Monday 20 November 2023

TRUNG QUỐC DẪN ĐẦU LAO ĐỘNG KHỔ SAI TRONG NGÀNH THỦY SẢN (Người Việt)

 



Trung Quốc dẫn đầu lao động khổ sai trong ngành thủy sản

Người Việt

November 19, 2023

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/trung-quoc-dan-dau-lao-dong-kho-sai-trong-nganh-thuy-san/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Các điều kiện làm việc ép buộc, độc hại, đôi khi giống như nô lệ, bị phát giác trên gần 500 thuyền ngư phủ công nghiệp trên khắp thế giới, nhưng việc nhận dạng những người chịu trách nhiệm về hành vi lạm dụng trên biển bị cản trở do thiếu minh bạch và giám sát theo quy định, theo kết luận từ một bản phúc trình mới.

 

Nghiên cứu từ Liên Minh Minh Bạch Tài Chánh, tổ chức bất vụ lợi đặt tại Washington DC chuyên theo dõi các dòng tiền bất hợp pháp, là nỗ lực toàn diện nhất cho tới nay nhằm truy tìm các công ty vận hành tàu thuyền nơi hàng chục ngàn công nhân mỗi năm ước tính bị kẹt trong điều kiện không an toàn.

 

Phúc trình công bố hôm Thứ Tư, 15 Tháng Mười Một cho thấy một phần tư số lượng tàu thuyền bị tình nghi lạm dụng công nhân đều treo quốc kỳ Trung Quốc, sở hữu đội tàu viễn dương thống trị hoạt động đánh bắt cá trên biển, những khu vực có truyền thống vô luật pháp nằm ngoài phạm vi quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào. Tàu thuyền của Nga, Tây Ban Nha, Thái Lan, Đài Loan và Nam Hàn cũng bị cáo buộc ngược đãi ngư dân.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/GettyImages-76182976-1536x1024.jpg

Hình chụp ngày 20 Tháng Tám, 2007, ở Thượng Hải, Trung Quốc, nơi hơn 100 con tàu đánh cá dồn các mẻ lưới trên một bến cảng (Hình minh họa: China Photos/Getty Images)

 

Theo các tác giả của phúc trình, lao động cưỡng bức trong ngành thủy sản là hiện tượng hiếm khi quan sát được nhưng phổ biến, ngày càng được coi là “cuộc khủng hoảng nhân quyền lan rộng.” Hãng tin AP vào năm 2015 phát giác ra hoàn cảnh ngặt nghèo của hàng ngàn công nhân nhập cư từ Miến Điện, Cambodia và Lào bị lạm dụng khi làm việc trên tàu Thái Lan với chuyến đánh bắt thường kết thúc hải trình ở Hoa Kỳ.

 

Trên toàn cầu, có tới 128,000 ngư dân phải đối diện với các mối đe dọa bạo lực, nợ nần, làm thêm giờ quá mức và các điều kiện lao động khổ sai khác, theo Tổ Chức Lao Động Quốc Tế Liên Hiệp Quốc.

 

Các công ty Hoa Kỳ và Âu Châu đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc làm sạch chuỗi cung ứng trong các lãnh vực sử dụng nhiều lao động, với tình trạng lạm dụng công nhân diễn ra phổ biến. Lực Lượng Đặc Nhiệm Hành Động Tài Chánh do Nhóm G7 với bảy nền dân chủ thịnh vượng nhất thành lập, phát giác tình trạng khai thác quặng mỏ và gỗ bất hợp pháp là nguyên nhân chính dẫn tới rửa tiền và khuyến khích các thành viên G7 thiết lập cơ sở dữ liệu công khai nhằm nâng cao nhận thức về các nguồn tiền dung túng cho tội phạm môi trường.

 

Tuy nhiên, ngành thủy sản cho tới nay vẫn đang nằm ngoài sự giám sát tương tự, một phần vì các chính phủ thường thiếu cách thức quản lý các sự việc cách đất liền hàng trăm dặm. Tuần này, chính quyền Tổng Thống Joe Biden quyết định từ bỏ kế hoạch mở rộng Chương Trình Giám Sát Nhập Cảng Hải Sản hàng đầu được áp dụng để ngăn chặn đánh bắt trái phép và lao động cưỡng ép trên tàu ngoại quốc, cung ứng khoảng 80% lượng hải sản cho dân Mỹ.

 

Cơ Quan Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia NOAA cho biết hôm Thứ Ba họ quyết định tạm gác kế hoạch mở rộng sau khi nhận được phản hồi từ công chúng về những thay đổi cho quy tắc được đề nghị và thay vào đó sẽ tập trung chú ý cải thiện tác động của chương trình giám sát nhập cảng hiện tại, gồm có khoảng 1,100 loài trên biển.

 

Một trở ngại khác cho tính minh bạch: những kẻ phạm tội thường được cấp phép bởi các chính phủ như Panama và Belize lâu nay nổi tiếng về bảo mật tài chánh và giám sát tối thiểu đội tàu của họ. Trong số các tàu bị nghi ngờ lạm dụng và được Liên Minh Minh Bạch Tài Chánh phát giác quyền sở hữu, 18% treo quốc kỳ các công ty tiện lợi để né kiểm tra nghiêm ngặt và che giấu tổ chức cổ đông.

 

Bản phúc trình nhận dạng hai công ty Trung Quốc – công ty ZheJiang Hairong Ocean Fisheries Co. và Pingtan Marine Enterprises – là những công ty vi phạm nặng nề nhất, với lần lượt 10 và 7 tàu bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Công ty quốc doanh thứ ba, China National Fisheries Corp., có 5 tàu vi phạm.

 

Liên Minh Minh Bạch Tài Chính truy lùng các bản phúc trình từ chính phủ, trương mục truyền thông và khiếu nại của các nhóm vận động để đưa ra danh sách 475 tàu bị tình nghi có lao động cưỡng bức từ năm 2010. Trong số đó, thông tin về quốc kỳ chỉ có được khoảng một nửa trong tổng số – một dấu hiệu khác tổ chức cho biết về sự cần thiết phải minh bạch quyền sở hữu hơn. (TTHN)

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats