Friday, 2 February 2024

ĐÔI LỜI TRAO ĐỔI VỚI NHÀ BÁO MAI NGỌC, ĐÀI PT&TH THANH HÓA (Thái Hạo)

 



Đôi lời trao đổi với nhà báo Mai Ngọc, đài PT&TH Thanh Hóa

Thái Hạo

02/02/2024

https://baotiengdan.com/2024/02/02/doi-loi-trao-doi-voi-nha-bao-mai-ngoc-dai-ptth-thanh-hoa/

 

Trong sự kiện học sinh được phân công “cúi chào ô tô” giữa gió rét căm căm ở trường THCS Trần Mai Ninh (TP. Thanh Hóa) và đã gây bão dư luận những ngày qua, bên cạnh nhiều giáo viên, học sinh tham gia công kích, chửi bới những người nêu ý kiến trên mạng thì còn có cả phụ huynh – phóng viên.  

 

Hình bên dưới là ảnh chụp status của phóng viên Mai Ngọc (mảng Văn hóa, đài PT&TH Thanh Hóa), đặc biệt, chị lại đang có con theo học trường THCS Trần Mai Ninh, như chính lời chị khẳng định.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/02/1-4.jpg

 

Và bài viết đã được nhiều phụ huynh cùng đồng nghiệp của chị nhiệt liệt hưởng ứng và tán thưởng. Là một người quan tâm tới văn hóa, báo chí và đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, tôi thấy cần trao đổi đôi điều về bài viết mà tôi cho là nhiều nguy hại này.

 

Trước hết, phóng viên Mai Ngọc đã tráo đổi bản chất vấn đề để đưa ra đánh giá và dẫn dắt nhằm làm lạc hướng nhận thức của bạn đọc. Cái được ông Hoàng Tuấn Công đăng lên mạng và có ý kiến không phải là việc chào hỏi như một nét văn hóa tự nhiên, lành mạnh và thông thường giữa người với người – điều đó không có gì phải bàn bạc và tranh cãi cả; mà ở đây là chuyện học sinh được phân công trực cổng và phải cúi chào mỗi khi có ô tô ra vào. Tại sao lại có những phân công và nhiệm vụ kỳ quặc như vậy, xưa nay người ta chào nhau một cách tự nhiên chứ không ai đi chào cái ô tô cả!

 

Xin hỏi, có thầy cô giáo nào biết yêu thương học trò mà khi đi qua một cánh cổng như thế, trông thấy các em đang đứng co ro trong rét mướt hàng tiếng đồng hồ và gập người chào mình, lại không mau chóng tiến lại mà bảo các em “hãy lên lớp đi, đừng đứng đây nữa”? Thậm chí cần phải cấm các em làm như thế nếu đó là hành động tự nguyện của chính chúng nó. Chỉ có những trái tim lạnh ngắt vì đã đóng băng mới có thể thản nhiên đi qua một hình ảnh gây xót xa như thế.

 

Phóng viên Mai Ngọc thay vì nhìn nhận đúng bản chất của sự việc [nhiệm vụ chào ô tô] để có tiếng nói trung thực thì lại bẻ sang một vấn đề khác hẳn [văn hóa chào hỏi], hòng dẫn dắt dư luận, điều đó thật khó chấp nhận với tư cách một nhà báo.

 

Phóng viên Mai Ngọc viết tiếp, “mình tin là không có bất cứ ai bắt hay xui các con. Hôm ấy nhà trường có sự kiện, khách ra vào nhiều, các con cúi chào, đó là phản ứng tự nhiên mà lâu nay các con vẫn làm”. Nếu ở trên là đánh tráo bản chất vấn đề thì đến đây phóng viên Mai Ngọc đã đi thêm một bước dài: Bịa đặt thông tin. Việc trực cổng và cúi chào ô tô này là nhiệm vụ thường xuyên hàng ngày của học sinh được phân công cụ thể và đã diễn ra nhiều năm nay, mà chính hiệu trưởng cũng đã xác nhận với báo chí, chứ không phải vì “Hôm ấy nhà trường có sự kiện, khách ra vào nhiều”. Lịch phân công trực cổng của trường THCS Trần Mai Ninh:

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/02/1-5-285x420.jpg

Ảnh chụp lịch công tác, trong đó có lịch trực cổng, phân công cho học sinh của trường THCS Trần Mai Ninh.

 

Việc phân công nhiệm vụ trực và cúi chào này là công khai và chắc chắn nhiều phụ huynh cùng toàn thể học sinh nhà trường đều biết, nay một phóng viên thản nhiên nói dối như thế trước cả thế giới thì các cháu còn biết tin vào ai? Lưu ý, học sinh THCS hiện nay hầu hết đều có dùng Facebook, cô Mai Ngọc không sợ các cháu đọc được hay sao?

 

Chúng ta giáo dục thế hệ trẻ trước hết phải bằng sự trung thực của chính mình, nhưng nay một người lớn, lại là phụ huynh nhà trường và đồng thời là một phóng viên mà có thể đổi trắng thay đen ngay trước cả nghìn con mắt học sinh như thế thì rõ ràng đang trực tiếp hủy hoại đi các giá trị nền tảng nhất, khiến các em cũng sẽ trở thành những người nói dối không biết ngượng khi nào không hay.

 

Nghiêm trọng hơn nữa, là một phụ huynh và biết đây là nhiệm vụ hàng ngày của học sinh chứ không phải “Hôm ấy nhà trường có sự kiện, khách ra vào nhiều” nhưng tại sao phóng viên Mai Ngọc lại cố tình lái sang vấn đề khác và bịa đặt ra một thông tin để bao biện như thế? Điều này chỉ có thể giải thích được khi chính cô cũng đã thấy rằng việc “cúi chào ô tô” trong hoàn cảnh ấy là sai và phản cảm, vì thế cô mới có chủ ý lái vấn đề đi chỗ khác.

 

Vậy là từ việc sử dụng tiểu xảo (đánh tráo vấn đề) rồi đưa thông tin sai sự thật thì đến đây, phóng viên Mai Ngọc đã thể hiện một động cơ có chủ đích, là thay vì phản ánh trung thực sự việc, cô đã quay ra bảo vệ cái sai và chỉ trích những người lên tiếng.

 

Đến đây, có thể thấy, bài viết của phóng viên Mai Ngọc không phải là một sự nhẹ dạ, bồng bột hay thiếu hiểu biết, mà còn hơn thế: Chủ ý sử dụng ngòi bút và năng lực viết lách của mình cho mục đích “không trong sáng”. Oái oăm thay, trong những bình luận trả lời bạn đọc dưới bài viết của mình, phóng viên Mai Ngọc lại chụp lên đầu những người lên tiếng là có “động cơ”, “động cơ xấu”, là “toan tính”, là “lái dư luận”, là “lợi dụng mạng xã hội để câu like câu view vì động cơ cá nhân”…

 

Bảo vệ nhà trường hay ai đó, trước hết phải là để bảo vệ học sinh. Bảo vệ sức khỏe, bảo vệ một môi trường giáo dục chuẩn mực, thân thiện và nhân văn để các em được phát triển và hoàn thiện nhân cách, đó nên là tôn chỉ của bất cứ ai đang làm công việc xã hội.

 

Trước mỗi sự kiện xã hội, bất cứ ai cũng có quyền nói ra quan điểm của mình và thẳng thắn tranh luận nếu muốn, nhưng phải tuân thủ những nguyên tắc văn hóa cơ bản mà điều đầu tiên là sự trung thực (không bịa đặt thông tin, không bóp méo và đánh tráo vấn đề, không bẻ cong quan điểm của người khác…), thứ đến là ý thức tìm kiếm sự thật và cuối cùng là hướng vào việc xây dựng các giá trị tiến bộ chung cho xã hội. Tiếc thay, tất cả những điều phải làm và cần làm nhất này đều vắng bóng trong bài viết của phóng viên Mai Ngọc.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats