NGHỀ
GIÁO CÓ ĐƯỢC TÔN VINH THẬT KHÔNG?
Tối nay, tự dưng ông hàng xóm sang chơi. Ông trao cho bó hoa. Ông nói rằng
mấy ngày nay không thấy học trò đến thăm nên mạo muội tặng tôi một bó hoa cho
vui. Tôi trố mắt và miễn cưỡng nhận. Rồi mời trà ông. Ông nâng tách trà và hỏi:
- Tôi hỏi câu này khí không phải. Ông giáo vào nghề đã bao nhiêu năm?
Ông giáo có thấy nghề của mình được tôn vinh thật không?
Tôi hụt hẫng nhìn bó hoa. Rồi cũng lựa lời trả lời ông:
- Nếu không cầm súng thì đã 35 năm. Có lẽ mình tự tôn vinh mình hơn là
mong thiên hạ tôn vinh, ông ạ.
Ông hàng xóm chăm chắm vào mắt tôi:
- Tôi thấy hoa, quà bán đầy đường. Phụ huynh, học sinh, sinh viên mua
nườm nượp. Cả thiên hạ đang hướng vào nhà giáo đấy chứ?
Tôi bật cười:
- Hoa, quà cũng chỉ là hình thức. Cả thiên hạ hướng vào nhà giáo chưa hẳn
đã tôn vinh. Có khi nào ông nghe họ vừa mua vừa chửi không? Tôi thì nghe rồi.
Thậm chí còn thấy học trò viết trên nhóm của chúng: "Tớ đang bị cô giáo
đì. 20.11 này, cái con mẹ ấy thích ăn gì tớ cúng!"
Ông hàng xóm cũng cười theo:
- Nhưng bó hoa của tôi không là hình thức đâu nhé. Tôi nghĩ tôn vinh
hay không thì trước hết thầy phải ra thầy. Thầy không ra thầy thì học trò gọi bằng
thằng cũng đáng.
Tôi giải thích thêm cho ông hiểu:
- Thiên hạ ở cái xã hội bây giờ giả cả ông ạ. Thời bao cấp, tôi thi vào
sư phạm, đã từng nghe thiên hạ nói: "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm".
Họ nói lái: "Thầy giáo tháo giày", "Giáo chức dứt cháo". Có
nghĩa là xưa họ chê nhà giáo cùng đường, nghèo. Nay nhà giáo không nghèo nữa
nhưng lại bị họ khinh là tham! Họ bày trò hoa, quà để tỏ ra tôn vinh, nhưng rất
khinh...
Ông hàng xóm hôm nay lịch sự hơn mọi hôm. Ông im lặng và mặt buồn rười
rượi. Ông hỏi:
- Hỏi thật, ông giáo có tham không?
- Có - Tôi đáp ngay - Nói không tham là đạo đức giả. Vì tham mà tôi cố
gắng lao động để kiếm nhiều tiền. Còn tham của người khác thì tôi phải tự kiềm
chế. Hồi trẻ từng nhận phong bì của học viên, sau này thấy xấu hổ muốn chết đi
được!
Ông cúi đầu lảm nhảm cái câu tôi nói đầu tiên: "Có lẽ nhà giáo tự
tôn vinh mình hơn là mong thiên hạ tôn vinh". Bỗng ông thốt lên:
- Chắc là mắc bệnh hoang tưởng cả. Nhưng ông giáo nói vậy có sợ người
ta chụp mũ "tội làm nhục nghề giáo" không?
Tôi cười:
- Có! Tôi từng bị chụp mũ rồi. Bài trừ hoa, quà, phong bì 20.11. ắt có
lắm kẻ thù.
Nói đoạn tôi kể cho ông nghe hai chuyện. Một lần trong cuộc họp đối chất
với một giảng viên vu cáo tôi lên báo vì ám thị tôi sẽ tố anh ta ăn chơi, cưỡng
hiếp học viên. Anh ta nói to giữa cuộc họp: "Tôi phải như thế nào mới vinh
dự được học viên săn sóc đến từng bữa ăn, giấc ngủ chứ. Còn ông do học viên
ghét nên dạy xong thì về phòng đóng cửa. Không thấy nhục hay sao?" Lần
khác, dạy xong tôi đi ăn một mình. Gặp một phó giáo sư đang chờ học viên chở đi
nhà hàng. Ông ta hỏi: "Chú ăn ở thế nào mà không có vinh dự được học viên
mời cơm hè?". Tôi phải nói toạc luôn: 'Dạ thưa ông, trường đã chi tiền tôi
ăn ở, nên ăn nhậu dầm dề ngày ba bữa từ tiền của học viên tôi thấy nhục lắm! Nhục
nhất là các ông ăn nhậu, nhận phong bì phong bao, tốn bao nhiêu tiền của lớp. Đến
kì thi họ tưởng tôi cũng như các ông nên cứ đòi thầy cho đề trước".
Ấy đấy! Chuyện vinh nhục lộn tùng phèo cả. Chỉ vì phản đối hoa quà,
phong bì, ăn nhậu thôi mà đã có người hạ nhục tôi và thù tôi cho đến chết!
Bất ngờ như mọi lần, ông hàng xóm bật dậy, rất bỗ bã: "Nói thật,
ông giáo đừng buồn. Ông là người ngu nhất mà tôi từng biết!"
Chu Mộng Long
.
No comments:
Post a Comment