Wednesday, 7 February 2024

THẤY GÌ TỪ VỤ CHI NHÁNH EVERGRANDE Ở HỒNG KÔNG BỊ GIẢI THỂ? (Thanh Hà / RFI)

 



Thấy gì từ vụ chi nhánh Evergrande ở Hồng Kông bị giải thể ?

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 06/02/2024 - 15:06

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20240206-th%E1%BA%A5y-g%C3%AC-t%E1%BB%AB-v%E1%BB%A5-chi-nh%C3%A1nh-evergrande-%E1%BB%9F-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-b%E1%BB%8B-gi%E1%BA%A3i-th%E1%BB%83

 

Ai bị thiệt thòi hơn cả từ vụ chi nhánh tập đoàn địa ốc Evergrande tại Hồng Kông bị « giải thể » ? Đây là hồi kết của mọi nỗ lực thu hút đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc hay là bước ngoặt trong chính sách kinh tế của Bắc Kinh ? 

 

https://s.rfi.fr/media/display/eef7f9da-24f3-11ee-a545-005056bf30b7/w:980/p:16x9/2023-07-17T142021Z_142594421_RC2152A0T1JS_RTRMADP_3_CHINA-EVERGRANDE-RESULTS.webp

Evergrand, từ biểu tượng thành công rực rỡ đến vực nợ 328 tỷ đô la. Ảnh ngày 26/09/2021. REUTERS - ALY SONG

 

 

Ngày 29/01/2024 một tòa án Hồng Kông ra phán quyết « giải thể » Evergrande. Tại Luân Đôn, tờ Financial Times báo trước, « sự sụp đổ của tập đoàn địa ốc mang nợ nhiều nhất trên thế giới sẽ mở ra một giai đoạn đầy sóng gió » cho Trung Quốc. Báo tài chính Mỹ The Wall Street Journal nói đến « dấu chấm hết sau một giai đoạn hấp hối đã kéo dài » từ một tập đoàn bị phá sản với « những tác động làm rung chuyển nền kinh tế thứ hai toàn cầu ».

 

Nhưng đây chỉ là quân « đô mi nô đầu tiên bị đổ » hay là lớp sóng ngầm ?

 

Trang mạng kinh tế Axios cũng của Mỹ xem vụ tài sản của Evergrande bị thanh lý là dấu hiệu « kinh tế Trung Quốc đang xấu đi », « thị trường bất động sản nước này lún sâu thêm vào khủng hoảng và sẽ tác động đến những lĩnh vực khác của nền kinh tế Trung Quốc ». Một nhà quan sát Trung Quốc thuộc viện nghiên cứu Mars Data nói đến một « vố đau giáng xuống Trung Quốc » vào lúc Bắc Kinh cố gắng tổ chức lại giảm bớt nạn « chi tiêu vô độ ».

 

 

Từ biểu tượng của thành công đến biểu tượng của khủng hoảng

 

Cách nay gần 30 năm, ông vua địa ốc Hứa Gia Ấn lập ra Evergrande, trụ sở tại Quảng Châu- Hoa Lục. Công ty này nhanh chóng trở thành một biểu tượng của phép lạ kinh tế Trung Quốc. Hiện diện tại hơn 170 thành phố, Evergrande tham gia sàn chứng khoán Hồng Kông, rồi trở thành một trong những nhà môi giới bất động sản lớn nhất thế giới. Sức mạnh đó cho phép Evergrande -còn được biết đến dưới cái tên Trung Quốc là tập đoàn Hằng Đại -Hengda, mạo hiểm trong nhiều lĩnh vực khác từ bảo hiểm nhà đất, đến y tế, công nghiệp xe điện …

2021, gió đã xoay chiều. Theo báo cáo được công bố tháng 6/2023 Evergrande mang nợ 328 tỷ đô la -tương đương với gần 3 % GDP của Trung Quốc. Evergrande đã trở thành biểu tượng của khủng hoảng địa ốc vô tiền khoáng hậu mà đã hơn hai năm qua, Bắc Kinh vẫn chưa có liều thuốc trị liệu.

 

                            "Không có chuyện Evergrande bị khai tử"

 

Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo Pierre Antoine Donnet, một cây bút của tờ báo mạng chuyên về châu Á Asialyst trước hết giải thích về phán quyết của tòa án Hồng Kông hôm 29/01/2024 và ông nhấn mạnh vì sao « thủ tục thanh lý tài sản của Evergrande » sẽ kéo dài cho dù chỉ liên quan đến phần tài sản thuộc sở hữu của chi nhánh ở Hồng Kông. Đồng thời Pierre Antoine Donnet hoàn toàn loại trừ khả năng vì một phán quyết của Hồng Kông mà Evergrande sẽ « bị xóa sổ ». 

 

Pierre Antoine Donnet : « Một tòa án Hồng Kông có thẩm quyền tuyên bố giải thể Evergrande do tập đoàn môi giới địa ốc này có chi nhánh ở Hồng Kông. Trên nguyên tắc và bình thường ra, điều đó có nghĩa là tài sản của Evergrande sẽ bị chia nhỏ ra và để bán lại cho ngân hàng, cho các nhà đầu tư hay doanh nghiệp, các quỹ tư nhân nào đó… Trong mọi trường hợp thủ tục sẽ kéo dài bởi vấn đề ở đây là một tòa án Hồng Kông căn cứ vào luật của Hồng Kông để giải thể Evergrande. Nhưng luật doanh nghiệp Hồng Kông rất khác so với của Hoa Lục. Hơn 90 % tài sản của Evergrande là ở Hoa Lục. Chỉ có các tòa án ở Hoa Lục mới có đủ thẩm quyền và có tiếng nói sau cùng về số phận Evergrande. Như đã biết, luật pháp Trung Quốc trong tay Đảng Cộng Sản nước này. Chỉ có Đảng mới có có thể quyết định có giải thể Evergrande hay không và nếu có thì khi nào.

 

Lúc này Trung Quốc đang sửa soạn đón Tết âm lịch, chẳng mấy ai quyết định bất cứ điều gì về Evergrande trong lúc này. Nhưng về lâu dài, thủ tục thanh lý tài sản của chi nhánh Evergrande tại Hồng Kông kéo dài bao lâu ? Có nhiều quan điểm khác nhau. Phần lớn đều cho rằng hồ sơ này sẽ kéo dài nhiều tháng và sẽ rất phức tạp vì đừng quên rằng, Evergrande không chỉ hoạt động trong ngành bất động sản, mà còn hiện diện trong nhiều lĩnh vực khác nữa (như trong lĩnh vực cung cấp nước khoáng,sản xuất thực phẩm… bảo hiểm nhà ở … ). Trong mọi trường hợp những hệ quả kèm theo về vụ Evergrande sẽ rất lớn cả về chính trị lẫn kinh tế và xã hội.

 

Tác động về mặt xã hội khi mà hàng trăm ngàn căn hộ đang xây và bị bỏ dở, khi mà hàng trăm triệu căn hộ khác đã xây xong nhưng lại hoàn toàn bị bỏ trống, khi mà chủ nhân của những căn hộ đó – phần lớn là người cao tuổi mang tiền tiết kiệm ra để đầu tư, nhưng giờ đây lại mất hết tất cả : họ không được giao nhà và cũng không thể lấy lại vốn. Đầu tư, mùa nhà là cách để người dân Trung Quốc tiết kiệm cho tuổi về hưu ».   

 

Từ tháng 10/2021 « 90 % trị giá chứng khoán của Evergrande đã bốc hơi ». Trong bài tham luận dành cho viện nghiên cứu Institut Montaigne (12/10/2021) chuyên gia về ngân hàng và đã có nhiều năm làm việc tại châu Á và Trung Quốc, Philippe Aguignier giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po. và Viện Văn Hoa và Ngôn Ngữ Đông Phương đã xác định rõ danh sách những « nạn nhân » từ hiện tượng vỡ bong bóng địa ốc tại mà Evergrande là một trường hợp điển hình.

 

Philippe Aguignier lo ngại cho số phận của gần 70 ngàn nhân viên của đại tập đoàn này và kèm theo đó là của các đối tác cung cấp nguyên và nhiên liệu, dịch vụ cho Evergrande, bởi vì các chủ nợ của Evergrande, nếu là các ngân hàng hay các quỹ đầu tư, các hãng bảo hiểm thì đều ít nhiều được Nhà nước yểm trợ.

 

                                        "Khả năng rất thấp để được bồi hoàn" 

 

Câu hỏi lớn ở đây là liệu rằng hàng trăm triệu người đã đầu tư để mua nhà có hy vọng được hoàn lại vốn hay không ? Nhà họ đã mua có còn trị giá gì nữa hay không ? Pierre Antoine Donnet không mấy lạc quan :  

 

Pierre Antoine Donnet : « Ở Trung Quốc có những cơ quan phụ trách thu thập, xử lý đơn kiện các doanh nghiệp theo hướng gọi là để bảo vệ người đầu tư. Nhưng hệ thống hành chính, tư pháp ở đây do chính quyền kiểm soát và cầm chắc là hàng triệu người mua nhà sẽ không bao giờ được hoàn trả lại vốn. Hệ quả kèm theo là công luận Trung Quốc lại càng mất niềm tin vào guồng máy chính trị ngay trên đất nước họ, càng mất lòng tin vào chính các doanh nghiệp của Trung Quốc. Tổng nợ của Evergrande và cũng là con số mà người ta được biết là 328 tỷ đô la ».

 

 

Bài học nào từ vụ Evergrande và khủng hoảng bất động sản Trung Quốc ? Cũng ông Donnet, nhà báo từng là thông tín viên thường trực tại Bắc Kinh của hãng thông tấn AFP phân tích :

 

Pierre Antoine Donnet : « Ở Trung Quốc bên cạnh hiện tượng người ta đã rất hồ hởi đầu tư, kèm theo đó là sự tự tin quá trớn. Có nghĩa là ở đây nhiều người tin rằng, Trung Quốc với một tỷ lệ tăng trưởng hơn 10 % một năm trong thời gian rất dài thì chuyện gì cũng có thể làm được. Phép lại kinh tế đó đã khiến người ta chóng mặt và nhất là trong lĩnh vực địa ốc … cho dù đây không là một trường hợp cá biệt. Trung Quốc đã có biết bao nhiêu dự án khổng lồ : nào là xa lộ rộng thênh thang, những sân bay càng lúc càng đồ sộ. Nhưng không ít những công trình đó hiện nay vô dụng. Thậm chí do quá cồng kềnh, chúng đã bị phá hủy … Trong những điều kiện đó, hình ảnh của Trung Quốc trong mắt công luận quốc tế đã xấu đi và giới đầu tư ngoại quốc bắt đầu hoài nghi về thực chất của sức mạnh kinh tế Trung Quốc. Số này đang tính đến những nước cờ tiếp theo. Họ tự hỏi Trung Quốc có còn là điểm an toàn xứng đáng để bỏ vốn vào đây kinh doanh nữa hay không. Chỉ riêng năm 2023 hàng ngàn nhà đầu tư nước ngoài đã rời khỏi Hoa Lục. Tại châu Á, thì Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam và Singapore là những bãi đáp ».

 

                            “Nhà đất, Bắc Kinh đi từ thái cực này đến thái cực khác”

 

Về những nguyên nhân đã thổi lên quả bóng địa ốc tại Trung Quốc, chuyên gia về tài chính Philippe Aguignier nhắc lại : Bắc Kinh chủ tương khuyến khích đầu tư và tiết kiệm hơn là tiêu thụ. Đồng thời đối với tất cả người dân tại đây, mua nhà là cách duy nhất để dành tiền và kiếm lãi.

 

Vấn đề đặt ra là giờ đây Trung Quốc đứng trước một nghịch lý : nhu cầu cung cấp nhà ở cho hơn 1,5 tỷ dân vẫn tồn tại. Thanh niên không có phương tiện mua nhà, ra ở riêng mà vẫn phải sống chung với bố mẹ. Bên cạnh đó là hàng « triệu căn hộ đang bị bỏ trống ». Từ 15 năm nay các chuyên gia Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền điều chỉnh lại hiện tượng bất cân đối đó. Do vậy, theo giới quan sát quyết định của ông Tập Cận Bình làm hạ nhiệt thị trường bất động sản tại Trung Quốc là cần thiết. Có điều, luật cung cầu và thể thức vận hành của một nền kinh tế không phải lúc nào « chiều theo ý muốn của lãnh đạo ».

 

 

Nhà Trung Quốc học, François Godement viện Institut Montaigne cho rằng trong trường hợp cụ thể của tập đoàn Evergrande, khi điều chỉnh lại thị trường nhà đất, Bắc Kinh đã « cân nhắc kỹ » những tác động về kinh tế và xã hội trước khi quyết định « để cho quả bóng địa ốc xì hơi ».

 

Thị trường nhà đất Trung Quốc « mất hết tự do »

 

Theo chuyên gia nước Pháp này trên thị trường bất động sản, Bắc Kinh đã chuyển từ « một thái cực này sang một thái cực khác » : Cho đến rất gần đây, Trung Quốc hầu như không đánh thuế nhà đất, nhưng rồi trong một sớm một chiều Nhà nước đã ban hành một loạt chỉ thị như là ấn định giá trần khi cho thuê nhà tại một số các thành phố lớn …

 

                          “Những quyết định sắp tới có thể là « mầm mống báo trước chính sách

                            kinh tế của Bắc Kinh trong tương lai”

 

François Godement cho rằng sẽ khá thú vị chờ xem quyết định của Bắc Kinh về số phận Evergrande và nhất là sẽ bồi thường cho các nạn nhân của tập đoàn này như thế nào : chính phủ sẽ chú trọng hơn đến các nhà đầu tư nội địa, đến các đối tác tài chính ở hải ngoại hay đến những nhà đầu tư cò con ? Những quyết định sắp tới có thể là « mầm mống báo trước chính sách kinh tế của Bắc Kinh trong tương lai, theo hướng Trung Quốc giảm mức độ lệ thuộc vào lĩnh vực tài chính (…)  hay vào một số lĩnh công nghệ thuật nơi mà các nhà đầu tư nước ngoài chiếm một vị trí quan trọng, để chú trọng hơn vào những vấn đề cơ bản thiết thực với xã hội ».

 

Hiệu quả của chính sách đó đến đâu, đấy lại là chuyện khác. Trước mắt cố vấn về Trung Quốc của viện nghiên cứu Institut Montaigne, Paris, nhà Trung Quốc học François Godement, thận trọng vì ông không chắc xoay trục chính sách kinh tế theo hướng đó sẽ cho phép « về lâu dài, bảo đảm tăng trưởng cho quốc gia này ».

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats