Thursday, 16 November 2023

UKRAINA PHẢN CÔNG THẤT BẠI VÀ NHẬN ĐỊNH CỦA NGA (MInh Anh / RFI)

 



Ukraina phản công thất bại và nhận định của Nga

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 15/11/2023 - 13:33

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20231115-ukraina-ph%E1%BA%A3n-c%C3%B4ng-th%E1%BA%A5t-b%E1%BA%A1i-v%C3%A0-nh%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%8Bnh-c%E1%BB%A7a-nga

 

Ngày 01/11/2023, tổng tư lệnh quân đội Ukraina, tướng Valery Zaluzhny trả lời phỏng vấn tuần báo kinh tế Anh The Economist thừa nhận cuộc phản công đã thất bại. Cùng ngày, Vassily Kashin, một trong số các chiến lược gia lớn của Nga, có bài phân tích về thực trạng cuộc chiến tại Ukraina, cũng như là khả năng tiến triển cuộc xung đột. Theo tác giả, thất bại của Ukraina hiện nay là do những tính toán sai lầm về chiến lược của Kiev và đồng minh phương Tây.

 

https://s.rfi.fr/media/display/78efb460-83a5-11ee-853d-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23314616444388.webp

Cảnh tan hoang sau một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga tại làng Kiseliovka, gần Kherson, miền nam Ukraina, ngày 10/11/2023. AP - Efrem Lukatsky

 

Trang mạng Conflit của Pháp trước hết cho biết, Vassily Kashin, là tiến sĩ ngành Khoa học Chính trị, Viện Viễn Đông Nga. Bài nhận định này được đăng trên báo Nga Profil, một tờ báo chuyên viết về các chủ đề kinh tế và đối ngoại. Cũng theo trang Conflit, việc dịch và giới thiệu bài viết còn nhằm cho thấy rõ những nhận định của Nga về diễn biến cuộc xung đột này. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu bài viết này.  

 

                                                      ***********

 

Thất bại của cuộc phản công và những hậu quả

 

Trước hết, tác giả Vassily Kashin nhắc lại, mục đích cuộc phản công của Ukraina là giáng cho Nga một đòn thất bại chiến lược nặng nề qua việc cắt hành lang trên đất liền nối với bán đảo Crimée. Thế nhưng, từ đầu cuộc phản công đến nay, Ukraina chưa bao giờ chọc thủng được hàng phòng ngự do quân Nga thiết lập.  

 

Trong cuộc phản công tại Kharkov tháng 9/2022 và Kherson giai đoạn tháng 8-11/2022, thắng lợi thu được rất hạn chế. Ukraina đã thiệt hại nặng nề trước một đội quân Nga đã bị kiệt sức, quân số cực kỳ ít, phải chiến đấu trên một chiến tuyến dài. Chỉ đến khi các trạm vượt sông Dniepr có nguy cơ bị phá hủy, quân Nga mới rút về phía tả ngạn.  

 

Quan sát những gì đã diễn ra, dường như thiếu thận trọng nếu kỳ vọng Ukraina sẽ có được những thành công trong những điều kiện mới hiện nay. Vào mùa hè 2023, quân số Nga ở thế áp đảo. Tuyến phòng thủ đã được trang bị và gia cố hoàn hảo. Việc huy động ngành công nghiệp quốc gia bắt đầu mang lại kết quả rõ ràng.  

 

Vì vậy, mục tiêu thật sự của cuộc phản công không phải là để chiến thắng quân đội Nga hiện đang kiểm soát lối vào biển Azov, mà là buộc Matxcơva phải đàm phán trong những điều kiện có lợi cho phương Tây. Nhưng để làm được điều này, phương Tây trước tiên phải cho thấy là Ukraina vẫn giữ được thế chủ động chiến lược, tiếp đến là giáng những đòn thiệt hại nặng nề cho quân đội Nga, điều này sẽ gây mất ổn định tình hình trong nước, và cuối cùng có những tiến bộ cho phép Ukraina tuyên bố chiến thắng.  

 

 

Khủng hoảng chiến lược Ukraina  

 

Cuộc phản công của Ukraina theo đuổi những mục tiêu chính trị nhiều hơn là chiến lược và tiêu chí chính của sự thành công dường như là diễn biến tâm lý xã hội Nga và việc đánh giá tình hình của giới lãnh đạo Nga. Đây là kế hoạch đặc trưng chủ yếu của Kiev trong suốt cuộc xung đột. Phần lớn những nỗ lực này của Ukraina, và có thể hầu hết những tổn thất của nước này, đều có liên quan đến những chiến dịch được thiết kế nhằm tạo ra một hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.   

 

Điều này được thể hiện rõ qua các kiểu hành động như việc bảo vệ ngoan cường những thành phố được cho là « pháo đài » trong những điều kiện rõ ràng là bất lợi, những cuộc đột nhập đầy rủi ro của các đơn vị phá hoại được huấn luyện đặc biệt vào vùng lãnh thổ cũ của Nga hay như tấn công vào những mục tiêu mang tính biểu tượng tại các thành phố của Nga (điện Kremlin, các tòa nhà chọc trời tại Matxcơva)…  

 

Có thể chiến lược này là kết quả của một sự thiếu suy nghĩ muốn đưa vào xã hội Nga những tư duy kiểu phương Tây về thái độ của công chúng đối với chiến tranh, được hình thành tại Mỹ và châu Âu qua các chiến dịch quân sự ở nước ngoài,  như cuộc chiến tranh Việt Nam và Irak.  

 

Tác giả Vassily Kashin ví von Ukraina đang đóng vai một ông thầy dạy võ tồi trong một bộ phim võ thuật Hồng Kông cũ xưa, khi dùng tay điểm huyệt, mong làm tê liệt khả năng gây hại của một đối thủ được cho là có thể lực và thân hình vạm vỡ. Nhưng vị sư phụ này lại không rành về giải phẫu học nên luôn điểm sai huyệt, đánh vào những nơi có rất ít đầu dây thần kinh.    

 

Còn đối với NATO, tác giả lưu ý, xã hội Nga chỉ đồng ý thừa nhận thất bại và rút khỏi cuộc xung đột sau nhiều thất bại cay đắng trên chiến trường (bị bao vây và bị đánh bại bởi các đạo quân lớn). Bất kỳ một thất bại nhỏ hơn nào cũng chỉ sẽ khuyến khích Nga sử dụng ngày càng nhiều các nguồn lực của mình để giành lấy chiến thắng. Và trên phương diện này, rõ ràng Nga chiếm ưu thế vượt trội so với Ukraina (kể cả gộp toàn bộ các phần hỗ trợ của phương Tây).  

 

 

Tầm nhìn của phương Tây cho hồi kết của xung đột  

 

Thất bại của « cuộc phản công » cho thấy rằng chiến lược nhằm chấm dứt xung đột trong những điều kiện có thể chấp nhận được cho phương Tây đã rơi vào bế tắc. Vậy đó là những điều kiện gì ?  

 

Mỹ và các nước đồng minh chưa bao giờ nghiêm túc xem xét việc trở lại với đường biên giới năm 1991 hoặc trước ngày 23/02/2022. Vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina cũng không nằm trong số các ưu tiên của Mỹ và các nước đồng minh. Tương tự, mong muốn sáp nhập nhiều vùng lãnh thổ mới cũng không phải là động lực chính để Matxcơva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.  

 

Theo Vassily Kashin, nguyên nhân của cuộc xung đột là sự bất đồng về vị trí của Ukraina trong hệ thống an ninh khu vực. Nga đã tìm cách trừ khử Ukraina như là một nguồn đe dọa tiềm tàng khi buộc nước này phải giữ vị thế trung lập và chấp nhận các hạn chế đối với ngành công nghiệp quốc phòng và lực lượng vũ trang của mình.  

 

Đối với Hoa Kỳ, điều quan trọng là phải giữ Ukraina như là một đầu cầu quân sự tiềm năng. Do đó, đối với Washington, kết quả của cuộc xung đột có thể chấp nhận được là Ukraina mất một phần lãnh thổ đáng kể, nhưng vẫn là một tiền đồn của Mỹ - với việc sau đó tái vũ trang, triển khai các căn cứ quân sự của Mỹ… Nói một cách khác, đối với Mỹ, Ukraina mất bao nhiêu đất không quan trọng, miễn là nước này vẫn có khả năng tồn tại về mặt kinh tế, nghĩa là Ukraina kiểm soát các trung tâm kinh tế và chính trị chính của mình.  

 

Bằng cách chấm dứt cuộc xung đột trong những điều kiện như vậy trong tương lai gần, Hoa Kỳ có thể tạm thời giảm chi tiêu hậu thuẫn quân sự cho Kiev, và như vậy, chúng có tác dụng « đóng băng » xung đột. Điều đó có thể giúp Hoa Kỳ tập trung vào những cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại nhiều vùng khác nhau trên thế giới, và nhất là tập trung nỗ lực để kềm hãm Trung Quốc.  

 

Trong tương lai, với việc Ukraina được hội nhập vào hệ thống các định chế phương Tây và lãnh đạo bởi một chế độ dân tộc chủ nghĩa bài Nga, Washington rất có thể lại sử dụng nước này vào bất kỳ lúc nào như là một công cụ quân sự để ngăn chặn hay đánh bại Nga về mặt chiến lược.  

 

 

Còn Nga tìm kiếm điều gì ?

 

Đối với Matxcơva, một kết quả như vậy đồng nghĩa với khả năng cao xảy ra một cuộc chiến mới, có sức tàn phá lớn hơn rất nhiều, có lẽ trong một tương lai không xa. Tất nhiên, cuộc chiến tranh này không được định trước. Ngay cả khi giả định rằng cuộc xung đột kết thúc trong những điều kiện chấp nhận được đối với Washington, nhưng nhiều vấn đề khác có thể chuyển hướng xấu.  

 

Chẳng hạn, Hoa Kỳ rất có thể sẽ bị sa lầy trong các cuộc xung đột ở Trung Đông với Iran và các đồng minh, và tại Viễn Đông với Trung Quốc và Đài Loan. Nếu như Mỹ gặp khó khăn tại những vùng này trên thế giới, họ sẽ chẳng thể nào quay lại với dự án tái thiết và tái vũ trang Ukraina.  

 

Tuy nhiên, vấn đề ở đây chỉ là những xác suất, phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà theo đó Nga có ít, thậm chí là không có tầm ảnh hưởng nào. Thế nên, kế hoạch của Nga phải được dựa trên những kịch bản xấu nhất, đó là việc tái vũ trang nhanh chóng Ukraina. Vì vậy, nhìn từ quan điểm của Matxcơva, NATO không chấm dứt tồn tại chừng nào hiểm họa này không được loại bỏ.    

 

Tháng 3/2022, Nga đã tiến gần đến việc chấp nhận một thỏa thuận hòa bình, theo đó, nước này sẽ không chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ mới, nhưng sẽ nhận được các bảo đảm về phi quân sự hóa và thế trung lập của Ukraina. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị cản trở do sự can thiệp trực tiếp từ Mỹ và Anh theo như nhiều nguồn tin đáng tin cậy.  

 

Kể từ đó, tình hình đã thay đổi. Nga phải đối mặt với nhiệm vụ bảo vệ các đường biên giới bên ngoài của bốn vùng lãnh thổ mới. Theo quy định của Hiến Pháp Nga, mọi thỏa hiệp về lãnh thổ là điều không thể. Mối đe dọa cao về các hành động khiêu khích, phá hoại hay hành động khủng bố từ phía Ukraina có thể tạo ra nhu cầu vươn tới những đường biên giới khác.   

 

Trong mọi trường hợp, vấn đề vùng lãnh thổ sẽ được giải quyết trên chiến trường. Biên giới hiện nay có nhiều khả năng sẽ nằm dọc theo đường tiếp xúc giữa hai bên tại thời điểm ngưng bắn.  

 

 

Cân bằng lực lượng  

 

Vị thế chiến lược của Ukraina đang xấu đi. Nhiều dấu hiệu cho thấy Kiev đang kiệt nguồn nhân lực, như việc cho phép huy động nhập ngũ từ người học ở bậc sau đại học, nữ bác sĩ cho đến người tàn tật, người mắc các chứng bệnh nhiễm khuẩn mãn tính, rối loạn tâm thần hay như cưỡng ép tòng quân, đánh đập những người trốn lính... Những tổn thất về nhân mạng cao hơn khả năng bù đắp, đến mức Ukraina khó thể trụ được trong lâu dài.  

 

Hệ quả của việc đổi mới liên tục danh sách thứ hạng công dân thuộc diện phải nhập ngũ đang hạ thấp chất lượng tân binh và làm tăng số lượng nạn nhân trên chiến trường. Tất cả những động thái này chỉ nhằm đổi lấy sự tồn tại mong manh của một Nhà nước mà khả năng kiểm soát xã hội đang bị hạn chế vì nạn tham nhũng và trốn lính lan tràn.  

 

Từ những quan sát này, tác giả người Nga này nhận định, phương Tây sai lầm khi cho rằng cả Ukraina và Nga khó thể tiến hành các cuộc phản công quy mô lớn. Nếu như điều này đúng đối với trường hợp của Ukraina thì không có gì cho phép kết luận là Nga không thể có bước đột phá trên chiến trường.  

 

So với đối phương, quân đội Nga liên tục gia tăng quân số và tăng cường trang bị nhiều loại vũ khí mới hiện đại hơn cả về mặt số lượng và chất lượng (drone trinh sát, các loại đạn pháo có thể khả năng tấn công một cách tự chủ nhờ vào trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhận dạng…). Những loại vũ khí mà một năm trước đây Nga đã không có, giờ có thể cho phép quân đội Nga ở trong thế « ngang bằng vai vế », thậm chí vượt xa đối thủ.  

 

Cuối cùng, xung đột bùng phát ở Trung Đông ngày 07/10/2023, và mối đe dọa ngày càng lớn về một cuộc khủng hoảng chính trị - quân sự lớn xung quanh Đài Loan trong năm 2024 đã dẫn đến hệ quả là Mỹ phân bổ lại các nguồn lực quân sự và giảm hỗ trợ cho Ukraina. Vì vậy, khả năng tiến hành một cuộc tấn công lớn từ nay phụ thuộc nhiều vào năng lực triển khai các chiến thuật mới của quân đội Nga để vượt qua cuộc khủng hoảng « dậm chân tại chỗ » hiện nay. Nếu như khai thác được những năng lực chiến thuật và kỹ thuật mới, sự năng động của cuộc xung đột có thể thay đổi triệt để.

 

--------------------------------

Các nội dung liên quan

 

UKRAINA - LIÊN ÂU

Hồ sơ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Ukraina vẫn gặp nhiều trở ngại

 

CHIẾN TRANH UKRAINA

Ukraina: Thủ đô Kiev bị Nga tấn công

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats