Monday, 27 November 2023

CHIẾN HẠM MỸ ĐI NGANG HOÀNG SA TRONG LÚC TRUNG QUỐC TẬP TRẬN (Người Việt)

 



Chiến hạm Mỹ đi ngang Hoàng Sa trong lúc Trung Quốc tập trận

Người Việt

November 26, 2023

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/my-tu-do-hai-hanh-hoang-sa-khi-trung-quoc-tap-tran-o-bien-dong/

 

BIỂN ĐÔNG, Việt Nam (NV) – Hải Quân Mỹ loan báo chiến hạm của họ mới “tự do hải hành” ở khu vực Hoàng Sa trong khi Trung Quốc khoe là “đuổi tàu Mỹ ra khỏi khu vực.”

 

Hôm Thứ Bảy, 25 Tháng Mười Một, mạng xã hội WeChat ở Trung Quốc thuật lời phát ngôn viên Quân Khu Phía Nam khoe rằng, lực lượng quân sự của họ đã cho hải quân và không quân “theo dõi và đuổi ra khỏi khu vực” một chiến hạm Mỹ.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/VN-USS-Hopper-USNavy112523.jpg

Khu trục hạm USS Hopper “tự do hải hành” ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. (Hình: US Navy)

 

Bản tin vừa kể không nói rõ chiến hạm Mỹ bị “đẩy đuổi” là chiếc nào nhưng cho biết sự việc diễn ra hôm Thứ Bảy tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

 

Như thường lệ, nguồn tin tuyên truyền của Bắc Kinh la lối là Mỹ “xâm phạm chủ quyền” của Trung Quốc, gây bất ổn ở khu vực, dù chính họ đã cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974.

 

Mỹ không công nhận các khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền nước nào mà chỉ coi là các vùng biển quốc tế nên có quyền “tự do hải hành” hay “tự do phi hành”.

 

Ngược lại, Bắc Kinh tuyên bố đến 90% Biển Đông là tài sản của ông cố ông tổ của họ truyền lại từ thời cổ đại dù không ai công nhận. Tòa Án Quốc Tế năm 2016 đã bác bỏ cái chủ quyền “lưỡi bò” tưởng tượng và ngang ngược của Bắc Kinh, theo đơn kiện của Philippines.

 

Trong tuần qua và những tuần lễ trước đó, nhiều sự kiện diễn ra trên Biển Đông chứng tỏ thủy lộ thương mại quan trọng hàng đầu của thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ chiến tranh.

 

Trước tham vọng bá quyền bành trường của Trung Quốc, Philippines đã cho hai chiến hạm BRP Jose Rizal and BRP Gregorio Del Pilar phố hợp tập tuần tra hỗn hợp với tàu tác chiến cận duyên của Mỹ trong ba ngày liên tiếp từ 23 đến 25 Tháng Mười Một.

 

Trong các ngày từ 25 đến 27 Tháng Mười Một, Philippines cho 2 chiến hạm BRP Gregorio del Pilar và BRP Davao del Sur tập trận trên Biển Đông, khu vực vùng biển đặc quyền kinh tế của Philippines, với chiến hạm HMAS Toowoomba của Úc và có sự tham dự của một số máy bay trinh sát biển của hai nước.

 

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng không ngồi yên, nhìn người ta tập trận.

|

|Tờ South China Morning Post cho hay Trung Quốc cũng đã tiến hành hai cuộc tập trận “bắn đạn thật” trong tuần qua tại Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi chủ tịch Tập Cận Bình đến San Francisco thảo luận với Tổng Thống Mỹ Joe Biden tìm phương cách giảm căng thẳng nhiều lãnh vực, gồm cả chuyện Biển Đông.

 

Theo SCMP, Cục Hải Sự Trung Quốc cấm bay và cấm tàu biển ở khu vực gần đảo Hải Nam nên cách xa các cuộc tập trận của Philippines với Mỹ và Úc.

 

Sau khi tới Mỹ dự cuộc họp APEC, trên đường về nước, Tổng Thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., nói ở Honolulu rằng nước ông đang đề nghị cùng với Việt Nam và Malaysia soạn thảo một bộ “Quy Tắc Ứng Xử” riêng trên Biển Đông. Theo ông, cuộc đàm phán giữa các nước ASEAN với Trung Quốc đã cù cưa quá lâu vẫn không biết đến bao giờ mới có.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/VN-Bai-CoMay-2-HaiCanh-chan-CSB-Phi-TedAljibe-AFP-082223-1536x1024.jpg

Tàu tiếp tế của Philippines bị hai tàu Hải Cảnh của Trung Quốc chặn đường gần bãi Cỏ Mây. (Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

 

Phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Á Châu Thái Bình dương (Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies) tại Honolulu, ông Marcos nói rằng tình hình tranh chấp tại Biển Đông “trở nên khốc liệt hơn trước kia” vì Trung Quốc bành trướng sự hiện diện của họ tại khu vực đang có sự tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước.

 

Trung Quốc cho người ta thấy họ muốn các đảo san hô và bãi cạn “ngày càng gần hơn” với bờ biển Philippines mà đảo san hô gần nhất chỉ cách bờ biển Philippines có 60 hải lý (111 km). Vì các cuộc đàm phán với Trung Quốc không mấy tiến triển, ông Marcos cho hay nước ông “khởi xướng thảo luận với các nước ASEAN khác hiện cũng đang có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Philippines như Việt Nam và Malaysia để có một bộ COC giữa chúng tôi.” Ông nói thêm rằng, “hy vọng cách tiếp cận này sẽ mở rộng ra đến các nước ASEAN khác”.(TN) [kn]

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats