Monday, 13 November 2023

CHẤN CHỈNH NHÀ VỆ SINH : CUỘC CÁCH MẠNG "VĨ ĐẠI" CỦA TẬP CẬN BÌNH (Việt Bình / Saigon Nhỏ)

 



Chấn chỉnh nhà vệ sinh: Cuộc cách mạng “vĩ đại” của Tập Cận Bình

Việt Bình  -  Saigon Nhỏ
11 tháng 11, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/trung-quoc/chan-chinh-nha-ve-sinh-cuoc-cach-mang-vi-dai-cua-tap-can-binh/

 

Đây là thời điểm khó khăn đối với nhiều chính quyền địa phương Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường bất động sản bấp bênh khiến nhiều địa phương khó có thể trả được khoản nợ khổng lồ. Một số thậm chí còn gặp khó khăn trong việc trả lương cho người lao động trong khu vực công. Trong bối cảnh này, Tập Cận Bình vẫn kiên trì với cuộc cách mạng nhà vệ sinh.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/GettyImages-53459629.jpg

Tại nhiều tỉnh nghèo, nhà vệ sinh vẫn bẩn thỉu và hôi hám (ảnh: Getty Images)

 

Tại Quảng Nguyên, một thành phố Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên, các quan chức đã nhóm họp vào Tháng Mười 2023 để nghiên cứu “sắc chỉ” của Tập Cận Bình liên quan cuộc cách mạng nhà vệ sinh. Năm 2015, Tập từng kêu gọi một “cuộc cách mạng nhà vệ sinh”. Quyết tâm chính trị đã giúp Trung Quốc tạo ra mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới nhưng Trung Quốc vẫn “bó tay” với vấn đề vệ sinh.

 

Nhà vệ sinh ở Trung Quốc thường thô sơ, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi mà cho đến những năm gần đây, người ta vẫn ngồi xổm trên các tấm bê tông phía trên một cái hố. Chất thải được sử dụng làm phân bón hoặc thậm chí làm thức ăn cho lợn! Rất lâu trước khi Tập kêu gọi cuộc cách mạng vệ sinh, giới chức Liên Hiệp Quốc và chuyên gia y tế toàn cầu đã kêu gọi một cuộc cách mạng nhà vệ sinh ở các nước nghèo nhằm hạn chế sự lây lan của ký sinh trùng và các bệnh như tiêu chảy và sốt rét.

 

Năm 1993, chưa đến 8% cư dân nông thôn Trung Quốc được sử dụng nhà vệ sinh được coi là hợp vệ sinh. Đến năm 2014 tỷ lệ này là khoảng 3/4. Tuy nhiên, dù bể tự hoại bắt đầu phổ biến hơn nhưng rất ít nhà vệ sinh có hệ thống xả nước và vô số nhà vệ sinh vẫn hôi nồng nặc.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/GettyImages-1758344017.jpg

Một nhà vệ sinh “siêu sang” tại Quảng trường Đức Cơ (Deji) ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (ảnh: CFOTO/Future Publishing qua Getty Images)

 

Bây giờ, tại các điểm du lịch và các trung tâm thành thị lớn, nhà vệ sinh xả nước ngày càng phổ biến. Giấy vệ sinh cũng được cung cấp thoải mái hơn (trước kia nhà vệ sinh không có giấy), dù ở một số nhà vệ sinh, giấy vệ sinh được phân phối bằng máy nhận dạng khuôn mặt. Ở nông thôn, đặc biệt những nơi gần các thành phố lớn, những cơ sở công cộng cũng trở nên sạch sẽ hơn. Và tại các gia đình nông thôn, hơn 50 triệu nhà vệ sinh đã được nâng cấp trong 5 năm qua với sự hỗ trợ tài chính nhà nước. Mục tiêu đến cuối thập niên này là tất cả nhà vệ sinh ở nông thôn đều phải được kết nối với hệ thống khử trùng chất thải.

 

Truyền thông nhà nước cho rằng sự thành công chính sách này là bằng chứng của sức mạnh chính trị Trung Quốc. “Nhìn vào lịch sử nhân loại, chưa có quốc gia hay đảng chính trị nào có thể huy động toàn bộ đảng và xã hội trong một thời gian ngắn như vậy để thực hiện cuộc cách mạng nhà vệ sinh trên toàn quốc” – tờ Quang Minh Nhật Báo viết – “Đây là hiện thân tính ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa.”

 

Qua cuộc cách mạng nhà vệ sinh, người ta nhấn mạnh đến ý chí chính trị từ trung ương, cụ thể từ Tập Cận Bình. Nó cho thấy sự “duy trì một cách kiên quyết và có ý thức với mức độ liên kết cao” giữa người dân, giữa các địa phương, với sự lãnh đạo của Đảng, trong đó “đồng chí Tập Cận Bình là cốt lõi”.

 

Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông nhà nước, có rất nhiều “phóng sự điều tra” cho thấy cuộc cách mạng vệ sinh đã thất bại ở nhiều nơi. Hình ảnh nhà vệ sinh bóng lộn chỉ được dựng lên để “trình diễn” ở những tỉnh thành hoặc khu vực giàu có; tại những khu vực nghèo, nhà vệ sinh vẫn thảm hại.

 

Tại cuộc họp vào Tháng Mười ở Quảng Nguyên, các quan chức được xem một phóng sự  được truyền hình nhà nước phát sóng vào Tháng Sáu, cho thấy “hơi thở chính trị” của Tập Cận Bình về cuộc cách mạng nhà vệ sinh vẫn chưa chạm đến nhiều nơi nghèo. Đoạn clip phỏng vấn những cư dân bất mãn tại một ngôi làng ở tỉnh Hồ Nam cho thấy nông dân đổ lỗi cho chính quyền địa phương về việc lắp đặt kém chất lượng, dùng ống nhựa dễ vỡ, thiết kế qua loa. Cuộc cách mạng nhà vệ sinh được thực hiện với chính sách “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chính quyền trung ương tài trợ một phần; phần còn lại do địa phương lo. Trong thực tế, chẳng địa phương nào lo đến nơi đến chốn mà chính người dân phải “tự nguyện đóng góp”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/GettyImages-73465616.jpg

Một “nhà vệ sinh” có trả tiền tại ngoại ô huyện Bảo Phong, tỉnh Hà Nam (ảnh: Getty Images)

 

Tờ The Economist ngày 9 Tháng Mười Một 2023 cho biết, từ năm 2015 đến 2018, khoảng 1 tỷ nhân dân tệ ($140 triệu) đã được giải ngân từ kho bạc trung ương Bắc Kinh cho mục đích cải thiện nhà vệ sinh toàn quốc. Theo truyền thông Trung Quốc, nguồn tài trợ từ chính quyền địa phương và các nguồn khác gấp 20 lần số tiền đó.

 

Việc cắt xén ngân sách  đương nhiên phổ biến hơn ở những khu vực nghèo. Ngôi làng ở Hồ Nam được đưa tin trên truyền hình là một trong những địa phương nghèo nhất. Một bài báo đăng vào Tháng Bảy 2023 trên Tạp chí Trí Tuệ Nông nghiệp (智慧农业) cho biết: “Ở một số nơi, do vấn đề tài chính, người ta đã phải tạm dừng các dự án cải tạo nhà vệ sinh”.

 

Vấn đề phổ biến của “văn hóa chính trị” Trung Quốc là giới chức thường áp dụng cách tiếp cận rập khuôn đối với những nhiệm vụ được “Đảng giao phó”. Tập Cận Bình khoái nhà vệ sinh xả nước. Thế là người ta cứ làm nhà vệ sinh xả nước, bất chấp vấn đề khí hậu và địa lý. Hậu quả, hệ thống nước dễ bị đóng băng trong mùa Đông khắc nghiệt ở miền Bắc Trung Quốc; và tại nhiều nơi, nước luôn là thứ khan hiếm, không đủ cho nông nghiệp, lấy đâu ra để xả bồn cầu.

 

Tại Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh phía Đông Bắc, nhiều nhà vệ sinh mới được xây dựng ở vùng nông thôn từ năm 2016 đến năm 2019 đã không thể sử dụng được vì khí hậu giá lạnh. Năm 2021, Tân Hoa Xã cho biết trong 80,000 nhà vệ sinh được nâng cấp ở khu vực Thẩm Dương trong 5 năm trước đó, với chi phí 100 triệu nhân dân tệ, có đến 50,000 nhà vệ sinh không sử dụng được do lỗi thiết kế, xây dựng kém hoặc bảo trì không đầy đủ.

 

Trên khắp đất nước Trung Quốc, dân làng thường là người già. Giới trẻ đã bỏ xứ lên tỉnh và thành phố kiếm sống. Giới chức địa phương, vốn dĩ ít học, cũng chẳng biết “dạy” người dân cách sử dụng nhà vệ sinh mới và tại sao chúng lại cần thiết. Vì vậy, dân làng lại “phản cách mạng” khi quay trở lại với kiểu ngồi xổm truyền thống. “Hầu hết dân làng đều có thói quen lâu đời khi đi vệ sinh và điều này rất khó thay đổi”, một bài báo trên tạp chí Kinh tế-Công nghệ Nông thôn và Khoa học-Công nghệ, viết. “Một số dân làng cho rằng bồn cầu xả nước sẽ tốn thêm chi phí và coi việc đầu tư vào chúng là lãng phí…”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/GettyImages-1620219627.jpg

Tháng Tư, Bộ Nông thôn cho biết cuộc cách mạng nhà vệ sinh năm nay sẽ tập trung vào việc “nâng cao chất lượng” (ảnh: Costfoto/NurPhoto via Getty Images)

 

Không như nhiều vấn đề xã hội mà Đảng luôn cố che giấu, trong vụ nhà vệ sinh, Đảng cho phép truyền thông được tự do bình luận và chỉ trích các địa phương. Tháng Tư, Bộ Nông thôn (“Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc nông nghiệp nông thôn bộ”) thông báo rằng cuộc cách mạng nhà vệ sinh năm nay sẽ tập trung vào việc “nâng cao chất lượng”. Thanh tra viên sẽ được cử đến các làng để xem xét nhà vệ sinh hoạt động và được bảo trì như thế nào. Thực tế cho thấy nhiều chính quyền địa phương, sau khi xây xong nhà vệ sinh theo chỉ thị cấp trên, họ chẳng bao giờ quan tâm đến việc tu bổ hay bảo trì. Hậu quả, nhà vệ sinh bẩn không thua gì hệ thống bồn cầu ngồi xổm.

 

Ở tỉnh Vân Nam, các quan chức đã nghiên cứu các báo cáo về cuộc cách mạng nhà vệ sinh trong vài năm qua và khảo sát hàng nghìn hộ gia đình. Tháng Bảy, họ công bố “phát hiện chấn động”: Gần 330,000 hộ gia đình đã không nhận được đầy đủ số tiền được trợ cấp để xây dựng nhà vệ sinh. Hơn 4.5 triệu nhân dân tệ đã bị khai man trong việc bảo trì và quản lý nhà vệ sinh. Trong thực tế, nguồn ngân sách cho cuộc cách mạng vĩ đại của Tập Cận Bình đã được chuyển sang “mục đích” khác – lớp thì lọt vào túi quan, lớp thì được dùng để trả nợ cho chính nhà nước.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats