của họ để từ đó, lịch sử Việt Nam và thế giới có dịp ghi lại, rằng sau ngày 30-4-1975, đảng CSVN với lý tưởng bịa đặt rằng nhân dân Miền Nam qúa đói khát, quá khổ đau với kềm kẹp của “đế quốc Mỹ” và “bọn Ngụy quyền tay sai bán nuớc”, Bác và đảng cần đổ máu xương ra để giải phóng cứu họ. Và người dân Miền Bắc đã không ngại hy sinh tất cả, làm theo lời “Bác”. Cuối cùng, qua thương lượng giữa Mao Trạch Đông và Nixon cùng sự hỗ trợ của Liên Bang Sô Viết nay đã xụp đổ, họ đã được thắng.  

Nhưng sau đó thì sao? Với những Lời Kinh Đêm, Một Chút Quà Quê Hương v.v..những bức thông điệp buồn đau của đất nước, của con người Việt Nam từ đó đến nay, đã được Việt Dzũng góp cùng những nhà Sử học chân chính ghi lại đầy đủ một thời đại của Việt Nam, được chính những người CS hay người dân sống dưới chế độ XHCN, gọi là “Thời Đại Đồ Đểu”. Nhưng Việt Dzũng không chỉ là người gửi thông điệp cho lịch sử bằng miệng không thôi, mà anh còn đấu tranh miệt mài để làm sao, người người bừng tỉnh, phá cho tan cái “thời đại đồ đểu” đó đi. Phá đi rồi đất nước và con người Việt Nam sẽ lại đi tới đâu, thưa: Cùng Nguyệt Ánh, tác giả Em Vẫn Mơ Một Ngày Về, Việt Dũng và Nguyệt Ánh lại một lần nữa viết và gửi bản “thông điệp của tương lai. Thông điệp này, đã làm rơi lệ biết bao con dân Việt Nam, khi nhìn hai cô bé Cát Linh, Hồng Diễm và cả ngay Nguyệt Ánh, truyền tải bằng hai ngôn ngữ Việt-Anh. Ôi! Cái thông điệp hiền hòa nhưng hực hực sức sống, vẽ ra một tương lai giản dị mà ấm long biết là bao nhiêu. Một thông điệp không có chất “ôm súng, cầm lê xốc tới” giống nhạc “cách mạng”, đẩy người ta vào chỗ chết, nhưng có điều gì đó dịu dàng nhưng cũng thật mãnh liệt, trong một hoàn cảnh đầy thất vọng nhưng chưa bao giờ tuyệt vọng.

Chắc có người sẽ hỏi, không đổ máu, hay nói theo tiếng lóng của những Đoàn Viên Đoàn Thanh Niên CS Hồ Chí Minh ở Hà Nội, là “chém gió” không à, có gì mà xưng tụng ồn ào? Hỏi thế thì tôi lại phải mang anh Nguyễn Bá Chổi (NBC), một người cũng đã từng xông pha lửa đạn trước kia, nay là một người viết Blog nổi tiếng của trang nhà Dân Làm Báo, đại để anh nói tuy cầm sung chiến đấu gian nan, nguy hiểm, khó khăn bao nhiêu truớc kia, nhưng nay so với Việt Dzũng trên mặt trận không súng đạn, không chết chóc hôm nay, một chiến sĩ đấu tranh cho Tự Do, cho Dân Chủ, Nhân Quyền như Việt Dzũng, chẳng phải là ít gặp những khó khăn nguy hiểm như anh truớc kia, mà sự thật có khi còn hơn thế nữa. Và sau khi dẫn chứng, anh nói: Cho nên, tuổi đời anh đáng là anh của Việt Dzũng. Nhưng về sức kiên trì, chịu đựng hiểm nguy của Việt Dzũng trên mặt trận này, anh (NBC) chỉ đáng bậc đàn em của Việt Dzũng. “Em” chào “anh” Việt Dzũng. 

Lạ nữa, ai anh hùng, ai liều lĩnh, ai chống đảng CSVN hơn Lý Tống, anh hùng của người dân tị nạn Cuba. Vậy mà trong Đêm Tưởng Niệm Và Vinh Danh Việt Dzũng, anh hùng Lý Tống cũng đến để bày tỏ lòng ngưỡng phục người đã gửi “Một Chút Qùa Cho Quê Hương”, kẻ đã mang nặng những khổ đau cùng đất nước.

Chính vì thế mà khi Thiên Chúa cất gánh nặng cho anh, mang anh về nước Người thì ai cũng bồi hồi, ai cũng trân trọng anh.

Sống, Việt Dzũng là một Nghệ Sĩ.
Chết, Việt Dzũng được tiếc thương như một Anh Hùng.

Hoàng Thu Dũng (New York, New York)


No comments:

Post a Comment

View My Stats