Thursday, 17 August 2023

VỤ VIỆC TÀU HẢI CẢNH TRUNG QUỐC SỬ DỤNG VÒI RỒNG VỚI TÀU PHILIPPINES TẠI BÃI CỎ MÂY (Nghiên Cứu Biển Đông)

 


VỤ VIỆC TÀU HẢI CẢNH TRUNG QUỐC SỬ DỤNG VÒI RỒNG VỚI TÀU PHILIPPINES TẠI BÃI CỎ MÂY   

Nghiên Cứu Biển Đông

16-8-2023  03:19   

https://www.facebook.com/eastseastudies/posts/pfbid0AnsuvA73MBBxkm494BwiypNxx1pHebTRzPcY66BfcHxSpBtMVXykDyNfbDY3yQ5dl

 

Sự việc ngày 5/8 vừa qua là lần thứ hai Trung Quốc sử dụng vòi rồng để ngăn tàu tiếp tế Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây (lần đầu tiên ngày 16/11/2021); bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nhiều lần sử dụng vòi rồng để ngăn cản, xua đuổi hoặc gây sức ép với tàu nước khác tại Biển Đông.

 

Trong sự việc Bãi Cỏ Mây lần này, Trung Quốc sử dụng đồng loạt nhiều kênh chính thống như Người phát ngôn của Cục Hải cảnh, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Trưởng Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines. Những đơn vị này và đặc biệt là Bộ Ngoại giao không còn là cơ quan “dập lửa” sau khi Trung Quốc thực hiện hành động đáng phê phán mà hiện nay đã cùng phối hợp bào chữa và chỉ trích. Đồng thời, báo chí Trung Quốc cũng lên tiếng, xuất bản nhiều bài báo nhằm chỉ trích hoạt động của Philippines và ca ngợi trình độ răn đe của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc.

 

- Về Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, Trung Quốc nhấn mạnh lập trường không công nhận, không tham gia của Trung Quốc, đồng thời chỉ trích sự hiện diện của Mỹ đứng đằng sau Phán quyết, coi đó là một màn kịch chính trị bị thao túng. Thời báo Hoàn Cầu cho biết “chính sự ủng hộ và dung túng của Mỹ, thậm chí điều máy bay tàu chiến phối hợp trên biển với Philippines đồng thời nêu “Hiệp ước Phòng thủ chung” để đe dọa Trung Quốc... chính là nguyên nhân phát sinh của sự việc lần này”.

 

Sự việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng với Philippines tạo ra một số hệ lụy tiêu cực cho tình hình an ninh khu vực:

 

(i) hình ảnh quốc gia Trung Quốc bị suy giảm, các quốc gia Đông Nam Á sẽ cảnh giác hơn với Trung Quốc trong bối cảnh đàm phán COC tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới;

 

(ii) các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc tăng cường đoàn kết, tìm kiếm sự đồng thuận và đồng quan điểm trong những bất đồng với Trung Quốc;

 

(iii) các quốc gia ngoài khu vực có thể hiện diện nhiều hơn tại Biển Đông nhằm răn đe hoạt động và yêu sách của Trung Quốc, gia tăng nguy cơ va chạm và đối đầu.

 

Sự việc Bãi Cỏ Mây cũng có thể dự báo hướng hành động Trung Quốc có thể sẽ thực hiện tại khu vực khác trên Biển Đông

 

- Trung Quốc luôn có dã tâm chiếm đóng và kiểm soát Bãi Cỏ Mây. Thời báo Hoàn Cầu cho biết “...sự tan rã tự nhiên của nó (tàu chiến) có thể là phương pháp nhẹ nhàng nhất để giải quyết vấn đề”. Với diện tích lớn và có đường bao quanh dài và thẳng, Trung Quốc dự định quy hoạch Bãi Cỏ Mây có ba khu cảng, trong đó phía Nam sẽ là nơi xây đường băng nếu được bồi đắp thành công.

 

- Tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên hoạt động xung quanh khu vực bãi Tư Chính, đôi lúc còn áp sát nhà giàn của ta. Trong thời gian tới nếu Việt Nam thực hiện một số động thái làm "phật ý" Trung Quốc sẽ khiến nước này thực hiện các hoạt động tương tự thậm chí cứng rắn hơn đối với khu vực của ta.

 

Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=768003081997584&set=a.516126120518616

 

=====================================================.

.

[PHẢN ỨNG CỦA CÁC BÊN TRƯỚC VỤ VIỆC TÀU TRUNG QUỐC SỬ DỤNG VÒI RỒNG VỚI TÀU PHILIPPINES]   

Nghiên Cứu Biển Đông

15-8-2023  05:15   

https://www.facebook.com/eastseastudies/posts/pfbid02suop8o7Bejh23skDj949QqVSRdNxFXQ3QxW3APE7KDH1Bo2GfmjjCBFb4nc8dpB7l

 

Ngày 6/8, Philippines cho biết Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu làm nhiệm vụ tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở tàu chiến mắc cạn BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây. Trước đây, Trung Quốc cũng từng ngăn tàu Philippines tiếp tế các thực thể ở Trường Sa và bị Philippines cùng một số quốc gia khác phản ứng. Tuy nhiên, phản ứng của các bên trong vụ việc lần này có phần mạnh mẽ hơn.

 

1. Phản ứng của các bên

 

- Philippines bày tỏ phản đối đồng loạt ở nhiều cấp, qua nhiều kênh và phương tiện. Sau các tuyên bố ban đầu của quân đội và CSB Philippines, Philippines tổ chức một cuộc họp báo liên ngành để cung cấp tình hình, cũng như chia sẻ hình ảnh và video từ thực địa.

 

Philippines cũng nhanh chóng đáp lại các luận điểm từ phía TQ. Ngay sau khi CSB Trung Quốc tuyên bố Philippines tiếp tế cho quân đội đóng quân “trái phép” tại khu vực tàu mắc cạn, ngày 8/8, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định khu vực bãi Cỏ Mây nằm trong EEZ của Philippines theo phán quyết năm 2016, việc Philippines đóng quân tại đây không vi phạm DOC. Philippines cũng bác bỏ thông tin rằng nước này hứa kéo tàu BRP Sierra Madre khỏi bãi Cỏ Mây cũng như khẳng định sẽ tiếp tục tiếp tế.

 

- Về phía Trung Quốc, ngày 7/8, hải cảnh Trung Quốc cho rằng các tàu Philippines đã "xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc". Trung Quốc cho rằng tàu của hải cảnh Trung Quốc đã ngăn chặn và cảnh cáo các tàu của Philippines “theo luật” với các biện pháp “chuyên nghiệp và có kiềm chế”.

 

Trung Quốc cũng chỉ trích Philippines vì đã không giữ “cam kết” kéo tàu BRP Sierra Madre khỏi bãi Cỏ Mây, cũng như cáo buộc phía Philippines vận chuyển vật liệu để củng cố công trình tại Cỏ Mây ở quy mô lớn, buộc Trung Quốc phải hành động. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố riêng chỉ trích động thái ủng hộ Philippines của Mỹ.

 

- Về phía các quốc gia khác, chỉ vài tiếng sau tuyên bố của Philippines, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo ủng hộ Philippines và phủ nhận tính hợp pháp của yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây, đồng thời khẳng định bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo phán quyết năm 2016. Mỹ cũng tái khẳng định việc tấn công tàu của CSB Philippines sẽ kích hoạt cam kết phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 8/8 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines, tái khẳng định sự ủng hộ và cam kết của Mỹ.

 

Một số đại sứ quán tại Philippines như Anh, Úc, New Zealand, Hàn Quốc cũng bày tỏ quan ngại trước những hành động nhắm tới tàu của Philippines và kêu gọi hòa bình, ổn định và tôn trọng luật quốc tế - UNCLOS ở Biển Đông. Tuy nhiên các nước này không nhắc đến Trung Quốc.

 

Trong tuyên bố của mình, đại sứ quán Đức và Pháp có nêu rõ tên Trung Quốc. Cả hai nước đều kêu gọi tuân thủ UNCLOS và phán quyết năm 2016 mà không khẳng định trực tiếp sự ủng hộ với Philippines. Ngoài ra, phái đoàn EU cũng bày tỏ quan ngại, đồng thời khẳng định ủng hộ Philippines trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

 

Nhật Bản và Canada có phản ứng khá mạnh mẽ và thể hiện sự phản đối rõ ràng. Nhật Bản cho rằng hành động của Trung Quốc là “hoàn toàn không thể chấp nhận” và khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Philippines. Tương tự, Canada cũng tuyên bố hành động của Trung Quốc là “không thể chấp nhận” và vi phạm luật pháp quốc tế, gây suy yếu an ninh và ổn định khu vực.

 

2. Hàm ý về chính sách và chiến thuật của các bên

 

- Philippines đã có những phản ứng tương đối mạnh mẽ, thể hiện sự chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng trên mặt trận dư luận. Về thời gian, thông tin của Philippines được đưa ra nhanh chóng, cho thấy dường như các cơ quan của Philippines đạt đồng thuận lớn hơn và phối hợp nhanh hơn để phục vụ chiến lược chung. Về công cụ, Philippines vận dụng đồng loạt nhiều biện pháp khác nhau: (i) phản đối qua các kênh chính thức (gồm cả quân đội, CSB lẫn Bộ Ngoại giao); (ii) công bố các hình ảnh và video từ thực địa; (iii) tổ chức họp báo, điều không thường xảy ra trước đó. Cách làm của Philippines có phần tương đồng với Việt Nam trong vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014.

 

- Trung Quốc cũng đã đáp trả cũng tương đối nhanh, đồng thời cũng công bố video thực địa để phản bác (chiến thuật từng được Trung Quốc áp dụng trong vụ chạm trán với máy bay Mỹ tháng 12/2022). Đáng chú ý, trong vụ việc lần này, Trung Quốc phản ứng trên kênh hải cảnh trước kênh Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng. Điều này cho thấy tuyên truyền của hải cảnh Trung Quốc đang ngày càng được chú trọng, song song với hiện diện ngày càng tăng của lực lượng này tại Biển Đông.

 

- Về phía các nước còn lại, phản ứng đều rất nhanh nhưng có phần khác nhau về cấp độ. Một số tỏ ra quan ngại mà không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, trong khi một số khác phản đối trực diện Trung Quốc và chính thức ủng hộ Philippines. Mỹ đưa ra tuyên bố ở cấp Bộ Ngoại giao trong khi các nước còn lại đưa ra tuyên bố ở cấp đại sứ quán/đại sứ. Danh sách quốc gia có phản ứng chính thức cũng nhiều hơn vụ việc hồi tháng 4/2023 khi có thêm Hàn Quốc, New Zealand và trưởng phái đoàn EU. Có thể thấy các nước có phản ứng đều nằm trong mạng lưới đồng minh - đối tác của Mỹ trong khu vực, trong khi một số nước khác như các thành viên ASEAN hay Ấn Độ tỏ ra dè dặt hơn.

PT

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=767419505389275&set=a.516126120518616

Tàu hải cảnh Trung Quốc






No comments:

Post a Comment

View My Stats