Friday, 2 February 2024

VIỆT NAM SINH TỒN RA SAO KHI TRUNG QUỐC MUỐN KHÓA ĐƯỜNG RA BIỂN? (RFA)

 



Việt Nam sinh tồn ra sao khi Trung Quốc muốn khóa đường ra biển?

RFA
2024.01.31

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-does-vietnam-survive-when-china-blocks-access-to-the-sea-01312024125257.html

 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-does-vietnam-survive-when-china-blocks-access-to-the-sea-01312024125257.html/@@images/c1ebc548-830d-4cb2-b6ac-f43877bcd3ff.jpeg

Hai sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam thảo luận với nhau khi theo dõi tàu Hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vào vùng EEZ cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý, năm 2014 (ảnh minh họa).   Reuters

 

Ngày 19 tháng 1 năm 2024 là tròn 50 năm Trung Quốc tấn công và chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa khi đó do Việt Nam Cộng Hòa quản lý. Sắp tới, ngày 14 tháng 3, 2024 là 36 năm Trung Quốc tấn công ở Trường Sa và lần đầu tiên hiện diện ở đó. Ngoài ra, trong những năm qua, Trung Quốc cũng không ngừng tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đòi hỏi chủ quyền đối với vùng khai thác dầu khí Tư Chính, Vũng Mây, Nam Côn Sơn nằm trong thềm lục địa của Việt Nam theo Luật biển Quốc tế. RFA trao đổi với nhà nghiên cứu Hoàng Việt về những gì Việt Nam cần làm để gìn giữ và phát triển không gian sinh tồn trên biển trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động nghiêm trọng. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng Việt Nam không thể phát triển nếu bỏ qua khai thác nguồn lực trên biển. Đánh giá về hiện trạng Trung Quốc đang chiếm ưu thế mạnh mẽ về mặt quân sự trên biển Đông, ông cho rằng Việt Nam ngày nay có hai nhiệm vụ lớn là giữ đảo và giữ biển. So sánh giữa đảo và biển, ông Hoàng Việt cho rằng trong hai cái nguy là “mất đảo” và “mất biển” thì “mất biển” nguy hiểm hơn vì nguồn lợi quốc gia đa số nằm ở phần biển hơn là phần đảo. 

 

 

RFA: Theo ông, biển có vai trò như thế nào trong không gian sống của Việt Nam? Tại sao biển Đông lại quan trọng với Việt Nam? 

 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt 

Chúng ta thấy rằng Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế phát triển trên biển. Nếu như trong lịch sử những quốc gia phát triển nông nghiệp và công nghiệp sẽ có sức mạnh thì bây giờ phải phát triển về biển. Đây cũng là quan điểm của một lý thuyết gia nổi tiếng là Alfred Thayer Mahan. Trung Quốc đã nhiệt tình áp dụng học thuyết của Mahan vào chiến lược phát triển của mình. 

 

Thực sự mà nói nếu Việt Nam muốn trở thành một cường quốc tầm trung, hay trở thành một nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” như các lãnh đạo Việt Nam thường nói, thì phải phát triển kinh tế. Rõ ràng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, không chỉ trong đất liền mà còn trên biển.

 

Trong giai đoạn Việt Nam gặp khó khăn thời bao cấp, ngân sách Việt Nam đã được duy trì nhờ khai thác dầu khí trên biển, trong liên doanh dầu khí Việt Xô. Rõ ràng biển đóng vai trò rất lớn. Sau này cũng vậy. 

 

Nhiều quốc gia lớn nhưng không có chiều dài bờ biển dài như Việt Nam. Vấn đề là Việt Nam có tận dụng được không. Việt Nam nằm sát biển khơi nhưng chưa hoàn toàn tận dụng được biển như các quốc gia khác như Nhật Bản. 

 

 

RFA: Ngày nay, Việt Nam nhận thức như thế nào về tầm quan trọng của sức mạnh trên biển? Nước này làm những gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp trên biển trong khi có một cường quốc khác đang tìm cách thống trị hoàn toàn vùng biển đó?  

 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt:

Đối với tư duy về biển, thời Việt Nam Cộng Hòa có nhiều giáo sư luật lừng danh. Trong các cuộc đàm phán về luật biển quốc tế năm 1958 và 1972 thì phía Việt Nam Cộng Hòa đều có đại diện tham gia. Còn phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời chiến thì không để ý nhiều tới biển. Họ tập trung vào mục tiêu thống nhất đất nước.

 

Nhưng sau 1975 trở đi thì CHXHCN Việt Nam đã nhìn thấy lợi ích của biển và đã làm rất tốt. Họ đã thấy tầm quan trọng của việc giữ được các vị trí tiền tiêu trên biển. Những suốt những năm 1980 thì Đô đốc Giáp Văn Cương đã đưa ra chủ trương với sự đồng ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cho các con tàu cũ phi thẳng lên các bãi đá ở Trường Sa và đóng chốt ở đó.  Điều đó cho thấy tầm nhìn của CHXHCN Việt Nam về biển đã thay đổi. 

 

Biển là một tài nguyên rất lớn. Nó là một nguồn lực giúp đỡ rất lớn cho các quốc gia phát triển kinh tế. Đó cũng là lí do nhiều quốc gia tham gia vào tranh chấp biển Đông, có tham vọng đối với biển Đông. Việt Nam là một quốc gia giáp biển, tại sao không tận dụng lợi thế?

Mặc dù Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, chiếm một số thực thể quần đảo Trường Sa nhưng chưa phải là chúng ta đã mất không gian biển. 

 

Cái nguy hiểm nhất mà nếu chúng ta không giữ được chính là vùng biển. Ta thấy đường lưỡi bò của Trung Quốc xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ không chỉ là nắm giữ các đảo, các thực thể hiện đang giữ ở Trường Sa. Ở Trường Sa hiện nay, Việt Nam là nước chiếm giữ nhiều thực thể nhất. Trong đó có 21 thực thể, theo cách nói dân dã ở Việt Nam là 9 đảo nổi, 12 đảo chìm và tổng cộng 33 điểm đóng quân. Việt Nam là quốc gia kiểm soát trên Trường Sa tốt như vậy. 

 

Nhưng vấn đề là đường lưỡi bò của Trung Quốc lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thậm chí trong những mỏ dầu khí mà Trung Quốc xếp vào bãi Tư Chính nhưng thực ra nó không ở bãi Tư Chính mà ở bể Nam Côn Sơn. Nhiều lô dầu khí của chúng ta nằm ở bể Nam Côn Sơn. Bể Nam Côn Sơn và bãi Tư Chính cách xa nhau vời vợi và có một rãnh ngầm ngăn cách nên không thể nói nó là sự kéo dài của thềm lục địa. Nhưng Trung Quốc thì muốn nhập nhằng, gộp hai vùng này làm một, cho rằng tất cả chỉ là bãi Tư Chính và sự kéo dài của quần đảo Trường Sa. Nhiều khi chúng ta phải nói rõ chuyện này. Đó là vấn đề chúng ta phải lo. 

 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-does-vietnam-survive-when-china-blocks-access-to-the-sea-01312024125257.html/001_19o87g_jpeg.jpg/@@images/dc412e8a-6ba5-4521-baa0-ce9b62306190.jpeg

Đường lưỡi bò Trung Quốc tự vẽ trên Biển Đông đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng biển này. AFP

 

 

RFA. Như vậy, theo ông, gìn giữ chủ quyền biển để thế hệ tương lai có nguồn lực tiếp tục phát triển về phía biển là điều cấp thiết?

 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt:

Khi vùng đặc quyền kinh tế có rất nhiều mỏ dầu, mỏ khí đốt, thủy hải sản và các tiềm năng khác, mà theo UNCLOS thì thuộc về chúng ta, chúng ta được hưởng. Nhưng chúng ta bị xâm phạm và có nguy cơ không giữ được. Đó mới là nguy cơ lớn chứ không hẳn là việc Trung Quốc chiếm giữ các thực thể.

 

Vì vậy, có hai nhiệm vụ mà Việt Nam phải làm, mà cho đến nay Việt Nam vẫn làm tốt, một là gìn giữ tất cả các thực thể đang kiểm soát được ở Trường Sa, và hai là gìn giữ được các vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta theo đúng UNCLOS. Việt Nam đang làm rất tốt hai nhiệm vụ này. Mong rằng Việt Nam sẽ giữ gìn được tất cả những nguồn lợi đó cho tương lai. Đó mới là không gian sống của chúng ta.

 

Biển Đông rất rộng. Chúng ta không sở hữu toàn bộ biển Đông. Chúng ta chỉ có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, và 200 hải lý thềm lục địa. Có thể mở rộng thềm lục địa lên tối đa 350 hải lý.  

 

 

RFA. Với chiều rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như vậy, dường như Việt Nam có biển và thềm lục địa còn rộng lớn hơn đất liền?

 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt:

Chắc chắn là như vậy. Tôi không có con số cụ thể để đo lường. Về phía Việt Nam thì Việt Nam cho rằng mình có hơn 1 triệu km2 trên biển. Có nhiều tranh luận về con số này. Nhưng rõ ràng với thực tế là có 200 hải lý mở rộng từ đường cơ sở thì đó là một vùng biển rất lớn, rất nhiều tài nguyên và đó là lợi thế to lớn của Việt Nam. 

 

 

RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats