Thursday, 8 February 2024

XIN MẠNH DẠN CHEN NGANG Ý KIẾN CỦA TS BÙI TRÂN PHƯỢNG (Nguyễn Đình Cống)

 



 

Xin mạnh dạn chen ngang ý kiến của TS Bùi Trần Phượng

Nguyễn Đình Cống

08/02/2024

https://baotiengdan.com/2024/02/08/xin-manh-dan-chen-ngang-y-kien-cua-ts-bui-tran-phuong/

 

Đó là việc chen ngang vào video clip có tựa đề “TS Bùi Trân Phượng: Giáo dục là khai phóng, khai phóng là tự do”.

 

VIDEO :

TS. Bùi Trân Phượng: "giáo dục là khai phóng, khai phóng là tự do || Educator || E15SS11G15

https://www.youtube.com/watch?v=l6dNHrHQy3Y

 

Video được phát trên YouTube dài trên 4 tiếng đồng hồ, nội dung phong phú, những điều đã được trình bày là đúng, hay, chặt chẽ, bổ ích, tưởng như chỉ có thể ca ngợi mà không có một sơ hở nào để chen vào nhằm góp ý kiến bổ sung. Vì thế nên tôi mới “xin mạnh dạn chen ngang” sau khi đã nghe một lần toàn bộ, tiếp thu được một số ý kiến hay về “bản chất” của giáo dục là khai phóng (không khai phóng thì là một thứ gì đó chứ không phải là giáo dục.

 

Qua việc theo dõi video đã dẫn và tìm hiểu thêm, tôi cảm phục và đánh giá cao phẩm chất của nhà hoạt động giáo dục (GD), nhà khoa học Bùi Trần Phượng (sinh năm 1950, từng là hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen trong 20 năm), được đánh giá là một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam. Theo tôi, bà là một trong số ít người có ảnh hưởng tốt trong GD. Tuy vậy, sau khi nghe lại vài đoạn quan trọng của video, tôi cảm thấy có một cái gì đó thiêu thiếu và khi nghĩ đến mệnh đề “nhân bất thập toàn”, tôi mới mạnh dạn viết bài này, không phải nhằm vào những vấn đề đã được trình bày, mà nhằm vào vài vấn đề cần nhưng chưa được đề cập hoặc chỉ mới được đề cập sơ qua.

 

Bà Phượng và người dẫn chương trình đã nhiều lần nói đến thực trạng bi đát, suy thoái của nền giáo dục Việt Nam hiện nay với từ “nền giáo dục” kèm các định ngữ “bệnh hoạn, khuyết tật, lạc lối”.

 

Tôi phát hiện ra một số vấn đề muốn trao đổi, nhưng trước mắt chỉ xin hạn chế trong ba vấn đề sau:

 

1- Nguyên nhân cơ bản nào gây ra tình trạng suy thoái của GD Việt Nam, đặc biệt từ sau năm 1975 và cần quy trách nhiệm chính cho ai.

 

2- Bà Phượng bàn nhiều đến GD gia đình và sự tự học của người lớn, đề cập chưa đúng mức đến sự bắt đầu của khai phóng trong nhà trường phổ thông.

 

3- Trong các biện pháp khắc phục, bà Phượng quan tâm nhiều đến vai trò cá nhân, đã bỏ sót một nhân tố khá quan trọng là đường lối giáo dục của nhà nước.

 

Tôi sẽ xin trình bày tương đối kỹ hơn về từng vấn đề.

 

 

1. Phân tích nguyên nhân và trách nhiệm

 

Theo tôi, nguyên nhân cơ bản gây ra sự suy thoái (chính xác hơn là sự lạc lối, lạc phương hướng của GDVN) nằm trong chủ nghĩa Mác – Lê nin mà lãnh đạo nhà nước kiên trì theo đuổi, làm cho việc dạy học ở các trường không thể xem là giáo dục vì nó không có tính khai phóng. Chịu trách nhiệm trước hết về việc này là những người lãnh đạo cao cấp của nhà nước rồi đến lãnh đạo của Bộ GD.

 

Trước đây tôi đã viết và công bố bài “Ai phải chịu trách nhiệm chính về sự suy thoái của GD”. Hy vọng rằng những người quan tâm đến GD như bà Phượng có dịp xem qua và góp ý thảo luận. Tôi sẽ rất vui khi những ý kiến được chấp nhận hoặc bị phản bác và đưa ra được nguyên nhân, cũng như người chịu trách nhiệm chính xác hơn, vì rằng không thể tìm được biện pháp đúng để khắc phục thảm họa của GD nếu chưa tìm được nguyên nhân và quy được trách nhiệm chính cho ai đó. Tôi nghĩ rằng mình biết chuyện này không hơn gì bà Phượng, bà chưa nói ra chỉ vì chưa có dip thuận tiện mà thôi, hoặc có thể bà còn bị vướng ở một chỗ nào đó mà chưa khẳng định được.

 

 

2. Sự bắt đầu của khai phóng

 

Bản chất của GD là khai phóng và cốt lõi của khai phóng nằm ở giáo dục gia đình và trường phổ thông, lúc trẻ còn bé, trong giai đoạn quan trọng về hình thành tính cách trước 5-6 tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ chưa có đủ trí khôn, phần lớn những điều được tiếp nhận một cách bị động và trở thành tính cách, hình thành thói quen. Mà để làm người được khai phóng, được tự do thì tính cách quan trọng hơn kiến thức. Vậy trước khi có đủ trí khôn để suy nghĩ, để tự khai phóng, thì rất cần sự hướng dẫn cho trẻ biết và thực hành khai phóng. Nhiệm vụ này đặt lên vai của những người tham gia giáo dục trẻ ngay từ khi còn rất bé.

 

Bà Phượng có nhiều năm làm việc với sinh viên và giáo viên đại học. Họ là những người lớn. Phải chăng vì thế mà bà ít quan tâm đến cốt lõi của khai phóng. Nó được bắt đầu bằng sự chủ động suy nghĩ của người học. Khi người học chưa quen suy nghĩ thì thầy giáo phải tổ chức được sự suy nghĩ ấy. Tôi đã không thành công với sinh viên Việt Nam, kể cả học viên cao học trong việc này (vì họ quen thói lười suy nghĩ từ trước), nhưng tôi lại khá thành công khi làm chuyên gia GD ở châu Phi và Lào, ở đó sinh viên đã được khai phóng từ phổ thông.

 

 

3. Nhân tố quan trọng trong GD

 

Một đặc điểm khác ở Việt Nam so với nhiều nước phát triển là toàn bộ nền giáo dục được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Vì vậy, sự lãnh đạo đó là một nhân tố quan trọng, thậm chí quyết định việc giáo đục đi theo hướng nào.

 

Thế nhưng trong sự trình bày của bà Phượng, tôi không nghe được có đoạn nào bàn đến vai trò và trách nhiệm của Đảng. Tôi nghe rõ nhất đoạn bà Phượng nói đến cách khắc phục sự suy thoái, sự lạc lối của GD, đó là sự tự giác học tập của mỗi người mà quan trọng nhất là tự học đúng phương pháp. Đúng, tự học là quan trọng, nhưng để tự học có kết quả cần phải có vài điều kiện nào đó.

 

Tình trạng bi đát của GD thì nhiều người thấy rõ, nhưng thấy rồi mà chỉ biết kêu ca, chửi bới thì chỉ làm hại mình, hại người.

 

Bà Phượng mong ước có được nhiều, rất nhiều người có sự hiểu biết như bà về khai phóng cho GD, nhưng chưa biết làm sao để đạt được. Xin bà tham khảo ý sau này của tôi: Trong một tổ chức, một đất nước, một công việc chung, dù hay, dù tốt đến mức nào, muốn thực hành có hiệu quả thì nó phải được biến thành nhận thức và tình cảm của những người đứng đầu tổ chức (hoặc đất nước).

 

 

4. Thay lời kết

 

Tôi cảm phục và kính trọng bà Phượng, hình dung bà như con chim Phượng cất tiếng hót hay giữa bầu trời giông bão, nhưng trong tiếng hót ấy hình như ẩn chứa tâm trạng “kinh cung chi điểu” (Phải cung rày đã sợ làn cây cong – Nguyễn Du). Tôi lấy làm vinh dự khi được bà đọc và có ý kiến về bài này. Sẽ vinh dự hơn khi được trao đổi ý kiến nếu như bà không xem tôi là một lão già lẩm cẩm mà liên lạc qua email: ndcong37@gmail.com

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats