Thursday 24 August 2023

THƯỢNG ĐỈNH JOHANNESBURG : TRUNG QUỐC KÊU GỌI MỞ RỘNG BRICS (Anh Vũ / RFI)

 



NỘI DUNG :

 

Thượng đỉnh Johannesburg : Trung Quốc kêu gọi mở rộng BRICS

Anh Vũ  -  RFI

.

Dưới bóng Trung Quốc, các nước BRICS tìm kiếm sức ảnh hưởng trước phương Tây

Anh Vũ   -  RFI

 

=============================================

.

.

Thượng đỉnh Johannesburg : Trung Quốc kêu gọi mở rộng BRICS

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 23/08/2023 - 12:54

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230823-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-johannesburg-trung-qu%E1%BB%91c-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-m%E1%BB%9F-r%E1%BB%99ng-brics

 

Trong phiên khai mạc thượng đỉnh BRICS hôm qua 22/08/2023, tại Johannesburg, Nam Phi, Trung Quốc đã tỏ ra năng nổ ủng hộ kế hoạch mở rộng nhóm các nền kinh tế mới nổi, để BRICS, hiện tại vẫn là định chế lỏng lẻo, có thể trở thành một khối khẳng định ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình trên phạm vi thế giới.

 

https://s.rfi.fr/media/display/3ce0bb10-419a-11ee-aacc-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2023-08-22T192417Z_126661304_RC26T2AP4DR5_RTRMADP_3_BRICS-SUMMIT-CHINA-XI.webp

Từ trái sang phải : Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 22/08/2023. via REUTERS - RUSSIAN FOREIGN MINISTRY

 

Đang thăm chính thức Nam Phi, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không dự phiên khai mạc thượng đỉnh BRICS, ủy quyền cho bộ trưởng Thương Mại Vương Văn Đào, thay mặt đọc diễn văn. Lãnh đạo Trung Quốc khẳng định « chủ nghĩa bá quyền không có trong ADN của Trung Quốc ».  Ông cho biết các cuộc thảo luận ở Johannesburg này không nhằm mục đích « yêu cầu các nước đứng về phía nào hoặc tạo ra sự đối đầu giữa các khối, mà là để mở rộng cấu trúc hòa bình và phát triển ».

 

Chủ tịch Trung Quốc, được AFP trích dẫn, tuyên bố : « Chúng ta sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược trong BRICS mạnh mẽ hơn, tích cực thúc đẩy việc mở rộng thành viên và giúp làm cho trật tự quốc tế trở nên công bằng và bình đẳng hơn. »

 

Thượng đỉnh ở Johannesburg càng làm nổi bật sự chia rẽ với phương Tây về cuộc chiến ở Ukraina và sự ủng hộ Matxcơva từ các đối tác khác của BRICS, vào lúc Nga bị cô lập trên toàn cầu.

 

Nam Phi, Trung Quốc và Ấn Độ không lên án hành động xâm lược của Nga, trong khi Brazil từ chối cùng các nước phương Tây gửi vũ khí tới Ukraina hay áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Matxcơva.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin, do bị lệnh truy nã của Tòa Án hình Sự Quốc Tế, không trực tiếp tham dự thượng đỉnh. Như dự trù, tổng thống Nga vẫn phát biểu qua video trong ngày khai mạc hội nghị. Trong diễn văn, ông Putin chủ yếu chỉ trích trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và lệnh cấm vận của phương Tây với Nga về phân bón và ngũ cốc đã góp phần gây ra khủng hoảng lương thực trên thế giới.

 

Trên hết, ông Putin muốn chứng minh rằng ngay cả từ xa, ông không đơn độc. Tổng thống Nga nhấn mạnh đến trọng lượng của BRICS với dân số đông, đầu tư tăng, sức mua tăng mạnh. Theo nguyên thủ Nga, đây là một khối phần lớn có khả năng cạnh tranh với G7, một tổ chức mà Nga đã bị gạt ra ngoài vào năm 2014, sau khi sáp nhập Crimée.

 

Theo ghi nhận của đặc phái viên RFI tại Johannesburg, Claire Bargelès, những chia rẽ đã xuất hiện trở lại trước khi các nước bước vào cuộc tranh luận quan trọng về khả năng mở rộng khối :

 

Điểm chung của các bài phát biểu khai mạc này là tất cả các diễn giả đều muốn nêu bật một hình ảnh về sức sống kinh tế của nhóm. Đối với tổng thống Brazil, « sự năng động của các nền kinh tế phía nam và BRICS chính là động lực ». Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi nhấn mạnh, ông vui mừng vì đất nước của ông sẽ sớm trở thành « đầu tàu cho tăng trưởng toàn cầu ».

 

Nhưng những phát biểu đó cũng ngầm cho thấy sự chia rẽ trong nhóm, với sự cạnh tranh tiềm ẩn giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Thực tế, kinh tế giữa 5 quốc gia không được đồng nhất lắm, hoặc mối quan hệ của họ với các cường quốc phương Tây cũng khác nhau.

 

Sẽ không dễ dàng gạt bỏ những chia rẽ để tìm được sự đồng thuận xung quanh vấn đề mở rộng BRICS. Trong khi đó, nhiều quốc gia, rất đa dạng, từ Iran đến Ả Rập Xê Út, qua đến Cuba, Ethiopia, Achentina hay Indonesia đã nộp đơn xin gia nhập nhóm.

 

Các lãnh đạo BRICS đã có thể thảo luận về vấn đề gai góc này nhiều hơn vào buổi tối khi họ gặp nhau tại một dinh thự sang trọng. Và các cuộc tranh luận sẽ tiếp tục ngày hôm nay, xen kẽ với các bài phát biểu của 5 nguyên thủ quốc gia.

.

.

==============================

.

.

Dưới bóng Trung Quốc, các nước BRICS tìm kiếm sức ảnh hưởng trước phương Tây

Anh Vũ   -  RFI

Đăng ngày: 23/08/2023 - 15:26

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230823-d%C6%B0%E1%BB%9Bi-b%C3%B3ng-trung-qu%E1%BB%91c-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-brics-t%C3%ACm-ki%E1%BA%BFm-s%E1%BB%A9c-%E1%BA%A3nh-h%C6%B0%E1%BB%9Fng-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y

 

Hội nghị thượng đỉnh BRICS, khai mạc hôm qua 22/08/2023 tại Nam Phi với chương trình nghị sự chủ chốt là làm sao để nhóm nước mới nổi lên có thể mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị toàn cầu của mình. Trung Quốc đã nhìn thấy kỳ họp này là cơ hội thúc đẩy mô hình phát triển địa chính trị có thể cạnh tranh với G7 của phương Tây.

 

https://s.rfi.fr/media/display/6f4aa358-4191-11ee-817c-005056a90284/w:980/p:16x9/AP23234459585006.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (đằng trước) và tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Pretoria, Nam Phi, ngày 22/08/2023. AP - Themba Hadebe

 

Thượng đỉnh đang diễn ra tại Johannesburg đang được các nước phương Tây theo dõi đặc biệt kỹ lưỡng vì tương lai BRICS sẽ mở rộng, với sự tham gia của nhiều thành viên mới, hướng tới một nhóm nước có khả năng trở thành đối trọng với nhiều định chế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế giới hay Tổ Chức Thương Mại Thế giới, đến giờ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các nước phương Tây phát triển. 

 

Khoảng 40 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập hoặc muốn quan hệ chặt chẽ với BRICS. Đó là những nước đều có chung một quan điểm rằng nền tảng của trật tự quốc tế được thiết lập từ năm 1945 vẫn do Phương Tây thống trị đã lỗi thời và không còn phù hợp với tình hình địa chính trị thế giới hiện nay. Kết thúc ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu : “Điều này cho thấy gia đình BRICS đang ngày càng có tầm quan trọng, có tầm vóc và ảnh hưởng trên thế giới.”

 

Có thể thấy rõ, 5 thành viên của BRICS, tạo thành một tập hợp không đồng nhất, gồm các quốc gia có khoảng cách địa lý xa xôi với nền kinh tế tăng trưởng không đồng đều. Ý đồ để BRICS có khả năng cạnh tranh ảnh hưởng quy mô quốc tế mới manh nha đã lộ rõ nhiều vấn đề phức tạp.

 

Trung Quốc, nền kinh tế hùng mạnh nhất trong khối, muốn phát triển ảnh hưởng của mình, đặc biệt là trong các đối đầu toàn diện về kinh tế, chính trị với Hoa Kỳ. Khác với Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và Brazil vẫn muốn duy trì mối quan hệ đối tác với các nước phương Tây. Vì thế, trong BRICS, việc mở rộng mà Trung Quốc hy vọng vẫn còn có quá nhiều bất đồng khi mỗi nước có tham vọng không giống nhau.

 

Ấn Độ, quốc gia ngày càng trở thành đối thủ của Trung Quốc, khó có thể ủng hộ việc mở rộng khối cũng như ý tưởng về một hệ thống trao đổi bằng đồng tiền quốc gia hoặc đồng tiền chung nhằm chống lại sự bá chủ của đồng đô la.

 

Theo nhật báo Le Monde, động cơ của Trung Quốc, tạo điều kiện cho nhiều nước mới gia nhập BRICS rõ ràng khiến Ấn Độ lo lắng vì nhận thấy sự sốt sắng của Bắc Kinh đối với việc mở rộng này tạo cảm giác rằng mục tiêu của Trung Quốc không phải là “làm việc cùng nhau và phối hợp hành động (…) để mang lại nhiều tiếng nói hơn của những nước mới trỗi dậy, mà là biến BRICS thành một nền tảng chống Mỹ được định hình bởi các ưu tiên của Trung Quốc”, Harsh Pant, phó chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Người Quan Sát, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại New York, được Le Monde trích dẫn nhận định.

 

Ông Ngưu Hải Tân, chuyên gia về Mỹ Latin tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải giải thích : “Tôi nghĩ Trung Quốc muốn BRICS trở thành một tổ chức mang tính đại diện cao hơn cho thế giới và nền kinh tế ngày nay.”

 

Ý đồ này của Bắc Kinh được chuyên gia Karin Costa Vazquez, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại đại học Phục Đán (Trung Quốc) khẳng định : “Trung Quốc tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương mới và cần bao quanh mình càng nhiều quốc gia có chung quan điểm này càng tốt. BRICS vẫn là trung tâm trong mắt Bắc Kinh và Brazil là một tác nhân quan trọng trong động lực này với tư cách là thành viên sáng lập của khối.”

 

Brazil là một nước lớn, nhưng nền kinh tế đang phát triển không thể bỏ qua được các đối tác lớn như Hoa Kỳ hay châu Âu. Về phần mình, trước thượng đỉnh, Nam Phi ngỏ ý cho biết là không muốn làm người cầm đuốc của phe chống phương Tây, cho dù Pretoria không ít lần thể hiện lập trường ủng hộ Bắc Kinh cũng như Matxcơva.  Bộ trưởng Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Nam Phi tuyên bố : “Tôi cho rằng sẽ cực kỳ sai lầm khi coi BRICS là thân Nga và chống phương Tây.”  Ông cảnh báo việc mở rộng có thể đưa BRICS vào con đường  góp phần làm gia tăng xung đột trong cộng đồng quốc tế.

 

Hai “đầu tàu” Nga và Trung Quốc nuôi tham vọng tạo luồng sinh khí mới cho BRICS phục vụ những mục tiêu riêng của họ. Nhưng lộ trình để BRICS từ một nhóm nước mới trỗi dậy thành một khối cường quốc đầy đủ vẫn còn rất xa vời.

 

===================

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

 

BRICS khai mạc thượng đỉnh ở Nam Phi với tham vọng lập một trật tự thế giới mới

Đăng ngày: 22/08/2023 - 13:32

.

Tham vọng mở rộng BRICS bộc lộ những mâu thuẫn trong nội bộ khối

Đăng ngày: 22/08/2023 - 13:32

.

BRICS : Thủ tướng Ấn Độ để ngỏ khả năng gặp trực tiếp chủ tịch Trung Quốc

Đăng ngày: 22/08/2023 - 13:15

.

Thượng đỉnh BRICS : Manh nha một trật tự thế giới mới phi phương Tây

Đăng ngày: 22/08/2023 - 16:46

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats