Monday, 7 August 2023

THẬN TRỌNG TRÊN BỘ, UKRAINE CHO DRONE HẢI CHIẾN TUNG HOÀNH TRÊN BIỂN (Thụy My / RFI)

 



Thận trọng trên bộ, Ukraina cho drone hải chiến tung hoành trên biển

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 06/08/2023 - 00:07Sửa đổi ngày: 06/08/2023 - 00:09

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230805-th%E1%BA%ADn-tr%E1%BB%8Dng-tr%C3%AAn-b%E1%BB%99-ukraina-cho-drone-h%E1%BA%A3i-chi%E1%BA%BFn-tung-ho%C3%A0nh-tr%C3%AAn-bi%E1%BB%83n

 

Đội drone biển tự sát Ukraina có thể là cơn ác mộng của hải quân Nga, khiến các tàu chiến của hạm đội Hắc Hải như bị giam lỏng. Trên bộ, cú đánh quyết định của cuộc phản công vẫn chưa được tung ra. Do không có không lực yểm trợ, The Economist cho rằng dường như Kiev chấp nhận logic một cuộc chiến tiêu hao. Trong khi đó Kremlin dùng mọi thủ đoạn vét thêm quân đưa ra tiền tuyến.

 

https://s.rfi.fr/media/display/0f70c6ce-338b-11ee-957c-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23217433587939.webp

Ảnh cắt từ video ngày thứ Bảy 05/08/2023 cho thấy một drone hải chiến tiếp cận một tàu dầu của Nga ở Hắc Hải gần Crimée. Đây là cuộc tấn công thứ nhì trong ngày bằng drone biển của Ukraina, sau khi tập kích một cảng lớn của Nga. AP

 

Drone hải chiến Ukraina góp mặt, Hắc Hải dậy sóng

 

Courrier International đưa tin : Sáng sớm thứ Sáu 04/08, các drone hải chiến của Ukraina đã tấn công cảng Novorossiisk. Tờ báo coi đây là diễn biến mới đáng chú ý trên Hắc Hải. Theo trang Glavred, vào lúc 5 giờ sáng nhiều người dân ở Novorossiisk (Nga), nơi có một căn cứ hải quân của hạm đội Hắc Hải, thức giấc vì những vụ nổ lớn.

 

Các drone Ukraina tiến đánh làm thiệt hại nặng tàu đổ bộ Olenegorsky Gorniak thuộc lớp Ropucha. Được nhận danh hiệu « Tàu đổ bộ tốt nhất hạm đội Phương Bắc năm 2007 », chiếc tàu này được điều sang Hắc Hải năm 2022 để tham gia cuộc xâm lăng. Theo hình ảnh trên mạng xã hội, chiếc tàu với 100 thủy thủ đoàn đã bị nghiêng về một bên và một khoang bị ngập nước, phải cho kéo về cảng. Đến tối thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy, đến lượt tàu dầu SIG của Nga ở eo biển Kertch bị drone Ukraina tấn công.

 

Trước đó ngày 01/08, một tiếng nổ lớn ở Sébastopol nghe được ở tận Bakhtchissarai cách xa 30 kilomet, sau mới biết Ukraina đã phá hủy một kho vũ khí của đội tàu. Ngày 02/08 lại một vụ nổ ở Crimée bị chiếm đóng, sau đó Nga cấm di chuyển trên cầu Kertch. Trang web Obozrevatel cho biết đêm 3 rạng 04/08, thành phố Féodossia (cũng thuộc Crimée) bị 13 drone Ukraina tấn công, do có kho dầu cung ứng cho hạm đội Hắc Hải.

 

Le Figaro cuối tuần nói thêm, trên giấy tờ hầu như hải quân Ukraina không còn tồn tại từ sau ngày 24/02/2022, chỉ còn một ít tàu trọng tải nhẹ do tất cả chiến hạm đã bị Nga phá hủy hay bắt giữ. Nhưng nay đội drone biển tự sát có thể là cơn ác mộng của hải quân Nga. Chuyên gia Vladislav Selezniov của hãng tin độc lập Unian nhận định, « việc thành lập đội drone hải chiến Magura V5 (loại đã tấn công ở Novorossiisk) sẽ làm thay đổi cuộc chiến ». Các tàu chiến của hạm đội Hắc Hải có nguy cơ bị giam lỏng tại cảng.

 

 

Vì sao Kiev không thể « đánh nhanh thắng nhanh » ?

 

Về mặt chiến lược, The Economist giải thích « Vì sao có thể Ukraina đã chọn lựa một cuộc chiến tranh tiêu hao ». Cuộc phản công chưa có được một kết quả ngoạn mục nào, tuy nhiên đó không phải là tin xấu.Đã hai tháng kể từ khi Kiev khởi đầu cuộc phản công trên toàn tuyến phòng ngự dài 1.000 kilomet của Nga, và hơn một tuần khi bước sang giai đoạn thứ hai.

 

Trong giai đoạn đầu đầy tham vọng, những đơn vị cơ giới vừa được thành lập đã bị sa lầy. Sau đó Ukraina tập trung vào hỏa lực tầm xa để làm rối loạn tuyến hậu cần của Nga, phá hủy các trung tâm logistic và sở chỉ huy, mục tiêu là làm yếu đi khả năng Nga trả đũa các hoạt động « thăm dò » để tìm kiếm những điểm yếu. Mới đây chiến dịch này được bổ sung bằng những vụ tấn công lẻ tẻ bằng drone vào Matxcơva, và drone hải chiến đánh vào chiến hạm Nga trên Hắc Hải.

 

Những người ủng hộ Ukraina ngỡ rằng một bước ngoặt đã được mở ra vào tuần rồi, với việc tung vào quân đoàn 10 hôm 26/07, trong đó có ba lữ đoàn được phương Tây trang bị. Tuy nhiên đây vẫn là một cuộc chiến tiêu hao vất vả. Đến 31/07, thứ trưởng quốc phòng Ukraina loan báo trong một tuần đã tái chiếm thêm gần 15 cây số vuông, nếu kể từ đầu chiến dịch phản công là 200 cây số vuông.

 

Như vậy có thể hiểu việc bổ sung quân đoàn 10 chỉ là để tiếp sức cho quân đoàn 9 đã chiến đấu từ đầu tháng Sáu. Tổng tham mưu trưởng Anh, Sir Tony Radakin mô tả chiến lược của Ukraina là « bỏ đói, thăm dò, tấn công ». Có nghĩa là vừa đánh vào hậu cần, vừa thử khuấy đảo ở nhiều hướng. Rồi đến một thời điểm nào đó, tướng Valery Zaluzhny sẽ chọn một hướng chính để tiến công – một quyết định đầy rủi ro.

 

 

Chấp nhận logic của một cuộc chiến tranh tiêu hao

 

Nếu tiến được về phía nam, từ Zaporijia qua Tokmak đến Melitopol và Biển Azov, với chiều dài 200 kilomet, sẽ mang lại nhiều lợi ích chiến lược nhất. Quân Nga bị cắt rời, Crimée bị cô lập và nằm trong tầm pháo, hỏa tiễn.Tuy nhiên phải chọc thủng không chỉ phòng tuyến kiên cố đầu tiên của Nga, mà còn phải xuyên qua khu vực được phòng thủ dày đặc nhất của mặt trận.Những đoàn xe thiết giáp không thể tránh được các drone Nga trên trời và mìn dưới đất. Những thành công nho nhỏ vừa qua của Ukraina là nhờ các đơn vị cấp trung đội và đại đội, được cây rừng che chắn.

 

Một cách khác là đánh vào tuyến yếu hơn của Nga ở miền đông, xung quanh thành phố Bakhmut hoang tàn, rồi hướng về Donbass. Tướng Pháp Jérôme Pellistrandi trên L’Express cho rằng Matxcơva không thể để mất Bakhmut, chiến thắng duy nhất trong những tháng qua. Theo The Economist, sẽ là cú đòn chính trị lớn cho Nga vốn đã đổ rất nhiều máu tại đây, nhưng lợi ích chiến lược cho Ukraina ít hơn. Dù vậy, việc tập trung vào Bakhmut như hiện nay giúp kéo quân Nga xa khỏi miền nam. Khi cuộc tấn công bắt đầu, sẽ tùy thuộc nhiều vào việc quân Nga rút có trật tự sang những tuyến khác thuận lợi hơn, hay là vỡ trận vì kiệt lực, mất tinh thần, chỉ huy tồi và thiếu đạn.

 

Nhà chiến lược Sir Lawrence Freedman cho rằng những lời chỉ trích lực lượng Ukraina là không công bằng, vì họ không được không lực yểm trợ như phương Tây nên không thể đánh nhanh thắng nhanh. Họ cũng không có nhiều thập niên kinh nghiệm hiệp đồng tác chiến, và phải đối phó với số lượng drone đông đảo của Nga. Kiev cần phải có được một số thành công trước khi mặt đất trở thành bùn lầy vào mùa thu, để nâng cao tinh thần quân dân, duy trì lòng tin của các đồng minh. Ukraina cần được giúp đỡ để « chiến đấu theo cách họ thấy là tốt nhất » chứ không phải khuyến khích bắt chước phương pháp của phương Tây. Và như vậy theo Sir Lawrence, có nghĩa là chấp nhận logic của một cuộc chiến tiêu hao.

 

 

Ruy-băng vàng và bom xăng : Dân Crimée chống quân Nga chiếm đóng

 

Trong khi đó Courrier International dẫn nguồn từ chính quyền và báo chí Ukraina cho biết, người dân bán đảo Crimée ngày càng chống đối quân Nga chiếm đóng.Phong trào « Ruy-băng vàng » phát xuất tại Kherson ngày 27/04/2022 với những dải nơ vàng được gắn khắp những nơi công cộng của những thành phố bị chiếm đóng, đã lan ra đến nhiều nơi khác, đặc biệt là Crimée.

 

Trên những bức tường, những chữ Z do quân Nga sơn bị vẽ lại thành hình đồng hồ cát hai màu xanh vàng, mang ý nghĩa « sắp đến ngày giải phóng ». Cuối tháng Bảy, những người điều phối phong trào « Ruy-băng vàng » đã gặp gỡ tại Crimée bị chiếm đóng để chuẩn bị kỷ niệm Ngày độc lập Ukraina 24/08. Đó là lần đầu tiên họ trực tiếp nhìn thấy nhau sau một năm chỉ liên lạc bằng thư từ;

 

Nhưng có những cư dân Crimée khác chọn hình thức bạo lực. Những vụ phá hoại các mục tiêu quân sự Nga ngày càng nhiều hơn : ngày 31/07 xảy ra một loạt vụ nổ tại Simferopol, và ba ngày trước đó, một số kho đạn ở Sébastopol đã phát nổ. Crimée là trung tâm hậu cần, nơi cung ứng tất cả lương thực và vũ khí cho quân chiếm đóng. Tờ Gazeta dẫn lời tình báo quân đội Ukraina thẳng thừng cho biết đây là hoạt động kháng chiến của cư dân. Quân đội Nga đang được đặt ở mức báo động cao, và trả đũa bằng những vụ bắt bớ hàng loạt, đại đa số người bị bắt là dân Tatar. 

 

 

Làn sóng phóng hỏa vào các trung tâm tuyển quân ở Nga

 

Còn theo L’Express, « Nước Nga đang đối mặt với làn sóng bí ẩn phóng hỏa vào các trung tâm tuyển quân ».Tính đến ngày 01/08, đã có 17 trung tâm tuyển mộ bị phóng hỏa, từ Podolsk chỉ cách Matxcơva vài cây số cho đến Severodvinsk, Kazan, Omsk, Saint-Pétersbourg…Đây là đợt tấn công lớn nhất kể từ tháng 9/2022 khi có lệnh động viên, nhưng lần này không phải do những người phản chiến mà do...bị lừa qua điện thoại.

 

Có hai trường hợp : hoặc người lớn tuổi, neo đơn bị áp chế ; hoặc kẻ lừa đảo giả làm nhân viên tình báo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Hiện giờ chính quyền không lên tiếng, những thông tin này có được thông qua cảnh sát, Telegram hay báo chí địa phương. Có thể những người chống chiến tranh Ukraina đứng sau chiến dịch này. Trang web độc lập Nga Mediazona được Newsweek dẫn lại cho biết tổng cộng kể từ ngày đầu cuộc xâm lăng đã có 113 trung tâm tuyển quân ở Nga bị tấn công.

 

 

Cưỡng ép người trẻ vào lính, Kremlin còn vét đến thế hệ xô-viết cuối cùng

 

The Economist cho biết thêm, đang rất thiếu quân, Nga dùng thủ đoạn và cưỡng bức để bổ sung thêm lính. Đợt động viên đầu tiên có 300.000 người bị bắt lính. Được huấn luyện kém và trang bị tồi, nhiều người trong số đó đã chết hoặc bị thương, những người sống sót cần được luân chuyển, như đề nghị của tướng Ivan Popov vừa bị cách chức. Sự ra đi của lính đánh thuê Wagner hồi tháng Sáu càng làm trầm trọng thêm vấn đề.

 

Trong những tuần rồi, Kremlin đã thông qua một loạt đạo luật nhằm tăng số lượng tân binh tiềm năng. Như Andrei Kartapolov, chủ tịch ủy ban quốc phòng Quốc Hội Nga đã nói : « Luật này được soạn ra cho một cuộc đại chiến, một cuộc tổng động viên ». Ngược với các chỉ huy Ukraina luôn cố bảo vệ sinh mạng người lính, quân đội Nga luôn dựa vào nguồn nhân lực vô tận có thể ném vào chiến tranh, với câu châm ngôn không thay đổi : « Phụ nữ Nga sẽ sinh con nhiều hơn ».

 

Bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu đặt ra chỉ tiêu 400.000 tân binh hợp đồng, những bảng quảng cáo tuyển quân mọc lên khắp nơi. Gởi những người đi nghĩa vụ quân sự ra tiền tuyến lâu nay là điều cấm kỵ. Nhưng theo Sergei Krivenko của tổ chức nhân quyền Memorial, phân nửa số thanh niên trong đợt nhập ngũ vừa rồi đã bị lừa ký hợp đồng, hoặc bị đe dọa, cưỡng bức. Họ không biết rằng một khi đã ký thì không thể thoát ra được. Một yếu tố làm hạn chế việc động viên là thiếu người huấn luyện, thế nên Kremlin mới nâng tuổi phục vụ lên 65. Nhà nghiên cứu Pavel Luzin nói : « Họ đang vét đến thế hệ xô-viết cuối cùng ».

 

 

Dân Nga muốn có lãnh đạo khác thay Putin ?

 

Trả lời phỏng vấn của L’Express, nhà nghiên cứu Nga Ekaterina Schulmann cho rằng « Trong dân chúng Nga, có nhu cầu lớn là thay thế Putin ». Mười bảy tháng chiến tranh và cuộc binh biến bất thành của Yevgeny Prigozhin đã làm yếu hẳn quyền lực của ông chủ điện Kremlin.

 

Tính chính danh của Putin đối với bên ngoài đã giảm mạnh : ông ta bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã, bị đa số nước phát triển tẩy chay. Giới tinh hoa không còn được xuất ngoại vì ông, nên một số có thể nghĩ rằng không có Putin sẽ dễ tái lập quan hệ với phương Tây hơn. Đối với trong nước, tổng thống Nga đã yếu đi, sự thờ ơ của người dân trong vụ Wagner nổi loạn chứng tỏ điều này. Putin vẫn là nhân vật nổi bật nhất vì không ai được cho phép ngóc đầu dậy, nhưng việc Prigozhin được nhanh chóng dành cảm tình cho thấy dân Nga mong có những khuôn mặt mới.

 

Trước mắt Vladimir Putin không bị đe dọa. Khi ông chủ ở thế yếu, chẳng cần phải xung đột với ông ta để đòi quyền lợi, vì ông không thể từ chối. Chủ trương hiện nay là trừng phạt những người nổi loạn và mua chuộc lòng trung thành của những người khác, tức cây gậy và củ cà rốt. Hiện nay chúng ta thấy cà rốt nhiều hơn gậy : Vệ binh quốc gia được hứa cấp vũ khí hạng nặng, giới « siloviki » được tăng lương…ngược lại Wagner được tương đối khoan hồng.

 

 

Trung Quốc : Thanh trừng trong binh chủng hỏa tiễn

 

Liên quan đến châu Á, The Economist đặt vấn đề « Tại sao lại có sự thay đổi bất ngờ trong lực lượng nguyên tử của Trung Quốc ? ». Ngày càng có nhiều quan chức được Tập Cận Bình đỡ đầu gặp phải những rắc rối.

 

Lần thanh trừng trước đây của Tập Cận Bình là nhắm vào tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong), hai tướng lãnh được bổ nhiệm trước khi ông lên nắm quyền. Nhưng hai tướng Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), tư lệnh lực lượng hỏa tiễn Trung Quốc và Từ Trung Ba (Xu Zhongbo), chính ủy của lực lượng này vừa bị thất sủng lại là người do ông Tập đưa lên. Truyền thông nhà nước hôm 31/07 loan tin họ bị thay thế nhưng không cho biết lý do, cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào về số phận của họ, dù có những đồn đoán là hai tướng lãnh này đang bị điều tra vì tham nhũng hay tiết lộ bí mật quân sự. Chuyên gia Brendan Mulvanay nhận xét, việc cả tư lệnh lẫn chính ủy cùng bị cách chức một lượt là điều hiếm hoi.

 

Sự kiện trên đây gây bất ngờ cho nhiều chuyên gia, vì binh chủng hỏa tiễn là lực lượng được ưu tiên hàng đầu, có vị thế tương đương với lục quân, hải quân và không quân. Binh chủng này có kho hỏa tiễn địa-không lớn nhất thế giới, trong đó có hàng trăm tên lửa hành trình và đạn đạo thông thường, 300 hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa và 400 đầu đạn nguyên tử, được dành cho ngân sách rất lớn. Bắc Kinh dự kiến nâng số đầu đạn hạt nhân lên 1.500 từ nay đến năm 2035. Với vũ khí nguyên tử, các chỉ huy cần tuyệt đối trung thành và được tín nhiệm cao, nếu họ tham nhũng hoặc tiết lộ bí mật sẽ vô cùng nguy hiểm.

 

 

80 % côn trùng đã biến mất ở châu Âu

 

Chuyển sang lãnh vực môi trường, tuần báo L’Obs dành hồ sơ và trang nhất khẳng định « Côn trùng là bạn của chúng ta », nhưng cũng cẩn thận chú thích thêm dưới hàng tít là « ngoại trừ loài muỗi ».Tuần báo giải thích « Vì sao việc bảo vệ côn trùng mang tính toàn cầu ? ». Vì chúng là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái, không có côn trùng thì không có chim chóc và các loài hoa. Tuy nhiên đã có gần 80 % côn trùng đã biến mất ở châu Âu. Các nhà khoa học đặt ra một cái tên ngộ nghĩnh : hội chứng kính chắn gió.

 

Những thập niên gần đây người ta bắt đầu nhận ra tình trạng côn trùng biến mất qua việc không còn phải lau chùi cửa kính xe trong mùa hè. Nhà tâm lý học Mỹ Peter H. Kahn nói về một dạng « mất trí nhớ về môi trường » : những thế hệ tiếp nối nhau, chúng ta mất đi kỷ niệm về trạng thái trước đó của hành tinh và quen với việc sống trong một thiên nhiên bị xuống cấp. Côn trùng là nạn nhân của lỗ hổng ký ức tập thể, số lượng ngày càng ít đi trong sự thờ ơ của nhân loại. Chống chọi được những trận đại hồng thủy cách đây 400 triệu năm, nay chúng lại bị đe dọa vì cách sống của con người.

 

Câu chuyện ba con bò và một hiệp ước từ 13 thế kỷ

 

Để kết thúc mục điểm tuần báo hôm nay, xin dẫn một câu hỏi do Courrier International đặt ra : « Tại sao mỗi năm Pháp lại giao ba con bò cái cho Tây Ban Nha ? ». Tờ El Espanol nhận thấy ở Tây Ban Nha có nhiều truyền thống bền vững với thời gian, có vẻ kỳ lạ trong xã hội đương đại nhưng vẫn được tuân thủ. Một trong số đó liên quan đến Pháp : hàng năm tại thung lũng Barétous (tỉnh Pyrénées-Atlantique) vào đúng ngày 13/07, ba con bò cái được đưa sang thung lũng Roncal phía Tây Ban Nha.

 

Đó là theo quy định của một hiệp ước có từ năm 1345, để hòa giải giữa hai vùng đất. Truyền thống có từ 13 thế kỷ trước vẫn được duy trì, đại diện chính quyền các làng ở hai thung lũng mặc trang phục truyền thống trong buổi lễ. Sự kiện này khiến khách du lịch tò mò, lễ hội được vùng Navarra của Tây Ban Nha xếp vào di sản văn hóa phi vật thể. Điểm khác biệt là giờ đây những con bò được giao trở lại, và được trả bằng hiện kim.

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats