Tuesday, 1 August 2023

ĐỪNG VỘI CHÊ! (Đoàn Bảo Châu)

 



Đừng vội chê!    

Đoàn Bảo Châu   

1-8-2023  04:00   

https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165/posts/pfbid0zYmMrV1nxH1aBzk6vtM2KmZoUx4Z7zGqECDjDSmc6s3NXrMgyxcp4G1GrnGYbZUul

 

 

Nhiều bạn chê bai cách các bạn trẻ tỏ lòng hâm mộ với ban nhạc Blackpink.

 

Chúng ta thử nhìn sâu một chút nhé. Theo tôi, mỗi người có quyền sống đúng với cảm xúc của mình. Các cháu thấy cần khóc thì khóc, cần gào thì gào, cần thấy nhu cầu phải hôn chỗ ngồi của thần tượng thì hôn.

 

Chẳng phải chúng ta, những con tim đã già, hay sắp già, những con tim "khôn ngoan", "đúng mực" và những bộ não thích phê phán, chỉ trích có lúc ước được làm trẻ con, để có thể vô tư sống theo cảm xúc của mình sao?

 

Chính phủ Hàn Quốc vô cùng sáng suốt và khôn ngoan khi biết chăm sóc sức mạnh của những sản phẩm văn hoá, nghệ thuật. Tôi không biết họ có hay hô hào "thuần phong mĩ tục" hay không nhưng điều tôi biết là âm nhạc, điện ảnh, mĩ phẩm, thời trang của Hàn Quốc phát triển rực rỡ và vươn sức ảnh hưởng sâu rộng ra thế giới.

 

Khi những cái đầu nhìn ra được đâu là giá trị cốt lõi, giá trị đích thực, họ sẽ bớt đi những giáo điều vô bổ.

 

Các bạn còn nhớ bài hát như kiểu "Con Đường Xưa Em Đi" bị cấm không? Tất nhiên là có nhiều bài hát bị cấm nhưng tôi chỉ muốn nêu một ví dụ để thấy rằng khi những người quản lý của đất nước có tầm nhìn hạn hẹp, kì thị sản phẩm văn hoá của "phía bên kia" thì nó sẽ ảnh hưởng đến thế nào về sự phát triển của xã hội.

 

Một bài hát chỉ đơn thuần nói tới một kỉ niệm tình yêu trong chiến tranh, có hề nói tới bên nào, lý tưởng nào đâu mà cấm? Tác giả của nó ở phía nào thì quan trọng gì?

 

Biết bao những cuộc triển lãm tranh, những bộ phim đã bị cấm ở Việt Nam chỉ vì cái sự quản lý hạn hẹp, nhỏ mọn và có tính kì thị ấy.

 

Rồi mọi thứ chủ nghĩa sẽ qua đi, mọi lý tưởng sách vở cũng qua đi và cái còn đọng lại là lợi ích của dân tộc. Người cầm quyền rất cần phải nhìn nhận về con đường kinh tế, văn hoá, xã hội và nghệ thuật với một con mắt thực tế, cởi mở, bao dung, và biết quan tâm thật sự tới sự phát triển mọi mặt của các ngành nghề ở Việt Nam.

 

Giới trẻ luôn khao khát cái đẹp, sự thăng hoa về cảm xúc và câu hỏi đặt ra là tại sao họ lại ngưỡng mộ các ban nhạc nước ngoài đến mức mà người lớn không thể hiểu, không thể lý giải nổi?

 

Tôi cho rằng một lý do là bởi sự tù túng về tư tưởng, về sự thiếu chăm sóc, thiếu tầm nhìn của cơ quan quản lý.

 

Phê phán, bỉ bôi kiểu "lên đồng" của giới trẻ thì dễ nhưng nhìn được ra nguyên nhân và tìm cách để các sản phẩm văn hoá, nghệ thuật của người Việt vươn ra được thế giới mới là khó.

 

Đối với tôi, văn hoá Việt với biết bao làn dân ca các miền, tuồng chèo, hát ả đào, hát xẩm, hát văn... đều độc đáo và là di sản văn hoá đáng quý và các trường phái nhạc mới cũng đáng trân trọng.

 

Điều đáng buồn ở đây là Việt Nam không chỉ bị o ép, bị cớm nắng với thế giới về khía cạnh kinh tế, khoa học, kĩ thuật mà còn bị lép vế về văn học, nghệ thuật, sản phẩm văn hoá.

 

Thậm chí, trong lĩnh vực võ thuật, một lĩnh vực tôi say mê thì nếu như vào một "bàn tay" biết chăm chút, biết đánh giá đúng mực thì tôi tin rằng nhiều môn võ của Việt Nam cũng đã có thể vươn mạnh mẽ ra thế giới.

 

Mấy chục năm trước, ai tập võ là phải lén lút, không khéo là ra đồn, là phiền phức ngay.  Việc mở cửa đã kịp thời, trước khi làm các môn võ kiệt quệ nhưng tiếc thay, chúng ta đã chậm chân so với thế giới rất nhiều.

 

Ngày xưa, dân Thái nghe nói đến Võ Tự Do của Việt Nam với thái độ kính nể. Và nếu có chiến lược đúng đắn thì tôi tin rằng Bình Định Gia của Việt Nam còn nổi tiếng và phát triển rực rỡ hơn Muay Thái của Thái Lan.

 

Và tại sao một môn võ như Pencat Silat của Indonesia được đưa vào Sea Games mà Bình Định Gia hay các môn võ khác của Việt Nam không chen chân vào được?

 

Tất cả đều cần tầm nhìn chiến lược, cái tâm biết quý trọng di sản văn hoá của dân tộc. Không nhỏ nhen, không vặt vãnh, không giáo điều.

 

Vậy cái tâm, cái tầm ấy ở đâu ra khi mà những đại án "Chọc Mũi" và "Ngạo Nghễ" đã phơi bày trên diện rộng của một lớp cán bộ tham lam, vô đạo đức, nhất định chỉ vì cái dạ dày của mình, của lũ con cháu ăn trên ngồi chốc của mình mà chẳng cần để ý tới bất cứ nỗi đau của Thằng Dân nào.

 

Mọi thứ đều liên quan với nhau. Khi viết tôi luôn tự hỏi mình có cực đoan không, có đi đúng vào bản chất vấn đề không, có suy diễn không.

 

Lớp trẻ là con cháu của chúng ta. Chúng ta kém cỏi thì mới sinh ra chúng kém cỏi. Ta tự vả vào mặt ta để ta tỉnh thức nhìn rõ bản chất vấn đề thì tốt hơn là phê phán chúng.

 

VIDEO : HÁT BẰNG CẢ TÍNH MẠNG

https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165/posts/pfbid0zYmMrV1nxH1aBzk6vtM2KmZoUx4Z7zGqECDjDSmc6s3NXrMgyxcp4G1GrnGYbZUul

 

.

85 BÌNH LUẬN   





No comments:

Post a Comment

View My Stats