Friday, 2 February 2024

NGHĨ VỤN KHI NGHE MẤY LỜI THẬT CỦA ÔNG BÍ THƯ! (Lê Huyền Ái Mỹ)

 



Nghĩ vụn khi nghe mấy lời thật của ông bí thư!

Lê Huyền Ái Mỹ

02/02/2024

https://baotiengdan.com/2024/02/02/nghi-vun-khi-nghe-may-loi-that-cua-ong-bi-thu/

 

Ngày 30-1, tại lễ tổng kết công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nói: “Dân vận khéo không phải khéo nói mà hành động chân thật của người cán bộ. Chỉ có làm thật, hành động thật, có trách nhiệm thật mới có kết quả thật. Như vậy dân mới tin và những hành động tích cực sẽ lan tỏa rất mạnh“.

 

Tôi tin “phát biểu thật” của ông bí thư: Chỉ có làm thật, hành động thật, có trách nhiệm thật thì mới ra kết quả thật.

 

Và tôi cũng nghĩ thêm: Để làm thật thì trước hết phải biết tư duy thật, hiểu biết thật để thực làm cho có kết quả; bằng không thì có làm thật đấy nhưng năng lực tư duy và tổ chức công việc yếu, khi “nhúng” vào thực tế thì nhẹ là làm rối, có chức vụ thì tạo lực cản, nặng thì làm suy yếu, tác hại cái chung.

 

Riêng “có trách nhiệm thật” thì nếu cần, để bảo vệ cái đúng, lẽ phải sẽ phải chấp nhận đánh đổi cả chức vụ, thậm chí là công việc bởi có không ít cái áo trách nhiệm được khoác lên mình khi nói; còn khi làm, nhất là đụng đến ranh giới quyền lợi cá nhân, quyền lực của cấp trên thì chẳng còn phân biệt đúng sai nữa rồi. Khi đó chỉ còn là một thứ trách nhiệm “thỏa hiệp diện rộng” rất vô trách nhiệm.

 

Cũng là ông bí thư, trong cuộc gặp mặt các nhà văn, nhà thơ mới đây đã nói “… Tình yêu chân thành thường gặp chuyện này, chuyện khác. Chúng ta cũng vậy. Yêu nước, yêu quê hương, yêu nghề chắc chắn gặp bao gập ghềnh không bằng phẳng…”.

 

Tôi thấu cảm cái chân thành ấy và thấu hiểu sự gập ghềnh kia cũng như chấp nhận cái không bằng phẳng trên mọi mặt, trong mọi thời. Nhưng đổi – đáp lại, Đảng – hiện diện qua những con người mà làm nên một tổ chức – có nhìn thấy, có thấu hiểu cho những chân thành – gập ghềnh – không bằng phẳng ấy hay không.

 

Cũng như Đảng cần phải thấy thật và có phép đối trị thật với những cái vô thực, vô cảm ngay trong chính hệ thống của mình. Mà rõ nhất là cái thực học – từ của nhà giáo dục Giản Tư Trung trong hệ cao cấp chính trị, một trong những điều kiện cần để bổ nhiệm cán bộ (cấp tương ứng); trong các khóa học bồi dưỡng, nâng cao thường niên, định kỳ khác nữa. Tốn kém là một nhẽ, nó bày biện tính hình thức, đối phó và cả… nạn “tặng quà vặt” cũng ký sinh một phần từ lớp “vỡ lòng” này!

 

Kế đến là thực hành – hiện trong công tác cán bộ, Đảng đề cao tính cạnh tranh từ khâu quy hoạch, đào tạo đánh giá, tuyển chọn, bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ. Nhưng trong thể chế “độc đinh”, các thông số cạnh tranh được Đảng thiết lập như thế nào để đúng nghĩa là cạnh tranh, cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh công bình giữa những người trong Đảng, người trong và ngoài Đảng; hoặc có khi Đảng chỉ cầm trịch vị trí “trọng tài biên”?!

 

Kể cả vấn đề phát huy dân chủ trong Đảng (chứ chưa nói trong dân) như thế nào khi nguyên tắc tập trung (quyền lực) đã hoàn toàn chi phối; xác định ranh giới giữa nói thẳng, nghe thật, phản biện trong đảng với nguyên tắc “phục tùng” được nhiều cấp ủy, bí thư “vận dụng” để triệt tiêu tiếng nói chân thành của đảng viên.

 

Khi tôi làm bí thư chi bộ, tỷ lệ phát triển Đảng không đạt theo yêu cầu cấp trên. Bởi tôi coi trọng ý thức “muốn vào”, năng lực “xứng đáng vào” hơn là… lý lịch, các tiêu chí ấy làm tăng uy tín của tổ chức đảng chứ không phải con số hay bản kê khai “ba đời nhà tôi” sạch -đẹp. Cho nên, việc ông Bí thư thành ủy mới đây đưa ra đề nghị cần có những biện pháp (trong đó gợi ý dùng các công cụ công nghệ) để phát hiện, đánh giá sát năng lực, hiệu quả làm việc của cán bộ, chứ không đánh giá chung chung, theo cảm tính là rất đúng.

 

Cần lượng hóa các đầu việc, tức “KPI hóa” khối lượng công việc để có sự theo dõi, kiểm tra, đánh giá, tổng kết một cách cụ thể trên từng vị trí công việc, lĩnh vực. Chứ không thể bảng xếp hạng cuối năm thì hiếm hoi “hoàn thành nhiệm vụ” mà các chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cứ tụt hạng dần. Ai trong số “hoàn thành tốt – xuất sắc nhiệm vụ” mà ngay cả khi Bí thư, Chủ tịch đứng ra kêu gọi, thiết tha, ra lệnh, chưa kể cho luôn “đáp án” tham mưu 2 phương án (theo quy định và vượt rào quy định) và đích thân lãnh đạo đứng ra bảo lãnh trách nhiệm đối với những tham mưu “xé rào” thì guồng máy vẫn ì ạch, không thể thông suốt?

 

Nhưng, có là công nghệ hiện đại tới đâu, cậy tới cả trí tuệ nhân tạo thì cũng căn theo lời ông bí thư khi nói về vụ ông Danh CDC Bình Dương, “điều quan trọng là người này không nhận tiền hoa hồng, lại quả, kiên quyết từ chối”, AI có rà – soát được ai trong cán bộ – lãnh đạo hiện nay ngoảnh mặt với “hoa hồng”, dù biết nó đầy gai!

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats