Wednesday, 7 February 2024

KINH TẾ SA SÚT, TRUNG QUỐC CỐ LÔI KÉO NHƯNG CÁC NHÀ ĐẦU TƯ VẪN RA ĐI (Thụy My / RFI)

 



Kinh tế sa sút, Trung Quốc cố lôi kéo nhưng các nhà đầu tư vẫn ra đi

Thụy My   -  RFI

Đăng ngày: 06/02/2024 - 22:38

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240206-kinh-t%E1%BA%BF-sa-s%C3%BAt-trung-qu%E1%BB%91c-c%E1%BB%91-l%C3%B4i-k%C3%A9o-nh%C6%B0ng-c%C3%A1c-nh%C3%A0-%C4%91%E1%BA%A7u-t%C6%B0-v%E1%BA%ABn-ra-%C4%91i

 

Le Monde ngày 06/02/2024 nhận định « Trung Quốc với nền kinh tế đang chậm lại, liên tục đưa ra dấu hiệu cởi mở nhưng không thuyết phục được ai », sau ba năm đóng cửa.

 

https://s.rfi.fr/media/display/53c1cd58-c537-11ee-b387-005056bf30b7/w:980/p:16x9/davos_01-1.webp

Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd tiếp đón thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến dự Diễn đàn Davos, tại phi trường Zurich ngày 14/01/2024. via REUTERS - POOL

 

Đơn phương miễn visa, hòa hoãn với Mỹ, Úc

 

Từ một năm qua, ngay sau khi chấm dứt chính sách zero Covid khắc nghiệt và mở cửa biên giới tháng Giêng 2023, thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) đã nhấn mạnh « Trung Quốc mở cửa cho việc làm ăn ». Đúng một năm sau, ông cùng với phái đoàn hùng hậu 150 người gồm chính khách và doanh nhân Trung Quốc tham dự Diễn đàn Davos, nhưng tình hình khá thất vọng.

 

Lần đầu tiên kể từ 25 năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Trung Quốc sụt giảm trong năm 2023. Bắc Kinh cố gắng thu hút bằng nhiều cách, như cách đây ba tháng đã đơn phương miễn visa trong 15 ngày cho công dân 11 nước trong đó có Pháp, gây ngạc nhiên cho giới kinh doanh. Tháng 11/2023, chủ tịch Tập Cận Bình đến San Fransisco tham dự APEC, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và gặp tổng thống Joe Biden để chứng tỏ sự hòa dịu với Hoa Kỳ.

 

Sau nhiều năm căng thẳng với Úc, tháng 10/2023 Bắc Kinh phóng thích một nhà báo Úc bị giam đã ba năm. Tuy vậy sự « hào phóng » này cũng có giới hạn, mới hôm qua Trung Quốc kết án tử hình treo - thường chuyển sang chung thân - đối với Dương Quân (Yang Jun), một blogger kiêm nhà văn viết tiểu thuyết gián điệp mang quốc tịch Úc. Phản ứng của Bắc Kinh trước việc ông Lại Thanh Đức được bầu làm tổng thống Đài Loan, cho đến nay cũng khá chừng mực.

 

 

Dù Bắc Kinh cố mời gọi, các nhà đầu tư vẫn không quay lại

 

Giáo sư Victor Shih, đại học San Diego (California) nhận xét thái độ của ngoại giao Trung Quốc đối với phương Tây được cải thiện rõ rệt. Khác hẳn với trước đây, sau khi đại dịch kết thúc Tập Cận Bình dành ưu tiên cho « các nước phương Nam » với chuyến thăm Kazakhstan, đi Bali dự G20, thăm Matxcơva.Hơn nữa, bị cộng đồng quốc tế lên án là gây ra đại dịch, Trung Quốc phản ứng bằng cách đổ lỗi, tung tin giả, các « chiến lang » ngạo nghễ khoe đã ra khỏi Covid tốt hơn…

 

Nay trước các chỉ số u ám, lời lẽ trở nên hòa dịu. Đầu năm 2023, tưởng chừng kinh tế sẽ tăng mạnh nhưng điều này đã không xảy ra. Địa ốc suy sụp, lương không tăng, và từ đầu 2024 thị trường chứng khoán xuống dốc, cho thấy chính quyền không thuyết phục được các nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, những dấu hiệu cởi mở được đưa ra với hai mục đich : hy vọng đầu tư nước ngoài quay lại, đồng thời trấn an các doanh nhân Hoa lục, vốn biết rằng quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới lệ thuộc nặng nề vào thương mại.

 

Dan Wang, kinh tế gia trưởng của ngân hàng Hồng Kông Hang Seng cho rằng thái độ của Bắc Kinh là thành thật vì rất cần công nghệ và quản lý hiệu quả. Hơn nữa, chỉ riêng sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại quốc cũng giúp hạn chế tâm trạng bi quan ở Hoa lục. Nhưng việc đảng cộng sản kiểm soát chặt chẽ xã hội khiến lãnh vực tư nhân và các đối tác kinh tế thất vọng. Đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Bắc Kinh Jorge Toledo Albiñana nói, ám ảnh về an ninh có thể nhận thấy khắp nơi. Chẳng hạn các viên chức, giảng viên đại học phải xin phép mới được tiếp xúc các nhà ngoại giao nước ngoài. Châu Âu hiện vẫn tỏ ra thận trọng trước các dấu hiệu mở cửa của Trung Quốc.

 

 

« Liên bang Miến Điện » : Một tương lai khó thể hình dung với 135 sắc tộc

 

Cũng liên quan đến châu Á, Le Monde cho rằng trong một đất nước chia rẽ như Miến Điện, tập đoàn quân sự cầm quyền đang trong tình trạng tệ hại nhất từ trước đến nay.Chỉ trong vài tháng qua, hơn 30 thành phố đã rơi vào tay các phe nổi dậy, phần lãnh thổ do quân đội kiểm soát ngày càng co lại. Một số nguồn tin ngoại giao ở Rangoon thậm chí còn cho rằng sự tồn tại của chính quyền chỉ có thể tính bằng tháng. Tuy nhiên khả năng sụp đổ nhanh chóng như Saigon năm 1975 hay Kabul năm 2021 khó thể xảy ra.

 

Vào lúc kỷ niệm năm thứ ba vụ đảo chánh ngày 01/02 lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, có một nỗi lo khác : Miến Điện ngày mai sẽ có hình thức như thế nào trong trường hợp quân đội thất bại ? Làm thế nào một đất nước có đến 135 sắc tộc khác nhau có thể hợp thành một liên bang thực sự ? Người Bamar hiện chiếm đa số có chấp nhận nhượng bộ, như hứa hẹn của một số tinh hoa đã chuyển sang phía kháng chiến ?

 

Chính phủ đoàn kết quốc gia (NUG) đang lưu vong, xuất thân từ chính quyền Aung San Suu Kyi đã ký « hiến chương liên bang », khẳng định trong trường hợp đối lập vũ trang chiến thắng, một nước Miến Điện mới sẽ tôn trọng quyền của tất cả công dân, dù thuộc sắc tộc hoặc tôn giáo nào. Nhưng trong lịch sử chưa bao giờ người Bamar hòa hợp được với các sắc tộc khác, như thất bại của hội nghị Panglong năm 1947. Chưa kể các phe thiểu số còn chống đối lẫn nhau, và bất đồng ngay trong nội bộ. Đặc biệt còn có bàn tay can thiệp của Trung Quốc.

 

 

UNRWA liệu sẽ sống sót ?

 

Tại Trung Đông, Le Figaro nhận thấy trước cáo buộc UNRWA hợp tác với Hamas, Cơ quan Liên Hiệp Quốc phụ trách về người tị nạn Palestine đang « trong tầm ngắm của Israel », đang lo cho sự tồn tại của mình. Đó là một trận bão mà UNRWA không đoán được, dù trong 75 năm hiện diện cơ quan này đã thoát được nhiều cơn lốc xoáy.

 

Hàng loạt nước đã ngưng tài trợ, khiến cơ quan này mất hẳn phân nửa ngân sách năm 2024, tương đương 440 triệu euro. Hôm Chủ nhật trong cuộc họp nội các thủ tướng Israel nhấn mạnh « Từ lâu chúng ta đã biết UNRWA không phải là một phần của giải pháp mà là một phần của vấn đề ». Ông cho rằng cần phải thay thế bằng một tổ chức khác không bị tai tiếng ủng hộ khủng bố.

 

Một cuộc điều tra đang được cơ quan kiểm soát nội bộ của Liên Hiệp Quốc tiến hành, để xác minh thông tin 10 % trong số 13.000 nhân viên người Palestine của UNRWA tại Dải Gaza có liên hệ với Hamas. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm qua loan báo lập một ủy ban độc lập để đánh giá « tính trung lập » của UNRWA. Ủy ban sẽ do cựu ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna phụ trách, hợp tác với ba trung tâm nghiên cứu là Viện Raoul Wallenberg ở Thụy Điển, Viện Chr. Michelsen ở Na Uy, Viện Đan Mạch về nhân quyền.

 

 

Công luận Israel coi là kẻ thù

 

Theo Israel, việc cấp tư cách tị nạn từ đời này sang đời khác khiến người Palestine không thể hội nhập vào quốc gia nơi họ đang sinh sống. Đối với công luận Israel, UNRWA nay là kẻ thù, sự chống đối cơ quan này đã lên đến đỉnh điểm. Hôm qua nhân viên UNRWA tránh đến văn phòng Jerusalem vì có tin đồn biểu tình. Adam Boloukos, giám đốc UNRWA tại Cisjordanie cho biết một số xe hơi của họ bị sơn lên chữ « Liên Hiệp Quốc = Quốc xã ».

 

Trên mạng xã hội có những video phê phán nhân viên UNRWA là kẻ ngốc hữu dụng của Hamas, cung cấp thực phẩm cho những kẻ khủng bố, giấu con tin trong các trường học, nơi Mein Kampf, sách của Adolf Hitler được giảng dạy. Ngay cả tờ báo cánh tả Haaretz cũng đăng biếm họa vẽ tổng giám đốc UNRWA, Philippe Lazzarini, chở trên mô tô một tên khủng bố Hamas đang chĩa súng với dòng chữ « Khổ thay, anh ta đòi tôi chở tới Beeri » - một trong những kibboutz bị thảm sát ngày 07/10.

 

Báo chí bắt đầu nói về « hậu UNRWA ». Theo tờ Yediot Ahronot, ngoại trưởng Israel Yisraël Katz đang chuẩn bị kế hoạch chấm dứt hoạt động của UNRWA sau khi chiến tranh kết thúc, và đã cấm ê-kíp của mình tiếp xúc với giám đốc tổ chức này. Số phận của UNRWA sẽ được bàn đến trong chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ và Pháp. Dù vậy UNRWA cũng có được một ít ủng hộ, như Tây Ban Nha tăng viện trợ, và thậm chí còn được đề nghị giải Nobel Hòa bình.

 

 

Mỹ và Iran đều tránh chiến tranh

 

Cũng về Trung Đông, Le Figaro có bài viết trên trang Ý kiến giải thích « Vì sao Mỹ và Iran không muốn lâm chiến » : cả hai đều hiểu rằng chẳng có lợi lộc gì. Bắt đầu từ ngày 02/02, các vụ trả đũa của Lầu Năm Góc tuy nhiều nhưng lại trễ tràng. Có đến 85 mục tiêu bị phá hủy trên lãnh thổ Irak và Syria để chứng tỏ với cử tri Mỹ là ông Joe Biden rất cứng rắn, đồng thời cảnh cáo tất cả phe dân quân Trung Đông thân Iran. Nhưng chiến dịch được tung ra trễ, để các cố vấn Iran làm việc với các nhóm phiến quân này có thì giờ chạy trốn. Bên cạnh đó các mục tiêu được chọn đều không nằm trong lãnh thổ Iran.

 

Về phía Teheran đã đạt được vị thế lãnh đạo tại Trung Đông trong chiến tranh Gaza mà không mất người lính nào, đồng thời làm quên đi những rối ren nội bộ. Ả Rập Xê Út đã ngưng ý định nối lại quan hệ ngoại giao với Israel. Chế độ thần quyền hiểu rõ cái giá của « tình thân hữu » với Trung Quốc và Nga, hy vọng được giảm nhẹ cấm vận để trở thành cường quốc kinh tế. Còn Joe Biden không muốn bị coi như một tổng thống hiếu chiến, mà là người đã bình thường hóa quan hệ với Teheran sau 45 năm xung khắc.

 

 

Sénégal, ngọn đèn pha dân chủ ở Tây Phi trở nên hiu hắt

 

Cựu bộ trưởng, thủ lãnh đảng cánh trung François Bayrou được trắng án vì thiếu bằng chứng trong vụ các trợ lý Nghị Viện Châu Âu, Nhà nước Pháp muốn cứu tập đoàn dịch vụ vi tính Atos, vua Charles III của Anh bị ung thư, Thổ Nhĩ Kỳ một năm sau trận động đất kinh hoàng, đó là một số vấn đề được chú ý hôm nay.

 

Tại châu Phi, xã luận của Le Monde phân tích « Sénégal, trò chơi nguy hiểm của Macky Sall ». Loan báo hôm thứ Bảy về việc hoãn lại vô thời hạn cuộc bầu cử tổng thống dự kiến ngày 25/02 đã đi ngược lại với lịch sử dân chủ lâu dài của đất nước. Tại Tây Phi đang rung chuyển với thánh chiến, đảo chánh và can thiệp của Nga, Sénégal là một ngoại lệ : từ khi độc lập năm 1960 quân đội chưa bao giờ là mối đe dọa cho chính quyền, có tự do ngôn luận thực sự, các đảng phái thay nhau nắm quyền một cách dân chủ.

 

Ông Sall đã làm tổng thống hai nhiệm kỳ, tỏ ý muốn tại vị tiếp nhưng dân chúng phản đối. Kết quả thăm dò tốt đẹp của ứng cử viên đối lập Bassirou Diomaye Faye và tỉ lệ tệ hại của thủ tướng Amadou Ba, người được chỉ định kế vị, chừng như là lý do khiến Macky Sall đi đến quyết định trên, vào lúc chỉ ba tuần nữa đến bầu cử tổng thống. Le Monde cho rằng đây là hành động đổ dầu vào lửa tại một đất nước nghèo đói mà cả chính quyền và đối lập đều cứng rắn, thanh niên tìm tương lai bằng cách di cư. Ngọn đèn dân chủ trong khu vực trở nên leo lét, sẽ làm hài lòng giới quân sự các nước láng giềng, nắm quyền mà chẳng cần tổ chức bỏ phiếu.

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats