Thursday, 10 August 2023

VỤ ÁN NGUYỄN VĂN CHƯỞNG : CÒN 'UẨN KHÚC' GÌ SAU HƠN 16 NĂM? (BBC News Tiếng Việt)

 



Vụ án Nguyễn Văn Chưởng: Còn 'uẩn khúc' gì sau hơn 16 năm?

BBC News Tiếng Việt

9 tháng 8 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66436540

 

"Nếu giết một người không có tội, thì làm sao sửa sai?", cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói với BBC News Tiếng Việt ngày 8/8.

 

Ông Nguyễn Trường Chinh nhận được quyết định thi hành án tử hình của con mình từ Tòa án nhân dân Hải Phòng vào ngày 4/8.

 

"Tôi là một người cha đã kêu oan cho con 16 năm rồi. Ngày 4/8, tôi cảm giác vô vọng, không thể tin nổi vào mắt mìn sau khi nhận được thông báo kêu làm đơn nhận tro hay thi hài", ông nói với BBC.

 

Ông Nguyễn Trường Chinh cho biết khi gia đình yêu cầu muốn biết ngày thi hành án tử hình, thì những cán bộ từ Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết "ngoài thẩm quyền của mình", điều mà theo ông là "sự lập lờ".

 

Từ ngày nhận thông báo đến nay, gia đình ông không nhận thêm thông tin nào khác.

 

Trước đó, ngày 12/6/2008, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Văn Chưởng tử hình tội "Giết người" liên quan đến vụ án mạng.

 

Nạn nhân là Thiếu tá cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Sinh (Công an phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng) vào ngày 14/7/2007.

 

Gia đình và Chưởng đã kêu oan trong những năm qua, với lý do thời điểm xảy ra vụ án mạng, Chưởng không có mặt ở Hải Phòng mà đang ở quê Hải Dương.

 

 

'Hoàn toàn không khách quan'?

 

Nói đến vụ án mạng ngày 14/7/2007, nạn nhân là Thiếu tá cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Sinh (Công an phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng), Luật sư Lê Văn Hòa cho rằng "Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình oan, vì rất nhiều vi phạm tố tụng ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa được làm rõ."

 

Luật sư Lê Văn Hòa từng là nguyên Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 2016, ông về hưu và tham gia Đoàn Luật sư Hà Nội.

Ông cho biết những đơn kiến nghị không thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng đã được ông gửi đi từ năm 2014 đến nay, tuy nhiên đã không nhận được phản hồi nào.

 

Ông cho rằng Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. "Ủy ban tư pháp của Quốc hội phải là cơ quan chủ trì.... để kiểm tra, làm rõ lại vụ án này", ông nói.

 

Nhà nước nên ân xá cho Nguyễn Văn Chưởng và minh oan cho Hồ Duy Hải?

Thăm lại bưu điện Cầu Voi và tìm chứng cứ ‘giải oan’ cho tử tù Hồ Duy Hải

Quốc hội sẽ rà soát vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/F987/production/_130697836_ao.jpg

Mặt sau chiếc áo của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, với bài thơ kêu oan bằng tăm, được gửi ra từ trại giam

 

Ông đề cập với BBC News Tiếng Việt về điều mà ông xem là "rất nghiêm trọng" trong vụ án mà ông gọi là "hoàn toàn không khách quan".

 

"Tôi bắt đầu tham gia kiến nghị vụ án này, xuất xứ từ cuối năm 2013. Lúc đó tôi đang công tác ở Ban Nội chính Trung ương Đảng. Lúc đó ông Nguyễn Bá Thanh, thành lập tổ công tác gồm ba người, tôi làm tổ trưởng."

 

"Cuối tháng 1/2014, ông Nguyễn Bá Thanh mời hai nhân vật rất quan trọng tham dự họp, là ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao vào Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an sang cùng nghe."

 

"Trong buổi đó, tôi đã chất vấn ông Nguyễn Văn Sơn, đề nghị ông ấy cho tôi biết tại sao lại ngăn cản việc tổ công tác của Ban Nội chính Trung ương tiếp cận hồ sơ vụ án của Nguyễn Văn Chưởng là như thế nào. Ông Sơn trả lời không có văn bản nào của đảng và nhà nước đồng ý cho phép các tổ công tác của ban, đảng được nghiên cứu, tiếp cận hồ sơ của vụ án."

"Rất nghiêm trọng là ở chỗ đó."

 

"Tôi chất vấn, đề nghị đồng chí Nguyễn Văn Sơn cho biết là có văn bản nào của đảng, nhà nước cấm không cho các ban, đảng được nghiên cứu hồ sơ vụ án này không. Vì đây là vụ án bình thường, không có gì liên quan đến an ninh, chính trị, an ninh quốc gia. Lý do gì lại ngăn cản. Thế là ông ta không trả lời được."

 

"Rất tiếc ngày hôm sau, ông Nguyễn Bá Thanh không đồng ý cho tổ công tác nghiên cứu của chúng tôi tiếp tục nghiên cứu hồ sơ vụ án này nữa. Ông ấy gọi chúng tôi đến phòng làm việc nói vụ án này Ban Nội chính trung ương không tham gia nữa."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0F27/production/_130697830_levanhoa.jpg

Luật sư Lê Văn Hòa từng là nguyên Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 2016, ông về hưu và tham gia Đoàn Luật sư Hà Nội.

 

Luật sư Lê Văn Hòa đã nêu một số vấn đề về vụ án trong bản tóm tắt gửi đến BBC News Tiếng Việt. Chúng tôi trích dẫn nguyên văn từ ông như sau:

 

·        Vụ giết người xảy ra hồi 21:00 ngày 14/7/2007 (thời điểm đó khu vực hiện trường trời mưa), nhưng đến 15:30 ngày hôm sau mới tổ chức khám nghiệm hiện trường.

·        Cơ quan điều tra không tổ chức bảo vệ giữ nguyên hiện trường vụ án; việc thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án rất tùy tiện.

·        Dấu vết để lại trên áo và thi thể nạn nhân khẳng định nạn nhân không chỉ bị tấn công, tác động tại hiện trường, mà có thể đã bị tấn công, tác động trước đó ở một địa điểm khác.

·        Biên bản giám định không kết luận vân tay ở cò khẩu súng K59 thu tại hiện trường là của ai.

·        Người lạ bí ẩn không được làm rõ.

·        Việc quy kết Hoàng, Trung, Chưởng chém nạn nhân Sinh nhằm cướp tài sản là không thuyết phục.

·        Về chứng cứ kết tội Chưởng là chủ mưu và tham gia chém nạn nhân là chứng cứ gián tiếp, không khách quan. Lời khai của các bị cáo và một số nhân chứng cho thấy có nhiều mâu thuẫn, không đủ cơ sở kết luận Chưởng là chủ mưu, nhưng không được làm rõ.

·        Có dấu hiệu bức cung, nhục hình.

 

 

'Phải triệu tập hai nhân vật quan trọng'

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/720/cpsprodpb/5D47/production/_130697832_chuong2.jpg

Gia đình ông Nguyễn Trường Chinh kêu oan

 

Khi lật lại vụ án, luật sư Lê Văn Hòa đề nghị hai nhân vật mà tổ điều tra liên ngành phải gặp đó là ông Đỗ Hữu Ca, nguyên giám đốc Công an thành phố Hải Phòng và ông Dương Tự Trọng, cựu Phó Giám đốc công an Hải Phòng.

 

"Tôi cho rằng vụ án này phải gặp hai đối tượng đặc biệt quan trọng là ông Đỗ Hữu Ca, nguyên giám đốc Công an thành phố Hải Phòng. Thời gian đó, ông ấy là Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, thủ trưởng cơ quan điều tra thành phố Hải Phòng."

 

"Nhân vật thứ hai là Dương Tự Trọng, cựu Phó Giám đốc công an Hải Phòng, lúc ấy là Trưởng cơ quan điều tra hình sự, người đã ký kết luận điều tra vụ án này."

 

"Tôi cho rằng đây là yếu tố rất quan trọng", Luật sư Lê Văn Hòa cho biết.

 

Ông Dương Tự Trọng đã hoàn tất bản án 17 năm 3 tháng tù sau khi bị kết án vì tội 'Tổ chức cho người khác ra nước ngoài'.

 

Luật sư Lê Văn Hòa cho biết ông Dương Tự Trọng mới ra tù vài năm nay, và đang làm nghề châm cứu.

 

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca đang bị khởi tố, tạm giam từ tháng 2/2023 với các cáo buộc có liên quan đến một vụ án hình sự "trốn thuế, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" ở Quảng Ninh và Hải Phòng.

 

Ông Đỗ Hữu Ca được biết đến nhiều nhất với vai trò chỉ huy vụ cưỡng chế đất 'Tiên Lãng' vào tháng Giêng năm 2012 lúc ông đương chức Giám đốc Công an Hải Phòng.

 

Khi đó vụ cưỡng chế thu hồi đất với gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã trở thành sự kiện chính trị lớn tại Việt Nam.

 

Năm 2019, ông Đỗ Hữu Ca thôi chức Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng.

 

'Tạm giữ hình sự' cựu chỉ huy vụ cưỡng chế đất Tiên Lãng

 

 

Ròng rã kêu oan cho con

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/163D1/production/_130698019_chame.jpg

Bà Nguyễn Thị Loan mẹ của Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Trường Chinh bố của Nguyễn Văn Chưởng. Cả hai người đều đã kêu oan cho con trai mình liên tục trong những năm qua

 

Ông Nguyễn Trường Chinh cho BBC biết hằng tháng đều gửi đơn kêu oan cho con ở bốn nơi, gồm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, không bỏ ngày nào.

 

"Năm 2014, gia đình tôi đã nhận được thông báo bằng miệng là cuối tháng 12 sẽ thi hành án tử hình mà họ cũng không nói rõ ngày nào."

 

17 năm nay, ông cho biết cả gia đình ông đã tan nát vì "không biết con tôi ngày nào sống hay chết".

 

"Bà con, họ hàng xa lánh, chính quyền để ý dòm ngó, kinh tế thất bại... Con trai tôi Nguyễn Trọng Đoàn ra tù thì không công ty nào nhận... Về tinh thần thì gia đình tôi rơi xuống đáy của xã hội."

 

"Nếu giết một người không có tội, thì làm sao sửa sai?"

 

Ông Chinh cho biết gia đình đã bị an ninh Việt Nam canh gác từ năm 2014, đến 2017 thì có nới lỏng, hết gác ở nhà, điều mà ông gọi là "khủng bố tinh thần, khiến gia đình quá mệt mỏi".

 

"Không biết tiền đâu mà một ngày họ cử 11 người gác nhà tôi, lúc đông nhất thì 12 người, ít nhất là 5 người. Khi có họp quốc hội, đại hội đảng, thì họ gác trước bảy ngày. Khi nào bế mạc thì họ mới ngưng. Còn khi có xử nhà hoạt động dân chủ, nhà báo độc lập thì họ canh gác trước ba ngày."

 

"Thế nhưng từ ngày 4/8 thì lại đi gác tôi tiếp như năm 2014. Tôi đi vào nhà trọ, bưu điện, nhà trọ thì họ gác tôi."

 

"Ngày 7/8, khi tôi phải nhập viện thì có hai nhân viên an ninh gác ở ngoài ngay cửa phòng cấp cứu, tôi và vợ đi gửi đơn thì họ cũng đi theo. Tiền thuế của dân thì lại phung phí như vậy."

 

Việt Nam: Vì sao vẫn còn nhiều bản án tử hình?

 

 

Tổ chức quốc tế nói gì?

 

Trong một tuyên bố ngày 7/8, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cho rằng:

"Chính quyền Việt Nam phải ngay lập tức chấm dứt bất kỳ nỗ lực nhằm thi hành án tử hình đối với người đàn ông trong một vụ án còn chứa những quan ngại nghiêm trọng về tra tấn và vi phạm quyền được xét xử công bằng. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam ngay lập tức tiến hành một cuộc điều tra độc lập và bất thiên vị nhằm vào những cáo buộc [Chưởng] đã bị tra tấn và ép cung trong khi bị cảnh sát giam giữ."

 

Số vụ tử hình tại Việt Nam vẫn được phân loại là diện bí mật quốc gia. Việt Nam chỉ có một hình thức thi hành án tử hình duy nhất bằng tiêm thuốc độc.

 

Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định: "1- Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định. 2- Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử"."

 

Tuyên bố của Amnesty International có nội dung:

 

"Tra tấn và đối xử tàn tệ bị cấm theo luật quốc tế nhưng vẫn được chính quyền Việt Nam sử dụng phổ biến. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Là một thành viên của công ước này, Việt Nam phải thực thi tất cả các biện pháp để đảm bảo không ai bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn nhẫn, vô nhân tính..."

 

"Một án tử hình được tuyên theo sau quá trình xét xử được cho không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về tính công bằng, bao gồm trong Điều khoản 14 của ICCPR, mà Việt Nam đã gia nhập, điều này vi phạm luật pháp quốc tế, cho thấy việc tử hình là mang tính tùy tiện."

 

Amnesty International tuyên bố phản đối án tử hình trong tất cả các trường hợp.

 

Cho đến nay, trong 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đã có 112 quốc gia bãi bỏ án tử hình. Việt Nam nằm trong số ít các nước còn lại duy trì án tử hình.

 

Nhà nước nên ân xá cho Nguyễn Văn Chưởng và minh oan cho Hồ Duy Hải?

 

Tóm tắt vụ án Nguyễn Văn Chưởng

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66436540

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats