Friday, 3 November 2023

KINH TẾ : NHÀ MÁY CHẬT VẬT TÌM NGƯỜI VÌ GIỚI TRẺ VIỆT NAM KHÔNG MUỐN LÀM CÔNG NHÂN (Thương Lê / BBC News Tiếng Việt)

 



 

 

Kinh tế: Nhà máy chật vật tìm người vì giới trẻ VN không muốn làm công nhân

Thương Lê

BBC News Tiếng Việt

2 tháng 11 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cpe8xxdw909o

 

Rất nhiều quốc gia đang được hưởng lợi từ những nỗ lực của các doanh nghiệp Phương Tây nhằm di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, không chỉ ở châu Á mà còn trên toàn cầu, chẳng hạn như Mexico và các nước Mỹ Latinh.

 

Nhưng Việt Nam được cho là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất, thu hút được một làn sóng đầu tư rút khỏi Trung Quốc sau Covid và để tránh cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung.

 

Bên cạnh vị trí địa lí gần Trung Quốc với đường bờ biển dài giúp dễ dàng nhập khẩu nguyên liệu thô, chính quyền Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà máy và tập đoàn Phương Tây để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, các nhà đầu tư cũng bị thu hút bởi lực lượng lực lượng lao động được biết đến là làm việc chăm chỉ và đặc biệt là giới trẻ được giáo dục khá tốt.

 

Nhưng trong số những lao động trẻ này, nhiều người không có hứng thú với ngành sản xuất chế tạo (manufacturing). Thay vì dành cả thanh xuân chấm công 8-10 tiếng ở trong xí nghiệp mỗi ngày để làm những công việc được cho là tẻ nhạt, mệt mỏi, và thu nhập thấp, nhiều người trẻ Việt Nam hiện nay chọn những hướng đi mới như bán hàng online, làm sáng tạo nội dung trên TikTok/ YouTube hay chạy xe ôm công nghệ…

 

Việt Nam bị chậm chỗ nào để đón luồng đầu tư ra khỏi Trung Quốc?

Thiếu kỹ sư có thể gây hại cho kế hoạch của Mỹ biến VN thành 'đại bản doanh' sản xuất chip

Quan hệ Mỹ-Việt nâng cấp có cải thiện lợi ích người lao động Việt Nam hay không?

 

Tờ Wall Street Journal mới đây đã có bài viết 'Kỷ nguyên của hàng siêu rẻ đang bị đe dọa' nêu lên tình trạng thiếu công nhân ở các công xưởng sản xuất ở Việt Nam.

 

BBC trao đổi với nhà báo Jon Mont, tác giả của bài viết, người đã đến thăm và chứng kiến tình hình thực tế ở các nhà máy, công xưởng đang nỗ lực nâng cấp hạ tầng làm việc nhằm giữ chân những lao động trẻ.

 

Jon Mont cho rằng điều này sẽ kéo theo chi phí sản xuất gia tăng, trở thành tin xấu với doanh nghiệp và người tiêu dùng Phương Tây - vốn đã quen với nguồn hàng hóa giá rẻ được sản xuất tại châu Á...

 

 

BBC: Từ đâu anh có ý tưởng cho bài viết này?

- Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần để viết bài, trong đó có nhiều đề tài về các chuỗi cung ứng đang chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Và có một đề tài đã xuất hiện trong những cuộc phỏng vấn của tôi với chủ các nhà máy, điều mà tôi không hề mong đợi, là họ đang thực sự gặp khó khăn trong việc giữ chân những lao động trẻ. Và không chỉ là họ đang gặp khó khăn mà họ còn thực sự đang cố gắng tìm ra giải pháp để giữ chân những công nhân trẻ này.

 

 

BBC: Anh đã đến thăm những nhà máy, xí nghiệp ở khu vực nào của Việt Nam? Tình hình ở đó như thế nào?

- Tôi đã đến TP HCM, một trong những khu vực giàu có nhất của Việt Nam, sau đó khi trở về Singapore nơi tôi sinh sống và làm việc, tôi đã nói chuyện thêm với các chủ nhà máy ở những vùng khác như Hà Nội và khu vực nông thôn khá gần biên giới với Trung Quốc.

Ở những địa điểm khác nhau và ngành nghề khác nhau, động lực làm việc không hề giống nhau, những người trẻ tuổi đặc biệt không quan tâm đến làm những công việc suốt ngày quay cuồng trong các nhà máy dệt may, giày dép và lắp ráp các linh kiện điện tử. Nhưng đối với các loại linh kiện điện tử cao cấp hơn như trong các nhà máy của VinFast, nơi công việc được robot hóa rất nhiều thì lại khác.

Việc tìm ra những người có trẻ có đủ kỹ năng và quan tâm đến ngành công nghệ cao không khó, các nhà máy đang gặp vấn đề để tìm ra những bạn trẻ Việt Nam muốn làm những công việc yêu cầu kĩ năng thấp hơn. Và ngay cả khi họ muốn làm những công việc này, họ cần được đào tạo. Nếu bạn đào tạo những lao động trẻ 18 tuổi học may vá, bốn tháng sau họ quyết định rằng vông việc này không dành cho họ. Đó là một tổn thất thực sự đối với công ty.

Một công ty thậm chí còn nói với tôi rằng họ sẽ không thuê những người dưới 24 tuổi. Điều đó thật điên rồ, cách đây hơn 20 năm, Nike từng tuyên bố vào năm 2001 rằng độ tuổi trung bình của công nhân của họ là 22. Nhưng bây giờ thì rất khó để thấy một người 22 tuổi làm việc trong những xưởng quần áo, giày dép, độ tuổi trung bình của họ là khoảng đầu 30. Đây là một sự thay đổi lớn trong một khoảng thời gian không dài.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9ef9/live/22761880-77a8-11ee-a503-4588075e3427.jpg

Jon Mont đã đến thăm những nhà máy, xí nghiệp tại TP HCM

 

 

BBC: Vậy những nhà máy ở Việt Nam đang làm những gì để thu hút lao động trẻ? Ngoài cải tạo cơ sở vật chất, họ có tăng lương hay nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân không? Và những giải pháp này có hiệu quả không?

- Tôi đã có dịp đến thăm nhà máy Việt Nam và họ đã thật sự cải tạo cơ sở vật chất hay thậm chí là xây dựng một nhà máy mới. Xét về góc độ thẩm mỹ, trước đây các nhà máy thường có xu hướng buồn tẻ, nhàm chán với những bức tường bê tông được thiết kế để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trước đây không có nhiều người suy nghĩ để biến công xưởng thành những nơi tốt đẹp để đi làm hàng ngày, nhưng các nhà sản xuất đã bắt đầu nghĩ khác đi.

Họ muốn trần nhà cao lên, có thêm nhiều cửa sổ để đón được ánh sáng tự nhiên. Người chủ nhà máy mà tôi trao đổi nói rằng ông ấy có nhiều lí do để làm việc đó, một là chi phí không quá đắt, và hai là việc đó cho các công nhân thấy rằng bạn quan tâm đến họ, như một con người chứ không phải robot chỉ biết làm việc.

Một chủ doanh nghiệp khác nói với tôi về việc cố gắng thu hút lao động trẻ qua những nội dung trên Instagram và TikTok. Vị doanh nhân này muốn nhà máy của anh ấy trông thật ngầu và thật hấp dẫn, để các công nhân sẽ đăng bài về nơi làm việc của họ. Anh ấy cho biết rằng anh đã thành công khi có rất nhiều nhân viên trẻ đăng bài về nhà máy “tuyệt vời” của họ, từ đó có thể thu hút được những lao động trẻ có kĩ năng và tận tâm, khi họ nghĩ rằng nhà máy của anh tốt hơn những nơi khác.

Đó thực sự là một lợi thế trong một môi trường mà các doanh nghiệp đang cạnh tranh vì nguồn lao động ngày càng thu hẹp như ở Việt Nam.

Nhưng quan trọng hơn vẫn là việc tăng lương, rõ ràng hầu hết người lao động quan tâm đến việc họ kiếm được bao nhiêu hơn là nhà máy của họ trông đẹp như thế nào. Sự thật là tiền lương trong ngành sản xuất đang tăng rất nhanh, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác như Trung Quốc, phản ánh hiện tượng khó tìm lao động.

Kết quả là các nhà máy phải tiếp tục tăng lương để thu hút lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của mình. Rất nhiều xí nghiệp đã tăng lương chẳng hạn 10% trong năm nay vì những nơi khác đã làm điều tương tự. Nhưng họ cũng đang cố gắng để tìm các giải pháp thay thế vì việc tăng lương liên tục không phải là bền vững.

Đó là lí do họ đang mở những quán cà phê trong khuôn viên xí nghiệp, lớp học yoga..., hoặc có thêm những hoạt động gắn kết vui vẻ hi vọng sẽ khiến người lao động cảm thấy đây là nơi họ được quan tâm và lắng nghe.

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/18ef/live/d7585f30-77ab-11ee-8139-61b1db4c8e2f.jpg

Các chủ nhà máy ở Việt Nam đang cố gắng làm cho công việc trở nên hấp dẫn hơn, bao gồm cải tạo lại không gian cho xí nghiệp

 

 

BBC: Người doanh nhân quảng bá về nhà máy của mình trên mạng xã hội có thực sự thành công? Anh ấy có thu hút được nhiều nhân viên trẻ không?

- Tôi nghĩ đó vẫn là một cuộc đấu tranh tiếp diễn. Mọi thứ vẫn còn khó khăn vì cho dù bạn có tăng lương cho công nhân, có biến nhà máy thành một nơi đẹp đẽ có phòng tập yoga và lớp khiêu vũ nhưng rất nhiều người vẫn không ngồi đạp máy may 8 hoặc 10 tiếng mỗi ngày.

Nếu chủ doanh nghiệp này không thay đổi diện mạo nhà máy, anh ấy có thể đã có ít lao động trẻ hơn, nhưng tôi cho rằng lực lượng lao động ở đó vẫn chủ yếu là phụ nữ, những người đã làm việc lâu dài và cảm thấy thoải mái ở đó. Mặc dù đánh giá cao những cố gắng của các doanh nghiệp, tôi cho rằng vẫn rất khó để thu hút người trẻ làm công nhân ở các thành phố lớn.

 

 

BBC: Các xí nghiệp ở khu vực xa thành phố và nông thôn thì tình trạng này có được cải thiện không?

- Có một xu hướng là các doanh nghiệp thường đặt nhà máy tại nơi họ có trụ sở. Có rất nhiều lí do để xây nhà máy tại TPHCM, vì gần cảng, dễ dàng nhập nguyên liệu thô và vận chuyển thành phẩm ra ngoài, đồng thời có nguồn lao động từ nông thôn đổ về.

Nhưng cũng có những người trẻ là thế hệ thứ hai từ quê lên thành phố lớn thì họ không muốn làm những công việc này nữa, và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Theo tôi được biết thì có nhiều công ty không xây ký túc xá mà công nhân phải tự tìm nhà ở, vốn ngày càng đắt đỏ với họ. Ngoài ra, các quy định của chính phủ cũng không nhất thiết muốn có những nhà máy lớn và cấp thấp ở khu vực gần trung tâm thành phố.

Vì thế, các nhà máy trước đây hướng tới các vùng nông thôn, dọc theo bờ biển phía đông và gần với Hà Nội hay TP HCM. Nhưng có xu hướng là các nhà máy dần tiến sâu hơn vào đất liền, phần lớn là do vẫn còn một bộ phận người trẻ còn quan tâm đến công việc này.

Những lao động trẻ xuất thân từ gia đình nông nghiệp, vẫn còn làm nông và có trình độ học vấn không cao hoặc không biết chữ. Tất nhiên vẫn có nhiều lao động trẻ rời nông thôn lên thành phố, nên ở một khía cạnh nào đó các xí nghiệp cũng phải chật vật. Họ phải làm việc với những lao động lớn tuổi hơn ở những vùng nông thôn xa xôi hơn, nhưng họ cũng tìm thấy những người lao động trẻ có thể ít tham vọng hơn một chút. Vì vậy, họ sẵn sàng nhận một công việc ở nhà máy, bởi vì nếu họ có tham vọng hơn, họ đã có thể lao vào thành phố. Vì vậy, việc đặt nhà máy ở các khu vực nông thôn có những thuận lợi và nhiều doanh nghiệp đang thử nghiệm. Lợi ích là giá mặt bằng rẻ hơn, nhân công rẻ hơn, nhưng họ ở xa trụ sở, xa nguồn nguyên liệu thô.

Một lần nữa đây vẫn là một cuộc đấu tranh vì thông thường không có nhiều người trẻ ở lại những khu vực này. Họ có thể phải thuê những công nhân ở độ tuổi 40 hoặc 50, hoặc thậm chí là nâng lên để hoàn thành mục tiêu sản xuất. Đương nhiên một người 40-50 tuổi ở nông thôn Việt Nam thường vẫn khỏe mạnh nhưng có những công việc cần sức trẻ nhưng những người trẻ này lại không muốn làm điều đó.

Bên cạnh đó, tự động hóa cũng đóng một vai trò lớn ở đây. Bạn đang thấy rằng các xí nghiệp, thậm chí ở các vùng nông thôn, nơi chủ nhà máy có thể nghĩ: “Được rồi, mức lương này đủ thấp để họ không phải lo lắng về việc tự động hóa, nhưng thực ra, họ đã suy nghĩ rất nhiều về việc tự động hóa”.

 

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/5029/live/7e275050-77ac-11ee-a503-4588075e3427.jpg

Vai trò của tự động hoá ngày càng trở nên quan trọng

 

 

BBC: Việc các công ty đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người trẻ sẽ ảnh hưởng như thế nào tới kinh tế Việt Nam?

- Đây không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam mà là một hiện tượng trên toàn cầu, có thể lấy ví dụ như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… Giới trẻ ngày nay có điều kiện tốt hơn, học vấn cao hơn và có nhiều sự lựa chọn thay vì tới nhà máy chấm công mỗi ngày. Ở những nước nơi người dân có ít lựa chọn hơn chẳng hạn như Myanmar với sự kiểm soát của chính quyền quân đội, có nhiều bất ổn và nền kinh tế đang hoạt động rất kém, người ta chỉ mong muốn có được một công việc công nhân sản xuất.

Vì vậy, dù đây là một vấn đề cần được giải quyết nhưng theo một cách nào đó việc giới trẻ có học vấn cao hơn và có kỳ vọng cao hơn về những gì mà thị trường lao động có thể mang lại cho họ lại là câu chuyện thành công. Đối với người tiêu dùng ở Mỹ, điều này có nghĩa là giá cả sẽ tăng lên, nhưng đối với Việt Nam lại là một câu chuyện thành công.

 

 

BBC: Theo anh, Việt Nam có thể trở thành một cường quốc sản xuất thay thế cho Trung Quốc?

- Tôi cho rằng hiển nhiên không quốc gia nào có thể thay thế Trung Quốc, bao gồm Việt Nam. Trung Quốc có 1,3 tỷ người, Việt Nam là 100 triệu người, đó là sự khác biệt to lớn đầu tiên.

Việt Nam có thể thực hiện rất nhiều công việc sản xuất cấp thấp mà các nước Phương Tây từng phụ thuộc vào Trung Quốc. Rất rõ ràng khi bạn nhìn vào số liệu thống kê về nơi sản xuất giày hay áo phông được tiêu thụ ở thị trường Mỹ, phần lớn là Việt Nam. Nike và Adidas đã chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất giày chính, đến mức có dấu hiệu họ muốn đa dạng hoá dây chuyền sản xuất ra khỏi Việt Nam vì họ đã tập trung quá nhiều ở đây, một minh chứng cho việc Việt Nam đã gần đạt đến giới hạn về mức độ sản xuất cấp thấp.

Và tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam không muốn trở thành thủ phủ sản xuất giày thể thao của thế giới, điều mà đất nước này đã tạo dựng nên sau 10 năm nỗ lực. Chính quyền Hà Nội thực sự đang có tầm nhìn cao hơn vì họ biết rằng mọi người mong đợi những công việc được trả lương cao hơn.

Tôi nghĩ Việt Nam đóng vai trò gì sẽ là một câu hỏi mở, có thể là một nhà sản xuất chất bán dẫn hoặc thiết bị điện tử cao cấp… Nhưng chắc chắn là Việt Nam đang ở một vị thế có thể làm được rất nhiều hoạt động sản xuất đang được thực hiện ở Trung Quốc.

 

Việt Nam: Tăng trưởng GDP quý III bị hạn chế vì nhu cầu thế giới giảm

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/88c5/live/381a4f80-77ad-11ee-8139-61b1db4c8e2f.jpg

Một nhà sản xuất phụ tùng máy bay thương mại Boeing tại Thiên Tân, Trung Quốc

 

 

BBC: Trên con đường trở thành trung tâm sản xuất mới của khu vực, trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam là gì? Điều gì ngăn cản quốc gia này trở thành một trung tâm lớn hơn?

- Việt Nam tập trung vào khâu lắp ráp sản phẩm, trong khi Trung Quốc có chuỗi cung ứng rất hoàn chỉnh từ nguyên liệu thô đến tận khâu sản xuất. Một thành phố Trung Quốc không chỉ sản xuất giày mà còn làm cả đế giày, hay trước đó là xử lý cao su, hoàn toàn là một dây chuyền và đôi khi do cùng một công ty phụ trách, họ xử lý cực kì hiệu quả và nhanh gọn. Trong thời đại thương mại điện tử bùng nổ, họ có thể nhận đơn đặt hàng, sản xuất thật nhanh và vận chuyển thật nhanh.

Nếu bạn không hoàn toàn làm được tất cả bước đó, thì họ vẫn phải phụ thuộc vào Trung Quốc và các nước khác về phần lớn nguyên liệu thô. Điều đó đồng nghĩa với mất nhiều thời gian hơn để sản xuất và lợi ích kinh tế mà Việt Nam thu được từ các nhà máy của mình sẽ ít hơn.

Nhưng Việt Nam đang thử cái mà họ gọi là supporting industries (công nghiệp phụ trợ), ít nhất, họ đang cố gắng xây dựng cơ sở công nghiệp rộng lớn hơn.

Một thách thức lớn khác mà Việt Nam phải đối mặt là trình độ học vấn và năng lực của lực lượng lao động Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất cao cấp. Chắc chắn, Việt Nam không có lực lượng lao động đông đảo, có trình độ học vấn cao như nước láng giềng Trung Quốc, nhưng cũng đang đạt được những bước tiến nhất định.





No comments:

Post a Comment

View My Stats