Friday, 11 August 2023

TRUNG QUỐC VÀ BA NƯỚC CHÂU Á (Đàn Chim Việt, tổng hợp)

 



Trung Quốc và ba nước Châu Á 

Đàn Chim Việt

09/08/2023

https://www.danchimviet.info/trung-quoc-va-ba-nuoc-chau-a/08/2023/29392/

 

https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2023/08/AT_3c746image_story-768x432.jpg

Trung Quốc phun vòi rồng vào tầu Philippines

 

 

Xâm nhập mạng lưới của Nhật

 

Từ lâu, các tin tặc thuộc lực lượng quân sự của Trung Quốc đã xâm nhập mạng lưới phòng thủ bí mật của Nhật Bản, đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á.

 

Các quan chức tình báo của Hoa Kỳ và Nhật Bản đã cho tờ Washington Post biết với điều kiện giấu tên vì sự nhạy cảm của vấn đề. 

 

Các tin tặc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã cướp quyền truy cập sâu, liên tục và dường như đã nắm được nhiều thứ – kế hoạch, khả năng, đánh giá về những yếu kém quân sự của Nhật Bản.

 

“Thật tồi tệ – tồi tệ một cách đáng kinh ngạc“, một cựu quan chức quân đội Mỹ trả lời tờ báo, nhớ lại.

 

Tokyo đã thực hiện các bước để tăng cường mạng lưới của mình, nhưng họ vẫn được đánh giá là không đủ an toàn trước con mắt tò mò của Bắc Kinh, điều này có thể cản trở việc chia sẻ thông tin tình báo nhiều hơn giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Nhật Bản.

 

Sự xâm nhập đáng lo ngại đến mức năm 2020 Tướng Paul Nakasone, người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Bộ Tư lệnh Không gian mạng Hoa Kỳ, cùng với Matthew Pottinger, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, đã chạy sang Tokyo. Họ đã thông báo cho bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, ông này lo ngại đến độ ông đã đích thân sắp xếp để hai quan chức Mỹ báo cho thủ tướng.

 

Tại Washington lúc bấy giờ đang có tranh chấp kết quả bầu cử Tổng thống giữa hai ông Trump và Biden nên vụ này không được chú ý đúng mức.

 

Đến đầu năm 2021, chính quyền Biden đã ổn định và các quan chức an ninh mạng và quốc phòng nhận ra vấn đề đã trở nên nghiêm trọng. Người Trung Quốc vẫn còn lang thang trong các mạng lưới điện tử của Tokyo.

 

Kể từ đó, dưới sự giám sát của Mỹ, Nhật Bản đã đang tăng cường an ninh mạng, tăng ngân sách an ninh mạng gấp 10 lần trong 5 năm tới và tăng lực lượng an ninh mạng quân sự của họ gấp 4 lần, lên 4.000 người.

 

 

Ấn Độ “quan ngại”

 

Ấn Độ đã cấm các nhà sản xuất máy bay không người lái quân sự trong nước sử dụng các linh kiện sản xuất tại Trung Quốc vì lo ngại về lỗ hổng bảo mật.

 

Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân và khi Ấn Độ đang  hiện đại hóa quân đội, sử dụng nhiều hơn các máy bay không người lái loại có 4 cánh quạt.

 

Các lãnh đạo ngành an ninh Ấn Độ lo lắng công tác thu thập thông tin tình báo của máy bay không người lái có thể bị tổn hại do các bộ phận do Trung Quốc sản xuất trong các chức năng liên lạc, máy ảnh, liên lạc vô tuyến và phần mềm vận hành.

 

Tại hai cuộc họp vào tháng 2 và tháng 3 để thảo luận về đấu thầu máy bay không người lái vừa qua, các quan chức quân sự Ấn Độ nói với các nhà thầu rằng thiết bị hoặc các thành phần phụ từ “các quốc gia có chung biên giới trên bộ với Ấn Độ sẽ không được chấp nhận vì lý do an ninh.”

 

Một tài liệu đấu thầu cho biết các thành phần phụ loại này có “lỗ hổng bảo mật” gây tổn hại dữ liệu quân sự quan trọng và kêu gọi các nhà cung cấp tiết lộ nguồn gốc của các thành phần.

 

Một quan chức quốc phòng cấp cao Ấn Độ nói với Reuters rằng cụm từ “các nước có chung biên giới” thường được dùng để ám chỉ Trung Quốc, và nói thêm rằng ngành công nghiệp Ấn Độ đang phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, bất chấp lo ngại về các cuộc tấn công mạng.

 

Nhưng lệnh cấm đối với các bộ phận của Trung Quốc đã làm tăng chi phí sản xuất máy bay không người lái quân sự tại Ấn Độ, buộc các nhà sản xuất phải tìm nguồn linh kiện ở nơi khác.

 

Sameer Joshi, người sáng lập công ty Ấn Độ NewSpace Research and Technologies, chuyên cung cấp máy bay không người lái loại nhỏ cho quân đội Ấn Độ, cho biết 70% hàng hóa trong chuỗi cung ứng được sản xuất tại Trung Quốc.

 

“Giả sử, nếu tôi hỏi mua linh kiên của một anh chàng Ba Lan, hàng của anh ta vẫn có một mớ đến từ Trung Quốc”, ông nói.

 

 

Một Philippines can đảm

 

Hôm thứ Hai, Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc và đưa ra phản đối ngoại giao mạnh mẽ sau khi cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vòi rồng trong khi đối đầu với các tàu Philippines ở Biển Đông vào cuối tuần.

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Teresita Daza cho biết Thứ trưởng Theresa Lazaro đã triệu tập và đưa ra phản đối ngoại giao với Hoàng Tây Liên, Đại sứ Trung Quốc tại Manila.

 

Phát ngôn viên Daza cho biết phía Philippines yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động bất hợp pháp chống lại các tàu Philippines ở Biển Đông, ngừng can thiệp vào các hoạt động hợp pháp của Philippines và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

 

Cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài nhiều giờ xảy ra hôm thứ Bảy gần Bãi Cỏ Mây, nơi các lực lượng Philippines đóng quân từ nhiều thập niên qua trên một con tàu hải quân rỉ sét mắc cạn, nhưng cũng là nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

 

Lực lượng bảo vệ bờ biển và Bộ Ngoại giao Philippines đã tổ chức một cuộc họp báo hôm thứ Hai, trưng ra video và hình ảnh cho thấy 6 tàu cảnh sát biển và 2 tàu dân quân Trung Quốc đã chặn 2 tàu dân sự do hải quân Philippines thuê để tiếp tế cho các lực lượng Philippines tại Bãi Cỏ Mây. Một trong hai tàu tiếp tế đã bị lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc bắn bằng vòi rồng khá mạnh.

 

Kết quả chỉ có một tàu Philippines có thể cung cấp thực phẩm, nước, nhiên liệu và các vật dụng khác cho các lực lượng Philippines bảo vệ bãi cạn.

 

Phó đề đốc bảo vệ bờ biển Jay Tarriela của Philippines cho biết, trong cuộc đối đầu, hai tàu bảo vệ bờ biển Philippines hộ tống các tàu tiếp tế cũng bị các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc chặn ở cự ly gần và bị đe dọa bằng vòi rồng. Ba tàu hải quân Trung Quốc ở gần đó đã đứng nhìn.

 

Jonathan Malaya thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết  giống như tình huống châu chấu đá xe. Ông nhấn mạnh Philippines sẽ không rút quân khỏi Bãi Cỏ Mây.

 

Tại Bắc Kinh, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc thừa nhận các tàu của họ đã sử dụng vòi rồng chống lại các tàu Philippines, mà họ nói đã đi lạc và không được phép vào bãi cạn. Họ còn cáo buộc Philippines không chịu thực hiện cam kết đưa chiếc tàu chiến Philippines bị mắc cạn ra khỏi bãi cạn.

 

Con tàu đã được cố tình bỏ lại trên bãi cạn vào năm 1999 và hiện là một biểu tượng mong manh cho yêu sách lãnh thổ của Manila.

 

Đàn Chim Việt tổng hợp





No comments:

Post a Comment

View My Stats